Nhân lên tình yêu Tổ quốc từ cột mốc Trường Sa trên đất liền
Tình yêu Tổ quốc lấp lánh trong "Trái tim của đảo" Tình yêu Tổ quốc trong cuốn hồi ký của bà Nguyễn Thị Bình Kể chuyện về tình yêu Tổ quốc qua những tà áo dài |
![]() |
Mô hình cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa Đông, khi ấy được ông Xuất chia sẻ là để đồng đội khi thấy sẽ nhận ra người quen và có cơ hội trùng phùng (Ảnh Đ.Minh) |
Đà Nẵng có hai con đường rất đặc biệt, mà khi nhắc đến con đường này khó thể tách rời con đường còn lại, đó là đường Hoàng Sa và đường Trường Sa.
Từ năm 2013, đường Võ Nguyên Giáp được đặt tên nằm giữa hai con đường này để tạo thành tuyến đường liền mạch mang ý nghĩa bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Trường Sa ngày ấy thiếu đủ thứ nhưng thừa tình đồng chí, đồng đội
Những ngày cuối tháng 4 lịch sử, chúng tôi tìm đến xưởng đồ mỹ nghệ của ông Trần Văn Xuất (SN 1964), Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh tổ 15A phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn).
Bước vào khu xưởng, đập vào mắt chúng tôi là mô hình cột mốc đảo Trường Sa Đông (thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) được cựu chiến binh xây dựng ngay trong khuôn viên nhà trên tuyến du lịch ven biển đường Trường Sa (TP Đà Nẵng).
Ông tiếp đón chúng tôi bằng nụ cười rạng rỡ in hằn nếp nhăn của năm tháng trên khóe mắt.
Mở đầu câu chuyện, giọng nói trầm ấm nhưng vẫn ánh lên khí thế của người lính trẻ năm xưa, dù tóc đã điểm bạc nhưng vẫn giữ được dáng người chắc nịch, giọng nói sang sảng, ấm áp đậm chất lính biển.
![]() |
Cựu binh Trần Văn Xuất chia sẻ với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô về những ngày tháng nhận nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên đảo Trường Sa (Ảnh Út Vũ) |
Khi nhắc đến Trường Sa, đặc biệt là đảo Trường Sa Đông, ông hoạt bát và say sưa trong từng câu nói. Ông Xuất làm nhiệm vụ trên đảo Trường Sa Đông từ năm 1984 - 1987. Ngày đó, ông cùng đồng đội nhận lệnh ra đảo Trường Sa Đông để xây dựng và canh giữ biển trời quê hương.
Lúc đó, ông được phân công vào Lữ đoàn 146, với chức vụ tiểu đội trưởng DKZ75, vẫn còn nguyên cảm giác rạo rực, lâng lâng của chàng thanh niên trẻ mang nhiều hoài bão đến công tác nơi hải đảo xa xôi.
“Cuộc sống trên đảo lúc đó rất vất vả, thiếu nước uống và rau xanh, định suất mỗi ngày mỗi người được 32 gam thịt hộp, 1 hộp thịt chia 7 người ăn trong ngày, thiếu vitamin thỉnh thoảng y sĩ phát cho mấy viên B, C là trụ được. Đời lính chỉ mong có được bộ quần áo hoàn thiện.
Trong khó khăn, ai nấy đều mặc quần đùi, giặt bằng nước biển nên mặc vài ba tháng là mục hết, dép không có mà đi, tôi và đồng đội cứ đợi ở biển trôi vào đôi dép xốp nào sẽ dùng 3 chiếc đóng lại thành một chiếc rồi lội dưới san hô.
Những năm tháng đó, chúng tôi đã nếm trải đủ các cung bậc cảm xúc, không còn thiếu thứ gì…”, ông Xuất cười nói.
Nhắc lại kỷ niệm xúc động, ông cùng các chiến sĩ trên đảo Trường Sa Đông được gặp và trò chuyện với Phó Đô đốc Hải quân Việt Nam Giáp Văn Cương.
“Lúc đó, 31 người chúng tôi không có đồ để mặc, tôi đang đứng gác nhưng cũng chỉ mặc chiếc quần đùi, cởi trần thì ông Giáp Văn Cương bước tới bên cạnh và hỏi han.
Sau khi ân cần hỏi thăm, ông nói với tôi “chúng tôi sẽ không quên các anh” mà cho tới bây giờ, cứ mỗi lần nghĩ lại, tôi cảm thấy xúc động và tự hào vì mình là lính Trường Sa”, ông Xuất bồi hồi nhớ lại.
![]() |
Cựu binh Trần Văn Xuất trong một lần được ra thăm lại Trường Sa thân yêu |
Tháng 5/1987, ông xuất ngũ về địa phương, dù công việc kinh doanh rất bận rộn nhưng tình cảm của ông không bao giờ phai nhạt.
“Mỗi lần đứng trước biển, thời tuổi trẻ của tôi như hiện ra trước mắt. Tôi nhớ đồng đội từng cùng nằm gai nếm mật. Vì cuộc sống mưu sinh, tôi và đồng đội không thể giữ liên lạc với nhau để biết được ai còn, ai mất”, ông Xuất tâm sự.
Một ngày, tình cờ ra biển trong sương sớm, ông bắt gặp hình ảnh con thuyền lớn đang giong buồm ra khơi, nỗi nhớ về đảo Trường Sa, về những tháng ngày đầy ắp kỷ niệm với đồng đội cứ thế cuộn về nôn nao.
Mỗi người trẻ hãy là một “cột mốc chủ quyền sống”
Từ năm 2005, ông Xuất quyết tâm lặn lội khắp từ Bắc chí Nam để tìm lại những đồng đội đã đóng quân tại đảo Trường Sa Đông trước đó; hy vọng du khách đến với Đà Nẵng sẽ biết đến cột mốc chủ quyền Trường Sa Đông trên đất liền, từ đó đồng đội của ông biết để liên lạc.
Tháng 10/2007, ông Xuất bắt đầu làm theo nguyên bản cột mốc ở ngoài đảo Trường Sa Đông.
Bốn mặt của cột mốc này đều khắc dòng chữ lớn Đảo Trường Sa Đông, với chiều cao 6m, rộng 1,5m, Vĩ độ 08 55’ 00”N, Kinh độ 112 21’00E, kinh phí xây dựng gần 200 triệu đồng.
Xung quanh đế của cột khắc bốn bức bằng khen, kỷ niệm chương mà người cựu binh này vinh dự nhận vì đã có nhiều cống hiến trong sự nghiệp bảo vệ biển đảo Tổ quốc.
![]() |
Ông Xuất dành riêng một căn phòng để lưu trữ các hiện vật ông và đồng đội sử dụng trên đảo Trường Sa Đông, trong hình là tờ báo Phú Khánh xuất bản ngày 29/3/1988 (Ảnh Đ.Minh) |
Bên cạnh cột mốc, ông Xuất trồng hai cây bàng vuông được đồng đội mang về từ đảo Trường Sa. Một cây do nguyên Chính ủy Vùng 4 Hải quân Đặng Minh Hải tặng năm 2009 và một cây khác do nguyên Trung đội trưởng đảo Trường Sa Đông Đào Tất Thắng tặng năm 2011.
Sự lặng thầm không mệt mỏi ấy đã được đền đáp xứng đáng khi ông tìm được và nối liên lạc được với 30 đồng đội ngày ấy, tuy vậy 2 đồng chí đã mất.
“Ai cũng nói tôi gàn dở. Vợ con cũng phản đối ghê gớm lắm, hàng xóm thì nói tôi khoa trương. Không ai hiểu tôi muốn làm gì nhưng tôi cứ bắt tay xây dựng. Sau này, nhờ cột mốc mà tôi tìm được những đồng đội còn lại.
Năm 2012, sau bao năm xa cách, tất cả chiến sĩ Trường Sa ngày ấy hội ngộ lần đầu tiên dưới chân mô hình cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa Đông, vỡ òa cảm xúc lẫn nước mắt hạnh phúc. Lúc ấy mọi người mới thấy hết được ý đồ của tôi là sự thật”, ông Xuất bộc bạch.
Để kịp thời động viên, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, sau khi hoàn thành tâm nguyện tìm đủ đồng đội cùng sống, công tác trên đảo Trường Sa Đông, ông Xuất đứng ra thành lập Ban Liên lạc Bộ đội đảo Trường Sa Đông thời kỳ 1980 - 1990, với khoảng 80 thành viên thuộc 18 tỉnh, thành trong cả nước.
Từ đó đến nay, năm nào ông Xuất cũng tổ chức đồng đội họp mặt, tuy không ra thăm được Trường Sa nhưng có thể quây quần bên cột mốc chủ quyền Trường Sa trước nhà ông để hồi tưởng lại ký ức.
![]() |
Cuộc hội ngộ của nhiều cựu chiến binh từng công tác ngoài đảo Trường Sa Đông thời kỳ 1980 - 1990 |
Ban Liên lạc còn hỗ trợ, giúp đỡ những hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Ngoài ủng hộ toàn bộ chi phí cho các lần họp mặt, đến nay ông Trần Văn Xuất đã hỗ trợ 15 hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn từ 10 - 15 triệu đồng/người để phát triển kinh tế, sửa chữa nhà ở...
“Ngày xưa khổ hơn bây giờ, lính đảo giờ đã tự túc được rau nhờ giống, đất mang từ đất liền. Chúng tôi vẫn luôn nhớ về những người đồng đội năm ấy, đã cùng nhau giành lại chủ quyền biển đảo, để có Trường Sa vững chãi như hôm nay, bao tấm gương đã anh dũng ngã xuống.
Từng sống ở Trường Sa tôi mới hiểu hai chữ Tổ quốc thiêng liêng và quý giá nhường nào. Sau xuất ngũ, tôi rất hạnh phúc vì được ra thăm lại Trường Sa thân yêu.
Tôi có niềm tin vững chắc về sức mạnh của thế hệ trẻ, luôn xung kích, đi đầu, cống hiến sức mình giữ vững chủ quyền biên cương, biển đảo” giọng ông Trần Văn Xuất chắc nịch.
Ngày 23/6/2016, tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao bằng xác lập kỷ lục “Mô hình cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa Đông bằng đá hoa cương trên đất liền lớn nhất” cho ông Trần Văn Xuất.
Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng quần đảo Trường Sa (29/4/1975 - 29/4/2025), thuộc huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), ông Xuất mong muốn mỗi người trẻ là một “cột mốc sống”, cột mốc dù ở trên đảo hay đất liền đều mang thông điệp nhất quán, trước sau như một: Khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa cũng như Hoàng Sa.
Đó chính là biểu tượng tinh thần vô giá, khơi dậy tinh thần yêu nước và niềm tự hào dân tộc.
Với riêng thế hệ trẻ hôm nay, được nghe nói nhiều về biểu tượng cột mốc chủ quyền Trường Sa nhưng chưa ra đảo lần nào. Mô hình này phần nào giúp rút ngắn khoảng cách đất liền và hải đảo, tiệm cận với những hiểu biết về Trường Sa thân yêu.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Hà Nội chi hơn 381 tỷ đồng tặng quà gia đình người có công

Đầu tư đường kết nối cầu Tứ Liên hơn 5 nghìn tỷ đồng

Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án cầu Ngọc Hồi

"Địa chỉ đỏ" rộn ràng mừng ngày giải phóng

TP Hồ Chí Minh dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ Anh hùng liệt sĩ

30/4 – Đất nước trọn niềm vui

Hà Nội nâng mức phạt vi phạm về môi trường và đất đai

Quảng Nam: Điểm mặt 27 dự án, công trình đang ì ạch thi công

Doanh nghiệp tiếp sức tinh thần cho lực lượng diễu binh
