Người trẻ chấp nhận bị trừ lương, giảm thưởng khi về quê ăn Tết sớm
Thổn thức đón Tết xa nhà Tết ấm áp trong vòng tay đồng đội Tết xa nhà của người trẻ Việt |
Chấp nhận mất nhiều ngày nghỉ phép
Sau hai năm ăn Tết ở Hà Nội, năm nay, Phương Anh (26 tuổi, quê Quảng Ngãi chọn về quê sớm từ đầu tháng 1, bất chấp khả năng bị trừ lương, ảnh hưởng thu nhập.
"Năm đầu tiên, mình không về quê vì lo ngại dịch bệnh, thời gian cách ly kéo dài. Còn năm 2022 vửa rồi, vì vướng bận công việc, mình cũng không thể quây quần cùng gia đình với gia đình", Phương Anh nói.
![]() |
Phương Anh chấp nhận mất ngày nghỉ phép để về quê ăn Tết sớm |
Năm nay, cô gái trẻ quyết tâm thu xếp công việc, đặt mua vé máy bay từ đầu tháng 12/2022, chốt lịch nghỉ Tết vào đầu tháng 1 (khoảng 17 tháng Chạp). Ban đầu, cấp trên của Phương Anh đồng ý tạo điều kiện vì nhân viên đã không thể về quê vào năm ngoái. Tuy nhiên, vào giữa tháng 12, công ty bất ngờ nhận thêm dự án. Trong hoàn cảnh thiếu hụt nhân sự cuối năm, những nhân viên về Tết sớm như Phương Anh có thể bị cắt giảm lương.
"Biết là vật nhưng vì đã đặt vé xong xuôi, mình quyết định về đúng ngày dự kiến. Một số công việc mình sẽ nhờ đồng nghiệp ở công ty hỗ trợ, những việc khác không nhờ được thì phải cố gắng làm tại nhà", Phương Anh chia sẻ..
Giống như Phương Anh, Thu Huyền (25 tuổi, nhân viên mảng sự kiện) đã quyết định từ Hà Nội về quê tại Cà Mau đón Tết vào ngày 12/1, sớm hơn lịch nghỉ Tết của công ty cô khoảng một tuần. Giai đoạn này, các sự kiện lớn đều đã tổ chức xong xuôi. Những việc khác cô gái trẻ có thể sắp xếp trước hoặc nhờ người xử lý hộ, nên chuyện về quê sớm không ảnh hưởng nhiều đến công việc.
"Một số công việc về giấy tờ cần thêm thời gian hoàn tất nên mình cũng chưa hoàn toàn yên tâm khi bàn giao lại. Hơn nữa về trước lịch nghỉ Tết thì tất nhiên phải chấp nhận mất nhiều ngày phép", Thu Huyền nói.
![]() |
Thu Huyền đặt vé máy bay từ đầu tháng 11 để có thể về quê sớm, đón Tết trọn vẹn với gia đình |
Trước đó, cô gái 25 tuổi đã đặt mua vé máy bay từ ngày đầu tháng 11. Vì không phải giai đoạn cao điểm nên giá vé rẻ và không gặp cảnh đông đúc, chờ đợi tại các sân bay. So với những năm trước, Huyền cũng cảm thấy háo hức, thoải mái hơn vì vơi bớt nỗi lo di chuyển bất tiện hay cách ly phòng chống dịch bệnh.
"Mình dự định sẽ trở lại Hà Nội vào ngày 31/1. Tết năm nay, mình muốn dành nhiều thời gian ở bên gia đình hơn", Thu Huyền chia sẻ.
Nỗi lo tài chính
Từ khi tốt nghiệp đi làm, đây là năm đầu tiên Đức Lương (27 tuổi, làm việc tại Hà Nội) được lên xe về quê ăn Tết sớm. Về trước Tết hai tuần, chàng trai trẻ quê Quảng Trị không chỉ có nhiều thời gian bên bố mẹ hơn, mà còn thoát được cảnh chen chúc đầy ám ảnh trên chuyến xe ngày cuối năm.
Đức Lương chia sẻ, cách đây ít tháng, anh đã nghỉ công việc văn phòng ở công ty cũ và đang trong thời gian tìm việc mới. Thời gian này, chàng trai trẻ vẫn ở lại Hà Nội và nhận một số dự án freelance, đồng thời làm nội dung truyền thông online cho một công ty sản xuất có trụ sở ở Đà Nẵng.
![]() |
Về quê ăn Tết sớm hơn nhưng năm nay lại là năm đầu tiên Đức Lương cảm thấy nỗi lo tài chính lớn hơn bao giờ hết |
Không bị gò bó ở văn phòng như các năm trước, Đức Lương có thể linh động sắp xếp mọi thứ để về nhà sớm hơn. Về quê, Lương vẫn tiếp tục làm việc cho đến ngày nghỉ lễ chính thức.
"Thời gian trước, đặc biệt là hai năm dịch, mình có ít dịp về nhà, mỗi lần về thời gian ở lại chơi cũng rất ngắn ngủi. Mọi năm phải làm việc theo lịch trình công ty nên mình về rất sát ngày Tết. Năm nay, mình thực sự rất vui vì được về sớm để phụ giúp bố mẹ nhiều hơn", Đức Lương nói.
Về quê sớm, chàng trai 27 tuổi vui mừng vì thoát được nỗi sợ đi xe khách trong dịp lễ. Cũng vì quá sợ cảnh chen chúc ấy, trừ dịp Tết, Lương thường tránh về quê vào các ngày lễ lớn. Lương nhớ như in cảm giác ngột ngạt khi kẹt cứng trên chuyến xe Tết, hành khách bị nhồi nhét và ngồi chen chúc nhau hơn nửa ngày, đến một chỗ ngồi thoải mái cũng không có.
Thời gian này những năm trước, Lương phải vừa lo chạy deadline cuối năm, vừa tranh thủ đi mua sắm quần áo, quà bánh để mang về nhà. Song năm nay, anh thấy mình thong thả hơn. Dù vậy, đây lại là cái Tết đầu tiên sau khi nhảy việc, Lương không tránh được nỗi lo tiền bạc. Thu nhập từ các công việc làm thêm chỉ bằng khoảng 60% mức lương trước đây, buộc chàng trai trẻ phải thắt chặt mọi khoản chi tiêu.
"Chưa có cái Tết nào mình lo lắng chuyện tiền bạc như thế. Mình vẫn cố gắng làm thêm nhưng không đủ. Bây giờ, mình đã hiểu tại sao người lớn lại lo lắng và áp lực về ngày Tết như vậy. Chỉ mong rằng sang năm mới tôi sẽ có nhiều khởi sắc hơn trong công việc", Đức Lương chia sẻ.
![]() |
Hải Anh tính toán kỹ lưỡng để có thể sử dụng các chi phí hợp lý nhất cho Tết |
Tương tự, sáng 11/1, Hải Anh (25 tuổi, nhân viên truyền thông tại TP Hồ Chí Minh) ra sân bay để về nhà đón Tết, sớm hơn một tuần so với mọi năm. Trước đây, Hải Anh thường về sát ngày Tết bởi cô nghĩ về sớm sẽ buồn chán vì không biết làm gì, bạn bè cũng đang đi làm xa.
Tuy nhiên, trải qua hai năm dịch, sống một mình khi thành phố phong tỏa, không thể về thăm ngay cả khi bố mẹ nhiễm bệnh, Hải Anh thay đổi suy nghĩ và mong muốn được về nhà nhiều hơn. Trước đó hơn một tháng, cô gái trẻ quê Lạng Sơn đã báo lịch nghỉ và được cấp trên nhanh chóng đồng ý. Một phần vì các thành viên trong nhóm đều là người TP.HCM hoặc các tỉnh ở gần nên cô được ưu tiên về sớm.
"Vì công việc của mình phải kết hợp với một số bộ phận khác trong công ty như đội thiết kế nên mình cố gắng hoàn thành phần việc của mình sớm để tránh ảnh hưởng tiến độ của mọi người. Những đầu việc như tham gia sự kiện hay gặp trực tiếp khách hàng, mình đều nhờ các đồng nghiệp nhận giúp", Hải Anh nói.
Khoảng một tuần trước đó, cô gái trẻ thường xuyên thức đến nửa đêm để chạy deadline vì không muốn ôm quá nhiều việc về nhà. Hải Anh muốn dành thời gian ở nhà để phụ giúp bố mẹ và thăm hỏi người thân nhiều hơn thay vì chỉ chăm chăm vào công việc. Đặt vé và về quê sớm hơn, Hải Anh cũng tiết kiệm được khá nhiều chi phí đi lại.
"Không chỉ đỡ tốn tiền vé máy bay, mình còn đỡ được một khoản nho nhỏ sinh hoạt phí so với khi ở lại thành phố. Số tiền đó, mình có thể mua thêm quà hoặc biếu bố mẹ tiêu Tết", Hải Anh chia sẻ.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

“Khăn quàng thắm vai em” - hành trình cảm xúc về tuổi thơ

Trao tặng 50 bức ảnh phục dựng đến gia đình liệt sĩ

Chàng trai giải tích và hành trình chinh phục đỉnh cao Toán học

Con ong chăm chỉ gặt "mùa vàng" tri thức

Bí quyết vượt vũ môn và chọn đúng nghề cho tương lai

“Hội tiền bối” giúp 2K10 gỡ rối trước kỳ thi vào lớp 10

“Khoác áo mới” cho nhà tạm, nhà dột nát

Tuổi trẻ yêu nước từ những điều dù rất nhỏ

Chàng trai “tô màu kí ức”
