Những người phụ nữ kiên trung phía sau chiến trường bão lửa
Tôn vinh thế hệ nữ anh hùng cách mạng, cống hiến cho Tổ quốc Lan tỏa giá trị văn hóa, khẳng định vai trò người phụ nữ Việt Tri ân những nữ chiến sĩ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” |
Chiến tranh không chỉ hiện hữu nơi mặt trận. Sau những chiến công, sau khói lửa, còn có những mất mát lặng thầm - nơi hậu phương vẫn có những con người âm thầm gánh vác phần gian khó không kém gì tiền tuyến.
Nếu chiến trường là nơi bão lửa, nơi người lính giữ vững tay súng bảo vệ từng tấc đất quê hương... thì hậu phương chính là nơi gìn giữ những ngọn lửa âm thầm - lửa của yêu thương, chờ đợi và hy sinh.
Vợ chồng bà Phan Thị Kim Song và ông Cao Văn Thành - thương binh nặng 1/4 là một điển hình. Bà Song đã chờ đợi ông Thành suốt những tháng năm chiến tranh đến khi chồng trở về thì bị thương nặng, mù hai mắt nhưng bà Song vẫn ở bên cạnh cùng chồng đắp xây cuộc sống hạnh phúc bền bỉ.
![]() |
Vợ chồng bà Phan Thị Kim Song và ông Cao Văn Thành - thương binh nặng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước |
Bà Phan Thị Kim Song xúc động chia sẻ: “Chồng tôi, thương binh ¼, có vết thương đặc biệt là mù hai mắt, trong cơ thể có rất nhiều mảnh đạn. Vợ chồng tôi năm nay 75 tuổi, có sự trùng hợp là sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm mà đến khi đăng ký kết hôn mới biết.
Chúng tôi học cùng lớp, cùng trường ĐH Bách Khoa Hà Nội. Khi đất nước chiến tranh ác liệt, anh Thành theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, lên đường nhập ngũ”.
Bà Song cũng như bao người phụ nữ lúc bấy giờ trong lúc tiễn người yêu lên đường nhập ngũ đều hứa hẹn: “Các anh cứ yên tâm chiến đấu, khi đất nước giải phóng hết sạch quân thù, trở về quê hương, đã có chúng em chờ đợi…”.
Ông Thành lên đường huấn luyện khẩn cấp, được chuyển vào Nam chiến đấu. Thời kỳ ấy, ông vẫn viết thư về động viên bà, kể chuyện chiến trường, những đêm ông cầm súng đứng gác, những cuộc chiến ác liệt... Còn bà kể chuyện học tập ở trường…
Một hôm, bà nhận được một bức thư chỉ vài dòng nguệch ngoạc, không giống chữ ông thường ngày: “Song, anh bị thương, anh chuyển ra Bắc điều trị. Em cứ yên tâm học tập”.
Chỉ vỏn vẹn vậy, bà đã cố gắng tìm địa chỉ nơi ông điều trị là Bệnh viện 108. Bà vào thăm ông, nhìn thấy ông toàn thân băng bó, mắt và đầu đều băng bó. Nghe người bạn cùng phòng nói có người đến thăm, ông hỏi: “Ai đến?”. Mọi người bảo: “Song”. Ông bật dậy: “Các đồng chí đừng lừa tôi, Song đang học, cô ấy còn không biết địa chỉ…”.
Lúc đó, bà nghẹn ngào: “Anh không nhận ra em à, em là Song đây”. Tiếng nói của tôi lạc trong nước mắt. Anh khóc, nước mắt tuôn trào qua những lớp băng. Tôi động viên anh cố gắng lên, em ở đây với anh”.
Những ngày ở bệnh viện, bà tranh thủ đến thăm ông, xin y tá hộ lý được chăm sóc ông. Họ bảo đó là việc của y tá, bà phải xin phép, họ mới đồng ý. Hàng ngày, bà thay rửa vết thương, bón cháo, cho ông uống thuốc… Ông buồn vì mất mát quá lớn. Lúc đó, bà cứ động viên ông, cứ yên tâm điều trị, đừng khóc mà ảnh hưởng vết thương.
“Rồi chúng tôi tổ chức đám cưới… Chúng tôi có ba con, 1 trai 2 gái. Cháu đầu lòng bị nhiễm chất độc hoá học. Trong cuộc sống hiện tại, dù còn rất vất vả nhưng chúng tôi đã vượt qua tất cả. Tôi động viên anh để vượt lên chính mình, tham gia công tác xã hội. Ngoài công tác ở cơ quan, tôi về nhà chăm sóc chồng con, rất bận rộn nhưng anh cũng luôn động viên tôi”, bà Song kể.
![]() |
Thương binh Cao Văn Thành chia sẻ về những năm tháng khó khăn của gia đình ông |
Nghe những chia sẻ của bà Song, ông Cao Văn Thành xúc động nói: “Trong chiến tranh, người phụ nữ là thiệt thòi nhất. Tôi may mắn khi tôi đi bộ đội thì Song nhận lời yêu tôi. Năm 1972 chiến trường ác liệt, tôi chiến đấu ở Quảng Trị. Chúng tôi liên lạc với nhau qua những cánh thư. Giữa cái sống cái chết, chúng tôi nhận được thư của hậu phương thì hạnh phúc lắm.
Khi tôi bị thương thì Song viết thư động viên và khẳng định: “Dù anh có bị thương hay như thế nào thì em vẫn mãi luôn ở bên anh”. Tình yêu chung thủy của Song làm lòng tôi se lại, tiếp thêm động lực để tôi vượt lên cuộc sống. Tôi đã nỗ lực vươn lên học tập, công tác với sự đồng hành của người vợ yêu thương mình”.
Thời bình, bà Song hỗ trợ ông tham gia các hoạt động xã hội, từ việc thành lập Hội người mù Việt Nam, đến giúp các hội viên học chữ nổi… Con gái đầu của ông bà nhiễm chất độc da cam, không nói, không nghe được. Bà Song đứng ra làm phiên dịch cho cả bố và con. Vượt qua tất cả, bà vừa làm kỹ sư, với mức lương vừa ra trường còn thấp, vừa nuôi chồng con, chịu thương chịu khó…
“Tôi cảm thấy may mắn và biết ơn người vợ hiền tảo tần mang lại hạnh phúc cho gia đình tôi”, ông Thành nói.
Câu chuyện của gia đình bà Song là một trong muôn vàn câu chuyện của phụ nữ Việt Nam thời chiến, là câu chuyện của tình yêu, tình thương nhưng đó cũng là trách nhiệm của người phụ nữ Việt Nam đối với đất nước khi có bạn đời, người yêu tham gia kháng chiến.
Sự hy sinh của họ đã xây lên một bức tường thành vững chắc, để những người nơi tiền phương yên tâm chiến đấu, mang hết sức bình sinh phụng sự và bảo vệ sự bình yên, vẹn toàn lãnh thổ đất nước.
Tin liên quan
Đọc thêm

Tri ân những nữ chiến sĩ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”

“Hồi sinh” mang đến không gian sáng tạo cho Hà Nội

Hai nghị quyết - một tầm nhìn: Kiến tạo Thủ đô từ chiều sâu văn hóa

Bảo tồn di sản để tự hào về truyền thống lịch sử văn hóa

"Nguyệt Vũ" - khơi mở cánh cửa tri thức cho trẻ em vùng cao

Giữ gìn văn hóa truyền thống gắn với phát triển công nghiệp văn hóa

Bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc

Đánh thức sức mạnh mềm, kiến tạo trung tâm công nghiệp văn hóa

Ý chí và niềm tin quyết thắng của người Hà Nội
