Thầy giáo mù dạy Pencak Silat miễn phí
|
(TTTĐ) Dù mất đi đôi mắt sáng, hàng ngày phải chiến đấu với bạo bệnh nhưng 5 năm nay, cựu vận động viên Pencak Silat Nguyễn Kim Hoàng vẫn dạy võ miễn phí cho các bạn trẻ tại Hà Nội. Chàng “hiệp sĩ mù” này vừa được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Chương trình Tình nguyện Liên Hiệp Quốc tặng Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia năm 2015.
Cháy bỏng đam mê
Anh Nguyễn Kim Hoàng sinh năm 1978, trú tại Ba Đình, Hà Nội. Trước đây, anh hoàn toàn khỏe mạnh và đem lòng say mê võ thuật. Năm lên 7 tuổi, cậu bé Hoàng đã theo học các lớp võ cổ truyền và sớm bộc lộ năng khiếu võ thuật. Sau 7 năm tập luyện, anh được giao huấn luyện các võ sinh tại Võ đường Thanh Lê.
Anh Nguyễn Kim Hoàng (giữa) nhận Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia năm 2015
Khi Pencak Silat du nhập vào Việt Nam, anh là một trong những học trò được võ sư chọn đào tạo chuyên môn võ thuật này. Năm 1994, Nguyễn Kim Hoàng tham dự giải vô địch quốc gia Pencak Silat đầu tiên. Cũng từ đó, anh là thành viên đội dự tuyển, tập luyện thường xuyên phục vụ các giải thể thao lớn cấp quốc gia, khu vực châu Á...
Bên cạnh niềm đam mê võ thuật, Nguyễn Kim Hoàng còn quyết tâm theo đuổi khoa học máy tính. Vì vậy, chàng học sinh năm ấy thi đỗ vào khoa Công nghệ thông tin của Viện Đại học Mở Hà Nội. Trở thành một sinh viên, Hoàng không tập võ chuyên nghiệp nữa mà chuyển sang hướng dẫn cho đàn em khóa sau. Như vậy, anh có thể sống chung với niềm đam mê võ thuật và theo đuổi chuyên ngành công nghệ thông tin mà anh yêu thích. Nguyễn Kim Hoàng chia sẻ: “Với tôi, học võ là để khám phá cơ thể, nên dù thi đấu hay huấn luyện vẫn rất vui”.
Anh Hoàng kể, thời học đại học, vừa là sinh viên, anh vừa là thầy dạy võ. Hầu như ngày nào chàng sinh viên ấy cũng đi sớm về khuya vì việc học và dạy. Tốt nghiệp đại học, Nguyễn Kim Hoàng bận rộn hơn với công việc, bươn trải cuộc sống áo cơm nên thời gian dành cho võ thuật ít hơn. Tuy nhiên, niềm đam mê của anh không vì thế mà giảm sút, anh vẫn duy trì đều đặn việc dạy võ cho các học viên. “Khi ấy, tôi như một giáo viên thể chất của các trường học. Võ đường sắp xếp lớp ở các trường rồi tôi đến dạy, gần như cả 7 ngày trong tuần”, Nguyễn Kim Hoàng cho biết.
Có thời điểm, phong trào học Pencak Silat nở rộ và thu hút đông đảo các bạn trẻ Thủ đô, lớp học của thầy giáo Nguyễn Kim Hoàng có đến 200 môn sinh. Theo thời gian, nhiều người trong số đó được gọi vào các đội tuyển của thành phố, quốc gia và thành công trên con đường võ thuật.
Vượt lên bi kịch sống có ích cho đời
Cuối năm 2010, anh Hoàng phát hiện cơ thể mệt mỏi, mắt mờ dần. Bác sĩ chẩn đoán, anh mắc phải chứng bệnh suy thận nặng. Căn bệnh quái ác này đã khiến đôi mắt của anh hỏng hẳn một bên và hệ miễn dịch dần đào thải mắt thứ hai, không thể cứu chữa được. Thận cũng hỏng dần, anh phải uống rất nhiều thuốc, dù vậy, cơn bạo bệnh vẫn hành hạ anh đến mất cả vị giác, nôn trớ và mất ngủ suốt thời gian dài.
Đang là một thanh niên, võ sư dũng mãnh và là người trụ cột gia đình lại phải nằm trên giường bệnh, giam mình trong căn phòng chỉ vài mét vuông, Nguyễn Kim Hoàng thấy mình trở nên vô dụng. Cuộc sống gia đình anh túng bấn, khó khăn bộn bề vì tiền của dốc hết vào việc chữa bệnh, anh từng nghĩ đến cái chết cho nhẹ gánh nặng trên vai người vợ trẻ và đứa con thơ.
Lúc ấy, anh Hoàng không quên nhờ cậy một số học trò cứng cáp, thay mình dạy đàn em học võ. Năm 2013, qua cơn nguy kịch của bạo bệnh, những người thân động viên anh tiếp tục theo đuổi niềm đam mê. Thế rồi, anh Hoàng đã mạnh mẽ quay trở lại lớp Pencak Silat cùng học trò yêu quý của mình bằng sự lạc quan và đầy hy vọng.
Anh Hoàng chia sẻ, việc dạy võ tưởng như đã ngấm vào máu thịt nhưng những ngày đầu lên lớp trở lại không hề dễ dàng đối với anh. Ngay một việc đơn giản nhất là di chuyển từ nhà đến lớp, Nguyễn Kim Hoàng cũng không thể tự mình làm được. Anh phải nhờ đến học trò, người thân đưa đón. Bên cạnh đó, mỗi tuần 3 buổi sáng, anh vẫn phải đi chạy thận ở bệnh viện nên cánh tay trái luôn gắn lỗ động tĩnh mạch, nơi máu được lấy ra để chạy thận nhân tạo và sau đó quay trở lại, cùng các biến chứng khác, gây khó khăn mỗi khi anh truyền đạt kiến thức cho học trò. Tuy nhiên, thách thức ấy không làm nản chí vị võ sư mù hết lòng vì niềm đam mê và các học trò.
Môn sinh của thầy giáo Hoàng gồm nhiều lứa tuổi, tính cách, ngành nghề khác nhau. Song, tất cả đều cảm động với tấm lòng của anh. Anh Hoàng chia sẻ: “Niềm tự hào lớn nhất của tôi là khép được các học sinh hư vào khuôn khổ. Nhiều học trò từng rất ngỗ nghịch, gia đình không bảo ban được nhưng khi vào lớp, tôi đã cải tạo được các em”.
Hiện tại, cứ vào các ngày chẵn trong tuần, trừ lúc bệnh tật hành hạ, anh đều đặn đến với các học viên ở lớp Pencak Silat tại trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ngoài ra, anh còn dạy 2 lớp ở công viên Bách thảo và trường THCS Tân Định, quận Hoàng Mai (Hà Nội).
Bệnh tậtđã lấy đi của anh đôi mắt nhưng với bản lĩnh vànghị lực sống không chịu khuất phụcấy đã khiến anh trở thành tấm gương sống cho cácbạn trẻ ngày naysoi vào và nỗ lực vươn lên trước gió bão cuộc đời...
Lê Dung
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Bạn trẻ học kỹ năng cứu nạn, cứu hộ, hỗ trợ cộng đồng

Hơn 200 tình nguyện viên được trang bị kỹ năng cứu nạn, cứu hộ

Tháng Ba, xây nhà, dựng sân chơi tặng thanh thiếu nhi

Bảo Thanh cùng các bạn trẻ cam kết đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn an toàn

An toàn giao thông, vui đón tết Ất Tỵ

Dấu ấn công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi quận Đống Đa

Xuân yêu thương - Tết sẻ chia: Tỏa sáng tình người trong gian khó

Quận Đống Đa chung tay vì môi trường xanh, sạch của Thủ đô

900 lượt thanh niên quận Hoàng Mai ra quân làm đẹp phố phường
