Trường năng lượng trong tranh, tượng của “kỳ nhân” Ngô Xuân Bính
Học sinh hào hứng vẽ tranh kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam |
Sức lao động sáng tạo tràn đầy năng lượng tích cực
Để đánh giá đầy đủ về nghệ thuật Ngô Xuân Bính có lẽ chính là lời nhận xét của Nguyên Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft: “Có người từng nói “cảm hứng đúng thật tồn tại, nhưng nó phải thấy được sự cần cù ở nơi bạn”. Ở nghệ sỹ Ngô Xuân Bính, cảm hứng đã tìm thấy được một đối tác tâm đầu ý hợp. Rất hiếm để tìm thấy một bộ sưu tập nghệ thuật sâu sắc và ý nghĩa có quy mô như của Nghệ sỹ Bính.
![]() |
Họa sĩ Ngô Xuân Bính bên tác phẩm của mình |
Khi tận mắt chứng kiến các tác phẩm của ông, người ta có thể cảm nhận được niềm đam mê và nghị lực của một con người luôn để dòng cảm hứng tuôn chảy trong mình mà không hề do dự. Điều đó cũng nói lên quy mô tiềm năng sáng tạo được tìm thấy nơi đây và cũng là một lý do thuyết phục khác để nhân đôi nỗ lực thúc đẩy và khuyến khích nghệ thuật ở Việt Nam. Vâng, không chỉ vì lợi ích của một quốc gia mà của toàn cầu".
Đến thăm xưởng vẽ và xưởng điêu khắc của ông, bất cứ ai cũng cảm thấy choáng ngợp trước sức lao động sáng tạo tràn đầy năng lượng tích cực ở ông.
Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo phải thốt lên: “Bất ngờ kinh ngạc đến lạc lối trước nghệ thuật của Ngô Xuân Bính. Kinh ngạc bất ngờ bởi cảm xúc tinh khôi mới lạ, hồn hậu, sinh thực, viên mãn vô thường ập đến. Bính phóng khoáng, hào sảng. Bính tự do, trí tuệ. Bính hồn hậu, phồn sinh. Bính thiên cảm, nhân ái. Trí tưởng tượng dị thường áp ngột cảm xúc thiên phú trời ban.
Ân tình và ngôn ngữ biểu đạt tác phẩm không giống ai, bởi Bính vẽ, Bính nặn và Bính tạc… không từ cái nhìn thấy mà bằng nội lực trong óc - trong tủy. Tôi ngỡ ngàng trước cơ man tác phẩm của ông: Nhà họa sỹ, nhà điêu khắc, nhà bác học”.
![]() |
Công chúng tham quan triển lãm "Ego - người" của họa sĩ Ngô Xuân Bính |
Để hiểu và cảm nhận các tác phẩm hội họa và điêu khắc của Ngô Xuân Bính, trước tiên cần phải hiểu về con người ông. Đó là những tác phẩm nghệ thuật tạo hình được sáng tạo từ đôi mắt của một họa sỹ và nhà điêu khắc yêu quê hương đất nước đến cháy bỏng, từ trái tim nhân hậu của một bác sỹ luôn yêu thương con người tha thiết, từ đôi tay đầy nội lực của võ sư sáng lập ra môn phái võ Nhất Nam, từ tâm hồn bay bổng nhạy cảm của một thi sỹ say đắm với ngôn ngữ mẹ đẻ, từ trí tuệ mẫn tiệp của một giáo sư viện sỹ đầy tài năng luôn mong muốn được cống hiến cho dân tộc cho nhân loại.
Năm 1982, khi mới 26 tuổi sau khi tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội ông đã viết và xuất bản 5 tập sách đồ sộ “Nhất Nam căn bản" - môn phái võ do ông sáng lập. Trong bộ sách ông đã gửi gắm những lời tâm huyết: “Ngay từ những thời kỳ xa xưa, việc rèn tâm luyện võ đâu chỉ dành riêng cho con nhà dòng dõi võ tướng mà là phổ biến rộng rãi trong tất cả các tầng lớp nhân dân, nhất là Nhân dân lao động. Tóm lại, việc học võ của dân tộc Việt Nam đã ăn sâu vào đời sống dân dã, đã trở thành một hình thức sinh hoạt phổ biến, góp phần đưa dân tộc Việt Nam ta thành một dân tộc có tinh thần thượng võ cao”.
Hàng trăm bức vẽ các tư thế võ được ông vẽ tỉ mỉ cẩn thận và đẹp mắt với những lời mô tả và phân tích cặn kẽ , truyền cảm hứng say mê cho các võ sinh. Năm 1988, bộ sách “Nhất Nam căn bản“ đoạt giải “Sách thể thao giá trị nhất và hay nhất” tại triển lãm sách quốc tế tại Ba Lan.
Tài hoa và tinh túy trong từng hình khối, đường nét
Những năm đi điền dã thực tế ở trường Mỹ thuật cùng các bạn đồng môn và Giáo sư Từ Chi đã giúp ông thu nạp một khối lượng văn hóa dân gian phong phú. Khi xem các bộ sách Y học ông viết thì thấy cả một trí tuệ nghiên cứu nghiêm túc cao siêu, kết quả của nhiều năm dày công nghiên cứu và thực hành trong đó phải kể đến các bộ sách chuyên khoa châm cứu “Huyết áp cao và các chứng liên đới”, “Huyết áp thấp và các chứng liên đới - Phương pháp xác định bộ huyệt chữa trị bằng sơ đồ hình học”.
Cuốn sách Y học mà đẹp và cuốn hút bởi hàng trăm hình vẽ minh họa giải phẫu học tỉ mỉ cơ thể con người của họa sỹ Ngô Xuân Bính với ghi chú tỉ mỉ hàng nghìn vị trí huyệt đạo trên cơ thể con người. Năm 2007 Ngô Xuân Bính được trao giải thưởng Y học quốc tế mang tên Nikolay Pirogov, đồng thời được trao tặng huân chương cao quý vì những đóng góp “Lớn lao và đặc biệt” cho sự nghiệp Y học quốc tế.
![]() |
Năm 2010, ông được phong hàm Giáo sư Y học Dân tộc (thuộc Hiệp hội Y học dân gian Liên bang Nga). Năm 2011, ông được phong hàm Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Tự nhiên châu Âu. Cũng trong năm 2010, Viện hàn lâm nghệ thuật tạo hình Liên bang Nga trao tặng ông danh hiệu Viện sĩ danh dự (ở thời điểm được trao phong chỉ có hai người nước ngoài được nhận danh hiệu cao quý này). Năm 2006, họa sỹ Ngô Xuân Bính đoạt giải ARTIADA dành cho những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc nhất tại Liên hoan Nghệ thuật tổng hợp Quốc tế lần thứ 7 tại Mátxcơva.
Tiến sỹ Nguyễn Quang, Giám đốc UN Habitat tại Việt Nam cũng thốt lên khi xem các tác phẩm nghệ thuật tạo hình của Ngô Xuân Bính: “Khác biệt trong từng ý tưởng sáng tạo. Tài hoa và tinh túy trong từng hình khối, đường nét. Công trình hội họa - điêu khắc Ngô Xuân Bính là sự pha trộn tài tình của nhân sinh quan Việt - Á Đông với tư tưởng và tự do và duy lý của phương Tây.
![]() |
Họa sĩ Ngô Xuân Bính bên gia đình và bạn bè |
Mối quan hệ giữa con người với nhau, con người với thiên nhiên là sự hòa hợp giao thoa âm dương, trong âm có dương và trong dương có âm. Ở đó, nội dung, bố cục, màu sắc, vật liệu và hình hài của tác phẩm, dưới bàn tay tài hoa của người nghệ sỹ và tư duy của nhà khoa học, luôn vươn tới sự tự do “ phá cách” và “ đặc dị”. Anh đã đạt đến độ thượng thừa của sự “Vô chiêu”.
Những năm tháng sống, nghiên cứu và thực hành Y học, luyện tập võ thuật đồng hành cùng lao động sáng tạo nghệ thuật đã tạo nên một trường năng lượng phi thường trong các tác phẩm hội họa và điêu khắc của Ngô Xuân Bính. Ngoài "Ego - người" đang diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội, họa sĩ Ngô Xuân Bính cũng từng có các triển lãm gây ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng đó là "Du và Dội" năm 2017 và "Niệm" năm 2019.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Đánh thức sức mạnh mềm, kiến tạo trung tâm công nghiệp văn hóa

Ý chí và niềm tin quyết thắng của người Hà Nội

Mùa loa kèn gọi nắng hè về

Hướng về cội nguồn, khắc sâu hai chữ "đồng bào"

Khu phát triển thương mại và văn hóa "chắp cánh" tinh hoa làng nghề

Lưu giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình truyền thống

Hà Nội: Phát triển thương mại gắn với bảo tồn văn hóa

Phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nếp sống văn minh

75 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa
