Những người chứng kiến không hỗ trợ tài xế taxi bắt giữ tên cướp có thể bị xem xét xử lý trách nhiệm?
Sự việc xảy ra vào chiều 16/5 trên đường Cienco5, khu đô thị Thanh Hà (huyện Thanh Oai, Hà Nội). Nhiều người chứng kiến nam tài xế taxi bị thương tích nhưng vẫn cố gắng khống chế tên cướp, trong khi một số người trong đó có một người mặc áo chống nắng, quần cảnh phục vẫn dửng dưng đứng bấm điện thoại.
Khi đã ghì được tên cướp xuống đường, nam tài xế taxi hô hoán mọi người giúp đỡ bắt giữ tên cướp: “Giúp em với, em bị nó đâm vào ngực rồi…". Một lúc lâu sau, có một người dân vào hỗ trợ, khống chế tên cướp. Sau đó nam tài xế taxi được một người dân đưa vào Bệnh viện 103 cấp cứu.
Chiều tối cùng ngày, cảnh sát đã làm rõ danh tính đối tượng dùng dao chọc tiết lợn đâm trọng thương tài xế taxi là Đặng Phạm Sáu (sinh năm 1970 ở huyện Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá). Theo thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hoá, Đặng Phạm Sáu là đối tượng đang bị truy nã vì gây ra vụ án giết người tại trị trấn Cẩm Thuỷ ngày 23/4/2021.
![]() |
Chứng kiến sự việc nam tài xế taxi vật lộn với tên cướp, người đàn ông mặc quần cảnh phục chỉ đứng bấm điện thoại |
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về sự việc trên, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Pháp luật quy định cho phép mọi công dân đều được bắt người phạm tội quả tang. Trong vụ việc trên đối tượng sử dụng hung khí là dao nhọn gây nhiều thương tích cho tài xế taxi nhưng anh này vẫn cố gắng vật lộn với tên cướp để bắt giữ.
Phải mất một thời gian khá lâu thì nạn nhân (mặc áo trắng dính nhiều máu) mới khống chế được tên cướp, khi đó mới có người dân vào can thiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, khi chứng kiến sự việc nguy cấp, cần hỗ trợ như vậy nhưng có một số người xung quanh, trong đó có một người mặc áo chống nắng, quần cảnh phục lại dửng dưng như không có chuyện gì xảy ra, thản nhiên nhắn tin, gọi điện mà không có bất cứ hành vi nào can thiệp hỗ trợ nạn nhân.
Thái độ ứng xử của một số người xung quanh và người mặc quần cảnh sát này làm người xem clip khá bất ngờ và bức xúc. Hành vi này là không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội và còn không phù hợp với pháp luật. Giúp đỡ người đang gặp hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn là trách nhiệm của công dân, là đạo đức làm người. Bất cứ ai khi thấy người khác đang gặp hiểm nguy, khó khăn, hoạn nạn thì cũng động lòng thương cảm, lo lắng và sẵn sàng ra tay giúp đỡ dù không quen biết gì với nạn nhân.
![]() |
Luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm vụ việc tài xế taxi khống chế, bắt giữ tên cướp |
Cũng theo luật sư Cường, trong tình huống tài xế taxi bị tên cướp đâm trọng thương, anh này đã vật, giữ được đối tượng ra đường. Tên cướp vùng vẫy chống trả, tình huống này rất cần có sự hỗ trợ của người khác để khống chế bắt giữ, tránh việc tên cướp có thể tiếp tục gây thương tích, thậm chí sát hại nạn nhân và những người xung quanh.
Tuy nhiên, nhiều người trong đó có cả người mặc cảnh phục cảnh sát lại đứng xem như không phải chuyện của mình. Đây là chuyện hết sức đáng trách. Nếu 2-3 người cùng lao vào bắt giữ tên cướp thì tính mạng của nạn nhân đã được bảo toàn, đối tượng không có cơ hội chống trả và sẽ không dám chống trả...
Vẫn biết rằng đối tượng gây án trong tình huống này là côn đồ, hung hãn, manh động, có hung khí, có thể gây nguy hiểm cho người bắt giữ tuy nhiên nạn nhân là anh lái xe taxi đã cơ bản khống chế được đối tượng. Anh này đang cần là có người hỗ trợ giúp đỡ. Người khác lao vào khống chế giúp đỡ nạn nhân trong tình huống này rất ít nguy hiểm và đó là trách nhiệm, là lương tâm con người. Tuy nhiên không hiểu lý do gì mà những người xung quanh lại không cứu giúp. Rất khó để có thể lý giải diễn biến tâm lý và suy nghĩ nhận thức của những người này. Có thể nói đây là hành động vô cảm, thiếu đạo đức, thiếu trách nhiệm và có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Pháp luật quy định người nào thấy người khác đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, bản thân có điều kiện giúp đỡ nhưng không cứu giúp dẫn đến nạn nhân thiệt mạng thì người không cứu giúp trong tình huống này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự có thể hình phạt đến 2 năm tù, với người có trách nhiệm giúp đỡ nạn nhân, nghề nghiệp đòi hỏi phải giúp đỡ nạn nhân mà không cứu giúp nạn nhân thì có thể bị xử lý đến 5 năm tù. Cụ thể tội danh và hình phạt được quy định tại Điều 132 Bộ luật Hình sự năm 2015 "Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng".
![]() |
Sự việc xảy ra có khá đông người chứng kiến nhưng chỉ có một người vào hỗ trợ giúp tài xế taxi |
Như vậy, trong tình huống trên cơ quan điều tra sẽ xử lý đối tượng gây án về tội giết người, cướp tài sản đồng thời cũng xem xét đến hậu quả của sự việc, trong đó có sức khỏe, tính mạng của nạn nhân. Trong trường hợp nạn nhân không chết thì đối tượng đã đâm dao vào ngực nạn nhân cũng sẽ bị xử lý về tội giết người.
Còn trường hợp nạn nhân tử vong thì ngoài đối tượng gây án, cơ quan điều tra cũng sẽ xem xét trách nhiệm của những người đã chứng kiến sự việc này nhưng không có hành động cứu giúp. Với những người dân thường, thấy cảnh nạn nhân vật lộn với tên cướp, bản thân có khả năng cứu giúp nhưng không cứu giúp nạn nhân, cuối cùng hậu quả nạn nhân tử vong thì sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 132 Bộ luật hình sự năm 2015 với mức hình phạt lên đến 2 năm tù.
Còn với vị cảnh sát, người có nhiệm vụ cứu giúp nạn nhân, nhận thức được việc họ đang gặp nguy hiểm, có điều kiện mà không tham gia hỗ trợ, cứu giúp dẫn đến nạn nhân thiệt mạng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội danh nêu trên với mức hình phạt đến 5 năm tù.
“Theo thông tin từ phía cơ quan chức năng thì người mặc cảnh phục trong clip là đại uý công an và đã bị xử lý kỷ luật cảnh cáo. Tôi cho rằng hình thức kỷ luật cảnh cáo là vội vàng và chưa tương xứng với tính chất của sự việc. Cần phải xem xét đến hậu quả nạn nhân để xem xét trách nhiệm pháp lý, đồng thời áp dụng hình thức kỷ luật nghiêm khắc thì mới đủ sức răn đe, mới giữ gìn được hình ảnh của người chiến sĩ công an trong lòng quần chúng Nhân dân.
Trong khi rất nhiều cán bộ, chiến sỹ không quản ngày đêm vất vả, hy sinh, dũng cảm đấu tranh với tội phạm thì người chiến sĩ công an nhìn thấy tội phạm trước mắt nhưng vẫn dửng dưng, vô cảm như không thì không xứng đáng tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trong lực lượng vũ trang”, luật sư Đặng Văn Cường nói.
Điều 132. Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm; b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp. 3. Phạm tội dẫn đến hậu quả 2 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm. |
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Sản xuất, buôn bán thuốc giả sẽ đối diện mức án cao nhất

Hội tụ các yếu tố của tội phạm kinh tế đặc biệt nghiêm trọng

Xử lý nghiêm người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật

Cần lập “hàng rào” an toàn cho trẻ em

Báo động tình trạng gia tăng tội phạm vị thành niên

Bổ sung quy định về chế độ, chính sách đối với sĩ quan Quân đội nghỉ hưu, chuyển ngành

Công bố thành lập Chi nhánh Văn phòng Luật sư tại tỉnh Khánh Hòa

Công ty Luật Tín Minh hỗ trợ giải quyết tranh chấp lao động

Từ ngày 1/3, người Hà Nội xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp ở đâu?
