Mùa loa kèn gọi nắng hè về
Hoa loa kèn bừng sáng phố phường Hà Nội Nhạc sĩ Đinh Phương Anh duyên dáng bên hoa loa kèn Mùa hoa loa kèn tinh khôi xuống phố... |
Hoa giao mùa
Hồng Liên - cô bạn trẻ vừa ôm bó hoa hoa kèn tạo dáng chụp ảnh vừa nói như vậy. Tôi bật cười bởi cách đặt tên trong trẻo vào thú vị của cô.
Phải rồi, bao người say mê loài hoa trắng tinh khôi chỉ nở rộ vào cuối xuân này. Bao người mua hoa về cắm, bao người chụp ảnh với hoa nhưng chưa thấy ai gọi loa kèn là "hoa giao mùa" một cách duyên dáng như vậy.
![]() |
Hoa loa kèn gọi tháng tư về |
Đúng quá, bởi loa kèn nở vào tháng tư, đó là lúc mùa xuân đã đi đến những ngày cuối của mình trong vòng quay của đất trời. Không khí còn chút dịu mát cuối cùng, còn chút nồm ẩm cuối cùng.
Những làn mây trĩu hơi nước của những tháng mùa xuân đã mỏng dần đi, nắng non đâu đó đã lóe lên mang theo cái oi bức đầu mùa hè. Lúc này, hoa bưởi chỉ còn vấn vương chút mùi hương trên cành, hoa sưa đã tàn từ lâu, hoa xoan, hoa gạo đã rụng xuống cho "bà già cất chăn".
Chỉ còn mình hoa loa kèn "độc diễn" trong không gian rất riêng biệt của mình.
![]() |
Từ nhà ra phố, từ khắp các nhà hàng, khách sạn, cơ quan, công sở và ngay thậm chí tại quán nước vỉa hè nếu may mắn chúng ta có cũng có thể thấy những lọ, những bình hoa với đủ kích cỡ khác nhau.
Sau cuộc hẹn với bạn bè, ăn một bữa nướng như một nghi thức tiễn mùa lạnh đi, Thái Lê (Hà Đông, Hà Nội) vội vàng trở về nhà bởi 100 bông hoa loa kèn đang chờ. Trong ngôi nhà rộng rãi của cô, bốn mùa là hoa. "Mùa loa kèn phải mua 100 bông về cắm cho bõ", Thái Lê cho biết.
Giữa nhà là một bình hoa rất to, góc nhà, bên lò sưởi, góc cầu thang, tùy theo mỗi vị trí và không gian cô cắm những loại bình, lọ với kích cỡ khác nhau. Cả ngôi nhà ngập tràn hoa loa kèn. Thích nhất là gần cửa sổ, nơi đón nắng của mùa mới về, sắc trắng của hoa loa kèn như dẫn theo ánh nắng ở bên ngoài vào, làm bừng lên không gian đầy ấm áp và đẹp mơ màng.
![]() |
Từ nhiều năm nay, hoa loa kèn cũng như hoa sưa, cúc họa mi, đào Nhật Tân... đã trở thành đặc trưng riêng biệt mà cứ nhắc tới là người ta nghĩ ngay đến Hà Nội. Thú chơi hoa, yêu hoa của người dân nơi đây đã nâng niu, biến những đặc sản của mình thành vô giá, trường tồn qua thời gian.
Theo chị Thái Lê, mặc dù đời sống phát triển, có rất nhiều loài hoa lạ, hoa khắp thế giới nhập khẩu về Hà Nội nhưng những loại hoa đặc trưng của mảnh đất này vẫn là thứ "trend" bền vững theo thời gian.
![]() |
Không gian của hoa loa kèn |
Bởi thế, quanh năm cắm hoa nhưng bao giờ cũng vậy, phải là những lọ hoa loa kèn thì mới hoàn tất việc tiễn mùa xuân đi để chuẩn bị đón mùa mới về.
Đợi nắng hè về...
Mùa hoa loa kèn về cũng là lúc những người bán dâu tằm đã gánh những thúng, những mẹt quả tím sẫm, đỏ chói của mình rong ruổi khắp phố phường. Qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ Hà thành, biết bao thức ăn, thức uống có thể chế biến từ dâu tằm ngâm đường.
Siro dâu thì để vào tủ lạnh uống dần qua mùa hè. Bã dâu tằm có thể dùng để rim hạt đác hoặc làm bánh, tất cả đều là món ăn ngon lành cho những cái miệng hảo đồ ăn ngon.
Người ta càng khâm phục sự sắp đặt hết sức tinh tế của đất trời, tự nhiên. Những loại quả ra hoa vào đầu xuân, kết quả và chín rộ vào cuối xuân sẽ dành để làm thức uống giải khát khi mùa hè sang.
![]() |
Những quá nhót chín gợi kí ức thiếu nữ |
Năm nay ở Hà Nội chưa thấy bán quả mơ nhưng bù lại những mẹt nhót chín đỏ có thể gặp ở bất cứ đâu khắp các chợ. Thứ quả yêu thích của các cô gái trẻ giờ thành hoài niệm với những... bà cô. Nhìn con gái ngấu nghiến mài nhót, chấm với muối ớt hoặc chẩm chéo ăn rào rào, chị Minh An (Hoàng Mai, Hà Nội) vừa thích thú vừa tiếc nuối.
Thích thú vì thấy lại được tuổi thanh xuân của mình qua cô gái nhỏ. Hồi ấy ở quê nhà có giàn nhót, dù quả chín hay quả xanh, cứ có đĩa muối ớt là chị và các bạn vặt hết cành nọ đến cành kia. Tiếc nuối là vì thời gian qua đi, sức khỏe mà cụ thể là hàm răng và cái dạ dày không cho phép chị còn thưởng thức lại món ăn thời thiếu nữ nữa.
![]() |
Dù tết Hàn Thực đã qua nhưng những ngày này khắp Hà Nội người bán bột làm bánh trôi, bánh chay vẫn túc tắc bày hàng. Vào mỗi cuối tuần, chị Hương Minh (Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn mua về để trẻ con ngồi nặn.
Trẻ tập làm bánh, trong lúc mẹ cắm hoa một bình hoa loa kèn. Bánh chín, bày ra đĩa xong cũng là lúc mẹ bày bánh bên hoa để chụp một tấm ảnh. "Bánh trôi và hoa loa kèn như có mối duyên kì lạ với nhau. Màu trắng của bánh, màu trắng của hoa "ăn ý" với nhau khiến cho bức ảnh rất sáng và đẹp. Tất nhiên cũng là bởi, đây cũng là hai thứ đều chỉ có vào cuối xuân.
![]() |
Nắng lên chút nữa hoa loa kèn sẽ nhanh héo. Nắng thêm chút nữa viên mật mía kì diệu trong bánh trôi sẽ tan đi, không còn sự thú vị, bất ngờ chờ đợi mỗi khi cắn vào viên bánh nữa. Hai thứ vừa vặn bên nhau mang đến cảm giác dịu dịu khi trời vẫn còn đang man mác, thực sự rất hợp trong không gian này, thời tiết này".
![]() |
Tháng tư, những cành phượng, bằng lăng đang chờ thời để lên lá, lên nụ, chờ hè về. Tháng tư, mùa hoa loa kèn nữa đang trôi đi bằng làn hương rất nhẹ và sắc trắng trong trẻo như làn gió mát đầu hè...
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Đánh thức sức mạnh mềm, kiến tạo trung tâm công nghiệp văn hóa

Ý chí và niềm tin quyết thắng của người Hà Nội

Hướng về cội nguồn, khắc sâu hai chữ "đồng bào"

Khu phát triển thương mại và văn hóa "chắp cánh" tinh hoa làng nghề

Lưu giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình truyền thống

Hà Nội: Phát triển thương mại gắn với bảo tồn văn hóa

Phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nếp sống văn minh

75 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa

Bài 3: Để di tích đền Rừng “tỏa sáng”…
