Bí quyết vượt vũ môn và chọn đúng nghề cho tương lai
Đừng học kiểu “nước đến chân mới nhảy”
Nhiều chuyên gia giáo dục nhận định rằng, ở giai đoạn nước rút, điều quan trọng không nằm ở số giờ học, mà ở chiến lược học tập hiệu quả. Nếu trước đây học sinh có xu hướng học dàn trải, thì bây giờ nên chuyển từ học rộng sang ôn sâu, tập trung vào hệ thống hóa kiến thức cốt lõi, rèn kỹ năng làm bài và luyện đề có chọn lọc.
Bạn Trần Minh Khoa, học sinh lớp 12 tại Hà Nội, chia sẻ phương pháp học hiệu quả của mình: “Em chia ngày thành 3 phần: Buổi sáng ôn môn bắt buộc, chiều học tổ hợp, tối luyện đề. Mỗi tuần em làm hai đề thi thử để giữ nhịp độ, sau đó phân tích lỗi sai để cải thiện”.
![]() |
Bà Hoàng Thúy Nga, Chuyên viên cao cấp Vụ Giáo dục Đại học - Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ |
Cùng quan điểm đó, Thạc sĩ Nguyễn Văn Chung, Giám đốc Trung tâm Luyện thi Tâm Trí Tài cho biết: “Phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi. Mùa thi không chỉ là lúc bứt phá, mà còn là mùa trưởng thành”. Ông đưa ra nguyên tắc “3 chữ T”: Tư duy - Tư tưởng - Tập trung. Thay vì để lo lắng chi phối, học sinh cần xác định rõ mục tiêu, giữ tinh thần tích cực và tập trung cao độ. Ông cũng khuyên: “Tạm gác TikTok, mạng xã hội, thậm chí “tạm quên người yêu” để dồn toàn lực cho kỳ thi. Bỏ việc nhỏ để làm việc lớn!”.
Về phương pháp học, Thạc sĩ Chung nhấn mạnh vai trò của kỷ luật cá nhân. Một phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả là “đồng hồ và chuông báo”: Học sinh đặt giờ cho mỗi chuyên đề, tập trung tuyệt đối trong khoảng thời gian đó, sau đó nghỉ ngắn trước khi chuyển chủ đề tiếp theo. Ngoài ra, sơ đồ hóa kiến thức, học nhóm có tổ chức, làm việc theo chủ đề là những cách học hiệu quả đã được chứng minh.
![]() |
Thạc sĩ Nguyễn Văn Chung, Giám đốc Trung tâm Luyện thi Tâm Trí Tài chia sẻ |
Chọn nghề không theo “trend”, mà phải hiểu chính mình
Một trong những nỗi băn khoăn lớn nhất của học sinh lớp 12 hiện nay không chỉ là “thi trường nào”, mà còn là “học ngành gì, làm nghề gì”. Trong dòng xoáy của thị trường việc làm, không ít bạn trẻ chọn ngành theo trào lưu, theo kỳ vọng gia đình, hoặc… chọn đại vì không biết mình muốn gì.
Thầy Lê Doãn Hợp, giáo viên THPT tại Thành phố Hồ Chí Minh khuyên học sinh nên bắt đầu từ 3 câu hỏi cơ bản: “Tôi là ai? Tôi giỏi gì? Xã hội đang cần gì?”. Theo ông, nghề nghiệp không chỉ là công việc, mà là hành trình phát triển bản thân dài lâu. “Không phải ai yêu bóng đá cũng làm cầu thủ. Có thể bạn phù hợp làm huấn luyện viên, bình luận viên hoặc quản lý sân cỏ. Vấn đề là bạn chọn đúng vai trò của mình trong hệ sinh thái nghề nghiệp đó”.
![]() |
Thạc sĩ Lê Anh Tuấn, chuyên gia hướng nghiệp và khởi nghiệp, thuộc Thành đoàn Hà Nội tư vấn cho các em học sinh |
Còn Thạc sĩ Lê Anh Tuấn, chuyên gia hướng nghiệp và khởi nghiệp, thuộc Thành đoàn Hà Nội, chia sẻ: “Việc các em học sinh cảm thấy mông lung khi chọn ngành nghề là hoàn toàn bình thường. Điều quan trọng là các em nên lắng nghe bản thân, khám phá các lĩnh vực mới, sử dụng công cụ như trắc nghiệm Holland, mô hình Ikigai… và không quên trò chuyện với người thân, thầy cô để có thêm góc nhìn”.
Ông cũng khuyên các bạn trẻ nên trải nghiệm thực tế qua việc làm thêm, thực tập, đọc sách, hoặc đơn giản là… quan sát thế giới xung quanh để hiểu nghề một cách chân thực, chứ không qua lăng kính mạng xã hội.
Bà Hoàng Thúy Nga, Chuyên viên cao cấp Vụ Giáo dục Đại học - Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng cảnh báo: “Ngành hot hôm nay chưa chắc còn hot sau 4-5 năm nữa. Đừng chọn nghề chỉ vì lương cao, mà hãy chọn nghề khiến bạn muốn nỗ lực mỗi ngày”. Bà nhấn mạnh: học ngành mình yêu thích, có đam mê và đầu tư nghiêm túc thì cơ hội thành công sẽ rộng mở.
Theo thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện có 80% sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm, một con số tích cực, nếu đặt trong bối cảnh chuyển động không ngừng của thị trường lao động. Tuy nhiên, để lọt vào nhóm 20% xuất sắc thì năng lực, kỹ năng và thái độ sẽ là yếu tố phân biệt.
![]() |
Học sinh chia sẻ tâm tư, nguyện vọng trước kỳ thi |
Một kỳ thi, nhiều hướng đi
Dù kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT ra sao, các bạn trẻ ngày nay có nhiều lựa chọn: Học đại học, cao đẳng, học nghề, du học, hoặc khởi nghiệp. Điều quan trọng không phải là chọn “đúng” ngay lập tức, mà là chọn con đường phù hợp nhất với bản thân ở thời điểm hiện tại, rồi điều chỉnh trong quá trình trưởng thành.
Sau khi có kết quả kỳ thi, học sinh sẽ đăng ký nguyện vọng trên hệ thống tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bà Hoàng Thúy Nga lưu ý: “Nguyện vọng ưu tiên đầu tiên nên là nguyện vọng mà bạn mong muốn nhất, tránh tâm lý “an toàn hóa” mà đánh mất cơ hội thật sự”. Đồng thời, học sinh nên nghiên cứu kỹ các phương thức tuyển sinh: xét học bạ, đánh giá năng lực, ưu tiên khu vực… và chọn chiến lược đăng ký thông minh.
![]() |
Học sinh được tư vấn hướng nghiệp |
Hơn cả một kỳ thi, đây là hành trình giúp mỗi bạn trẻ định hình tư duy, bản lĩnh và lòng kiên trì. Như lời Thạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ: “Học sinh nên coi đây là thời điểm quan trọng nhất của tuổi trẻ, nơi các em học cách vượt qua áp lực, chiến thắng nỗi sợ và bước ra khỏi vùng an toàn của mình”.
Một kỳ thi không quyết định cả đời nhưng là cơ hội để mỗi học sinh hiểu mình hơn, rèn luyện kỷ luật và chủ động chọn hướng đi đúng đắn. Vì thế, hãy bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 với tinh thần bản lĩnh, tâm thế tích cực và trái tim đầy niềm tin.
Gia đình là điểm tựa tinh thần chứ không phải áp lực Một điều đáng lo ngại là nhiều học sinh đang chịu áp lực từ chính gia đình trong quá trình chọn nghề. Em Nguyễn Thanh Thảo (tỉnh Hải Dương) chia sẻ: “Em đam mê thiết kế đồ hoạ nhưng bố mẹ muốn em thi sư phạm vì ổn định. Em thấy rất mệt mỏi, vừa phải học thi, vừa phải thuyết phục gia đình”. Trước thực trạng này, các chuyên gia khuyến khích phụ huynh nên trở thành người bạn đồng hành, không nên là “kiến trúc sư” quyết định thay con. Khi cha mẹ biết lắng nghe và trao quyền lựa chọn cho con, học sinh sẽ tự tin và có trách nhiệm hơn với con đường mình đi. |
Tin liên quan
Đọc thêm

Tạm biệt tháng Tư, giới trẻ hướng về Hà Nội mùa thu lịch sử

Cơ hội, thách thức và những trăn trở thầm lặng

Hành trình “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương”

Sức trẻ bùng nổ với hàng trăm nghìn công trình, phần việc thanh niên

Quảng Ninh tổ chức Hội thi Tin học trẻ lần thứ 26 năm 2025

Phát động Cuộc thi Thử thách khởi nghiệp Việt toàn cầu 2025

Người trẻ “update” ký ức dân tộc bằng ngôn ngữ thời đại

Tuổi trẻ cả nước hướng về kỷ niệm chiến thắng 30/4

Thắp sáng ngọn lửa tri ân các Anh hùng liệt sĩ
