Festival sáng tạo trẻ: Vật liệu chống cháy, máy bay cánh bằng... "trình làng"
35 công trình, đề tài, sản phẩm sẽ được tuyên dương tại Festival “Sáng tạo trẻ” toàn quốc lần thứ X |
Đổi mới, sáng tạo
Festival sáng tạo trẻ và trình diễn sản phẩm khoa học công nghệ (Innovation Expo); Hội thảo nhằm xét duyệt ý tưởng khởi nghiệp để hỗ trợ hoàn thiện (Demo day) năm 2025 được Thành đoàn - Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức vào chiều 16/5, tại Đại học Bách khoa Hà Nội.
Đây là hoạt động nhằm cụ thể hóa Chương trình số 07-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội về việc “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025”. Chương trình cũng hướng tới tạo ra môi trường để học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, giải pháp, dự án khởi nghiệp, tạo giá trị cho bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội; giải quyết các vấn đề của cộng đồng, xã hội, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội.
![]() |
![]() |
Các vị đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc Festival sáng tạo trẻ |
Tại không gian trưng bày sản phẩm khoa học - công nghệ (Innovation Expo) tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Ban Tổ chức đã lựa chọn và giới thiệu trên 35 sản phẩm, mô hình, giải pháp công nghệ ứng dụng thực tiễn, trải rộng ở nhiều lĩnh vực như: Công nghệ thông tin, môi trường, giáo dục, y tế, giao thông, nông nghiệp đô thị…
Nổi bật trong số đó là dự án “Vật liệu xây dựng đa năng từ phế thải nông nghiệp và công nghiệp” được nhóm sinh viên Trường Đại học Xây dựng và Trường Đại học Ngoại thương thực hiện. Dự án sử dụng các phế thải nông nghiệp (rơm rạ...) và phế thải công nghiệp (Gypsum - phế thải trong quá trình sản xuất phân bón DAP) để chế tạo ra loại vật liệu xây dựng mới thân thiện với môi trường, giá thành rẻ.
Sản phẩm có thể được sử dụng vào nhiều công dụng khác nhau như tấm trần, tấm vách ngăn tường, tấm panel, tấm PU giả đá... Đặc biệt, sản phẩm có nhiều ưu điểm hơn các vật liệu cùng phân khúc trên thị trường như: Chống cháy, cách âm, cách nhiệt, chịu mài mòn tốt, có khả năng hút ẩm nhưng vẫn giữ nguyên được những tính chất cơ lý vốn có ban đầu.
![]() |
Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội thành phố Hà Nội Đào Đức Việt tham quan sản phẩm công nghệ của sinh viên |
Theo Trưởng nhóm Cao Đức Tâm, sinh viên năm cuối Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, sản phẩm của dự án sử dụng 70% là phế thải. Do đó, khi sản phẩm được sản xuất quy mô lớn sẽ xử lý được lượng phế thải nông nghiệp và lượng Gypsum khổng lồ đang dư thừa. Từ đó, vấn đề ô nhiễm môi trường do phế thải nông nghiệp cũng được giải quyết.
Một sản phẩm khác được các bạn trẻ quan tâm là “Nghiên cứu, thiết kế UAV cánh bằng có thể thay đổi vị trí trọng tâm” được thực hiện bởi nhóm bạn trẻ gồm: Lương Hồng Phong, Đỗ Vinh Kỹ, Vũ Quốc Việt đều là sinh viên năm nhất, trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội.
Theo Trưởng nhóm Lương Hồng Phong, hiện nay, thế giới đang chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của công nghệ hàng không, đặc biệt là trong lĩnh vực phương tiện bay không người lái UAV (Unmanned Aerial Vehicle). UAV có ứng dụng đa dạng trong đời sống từ mục đích dân dụng đến an ninh quốc phòng như vận chuyển hàng hoá, cứu hộ, hỗ trợ nông nghiệp, trinh sát…
![]() |
![]() |
"Thiết kế UAV cánh bằng có thể thay đổi vị trí trọng tâm" được thực hiện bởi 3 chàng trai sinh viên năm nhất |
Tuy nhiên, với mỗi mục đích khác nhau, UAV lại yêu cầu một cấu hình và thiết kế khác nhau về hình dạng, vật liệu… Điều này dẫn đến sự gia tăng về khối lượng nghiên cứu, tính toán, gây tốn kém về thời gian và công sức khi phải phát triển và nghiên cứu từ đầu, đây là một bất lợi lớn với những lĩnh vực cần sự cơ động và thay đổi nhanh chóng như quân sự.
“Nghiên cứu của nhóm đề xuất một giải pháp cho vấn đề này là thay đổi vị trí trọng tâm và đảm bảo cân bằng máy bay bằng cách dịch chuyển vị trí cánh dọc theo thân. Những điều này giúp rút ngắn thời gian nghiên cứu, tiết kiệm chi phí và tăng tính cơ động cho UAV”, Phong cho biết.
Lấy ý tưởng từ loài cò trắng thân thuộc với đồng quê Việt Nam, nhóm đã phác thảo và tính toán những thông số chính của máy bay như thân, cụm đuôi, sải cánh, profil, khối lượng, vị trí trọng tâm không tải. Sau đó, nhóm sử dụng phần mềm Solidworks để xây dựng mô hình 3D cho máy bay và dùng công cụ xác định vị trí trọng tâm khi có tải và dịch chuyển vị trí tải. Nhóm hi vọng nghiên cứu sớm ứng dụng thực tế góp phần phát triển kinh tế đất nước.
Kết nối sinh viên - giảng viên - doanh nghiệp
Theo Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội thành phố Hà Nội Đào Đức Việt, trong bối cảnh thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ với cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đổi mới sáng tạo không còn là lựa chọn - đó là động lực phát triển cốt lõi. Đây là “chìa khóa” để mỗi quốc gia, đô thị và mỗi con người vươn lên khẳng định vị thế trên bản đồ tri thức toàn cầu.
![]() |
Mỗi sản phẩm đều mang đến những trải nghiệm lý thú cho người xem |
Đối với Hà Nội - Thủ đô ngàn năm văn hiến và cũng là một đô thị đang phát triển mạnh mẽ, việc xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong giới trẻ không chỉ là một xu hướng mà còn là một nhiệm vụ chiến lược
Festival sáng tạo trẻ và trình diễn sản phẩm khoa học công nghệ là diễn đàn lớn dành cho những bạn trẻ đam mê nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Chương trình cũng nhằm giới thiệu những thành quả, sản phẩm tiêu biểu, cũng như tạo cơ hội để các nhóm ý tưởng tiềm năng được tiếp cận chuyên gia, nhà đầu tư và các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp.
“Các bạn thanh niên chính là lực lượng tiên phong, xung kích đi đầu, mang trong mình tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám khởi nghiệp” của tuổi trẻ. Chúng tôi tin tưởng rằng mỗi bạn trẻ là một “hạt giống đổi mới”, là người mang trong mình khát vọng và khả năng tạo nên đột phá - nếu được nuôi dưỡng, định hướng và tiếp sức kịp thời. Thành đoàn Hà Nội đặc biệt tự hào khi được đồng hành, tiếp lửa và tạo không gian cho các bạn phát huy, thể hiện chính bản thân mình”, Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội thành phố Hà Nội Đào Đức Việt chia sẻ.
![]() |
Mỗi dự án tham gia Festival sáng tạo trẻ đều được phân công một giảng viên cố vấn chuyên môn theo sát quá trình hoàn thiện |
Với tinh thần đó, mỗi dự án tham gia Festival sáng tạo trẻ đều được phân công một giảng viên cố vấn chuyên môn theo sát quá trình hoàn thiện từ góc độ kỹ thuật, công nghệ và khả năng triển khai thực tế. Đồng thời, các nhóm đều có đại diện sinh viên giữ vai trò trưởng nhóm (leader), chịu trách nhiệm phát triển sản phẩm, quản lý nhóm và trình bày trực tiếp trước hội đồng. Đây là một hình thức huấn luyện thực tế cho sinh viên về tư duy lãnh đạo, làm việc nhóm, cũng như năng lực thuyết trình và bảo vệ ý tưởng.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa sinh viên - giảng viên - doanh nghiệp trong chương trình là mô hình hỗ trợ sáng tạo khởi nghiệp được Thành đoàn Hà Nội định hướng phát triển bền vững trong thời gian tới. Đáng chú ý, chương trình năm nay có sự đồng hành của BK-Holdings - đơn vị đầu tư và ươm tạo doanh nghiệp của Đại học Bách khoa Hà Nội - nhằm hỗ trợ đầu ra, tư vấn hoàn thiện mô hình kinh doanh, cũng như kết nối thị trường cho các dự án có tiềm năng phát triển lâu dài.
Festival sáng tạo trẻ và trình diễn sản phẩm khoa học công nghệ (Innovation Expo); Hội thảo nhằm xét duyệt ý tưởng khởi nghiệp để hỗ trợ hoàn thiện (Demo day) năm 2025 là bước đi quan trọng trong chiến lược dài hạn của Thành đoàn Hà Nội nhằm mở rộng không gian sáng tạo, nâng cao chất lượng các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp; từng bước xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở, đa tầng, kết nối quốc gia và quốc tế.
Tin liên quan
Đọc thêm

Trang bị kiến thức, kỹ năng, đón cơ hội từ Luật Thủ đô 2024

Lắng nghe nhân chứng lịch sử kể chuyện 50 năm Thống nhất đất nước

Làng quất Tứ Liên, xôi Phú Thượng… sinh động dưới góc nhìn AI

Chuyên gia “mách nước” cho thanh niên khởi nghiệp sáng tạo

Tạo đà cho sản phẩm văn hóa Thủ đô “vươn mình”

Cơ hội cho giới trẻ và nền kinh tế sáng tạo

Bạn trẻ học kỹ năng cứu nạn, cứu hộ, hỗ trợ cộng đồng

Hơn 200 tình nguyện viên được trang bị kỹ năng cứu nạn, cứu hộ

Tháng Ba, xây nhà, dựng sân chơi tặng thanh thiếu nhi
