Người Hà Nội hào hoa và tràn đầy tình yêu hòa bình
Các nhà thơ Tây Ban Nha "Cùng Việt Nam" khát vọng hòa bình Trân quý cống hiến của cha ông với "Khúc ca hòa bình" Đà Nẵng thả chim bồ câu hòa bình đón đoàn tàu thống nhất |
Chiến đấu hết mình vì tình yêu Tổ quốc
Nói về truyền thống quý báu này, đồng chí Bạch Liên Hương - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội bày tỏ: “Thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước mang trong mình trọng trách lớn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Hà Nội luôn là điểm tựa, là niềm tin, hậu phương vững chắc, luôn hướng về miền Nam với tình cảm thân thương nhất với tinh thần "tất cả vì miền Nam ruột thịt", hết lòng, hết sức cùng cả nước động viên, cổ vũ cuộc đấu tranh kiên cường của đồng bào, chiến sĩ miền Nam, chi viện sức người, sức của cho miền Nam đi đến thắng lợi cuối cùng”.
![]() |
Bà Đặng Thị Ty và bà Nguyễn Thị Sang chia sẻ về khí thế của phong trào "Ba đảm đang" |
Quả thực như thế, suốt chiều dài lịch sử, đặc biệt là trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Hà Nội là cái nôi khởi nguồn phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ, phong trào “Ba sẵn sàng” của thanh niên.
Người Hà Nội hào hoa cầm súng vừa lao động vừa chiến đấu, mang theo tình yêu đất nước, tình yêu với người mẹ Tổ quốc và Thủ đô anh hùng.
Phong trào "Ba đảm đang" được khởi nguồn từ huyện Đan Phượng và trở thành niềm tự hào của phụ nữ Hà Nội. Thông qua câu chuyện của bà Đặng Thị Ty, nguyên Trung đội Trưởng Trung đội Dân quân đập Đáy (Đan Phượng) khán giả đã có thêm những câu chuyện xúc động về phụ nữ Hà Nội đã nêu cao lá cờ gương mẫu, thể hiện bản lĩnh đáng tự hào.
![]() |
Cán bộ chiến sĩ trung đội súng máy 14,5mm huyện Đan Phượng xây dựng trận địa bảo vệ công trình thủy nông Đan Hoài năm 1969 (Ảnh tư liệu) |
Bà Ty kể những ngày tháng hòa mình trong phong trào “Ba đảm đang” của địa phương là quãng thời gian không thể nào quên của cuộc đời bà. Tháng 2/1965, 12 chị em phụ nữ độ tuổi mười tám, đôi mươi, trong đó có bà Ty, được kết nạp Đảng, phân công làm nhiệm vụ trực chiến tại đập Đáy với khẩu súng 12 ly 7.
Họ đã mang sức trẻ, mang tuổi thanh xuân phơi phới của mình sống, cống hiến và chiến đấu hết mình bảo vệ vùng trời của Hà Nội cũng như miền Bắc.
Bà Nguyễn Thị Sang thì mang tới chương trình kí ức hào hùng về tuổi trẻ của mình và đồng đội. Khi mới 20 tuổi bà đã được giao nhiệm vụ phụ trách những đoàn tàu quân sự chở bộ đội vào Nam tiếp viện cho Chiến dịch Mậu Thân năm 1968.
![]() |
Phụ nữ Hà Nội đăng ký tham gia Phong trào “Ba đảm nhiệm” (sau chuyển thành Phong trào Phụ nữ “Ba đảm đang”) tại trường cấp III Yên Hòa, Hà Nội (Ảnh tư liệu) |
“Nhiệm vụ của người trưởng tàu thời bấy giờ là phụ trách chung cả đoàn. Tổ tàu “Ba đảm đang” toàn các đồng chí nữ, có 8 thành viên, phục vụ 13 đến 15 toa. Khi có máy bay địch đánh phá, thành viên tổ tàu phải phát tín hiệu cho tàu dừng kịp thời. Lúc đó, địa điểm hay bị oanh tạc nhất là ga Thanh Hóa”, bà Sang nhớ lại.
Đặc biệt, trong kịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những khoảnh khắc lịch sử do chính các nhân chứng kể lại khiến công chúng vô cùng xúc động.
Một trong những khoảnh khắc đó là thời khắc xe tăng 390 húc đổ cánh cổng Dinh Độc lập, làm nên giây phút lịch sử, đánh dấu sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Ông Nguyễn Văn Tập, người lái chiếc xe tăng 390 bày tỏ: “Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, chúng tôi đã phải trải qua rất nhiều cuộc chiến, đi trên nhiều con đường quanh co, ác liệt, nhưng có lẽ khúc cua đưa xe tăng 390 húc đổ cánh cổng Dinh Độc lập vào trưa 30/4/1975 là khúc cua đẹp nhất của đời tôi”.
Quê hương nâng bước ta đi
Trong khi đó, phong trào “Chiếc gậy Trường Sơn” - xuất phát từ mảnh đất Hòa Xá, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, là minh chứng sống động cho sức mạnh tinh thần, ý chí dân tộc và lòng yêu nước mãnh liệt của những người dân nơi đây.
Những chiếc gậy tre nhỏ bé, khắc tên người ra trận, khắc dòng tin nhắn gửi tiền tuyến, đã vượt qua hàng nghìn cây số Trường Sơn, đồng hành cùng các chiến sĩ, trở thành biểu tượng thiêng liêng của hậu phương lớn hướng về miền Nam ruột thịt.
![]() |
Bộ đội hành quên vượt dãy Trường Sơn (Ảnh tư liệu) |
Đây không chỉ là một hành động mang tính sáng tạo của Nhân dân, mà còn là một biểu hiện tinh thần sâu sắc, thể hiện khí phách và tấm lòng của hậu phương Thủ đô đối với tiền tuyến lớn; là một trong những phong trào độc đáo trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, có sức lan tỏa mạnh mẽ, đầy sức lay động và truyền cảm hứng.
Ông Phùng Văn Mạnh, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hòa Xá cho biết: "Tôi vào chiến trường Tây Ninh, nơi có những vùng nắng cháy da người, còn dấu vết của chất độc hóa học. Chưa kể, những trận mưa rừng ngập hầm. Chúng tôi có 6 người con Hòa Xá lên đường. Trong gian khổ vất vả, sống chết cận kề, mọi người lính chúng tôi vẫn kiên cường, vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ.
"Phong trào Chiếc gậy Trường Sơn có ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần và ý chí chiến đấu của tôi và các chiến sĩ trên đường hành quân. Chiếc gậy không chỉ là vật dụng để chống đỡ trong những chặng đường gian khó, mà là biểu tượng thiêng liêng của niềm tin, tinh thần hy sinh và ý chí kiên cường.
Chiếc gậy luôn nhắc nhở chúng tôi rằng, có gian khổ, vất vả, thì phía sau mình luôn có những người thân ở quê hương Hòa Xá mong đợi, tin tưởng và hy vọng.
![]() |
Tinh thần Chiếc gậy Trường Sơn cũng đã tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi vượt qua mọi gian khổ, nỗ lực chiến đấu, quyết tâm giành chiến thắng, vì một tương lai tự do và độc lập cho dân tộc".
Những năm tháng ấy, “Chiếc gậy Trường Sơn” không chỉ là một vật dụng đồng hành trên những chặng đường hành quân, mà còn là hình ảnh thiêng liêng, là sợi dây nối những người lính xa quê với quê nhà, là niềm tin của hậu phương gửi gắm ra tiền tuyến.
Trong những ngày tháng ấy, truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, nghĩa tình làng xóm như thấm vào từng con người, từng mái nhà, từng giọt máu, trở thành một phần máu thịt không thể tách rời.
Cựu chiến binh Lưu Tiến Tảo, nhân chứng lịch sử chiến đấu tại chiến trường miền Nam, chia sẻ đầy xúc động: “Nhận lệnh lên đường vào Nam chiến đấu, chúng tôi gói ghém ba lô, vai khoác súng, chân đi bộ hàng trăm cây số qua những cánh rừng hiểm trở, đường mòn gập ghềnh...
Hành trang của người lính khi đó đơn sơ lắm, có khi chỉ là một chiếc gậy chặt vội từ cây rừng. Cây gậy ấy theo chúng tôi suốt những cung đường gian khổ, khi gãy, hỏng lại chặt cây mới mà thay, cứ thế từng bước vượt lên thử thách.
![]() |
Ông Phùng Văn Mạnh chia sẻ về phong trào “Chiếc gậy Trường Sơn” ở quê hương Hòa Xá, Ứng Hòa, Hà Nội (Ảnh: Quang Thái) |
Chiếc gậy ấy không chỉ giúp chúng tôi chống chọi với những chặng đường hành quân gian khổ, mà còn là điểm tựa tinh thần trong mỗi trận đánh sinh tử. Dù 4 lần bị thương nặng, đến hôm nay, trên cơ thể tôi vẫn còn mang một mảnh đạn, ý chí tôi chưa bao giờ lùi bước, bởi trong tâm trí luôn có hình bóng quê hương và chiếc gậy Trường Sơn thân thuộc.
Chính chiếc gậy quê hương đã nâng bước chúng tôi vượt qua những thử thách cam go nhất, để cuối cùng góp phần vào chiến thắng vĩ đại, ngày non sông thu về một mối.
Đối với tôi, “Chiếc gậy Trường Sơn” không chỉ là một kỷ vật của quá khứ, mà còn là biểu tượng của niềm tin, của lòng tự hào và là điểm tựa tinh thần vững chắc suốt cuộc đời.
Nó đã tiễn chân, đón chào biết bao lớp thanh niên Hòa Xá lên đường chiến đấu, để rồi có người trở về xây dựng quê hương, có người vĩnh viễn nằm lại chiến trường… và tôi tin, ngay cả trong khoảnh khắc cuối cùng, những người con ấy vẫn cảm nhận được quê hương ở ngay bên mình qua chiếc gậy Trường Sơn mộc mạc nhưng chan chứa nghĩa tình”.
Tin liên quan
Đọc thêm

Yêu Tổ quốc hơn qua những thước phim…

Hơn 50.000 phụ nữ Thủ đô đồng diễn dân vũ chào mừng đại lễ 30/4

Kí ức của các chiến sĩ đội lái xe “tóc dài” Trường Sơn

Bàn giao nhà nghĩa tình mừng 50 năm giải phóng miền Nam

Những người phụ nữ kiên trung phía sau chiến trường bão lửa

Tri ân những nữ chiến sĩ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”

“Hồi sinh” mang đến không gian sáng tạo cho Hà Nội

Hai nghị quyết - một tầm nhìn: Kiến tạo Thủ đô từ chiều sâu văn hóa

Bảo tồn di sản để tự hào về truyền thống lịch sử văn hóa
