Cơ hội, thách thức và những trăn trở thầm lặng
Cơ hội, thách thức của DN Việt trước làn sóng cách mạng 4.0 Khởi nghiệp và sáng tạo - Cơ hội, thách thức đối với doanh nghiệp Sinh viên làm tư vấn bất động sản: Cơ hội, thách thức và cạm bẫy |
Từ khát vọng khẳng định bản thân đến áp lực vô hình
Anh Đỗ Đình Toàn - Kỹ sư công nghệ thông tin, tại quận Hoàng Mai, Hà Nội, chia sẻ: “Công nghệ mở ra cho tôi nhiều cơ hội việc làm với thu nhập tốt nhưng tôi nhận ra, nếu dừng lại một ngày, tôi có thể bị bỏ lại phía sau. Mọi thứ thay đổi quá nhanh, kiến thức hôm nay có thể lạc hậu vào ngày mai. Đôi khi tôi tự hỏi: Liệu có thể đi chậm lại một chút để thở không?”.
Câu hỏi của anh phản ánh cảm xúc chung của rất nhiều người trẻ đang làm việc trong môi trường công nghệ cao. Tốc độ phát triển của nền kinh tế số, cùng sự xuất hiện của AI và các nền tảng tự động hóa, khiến người lao động trẻ luôn phải trong trạng thái “chạy đua không đích đến”. Họ vừa làm, vừa học, vừa không ngừng cập nhật kỹ năng mới để tránh nguy cơ bị thay thế.
![]() |
Anh Đỗ Đình Toàn - Kỹ sư công nghệ thông tin |
Khác với các thế hệ trước, người trẻ hôm nay sống giữa thời đại của mạng xã hội – nơi mỗi “story”, mỗi dòng trạng thái có thể là một phần trong “hồ sơ năng lực” của họ. Áp lực thành công sớm, giỏi hơn người khác, trở thành người truyền cảm hứng… đang dần bóp nghẹt cảm xúc chân thực.
Phạm Khánh Linh, 28 tuổi, hiện làm marketing cho một startup công nghệ ở TP Hồ Chí Minh kể: “Mạng xã hội khiến tôi có cảm giác mình đang tụt hậu. Bạn bè tôi người mua được nhà, người được thăng chức, người thì khởi nghiệp thành công. Mỗi lần kéo newfeed, tôi lại hoang mang tự hỏi: Mình đã làm gì sai?”.
Học không ngừng vẫn khó có việc làm như ý
Người trẻ hiện nay mang trong mình tâm thế “học cả đời” nhưng bên cạnh đó là những băn khoăn về giá trị thực sự của bằng cấp, chứng chỉ trong thời đại mà kỹ năng thực tiễn và sự linh hoạt đang lên ngôi.
Nguyễn Hoàng Minh, kỹ sư cơ điện tại Hà Nội, cho biết: “Tôi có đến 3 chứng chỉ ngoại ngữ, hai chứng chỉ kỹ thuật nhưng công ty vẫn ưu tiên người có kinh nghiệm thực chiến hơn. Học để có nền tảng là đúng nhưng học kiểu chạy theo phong trào thì chẳng để làm gì cả”.
Thực tế này cho thấy, nhiều người trẻ đang mắc kẹt giữa những kỳ vọng của xã hội và năng lực thật sự của bản thân. Họ khát khao vươn lên nhưng cần một lộ trình phát triển rõ ràng hơn, sự hỗ trợ thiết thực hơn từ nhà trường, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội.
![]() |
Lao động trẻ tìm kiếm cơ hội việc làm từ các hoạt động, ngày hội việc làm |
Theo PGS.TS Lâm Minh Châu, giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội): Thực tế, bên cạnh bằng cấp, các nhà tuyển dụng cũng rất quan tâm đến kỹ năng sống của ứng viên. Nhà tuyển dụng chắc chắn sẽ không đánh giá cao sinh viên ra trường với tấm bằng khá, giỏi, song kỹ năng mềm chỉ như một… tờ giấy trắng, không có kỹ năng xử lý vấn đề, xây dựng các mối quan hệ, tư duy làm việc nhóm, không biết phản biện. Các bạn sẽ đánh mất nhiều cơ hội khi thiếu hụt những kỹ năng đó.
Tìm điểm tựa giữa thời đại đầy thách thức
Không phải người trẻ nào cũng ôm mộng làm chủ hay trở thành “startup thành công triệu đô”. Với phần lớn lao động trẻ ở các khu công nghiệp, vùng nông thôn, miền núi… họ chỉ mong có một công việc ổn định, thu nhập đủ sống và có thời gian cho gia đình.
Nguyễn Văn Thành (22 tuổi), công nhân tại Bắc Ninh, tâm sự: “Tôi biết có nhiều lớp học chuyển đổi số, học AI, học thiết kế… nhưng đi làm 12 tiếng một ngày, về phòng trọ chỉ muốn lăn ra ngủ. Nói thật, tôi không có điều kiện theo kịp công nghệ, chỉ mong giữ được việc”.
Câu chuyện của Thành cho thấy một góc khuất khác trong bức tranh người lao động trẻ. Khi xã hội quá đề cao khởi nghiệp, sáng tạo, chúng ta có thể đang bỏ quên nhu cầu cơ bản của hàng triệu người trẻ khác là được sống tử tế bằng lao động chân chính.
![]() |
Hơn lúc nào hết, người lao động trẻ hiện cần được lắng nghe, thấu hiểu và hỗ trợ thiết thực |
Dù đối mặt với nhiều áp lực, thế hệ lao động trẻ ngày nay cũng cho thấy tinh thần thích nghi rất mạnh mẽ. Họ sẵn sàng làm thêm nghề tay trái, học online ngoài giờ, tham gia các cộng đồng chia sẻ kỹ năng, phát triển bản thân trên nền tảng số. Quan trọng hơn, họ đang khao khát được lắng nghe và đồng hành. Họ cần một hệ sinh thái lao động công bằng, minh bạch, nơi người trẻ được tạo điều kiện phát triển cả về kỹ năng chuyên môn lẫn sức khỏe tinh thần.
Thời đại 4.0 là cơ hội lớn nhưng cũng là thách thức chưa từng có. Người lao động trẻ, lực lượng chủ lực của nền kinh tế số đang đối mặt với nhiều trăn trở, từ việc làm, phát triển bản thân đến áp lực tâm lý. Hơn lúc nào hết, họ cần được lắng nghe, thấu hiểu và hỗ trợ thiết thực từ các cấp chính quyền, doanh nghiệp và tổ chức xã hội. Đầu tư vào người trẻ hôm nay là cách tốt nhất để chuẩn bị cho một tương lai bền vững. Đừng để họ đơn độc giữa “siêu xa lộ” công nghệ đang vùn vụt lao về phía trước.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Gen Z làm freelance không nghỉ lễ, miệt mài "chạy deadline"

Tuổi trẻ Thủ đô thắp nến tri ân Anh hùng liệt sĩ

Tái hiện Đại thắng mùa Xuân năm 1975 bằng công nghệ thực tế ảo

Thanh niên Thủ đô tiên phong chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo

Bên mâm cơm đoàn viên, yêu thương thêm đong đầy

Người trẻ nhìn về lịch sử bằng lăng kính số

Hành trình “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương”

Hồi ức "thời hoa lửa" và lời hứa thế hệ trẻ

Nữ cán bộ Đoàn 9X tài năng phát biểu truyền cảm hứng
