Hai nghị quyết - một tầm nhìn: Kiến tạo Thủ đô từ chiều sâu văn hóa
![]() |
Những nguồn lực mới cho văn hóa Thủ đô
"Văn hóa còn thì dân tộc còn". Tư tưởng xuyên suốt và nhất quán của Đảng ta được cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, tiếp tục được quán triệt, phát triển trong tư duy chiến lược của Tổng Bí thư Tô Lâm, nhấn mạnh vai trò của văn hóa như một động lực phát triển bền vững, một nguồn lực nội sinh cho sự nghiệp phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Nói về công nghiệp văn hóa, thể hiện rõ quan điểm và định hướng phát triển lĩnh vực này tại Thủ đô, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh: “Văn hóa đóng vai trò quan trọng trong phát triển Thủ đô. Đảng bộ thành phố luôn quán triệt sâu sắc và vận dụng linh hoạt, sáng tạo những quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa, xây dựng con người phù hợp với điều kiện Thủ đô. Lãnh đạo thành phố Hà Nội các nhiệm kỳ luôn quan tâm đến việc phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội, coi văn hóa là động lực phát triển của Thủ đô”; “Hà Nội sẵn sàng là địa phương thí điểm các chính sách về văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng, trên cơ sở đó làm tiền đề rút kinh nghiệm nhân rộng ra cả nước”; “Cần có quy hoạch tổng thể về văn hóa và công nghiệp văn hóa của cả nước để việc điều tiết quản lý và phát huy thế mạnh của từng địa phương, từng lĩnh vực, tránh tình trạng nhiều địa phương tổ chức lễ hội trùng thời điểm, gây cạnh tranh và triệt tiêu lẫn nhau”.
Những phát biểu của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho thấy, Hà Nội không chỉ xác định rõ vai trò trung tâm của văn hóa trong chiến lược phát triển mà còn thể hiện quyết tâm đi đầu trong việc thể chế hóa công nghiệp văn hóa, tiên phong thí điểm chính sách và đề xuất mô hình quy hoạch mang tầm quốc gia. Đây chính là nền tảng để Thủ đô phát huy vị thế là trung tâm sáng tạo, góp phần kiến tạo một nền kinh tế văn hóa năng động, bền vững cho cả nước.
Trong tinh thần đó, Hà Nội đang tiên phong thiết kế thể chế cho sự nghiệp xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm sáng tạo văn hóa của khu vực, với hai Nghị quyết đang được xây dựng để trình HĐND TP xem xét, ban hành: Nghị quyết về tổ chức và hoạt động của Trung tâm Công nghiệp văn hóa và Nghị quyết về Khu phát triển thương mại và văn hóa.
![]() |
Ảnh minh họa |
Hà Nội là vùng đất hội tụ và lan tỏa. Không phải ngẫu nhiên UNESCO đã ghi danh Hà Nội là "Thành phố sáng tạo" - danh hiệu không chỉ để vinh danh di sản, mà còn là kỳ vọng về tương lai: Hà Nội không chỉ gìn giữ ký ức mà còn dẫn dắt đổi mới văn hóa sáng tạo. Trong bối cảnh Luật Thủ đô sửa đổi đã được Quốc hội thông qua với nhiều quy định mang tính đột phá, hai dự thảo nghị quyết nói trên chính là bước đi thể chế hóa cụ thể, kịp thời và có tầm chiến lược.
Theo dự thảo nghị quyết, Trung tâm công nghiệp văn hóa không chỉ là không gian sáng tạo, sản xuất, trình diễn sản phẩm văn hóa mà còn là đầu mối kết nối chuỗi giá trị, "vườn ươm" khởi nghiệp trong lĩnh vực nghệ thuật - truyền thông.
Trong khi đó, Khu phát triển thương mại và văn hóa sẽ trở thành "phông nền" để người dân, doanh nghiệp và du khách trực tiếp trải nghiệm văn hóa sống, văn hóa di sản và văn hóa sáng tạo ngay trong những phố nghề, làng nghề, không gian mở…
Xây dựng Hà Nội sáng tạo, chúng ta không chỉ cần đầu tư vào hạ tầng cứng mà quan trọng hơn là hạ tầng mềm: Cơ chế, động lực, cách tiếp cận. Vì thế, hai dự thảo nghị quyết là sự cố gắng để thiết kế hạ tầng đó.
Trung tâm công nghiệp văn hóa: Thiết chế trung gian cho sáng tạo
Ngay trong cấu trúc của dự thảo, có thể thấy rõ tư duy "hệ sinh thái" đã được đặt nền tảng. Trung tâm công nghiệp văn hóa không bị giới hạn trong một mô hình pháp lý cứng nhắc mà có thể là doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập… tùy theo điều kiện phát triển và đặc thù dự án. Chính sách cho phép sử dụng tài sản công để cho thuê, nhượng quyền khai thác hoặc đầu tư công - tư kết hợp, sẽ mở ra cơ hội lớn để hình thành các không gian sáng tạo tại các nhà máy cũ, xí nghiệp dừng hoạt động, trụ sở công chưa sử dụng hiệu quả.
![]() |
Phố bích họa Phùng Hưng |
Tổ hợp nghệ thuật VICAS Art Studio ở Hào Nam (Đống Đa, Hà Nội) - không gian kết hợp giữa trưng bày, thử nghiệm, đào tạo và trình diễn nghệ thuật - là ví dụ tiêu biểu cho mô hình trung tâm công nghiệp văn hóa theo cách tiếp cận hiện đại. Nếu được luật hóa và hỗ trợ chính sách, mô hình này hoàn toàn có thể nhân rộng trong các nhà máy cũ ở Thanh Xuân, Gia Lâm, Yên Viên, Đông Anh…
Điều quan trọng nhất là cần xác lập rõ vai trò của trung tâm như một thiết chế trung gian: Kết nối nghệ sĩ với công chúng, doanh nghiệp với sản phẩm sáng tạo, chính sách với thực tiễn đổi mới. Dự thảo cần cụ thể hơn vai trò này trong việc thử nghiệm các mô hình giáo dục nghệ thuật, bảo hộ bản quyền, hợp tác công - tư trong đào tạo nhân lực văn hóa.
Từ kinh nghiệm quốc tế, như ở Hàn Quốc, các trung tâm sáng tạo Dongdaemun Design Plaza hay K-Culture Valley không chỉ là nơi sản xuất sản phẩm văn hóa mà còn là điểm đến du lịch, trung tâm đổi mới giáo dục, vườn ươm khởi nghiệp. Dự thảo cũng nên bổ sung các chính sách ưu đãi thuế, đất đai, vốn tín dụng, kết nối quỹ đầu tư cho các dự án văn hóa.
Một điểm cần làm rõ nữa là: Đơn vị nào sẽ quản lý? Ai sẽ chịu trách nhiệm về hiệu quả? Mô hình ban quản lý công lập điều phối, liên kết với các nhà đầu tư tư nhân theo từng hợp phần, có thể là một lối đi linh hoạt, phù hợp với điều kiện Hà Nội. Cùng với đó, cơ chế đánh giá hiệu quả cần hướng đến không chỉ là doanh thu mà cả số lượng sản phẩm văn hóa được công bố, tác phẩm đoạt giải, tỉ lệ nội địa hóa sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa.
![]() |
Điệu múa trống bồng làng Triều Khúc |
Khu phát triển thương mại và văn hóa: Mô hình quản trị đô thị mới
Không gian công cộng, đặc biệt là các tuyến phố, làng nghề, khu dân cư hiện hữu… là tài nguyên quan trọng cho phát triển thương mại văn hóa. Vì thế, khu phát triển thương mại và văn hóa cần được hiểu không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động kinh tế - văn hóa mà còn là hạt nhân đổi mới mô hình quản trị đô thị: Nơi người dân, doanh nghiệp và chính quyền cùng đồng thuận thiết kế không gian sống, kinh doanh và du lịch văn hóa.
Chính vì vậy, Hội đồng quản lý khu (được dự thảo quy định thành phần gồm đại diện chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các hộ dân và cơ sở kinh doanh) cần được trao cơ chế hoạt động thực chất, có khả năng đề xuất, phê duyệt ngân sách vận hành dịch vụ công cộng tại chỗ (vệ sinh, chiếu sáng, cây xanh, thông tin văn hóa), thậm chí là giám sát đầu tư công.
Tại phố cổ Hội An, mô hình "phố không tiếng động cơ" ban đầu vấp phải không ít phản đối nhưng nhờ có sự đồng thuận của người dân và cơ chế tự vận hành từ cộng đồng, nay đã trở thành điểm nhấn du lịch nổi bật. Tương tự, phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ), phố bích họa Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm) - nếu có cơ chế như dự thảo nghị quyết đề xuất, hoàn toàn có thể được công nhận là khu phát triển văn hóa - thương mại kiểu mẫu.
Một yêu cầu cấp thiết là phải ban hành bộ tiêu chí thiết kế không gian và nhận diện khu phát triển: Từ biển hiệu, màu sắc, cảnh quan, lối đi bộ, không gian biểu diễn, cây xanh… để tránh tình trạng cải tạo hình thức, dẫn đến phá vỡ bản sắc địa phương. Đồng thời, cần có phân loại rõ: Khu truyền thống - khu sáng tạo - khu hỗn hợp… để chính sách hỗ trợ đúng mục tiêu (ví dụ làng gốm Bát Tràng khác với phố Tạ Hiện hay làng cổ Đường Lâm).
![]() |
Du khách tham quan, check-in phố bích họa Phùng Hưng |
Đặc biệt, dự thảo nên làm rõ cách thức lấy ý kiến đồng thuận của cộng đồng: Văn bản, hội họp Nhân dân hay bỏ phiếu điện tử? Cách làm cũng cần công khai, khoa học, tránh hình thức.
Ngoài ra, những hoạt động như kinh tế đêm, chợ phiên, không gian nghệ thuật đường phố, trình diễn di sản phi vật thể nên được khuyến khích bằng chính sách miễn giảm thuế, hỗ trợ truyền thông, thí điểm dịch vụ số hóa (thuyết minh đa ngữ, vé QR…). Cơ chế khuyến khích hộ kinh doanh nhỏ - siêu nhỏ (hàng rong, quán vỉa hè) tham gia dưới hình thức “chợ đêm sáng tạo” cũng có thể là hướng đi đáng cân nhắc.
Nếu văn hóa là “ngọn cờ đầu” của phát triển bền vững thì thanh niên chính là những người sẽ gương cao ngọn cờ ấy trên hành trình đổi mới. Trong bối cảnh kinh tế tri thức và chuyển đổi số, những người trẻ không chỉ là công chúng tiêu dùng sản phẩm văn hóa mà còn là chủ thể sáng tạo, khởi nghiệp, định hình xu hướng văn hóa mới.
Từ các dự án nghệ thuật cộng đồng, các nhóm làm phim độc lập, studio thiết kế, game studio, sản phẩm thủ công hiện đại, ứng dụng văn hóa số… giới trẻ đang biến đam mê thành năng lực cạnh tranh mềm, biến sáng tạo thành nền tảng phát triển kinh tế. Những trung tâm công nghiệp văn hóa và khu phát triển thương mại - văn hóa nếu được hình thành theo đúng tinh thần mở, sẽ là bệ đỡ cho thanh niên khởi nghiệp trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật - truyền thông.
Cần có thêm các chính sách ưu đãi riêng cho thế hệ trẻ: Hỗ trợ thuê mặt bằng, truyền thông, tiếp cận vốn, tư vấn pháp lý về bản quyền, xây dựng thương hiệu văn hóa. Và hơn hết, cần tin tưởng và trao quyền thử nghiệm cho lớp trẻ - những người đang mang trong mình “ADN sáng tạo” và khát vọng góp phần viết tiếp bản sắc văn hóa Thủ đô trong thời đại mới.
![]() |
Sắc màu của lụa - một sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc của Hội An (Ảnh: Quốc Hải) |
Thí điểm thể chế mới cần dám nghĩ, dám làm
Điểm nổi bật của hai dự thảo là tinh thần thí điểm - thử nghiệm - mở đường. Đây là điều rất đáng ghi nhận trong bối cảnh Hà Nội đang tiên phong về thể chế. Việc cho phép nhà đầu tư tư nhân thuê công trình công (theo quy trình công khai, có đánh giá hồ sơ) hoặc thành lập Trung tâm công nghiệp văn hóa theo mô hình PPP, hợp tác xã, là đột phá cần thiết.
Tuy nhiên, để khả thi cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, chỉ yêu cầu những hồ sơ thật sự thiết yếu, không gây khó khăn cho các start-up sáng tạo, nghệ sĩ trẻ. Ngoài ra, dự thảo nên có điều khoản về việc công nhận và hỗ trợ các mô hình đã có sẵn như phố sách Hà Nội, phố đi bộ Hồ Gươm, làng cổ Đường Lâm, làng gốm Bát Tràng… được chuyển đổi thành khu phát triển chính thức nếu đáp ứng điều kiện tối thiểu.
Cùng với đó, cần thành lập tổ công tác liên ngành do Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan để tổ chức đánh giá định kỳ hiệu quả vận hành các trung tâm và khu phát triển. Các tiêu chí có thể gồm: Mức độ hài lòng của người dân, lượng khách tham quan, số lượng sự kiện, doanh thu bình quân, chỉ số bảo tồn và phát huy di sản, mức độ hài hòa giữa phát triển và bảo vệ môi trường...
Trên hết, thành phố cần xác lập cam kết đầu tư dài hạn cho phát triển văn hóa từ ngân sách Nhà nước, đến chính sách khuyến khích xã hội hóa và cả cơ chế huy động nguồn lực quốc tế. Bên cạnh đó là xây dựng đội ngũ làm công nghiệp văn hóa chuyên nghiệp - quản lý được tài chính, biết làm truyền thông, hiểu công nghệ và yêu nghệ thuật.
![]() |
Làng gốm Bát Tràng |
Như vậy, tư tưởng của Đảng ta về phát triển văn hóa mang tầm nhìn rất xa: “Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Văn hóa phải là “ngọn cờ đầu”, là đòn bẩy nâng cao nội lực quốc gia.
Hai dự thảo nghị quyết của Hà Nội về Trung tâm công nghiệp văn hóa và Khu phát triển thương mại và văn hóa là bước đi cụ thể hóa tư tưởng đó trong đời sống thể chế. Khi thể chế thay đổi, cách tiếp cận mới sẽ mở đường cho các mô hình đổi mới văn hóa nở rộ, làm giàu thêm vốn sống của đô thị và nâng cao năng lực cạnh tranh mềm của Thủ đô.
Một lần nữa, văn hóa được nhìn nhận không phải như phần phụ của phát triển mà là trung tâm, động cơ và là điểm khởi phát. Hà Nội đang làm điều đó và tiên phong đi trước cả nước.
Tin liên quan
Đọc thêm

Bảo tồn di sản để tự hào về truyền thống lịch sử văn hóa

"Nguyệt Vũ" - khơi mở cánh cửa tri thức cho trẻ em vùng cao

Giữ gìn văn hóa truyền thống gắn với phát triển công nghiệp văn hóa

Bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc

Đánh thức sức mạnh mềm, kiến tạo trung tâm công nghiệp văn hóa

Ý chí và niềm tin quyết thắng của người Hà Nội

Mùa loa kèn gọi nắng hè về

Hướng về cội nguồn, khắc sâu hai chữ "đồng bào"

Khu phát triển thương mại và văn hóa "chắp cánh" tinh hoa làng nghề
