Áp lực mùa thi từ gia đình: Gió ngược trên đường chạy nước rút
“Tản nhiệt” áp lực mùa thi Dậy từ 4h30 sáng đi… tiếp sức mùa thi “Mùa thi hạnh phúc”, “Bí kíp ôn thi” sẽ có trong Chiến dịch hè |
Hãy là điểm tựa, đừng thành gánh nặng
“Em thấy áp lực nhất là khi bố mẹ liên tục hỏi: Học đến đâu rồi? Thi thử được bao nhiêu điểm? Có chắc đỗ không?… Những câu hỏi đó lặp lại mỗi tối như một bài kiểm tra tâm lý”, bạn Nguyễn Quỳnh Mai (học sinh lớp 12, trú tại quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) chia sẻ. Không ít học sinh như Mai cảm thấy “nghẹt thở” khi cha mẹ theo dõi quá sát, dù điều đó xuất phát từ tình yêu thương và kỳ vọng.
Theo các chuyên gia tâm lý, sự quan tâm của phụ huynh là cần thiết, nhưng nếu không đúng cách sẽ vô tình tạo thành áp lực ngầm. Khi cha mẹ đặt lên con những mục tiêu như “trường top, ngành hot” mà thiếu lắng nghe mong muốn thật sự, thì tình thương dễ biến thành gánh nặng. Áp lực đó không chỉ khiến học sinh căng thẳng, mất động lực mà còn có thể để lại hệ quả lâu dài.
Ở chiều ngược lại, nhiều phụ huynh đã trở thành chỗ dựa tinh thần đúng nghĩa. Chị Hoàng Thu Trang (trú tại quận Long Biên, Hà Nội) cho biết: “Tôi không can thiệp sâu vào việc học, mà chủ động hỏi con cần gì, động viên bằng những bữa ăn ngon, những câu nói nhẹ nhàng để con cảm thấy mẹ luôn ở bên”. Không ít gia đình lựa chọn đồng hành từ xa, bằng cách tạo không gian học tập yên tĩnh, chăm sóc sức khỏe, sắp xếp thời gian biểu hợp lý, thay vì soi xét hay áp đặt.
![]() |
Niềm tin của bố mẹ là "liều doping" tích cực cho con |
Một thực tế đáng suy ngẫm là nhiều phụ huynh mang theo nỗi ám ảnh từ quá khứ thi cử của chính mình và vô thức chuyển nó sang con cái. “Ngày xưa tôi trượt đại học nên giờ rất sợ con mình đi vào vết xe đổ. Vì thế, tôi hay thúc ép con học nhiều hơn”, anh Nguyễn Văn Hùng (trú tại quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) chia sẻ.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục: Sự thúc ép đó không giúp con học tốt hơn mà chỉ khiến các em thêm mất tự tin. Phụ huynh nên buông bỏ định kiến, đồng cảm với thế hệ mới và hiểu rằng thành công hôm nay không chỉ đo bằng điểm số hay chuyện đỗ - trượt.
Thực tế, với hàng trăm trường đại học, cao đẳng và mô hình đào tạo nghề hiện nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT không còn là cánh cửa duy nhất quyết định tương lai. Tuy nhiên, tâm lý phải đỗ đại học vẫn tồn tại trong nhiều gia đình.
Anh Đỗ Văn Mạnh (trú tại quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) kể: “Có bạn nữ học giỏi Văn, mơ ước làm biên kịch nhưng bố mẹ bắt học kế toán. Em ấy thi trượt vì không có động lực, sau phải mất thêm một năm mới quay lại đúng hướng đi”. Những lựa chọn ép buộc như vậy không chỉ khiến học sinh mất phương hướng mà còn có thể để lại những tổn thương tinh thần khó phục hồi.
![]() |
Trước bước ngoặt quan trọng, các bạn học sinh rất cần động lực từ phụ huynh, thầy cô giáo |
Cùng con lựa chọn, không chọn thay con
Vậy làm thế nào để phụ huynh thực sự là người bạn đồng hành cùng con vượt qua mùa thi? Theo cô Lê Thị Xoan (giáo viên THPT tại TP Hồ Chí Minh), ba yếu tố cốt lõi là: Lắng nghe - hỗ trợ - tôn trọng. “Đừng bắt con đi theo lối mòn. Hãy ngồi xuống cùng con, tìm hiểu sở thích, đánh giá năng lực và cập nhật xu hướng ngành nghề. Đôi khi, chỉ cần một cái gật đầu đồng ý đúng lúc cũng đủ khiến con thêm mạnh mẽ”, cô Xoan chia sẻ.
Các công cụ hỗ trợ như trắc nghiệm tính cách, tư vấn hướng nghiệp tại trường, kết nối với cựu sinh viên… cũng giúp phụ huynh có thêm dữ liệu để cùng con đưa ra lựa chọn phù hợp. Điều quan trọng không nằm ở việc chọn ngành “hot”, mà là chọn ngành đúng với năng lực và đam mê.
![]() |
Các bạn học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh |
Trên hết, điều quý giá nhất mà cha mẹ có thể dành cho con trong mùa thi không phải là lịch ôn tập hay kế hoạch học thêm, mà là niềm tin. Tin rằng con đủ bản lĩnh vượt qua thử thách, tin rằng con có thể tự xây dựng tương lai theo cách của mình. Nếu có vấp ngã, hãy coi đó là một phần tất yếu trên hành trình trưởng thành.
Theo thạc sĩ Kiều Trang (giảng viên Tâm lý học, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội): Áp lực học tập và kỳ vọng từ gia đình giống như một chiếc “balo vô hình” trên lưng học sinh. Nếu quá nặng, các em dễ rơi vào trạng thái lo âu, hoài nghi về bản thân, thậm chí trầm cảm. Tình trạng kéo dài còn ảnh hưởng đến giấc ngủ, sức khỏe thể chất và cả tương lai.
Kỳ thi là thử thách, không phải nỗi sợ. Thành công là quá trình, không phải một điểm đỗ. Khi cha mẹ chọn đồng hành với tâm thế của người bạn, không áp đặt, không so sánh, kỳ thi sẽ không còn là áp lực mà trở thành cơ hội để con thể hiện bản thân. Trong sự đồng cảm và thấu hiểu ấy, một “mùa vàng” không chỉ của tri thức mà còn của cảm xúc, sự trưởng thành và tình thân sẽ thật sự được gặt hái.
Tin liên quan
Đọc thêm

Bí quyết vượt vũ môn và chọn đúng nghề cho tương lai

“Hội tiền bối” giúp 2K10 gỡ rối trước kỳ thi vào lớp 10

Tạm biệt tháng Tư, giới trẻ hướng về Hà Nội mùa thu lịch sử

Cơ hội, thách thức và những trăn trở thầm lặng

Hành trình “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương”

Sức trẻ bùng nổ với hàng trăm nghìn công trình, phần việc thanh niên

Quảng Ninh tổ chức Hội thi Tin học trẻ lần thứ 26 năm 2025

Phát động Cuộc thi Thử thách khởi nghiệp Việt toàn cầu 2025

Người trẻ “update” ký ức dân tộc bằng ngôn ngữ thời đại
