Đánh thức sức mạnh mềm, kiến tạo trung tâm công nghiệp văn hóa
![]() |
Trình diễn nghệ thuật trên không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm (Ảnh: Phạm Hùng) |
Từ tầm nhìn đến hành động cụ thể
Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Tuyên ngôn ấy khẳng định vai trò sống còn của văn hóa đối với sự phát triển của dân tộc, đồng thời định hướng cho những chính sách lớn nhằm phát triển công nghiệp văn hóa - lĩnh vực giao thoa giữa văn hóa và kinh tế, giữa bảo tồn và sáng tạo, giữa truyền thống và công nghệ.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, công nghiệp văn hóa đã trở thành ngành kinh tế chủ lực ở nhiều quốc gia, đóng góp lớn vào GDP, tạo hàng triệu việc làm và khơi nguồn đổi mới sáng tạo. Với Việt Nam - đặc biệt là Hà Nội, mảnh đất nghìn năm văn hiến - việc phát triển công nghiệp văn hóa vừa là nhu cầu tất yếu, vừa là sứ mệnh mang tính thời đại: Khơi dậy sức mạnh mềm, định hình bản sắc, kiến tạo sự khác biệt và hấp dẫn trong mắt bạn bè quốc tế.
Hà Nội là địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa. Nghị quyết số 09/NQ-TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030" xác định rõ: Công nghiệp văn hóa là ngành kinh tế mới và là đòn bẩy để Hà Nội khẳng định vị thế trong Mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO, hướng tới trở thành trung tâm sáng tạo hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
![]() |
Chương trình nghệ thuật "Âm vang Mê Linh" được kỳ vọng trở thành sản phẩm văn hóa nghệ thuật, du lịch độc đáo |
Để hiện thực hóa khát vọng đó, Hà Nội đã tích cực xây dựng và hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi), được Quốc hội thông qua năm 2024. Trong đó, Điều 21, khoản 7 và khoản 8 là hai quy định quan trọng tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho phát triển công nghiệp văn hóa.
Cụ thể, khoản 7 quy định: “UBND TP Hà Nội có trách nhiệm trình HĐND TP ban hành nghị quyết về tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa”. Từ đó, Dự thảo Nghị quyết về tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa đang được xây dựng, hướng tới thiết lập các thiết chế văn hóa hiện đại, có khả năng thu hút đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy các lĩnh vực như điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật, thủ công mỹ nghệ, xuất bản, thiết kế sáng tạo…
Bên cạnh đó, khoản 8 Điều 21 mở rộng phạm vi phát triển với yêu cầu: “UBND TP Hà Nội xây dựng khu phát triển thương mại và văn hóa nhằm kết nối sản xuất - dịch vụ - sáng tạo - tiêu dùng trong lĩnh vực văn hóa”. Từ đó, Dự thảo Nghị quyết về khu phát triển thương mại và văn hóa đang được triển khai, tạo cơ sở hình thành các quận sáng tạo, công viên văn hóa, không gian đi bộ, khu chợ nghệ thuật và các điểm giao lưu văn hóa đặc sắc.
Một ví dụ tiêu biểu là ý tưởng phát triển công viên văn hóa gắn với các địa danh mang đậm bản sắc truyền thống như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hồ Gươm, Hoàng thành Thăng Long… Đây là điểm nhấn du lịch văn hóa, đồng thời là không gian giáo dục lịch sử - văn hóa sinh động, giúp thế hệ trẻ hiểu và yêu di sản dân tộc.
![]() |
Tiết mục đặc sắc trong chương trình nghệ thuật bán thực cảnh “Chuyện của Sen” |
Tích hợp không gian văn hóa vào phát triển đô thị bền vững
Công nghiệp văn hóa chỉ có thể phát triển nếu có không gian sáng tạo tương xứng. Từ các mô hình như Phố sách Hà Nội, không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, làng nghề Bát Tràng, không gian làng cổ Đường Lâm đến các lễ hội âm nhạc, triển lãm mỹ thuật ngoài trời… có thể thấy rõ nhu cầu về “không gian văn hóa mềm” - nơi hội tụ nghệ thuật, giao lưu, khởi nghiệp - là vô cùng lớn.
Việc tích hợp không gian văn hóa vào quy hoạch đô thị là bước đi chiến lược để xây dựng TP sáng tạo. Không gian văn hóa cần được mở rộng cả về chiều rộng (phân bổ đều ở các quận, huyện) và chiều sâu (chuyên môn hóa theo lĩnh vực: Điện ảnh, thiết kế, trò chơi số…).
Đặc biệt, TP cần tránh quy hoạch chồng chéo, xâm lấn, làm tổn hại đến các di tích lịch sử - văn hóa, đồng thời có cơ chế giám sát việc xây dựng công trình mới để không phá vỡ cảnh quan và bản sắc đô thị.
Một hướng đi khả thi là xây dựng cụm văn hóa sáng tạo tại các khu công nghiệp cũ, nhà máy cũ, xưởng phim… Những không gian từng lỗi thời hoàn toàn có thể tái sinh thành studio điện ảnh, bảo tàng đương đại, thư viện mở hoặc trung tâm nghệ thuật cộng đồng nếu có sự phối hợp hài hòa giữa chính quyền và doanh nghiệp sáng tạo.
![]() |
Mặt khác, công nghiệp văn hóa cần gắn bó chặt chẽ với việc gìn giữ và phát triển văn hóa truyền thống. Các làng nghề như Bát Tràng, Vạn Phúc, Đường Lâm… nếu được hỗ trợ đúng cách sẽ trở thành hình mẫu kết hợp giữa bảo tồn - thương mại - đổi mới sáng tạo. Đây là những nguồn lực vô giá để phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời xây dựng thương hiệu văn hóa đặc sắc cho Thủ đô.
Đến năm 2030, Hà Nội đặt mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước, từng bước vươn ra khu vực. Để hiện thực hóa mục tiêu này, ngoài hành lang pháp lý, cần 3 trụ cột chiến lược: Thứ nhất, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, công nghệ và quản trị sáng tạo.
TP cần đầu tư cho các cơ sở đào tạo nghệ thuật, các chương trình học bổng, hợp tác quốc tế, đồng thời xây dựng mạng lưới mentor, cố vấn, nghệ sĩ tài năng để truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ.
Thứ hai, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp văn hóa thông qua các ưu đãi tín dụng, hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại văn hóa. Đặc biệt, TP cần sớm hình thành quỹ phát triển sáng tạo văn hóa nhằm tài trợ cho các ý tưởng tiềm năng, nhất là trong các lĩnh vực nghệ thuật đương đại, trò chơi số, ứng dụng di sản trên nền tảng số.
![]() |
Tiết mục “Trống cơm” với sự tham gia của NSND Tự Long, ca sĩ Soobin Hoàng Sơn và Cường Seven tại chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai” mang đến nhiều cảm xúc cho khán giả (Ảnh: Đức Thành) |
Thứ ba, nâng cao vai trò của cộng đồng và truyền thông trong việc lan tỏa giá trị công nghiệp văn hóa. Cần xây dựng thói quen tiêu dùng sản phẩm văn hóa Việt - từ phim ảnh, thời trang, âm nhạc đến thủ công mỹ nghệ, ẩm thực. Một xã hội biết thưởng thức và đầu tư cho văn hóa chính là nền tảng cho một nền công nghiệp văn hóa bền vững.
Công nghiệp văn hóa không còn là khái niệm mới mẻ, mà đang trở thành động lực then chốt để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng thương hiệu TP và nâng cao chất lượng sống.
Với chiến lược rõ ràng, hành lang pháp lý vững vàng như Luật Thủ đô 2024, cùng quyết tâm mạnh mẽ của hệ thống chính trị và người dân, Hà Nội đang tiến những bước dài trên hành trình trở thành TP sáng tạo tiêu biểu của Châu Á.
TP Hà Nội cần tiếp tục phát huy vai trò là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội. Thông qua công nghiệp văn hóa, Thủ đô xây dựng môi trường đổi mới sáng tạo, lan tỏa những giá trị văn hóa cốt lõi, vun đắp bản sắc, gìn giữ lương tri và phẩm giá con người Việt Nam. Khi văn hóa được đặt ở vị trí trung tâm của phát triển, thì Hà Nội sẽ thực sự trở thành nơi đáng sống, đáng nhớ và đáng tự hào.
![]() |
Trình diễn áo dài Việt Nam tại không gian phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm (Ảnh: Phạm Hùng) |
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Mùa loa kèn gọi nắng hè về

Hướng về cội nguồn, khắc sâu hai chữ "đồng bào"

Khu phát triển thương mại và văn hóa "chắp cánh" tinh hoa làng nghề

Lưu giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình truyền thống

Hà Nội: Phát triển thương mại gắn với bảo tồn văn hóa

Phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nếp sống văn minh

75 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa

Bài 3: Để di tích đền Rừng “tỏa sáng”…

Tuổi trẻ Thủ đô tích cực tham gia phát triển văn hóa Hà Nội
