Những ý nghĩa, truyền thống tốt đẹp trong “Tết Đoan ngọ xưa và nay”
Trải nghiệm Tết Đoan Ngọ tại Hoàng thành Thăng Long Đặc sắc hoạt động tái hiện nghi lễ Tết Đoan Ngọ xưa tại Hoàng thành Thăng Long Hấp dẫn các hoạt động tái hiện Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa |
Tìm về cội nguồn
Trong văn hóa lễ tết cổ truyền của cha ông ta, từ xưa đã lưu truyền câu ca dao “Tháng tư đong đậu nấu chè. Ăn tết Đoan ngọ trở về tháng năm”. Tết được gọi với nhiều cái tên khác nhau như Đoan ngọ, Đoan dương, Đoan ngũ hay “tết giữa năm” nhưng phổ biến nhất là tết “giết sâu bọ”.
Tết Đoan ngọ được các vương triều tổ chức trang trọng với những lễ nghi mang tính cung đình. Nhà vua uy nghi ngự trên ngai rồng, bề tôi vui mừng chúc tụng.
Nhằm nêu cao tình thần trung nghĩa của các quần thần và chăm lo cho đời sống của Nhân dân, đề phòng thiên tai, địch họa... nhà vua thường làm thơ đề trên quạt để tỏ ý khuyên răn. Theo thông lệ, tết cũng là dịp các bề tôi được ban thưởng.
![]() |
Các hoạt động tại Hoàng Thành Thăng Long giúp người xem tìm hiểu về phong tục đón Tết Đoan ngọ tốt đẹp của Hà Nội và cả nước |
Ngoài dân gian, Tết Đoan ngọ cũng có những phong tục hết sức độc đáo như dâng cúng sản vật của mùa hạ lên ông bà tổ tiên, dùng thức ăn để “diệt sâu bọ” trong người, hái các loại thảo mộc làm trà và thuốc Nam, đeo bùa và chỉ ngũ sắc, dùng lá móng nhuộm móng tay móng chân, mặc áo dấu, bôi rượu hùng hoàng cho trẻ con, treo con giáp tết từ ngải cứu, khảo cây...
Những phong tục này chính là những kinh nghiệm dân gian có nguồn gốc liên quan trực tiếp đến nông nghiệp và thời tiết.
Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa lễ tết truyền thống của dân tộc, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội giới thiệu chuỗi hoạt động nhân dịp tết Đoan ngọ và Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6.
“Tết Đoan ngọ xưa và nay” được trưng bày từ ngày 20/5 theo 2 chủ đề chính với các hoạt động phong phú, đặc sắc.
Phong tục đặc sắc trong dân gian
Không gian trưng bày tết Đoan ngọ dân gian truyền thống được chọn lọc và tái hiện với các phong tục đã đi cùng người dân nhiều đời.
Phong tục thờ cúng các vị thần linh và tổ tiên: Trong truyền thống lễ tết Việt Nam, văn hóa tâm linh luôn được đặt lên hàng đầu. Tết Đoan ngọ là dịp để người nông dân dâng lên trời đất, thần linh, tổ tiên những sản vật trái cây đầu mùa với tấm lòng biết ơn và cầu mong mùa màng không bị sâu bọ phá hoại, con cháu mạnh khỏe, bình an.
![]() |
Trưng bày về Tết Đoan ngọ trong dân gian |
Phong tục “giết sâu bọ”: Tháng 5 Âm lịch ở nước ta, thời tiết rất nóng nực, vi khuẩn, côn trùng phát triển, gây ra dịch bệnh cho con người. Theo quan niệm xưa, trong cơ thể người thường có “sâu bọ” trú ngụ, thường ngày chúng ẩn sâu trong bụng, chỉ vào ngày mùng 5 tháng 5 mới ngoi lên và phải dùng thức ăn để trừ bỏ.
Tại các gia đình, sáng sớm khi thức dậy, phải giết sâu bọ ngay. Mọi người thường ăn 1 quả trứng luộc, một bát rượu nếp, bánh ú tro, bánh đa, chè kê... cho sâu bọ say, ăn tiếp trái cây có hương vị chua chát để sâu bọ chết.
Ngoài ra, nhằm tiêu độc người lớn còn uống rượu hùng hoàng hoặc rượu xương bồ, nước dừa. Trẻ nhỏ khi sâu bọ bị giết có thể gây phản ứng nên bôi vào trán, thóp, rốn hoặc cho uống một chút rượu hùng hoàng hay thần sa để trấn an.
![]() |
Phong tục đeo bùa tua bùa túi, đeo chỉ ngũ sắc: Vào dịp tết Đoan ngọ xưa, người lớn thường đeo cho trẻ nhỏ chùm bùa ngũ sắc (bùa tua, bùa túi) ở ngực và buộc chỉ ngũ sắc ở cổ tay. Các chùm bùa túi được may theo hình các loại quả (khế, đào, phật thủ, ớt, tỏi, hồng, na..), các con vật (con cá, voi), các đồ vật (quạt, thẻ bài, khánh, túi...).
Trong các túi bùa đựng hạt mùi khô, bột hùng hoàng. Dân gian xưa tin rằng: chỉ ngũ sắc ứng với màu ngũ hành giúp trừ tà; bột hùng hoàng xua đuổi rắn rết, hạt mùi kỵ gió, trái cây ngụ ý giết sâu bọ.
Tại Hà Nội, túi bùa và chỉ ngũ sắc được bày bán trên phố Hàng Mụn hoặc dọc đường Cổ Ngư, Hồ Tây xưa. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc, làng Tây Hồ xưa vào dịp tết Đoan ngọ chuyên khâu túi thơm cho trẻ con.
Đặc biệt, các hiện vật trưng bày đã được chúng tôi phục dựng lại theo nguồn tư liệu ảnh của Henri Oger, Nguyễn Văn Huyên; Bảo tàng Quai Branly (Pháp).
Phong tục vào giờ ngọ đi hái các loại thảo mộc về phơi khô để làm trà và thuốc: Ở Việt Nam, ý nghĩa lớn nhất và sâu sắc nhất của tết Đoan ngọ chính là ngày “y dược toàn dân”.
Người xưa cho rằng, giờ ngọ (11h - 13h) ngày Đoan ngọ là dương khí thịnh nhất, dược tính trong các loài cây cỏ đạt đến mức cao nhất nên thường đi hái về băm nhỏ, phơi khô dùng làm trà và thuốc chữa bệnh cho cả năm.
![]() |
Phổ biến nhất là ngải cứu, đinh lăng, ích mẫu, tía tô, bồ công anh, sen, vông, vối, lạc tiên, diệp hạ châu, hoa nhài, hoa hòe... Đặc biệt, dân gian còn lấy ngải kết hình con giáp treo ngải treo trước cửa nhà tránh đau ốm và trừ tà.
Hiện nay, phong tục này vẫn còn duy trì ở một số khu vực nông thôn, đặc biệt là vùng đồi núi nơi còn nhiều loài thảo mộc quý. Trên mảnh đất kinh thành Thăng Long xưa đã hình thành nên các khu phố bán thuốc như phố Hàng Thuốc, phố Lãn Ông và làng trồng cây thuốc nam cổ “nghìn năm tuổi” là Đại Yên (Tây Hồ).
Không gian trưng bày được tái hiện một cách dung dị và chân thực, giúp du khách có thể tiếp cận và cảm nhận được nét độc đáo, ý nghĩa của các phong tục tết của người dân kinh thành xưa.
![]() |
Linh vật rắn của năm Ất Tỵ |
Điểm nhấn của không gian trưng bày là hình tượng con giáp - linh vật rắn của năm Ất Tỵ được kết từ các loại lá cây thân thuộc. Đây là một tác phẩm nghệ thuật đẹp, sáng tạo, trở thành một điểm Check in ấn tượng cho du khách.
Đời sống sinh hoạt cung đình xưa
Văn hóa phi vật thể cung đình Thăng Long xưa, vốn đã diễn ra cách đây hàng nhiều thế kỷ, các nguồn tư liệu ghi chép rất ít. Không gian trưng bày đã góp phần làm sống lại văn hóa phi vật thể cung đình thông qua những diễn giải cụ thể, giúp du khách có thể hình dung ra đôi nét về đời sống sinh hoạt hoàng cung xưa.
Tết Đoan ngọ trong cung đình thời Lê được trưng bày diễn giải qua hệ thống tranh vẽ và mô hình hiện vật phỏng dựng: Các nghi lễ cúng tế tổ tiên, lễ thiết triều, lễ ban quạt, lễ ban yến... được phỏng dựng lại qua hệ thống tranh vẽ dựa trên các tư liệu lịch sử.
![]() |
Không gian trưng bày tái hiện lễ ban quạt xưa |
Tại đây sẽ trưng bày mô hình chiếc quạt lớn trên có đề bài thơ được phỏng dựng nhằm ghi dấu lại sự kiện vua Lê Hiến Tông (1498-1504) làm thơ đề trên quạt vào dịp tết Đoan ngọ để gửi gắm những tâm tư, trăn trở của mình trong việc chính sự, trị vì đất nước.
Không gian lễ ban quạt được phỏng dựng qua mô hình quan Tư lễ ban quạt cho các quan trong triều. Bên cạnh đó, để hiểu hơn về ý nghĩa và vai trò của chiếc quạt trong đời sống hàng ngày. Trung tâm đã phối hợp trưng bày quy trình, dụng cụ làm quạt và bộ sưu tập quạt của nghệ nhân Lân Tuyết.
Bộ sưu tập gồm 2 loại hình quạt: quạt truyền thống (quạt giấy dó châm kim, quạt the hoa văn chổ trìm) và quạt nghệ thuật (vẽ tứ thời, thư pháp và các tích truyện Thánh Gióng, Múa rồng, Tố nữ...).
![]() |
Mô hình các loại quạt |
Bên cạnh đó, để hướng di sản đến gần với cộng đồng, tạo điều kiện cho cộng đồng tiếp cận di sản, “thực hành di sản”; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, Trung tâm phối hợp với các nghệ nhân tổ chức chương trình trình diễn, giao lưu với các chủ đề: Nghệ thuật thư pháp trên quạt; Nghệ thuật kết lá tạo hình.
Các nghệ nhân sẽ chia sẻ những tri thức hay về bộ môn thư pháp và nghệ thuật kết lá tạo hình, đem hiểu biết và niềm vui đến cho du khách và các em học sinh, sinh viên.
Tin liên quan
Đọc thêm

Tour đêm “Tiếng chuông Trấn Vũ” sắp ra mắt có gì đặc biệt?

Doanh nhân trẻ Thủ đô dâng hương tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Hà Nội phát huy giá trị di sản để tiếp tục là điểm đến văn hóa nổi bật

Tình yêu lứa đôi hòa chung lý tưởng của tuổi trẻ

Thanh xuân của những thanh niên tiền trạm trên vùng đất Lâm Hà

Nêu cao văn hóa người Hà Nội ở vùng kinh tế mới Lâm Hà

Hà Nội sẽ tuyên dương 80 "Gia đình văn hóa" tiêu biểu

Bài ca đẹp về lòng sùng đạo, vị tha và yêu chuộng hòa bình

Lan tỏa giá trị người trẻ Hà Nội với việc phát tâm tình nguyện
