Tuồn lợn bệnh ra thị trường sẽ đối diện hình phạt nghiêm khắc
Như báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin, quá trình điều tra 3 vụ án hình sự về tội “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm”, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và quyết định tạm giữ hình sự đối với Lê Văn Tươi, Đặng Văn Huy, Nguyễn Viết Chiếm và Dư Đình Hợi.
Bên cạnh đó, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Phòng 3, Viện kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội trong quá trình thu thập, kiểm tra, đánh giá toàn diện các tài liệu, chứng cứ có liên quan. Ngày 8/7, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm” theo quy định tại Điều 317 Bộ luật Hình sự.
![]() |
Tổ công tác liên ngành kiểm tra thu giữ số thịt lợn nhiễm bệnh tại kiot trong chợ |
Sau khi vụ việc được thông tin, dư bày tỏ bất bình trước hành vi của các đối tượng đã coi thường sức khoẻ của người khác, vì lợi nhuận sẵn sàng đưa lợn mắc bệnh cho thực khách. Nhiều người đề nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng liên quan, đồng thời có những biện pháp để bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng.
Giải đáp những băn khoăn của bạn đọc về việc các đối tượng tuồn lợn bệnh cho người tiêu dùng sẽ bị xử lý thế nào? Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Nếu biết rõ những con heo này mang bệnh, nhưng vẫn bán ra thị trường thì hành vi đủ căn cứ để xử lý hình sự.
Theo luật sư Cường, pháp luật quy định hành vi sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm mà biết là có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì sẽ xử lý hình sự theo điều 317 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt: Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Trường hợp hành vi được xác định là phạm tội có tổ chức thì các đối tượng này phải đối mặt với hình phạt là phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3 năm đến 7 năm. Nếu hậu quả gây chết hai người trở lên hoặc gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người thì hình phạt có thể tới 15 năm hoặc 20 năm tù.
“Hành vi của các đối tượng rất táng tận lương tâm, coi thường pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng. Các đối tượng biết rõ bản thân mình không đủ điều kiện để giết mổ, cung cấp thực phẩm thịt lợn ra thị trường, sản phẩm không đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, điều đáng lên án hơn là các đối tượng mổ cả lợn bệnh để bán ra thị trường, vì lợi nhuận mà bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng”, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp bức xúc nói.
![]() |
Cơ quan điều tra xét nghiệm xác định số lợn trong chuồng và sản phẩm thịt lợn có dấu hiệu nhiễm bệnh |
![]() |
Cơ quan điều tra phối hợp với đại diện Viện Kiểm sát làm việc với đối tượng liên quan trong vụ án |
Cũng theo luật Cường, pháp luật đã quy định, động vật chết do bệnh hoặc động vật mắc bệnh truyền nhiễm thì phải tiêu hủy theo quy định của pháp luật để phòng chống bệnh lây lan. Người nào biết rõ là động vật chết vì bệnh hoặc động vật nhiễm dịch bệnh phải tiêu hủy nhưng vẫn bán ra thị trường thì chưa cần hậu quả xảy ra, hành vi này đã đủ căn cứ để xử lý hình sự.
Đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng về an toàn thực phẩm đến mức phải xử lý hình sự. Việc cơ quan điều tra khởi tố xử lý các đối tượng này là cần thiết để răn đe phòng ngừa chung cho xã hội cũng là để giáo dục đối với người phạm tội.
Quá trình điều tra vụ án này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ phương thức thủ đoạn phạm tội, làm rõ nguồn gốc động vật, làm rõ quá trình tiêu thụ và trách nhiệm của các cơ quan tổ chức cá nhân khác có liên quan theo quy định của pháp luật.
Cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ trách nhiệm trong công tác quản lý, xác định vì sao các cơ sở giết mổ này lại tồn tại hoạt động trong thời gian dài mà không bị phát hiện, đồng thời sẽ mở rộng điều tra vụ án, xác định hành vi của các đối tượng khác có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.
Cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ trách nhiệm của những người bán thịt lợn, nếu những người này biết rõ đây là thịt lợn bệnh nhưng ham rẻ để nhập vào rồi bán kiếm lời thì cũng bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm với các bị can ở trên.
“Cơ quan chức năng cũng sẽ tiến hành thu hồi các sản phẩm chưa kịp tiêu thụ. Với các sản phẩm đã được tiêu thụ thì cần phải thông báo ngay cho người sử dụng để thăm khám điều trị sức khỏe. Những người mua các sản phẩm thịt lợn nhiễm vi rút dịch tả có quyền yêu cầu bên bán hoàn tiền và bồi thường thiệt hại.
Vụ án này sẽ là bài học cảnh tỉnh cho các đối tượng vi phạm đạo đức kinh doanh, vì lợi nhuận mà sẵn sàng bán thực phẩm bẩn, gây hại đến tính mạng, sức khỏe của khách hàng, xâm phạm đến quyền lợi của người tiêu dùng”, Luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.
![]() |
Lực lượng chức năng lập biên bản, xử lý đối tượng liên quan vụ việc |
Điều 317. Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: a) Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; b) Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm mà biết là có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;… 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3 năm đến 7 năm: a) Có tổ chức; b) Làm chết người; c) Gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 21 người đến 100 người; d) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: a) Làm chết 2 người; b) Gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 101 người đến 200 người; c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: a) Làm chết 3 người trở lên; b) Gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của 201 người trở lên; c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên… |
Đọc thêm

Phổ biến, giải đáp pháp luật cho người Việt Nam tại Hàn Quốc

Cửa hàng "né" thuế, không nhận chuyển khoản có thể bị xử lý

Tài xế taxi đối mặt khung hình 5 năm tù, tịch thu phương tiện

Bài 3: Kỳ vọng tạo đột phá trong thực thi pháp luật

Khi người nổi tiếng tiếp tay cho hàng giả, hàng kém chất lượng...

Bài 2: Nền tảng xây dựng, thực thi pháp luật trong kỷ nguyên mới

Tìm giải pháp xử lý tài sản thi hành án các vụ kinh tế

Nhận diện công trình xây dựng trên đất nông nghiệp

Bài 1: Tư duy sáng tạo, hành động kịp thời, hiệu quả
