Khu phát triển thương mại và văn hóa "chắp cánh" tinh hoa làng nghề
"Chắp cánh" tinh hoa nghề truyền thống
Vừa tiếp một đoàn học sinh đến tham quan, trải nghiệm Hợp tác xã mây tre nón lá Thu Hương, nghệ nhân Tạ Thu Hương còn giữ nguyên nụ cười tươi rói và nét mặt rạng rỡ hạnh phúc khi được giới thiệu nét đẹp làng nghề truyền thống làng Chuông đến với thế hệ trẻ. "Tôi yêu công việc này, hạnh phúc từng ngày với việc mình đang làm", chị tâm sự.
![]() |
Nghệ nhân nón lá Làng Chuông Tạ Thu Hương |
Không chỉ thực hiện được ước mơ mang lại cho chiếc nón lá truyền thống của làng một đời sống mới mà nghệ nhân Tạ Thu Hương còn góp phần vực dậy làng nghề khi thành lập Hợp tác xã, mở ra cơ hội cho người làng tăng thêm thu nhập, "giữa lửa" cho Làng Chuông nức tiếng bao đời.
Suốt bao năm qua, chiếc nón theo chân nghệ nhân Tạ Thu Hương tại các hội nghị về phát triển văn hóa Hà Nội, các Lễ hội Thiết kế sáng tạo, các triển lãm làng nghề không chỉ tại Hà Nội mà còn khắp cả nước. Bên cạnh đó, nón lá Làng Chuông còn "chu du" sang tận nước ngoài, trở thành đại sứ về văn hóa Việt Nam.
![]() |
Bởi thế, khi được hỏi về dự thảo Nghị quyết quy định về tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa (thực hiện khoản 7 Điều 21 Luật Thủ đô) và dự thảo Nghị quyết về khu phát triển thương mại và văn hóa (thực hiện khoản 8 Điều 21 Luật Thủ đô) do HĐND thành phố Hà Nội vừa ban hành, nghệ nhân Tạ Thu Hương lại càng thêm hào hứng và phấn khởi.
![]() |
Phu nhân Lê Thị Bích Trân giới thiệu về nón lá in hình hoa sen với Phu nhân Loo Tze Lui do nghệ nhân Tạ Thu Hương (bên trái) thực hiện (Ảnh: Vietnamnet) |
Chị cho biết: "Tôi thực sự rất vui mừng. Luật Thủ đô đã tạo cho Hà Nội những thuận lợi, những ưu thế vô cùng tuyệt vời để phát triển công nghiệp văn hóa. Đối với các nghệ nhân đang từng ngày "giữ lửa" làng nghề như chúng tôi, dự thảo Nghị quyết quy định về tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa và dự thảo Nghị quyết về khu phát triển thương mại và văn hóa thực sự đã mang đến một cánh cửa mới, niềm hi vọng mới cho làng nghề thăng hoa, tỏa sáng và tham dự sâu rộng hơn nữa vào lĩnh vực phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô và đất nước".
Điều nghệ nhân Thu Hương mong muốn bao lâu sẽ sắp thành hiện thực. Bởi lẽ, với sự hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa cũng như khu phát triển thương mại và văn hóa sẽ kết nối được thật nhiều các di sản văn hóa của làng nghề nói chung và các nghệ nhân nói riêng để đông đảo người dân và du khách biết đến nét đẹp của di sản làng nghề truyền thống.
![]() |
Nghệ nhân Tạ Thu Hương giới thiệu nón lá tới bạn bè quốc tế |
Sự mở rộng, tập trung thành hệ thống của di sản Thủ đô sẽ giúp cho hoạt động tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm được phong phú hơn, tăng nguồn thu cho các hoạt động du lịch, thúc đẩy sự phát triển của các làng nghề với các sản phẩm chất lượng hơn, nghệ thuật hơn.
"Tôi là người không ngừng nỗ lực phấn đấu, không chỉ thỏa mãn đam mê với chiếc nón, với làng nghề truyền thống của cha ông mà còn mong muốn tạo ra việc làm, ra việc làm và thu nhập ổn định cho bà con trong vùng, từ đó nuôi dưỡng đam mê, nối dài sức sống cho làng nghề.
Từ Làng Chuông nổi tiếng xưa kia, chiếc nón lá do chị em phụ nữ, do các bà, các mẹ, các cháu nhỏ nâng niu làm ra đã được xuất khẩu đi khắp thế giới, mang theo tâm huyết và tự hào về làng nghề quê hương.
![]() |
Hoạt động trải nghiệm làm nón tại Làng Chuông |
Đó là vinh dự, là niềm vui của bản thân tôi bởi gìn giữ và phát triển được làng nghề trước sự mai một. Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan, ban ngành, cùng với sự nỗ lực của các cá nhân, giờ đây lại được thêm được cụ thể hóa bằng Luật Thủ đô, bằng các Nghị quyết thì đây là sự tạo điều kiện rất lớn để sản phẩm văn hóa được nâng tầm, kết nối và phát triển. Có thể nói, chưa bao giờ nghệ nhân, làng nghề nói chung cũng như các lĩnh vực văn hóa của Hà Nội được "chắp cánh" một cách mạnh mẽ như thế này.
Đây là hạnh phúc và động lực rất lớn của những người làm trong lĩnh vực văn hóa truyền thống như tôi", nghệ nhân Tạ Thu Hương xúc động bày tỏ.
Tạo thành dòng chảy công nghiệp văn hóa mạnh mẽ
Chiếc nón Làng Chuông không còn chỉ là sản phẩm đội đầu mà là những tác phẩm nghệ thuật thực sự. Hơn 100 mẫu mã được nghệ nhân Tạ Thu Hương tìm tòi, phục chế từ những nguyên mẫu cổ của làng nghề truyền thống. Bên cạnh đó, chị cũng tích cực học hỏi, cải tiến, cách tân sáng tạo với những chiếc nón lá bồ đề, nón lá trên lụa, nón lá sen... để loại hình được đa dạng, phong phú hơn, hấp dẫn người dùng hơn.
![]() |
Các mẫu mã nón đa dạng |
"Dù là mẫu mã nào, hình thức nào thì sản phẩm nón lá của chúng tôi vẫn phải giữ vững được nét văn hóa truyền thống, thể hiện tính đậm đà bản sắc của nón Làng Chuông đồng thời tiện lợi, đẹp mắt, gửi gắm những câu chuyện văn hóa trong từng sản phẩm", nghệ nhân Tạ Thu Hương cho biết.
Cùng với sự năng động, nắm bắt thị trường và xu hướng trải nghiệm của du khách, nghệ nhân Tạ Thu Hương đã mở 3 cơ sở cho Hợp tác xã của mình để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cho thị trường du lịch. Một cơ sở đặt tại mặt đường, một cơ sở đặt tại điểm du lịch cộng đồng ở sân đình làng và cơ sở còn lại chị hợp thành từ ba căn nhà với không gian hơn 400m2 cùng khuôn viên, xưởng sản xuất được bài trí đậm nét nghệ thuật cho người đến tìm hiểu về văn hóa truyền thống.
![]() |
Ngày nào 3 cơ sở của chị cũng tấp nập các đoàn khách từ học sinh, sinh viên đến du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Không chỉ nghe giới thiệu về làng nghề truyền thống, tìm hiểu về các mẫu mã nón lá mà du khách còn được trực tiếp trải nghiệm các công đoạn làm ra nón lá Làng Chuông để hiểu về văn hóa truyền thống của Hà Nội, của Việt Nam.
Lượng khách này đến từ nhiều nguồn khác nhau. Có những đoàn do công ty du lịch liên kết với Hợp tác xã đưa đến, có những khách nước ngoài tự tìm kiếm thông tin trên Google và đến với chị. Đối với các đoàn khách có nhu cầu thưởng thức ẩm thực địa phương sẽ đặt online từ trước và chị sẽ lên thực đơn sao cho giá cả hợp lý và giới thiệu thêm được nét đặc sắc của làng quê Thanh Oai.
![]() |
Phát huy nét thanh lịch, chu đáo của người Hà Nội, bao giờ cũng vậy, sau khi kết thúc tour trải nghiệm, chị sẽ hỏi khách có hài lòng không, có điều gì cần góp ý, bổ sung để Hợp tác xã được chu đáo, chuyên nghiệp hơn không?
Đặc biệt, là người từng đi nước ngoài nhiều để triển lãm và học hỏi, chị Thu Hương rất nhanh nhẹn trong sử dụng công nghệ. Đối với du khách nước ngoài tự tìm đến với cơ cở, không có phiên dịch đi cùng như các đoàn khách thông qua công ty lữ hành, chị giao tiếp với họ bằng... Google dịch.
![]() |
Chỉ cần biết họ đến từ quốc gia nào, chị đưa câu hỏi vào điện thoại, thế là hai bên trao đổi với nhau rất thoải mái, cả chủ cả khách đều vui. Khách vui vì được tiếp xúc với nét văn hóa bản địa vô cùng thú vị, được tiếp xúc với chủ nhà mến khách, thân thiện.
Còn nghệ nhân Thu Hương thì vui vì không thử thách nào khó đối với chị, vui vì bản thân chinh phục được những khó khăn, đưa làng nghề vươn xa hơn với sự nỗ lực không mệt mỏi của mình.
Bởi vậy, Luật Thủ đô 2024 khi đi vào cuộc sống, cụ thể là việc thành lập trung tâm công nghiệp văn hóa cũng như khu phát triển thương mại và văn hóa theo nghệ nhân Thu Hương sẽ là một cơ hội lớn để các tinh hoa văn hóa Hà Nội tập hợp, cùng đồng lòng nâng tầm các sản phẩm văn hóa, tạo thành dòng chảy công nghiệp văn hóa mạnh mẽ, đóng góp cho kinh tế Thủ đô.
Tin liên quan
Đọc thêm

Lưu giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình truyền thống

Phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nếp sống văn minh

75 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa

Bài 3: Để di tích đền Rừng “tỏa sáng”…

Tuổi trẻ Thủ đô tích cực tham gia phát triển văn hóa Hà Nội

Dấu ấn Đảng bộ Hà Nội trong phát triển văn hóa và con người

Hà Nội - hình mẫu tiêu biểu kiến tạo môi trường giáo dục thanh lịch, văn minh, hạnh phúc

Tự hào, lạc quan về dư địa, tương lai văn hóa của Hà Nội

Bài 2: Ấn tượng không gian di tích bên sông Hồng
