Tag
Cách mạng kinh tế tư nhân - đòn bẩy cho Việt Nam thịnh vượng

Bài 4: Cái gì lợi cho dân cho nước thì quyết tâm, quyết liệt, quyết làm

Thị trường - Tài chính 03/04/2025 13:11
aa
TTTĐ - “Cuộc cách mạng” phát triển kinh tế tư nhân được Đảng và Nhà nước phát động mạnh mẽ với quyết tâm cao chưa từng có và được cộng đồng doanh nghiệp đồng thuận tuyệt đối vì sự phát triển thịnh vượng của đất nước, đúng với tinh thần “Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi”.
Bài 1: Tương lai tươi sáng đang mở ra cho kinh tế tư nhân Bài 2: Tháo nghẽn thể chế, “căn bệnh” kìm hãm kinh tế tư nhân Bài 3: Thời điểm vàng để hành động, kiến tạo giúp kinh tế tư nhân bứt phá

KINH TẾ TƯ NHÂN LÀ ĐỘNG LỰC QUAN TRỌNG NHẤT

Năm 2025 là năm rất quan trọng đánh giá việc thực hiện mục tiêu Đại hội XIII đã đặt ra, từ đó có cơ sở để đề ra mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, trong đó các kế hoạch về kinh tế - xã hội, hướng tới sự phát triển bền vững và thịnh vượng.

Tại buổi làm việc với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương ngày 7/3, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, phát triển kinh tế tư nhân ở nước ta hiện nay có nhiều điểm nghẽn, nhiều mục tiêu chưa đạt được, cần phải rà soát lại xem vấn đề ở đâu, yêu cầu giải quyết, thực hiện như thế nào.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, kinh tế tư nhân nước ta đã có những bước phát triển và trưởng thành vượt bậc, đóng góp to lớn vào nền kinh tế và quá trình đổi mới, phát triển đất nước mặc dù trong điều kiện hoạt động còn nhiều khó khăn, bất cập.

Tuy nhiên, theo Tổng Bí thư Tô Lâm, cần nhìn nhận một số hạn chế, yếu kém của khu vực kinh tế tư nhân như: Khu vực kinh tế tư nhân nước ta đông về số lượng nhưng vẫn còn rất nhiều hạn chế về quy mô, tiềm lực, năng lực cạnh tranh, đặc biệt là cạnh tranh quốc tế; thiếu vắng doanh nghiệp đầu đàn, dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế; liên kết trong nội bộ và liên kết với các khu vực kinh tế khác còn yếu kém.

Bài 4: Cái gì lợi cho dân, cho nước thì quyết tâm, quyết liệt, quyết làm
Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt Đoàn đại biểu doanh nhân tiêu biểu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, tháng 10/2024. Ảnh: TTXVN.

Trên cơ sở đó, người đứng đầu Đảng yêu cầu phải có chiến lược rõ ràng cho phát triển của khu vực kinh tế tư nhân phù hợp với trình độ phát triển hiện nay của nền kinh tế, với không gian địa kinh tế, địa chính trị của đất nước và có tính tới những biến đổi của địa kinh tế, địa chính trị thế giới nhằm bảo đảm cho kinh tế tư nhân có đủ sức phát triển với khả năng thích ứng, khả năng chống chọi và khả năng cạnh tranh cao.

Đồng thời phải thay đổi được trong tư duy, nhận thức thì mới thay đổi được trong cách ứng xử và hành động, chính sách cụ thể đối với khu vực kinh tế quan trọng này, cần khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất, nhất là cho tăng trưởng.

Đặc biệt, ông nhấn mạnh cần phải tiếp tục đổi mới, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, đặc biệt là phải giải quyết được một cách căn bản, hữu hiệu những bất cập, yếu kém trong khâu tổ chức thực hiện các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng, phải đưa các nghị quyết của Đảng nhanh chóng và thực sự đi vào cuộc sống.

Hiện nay, các Tiểu ban Đại hội XIV của Đảng cũng đang khẩn trương triển khai tổng kết, hoàn thiện các dự thảo báo cáo, trong đó có Báo cáo kinh tế - xã hội; Báo cáo chính trị; Báo cáo tổng kết 40 năm đổi mới…

Bài 4: Cái gì lợi cho dân, cho nước thì quyết tâm, quyết liệt, quyết làm
Việt Nam cần nhiều hơn những doanh nghiệp lớn như VinFast có tầm ảnh hưởng trong khu vực, thế giới.

Đối với Báo cáo kinh tế - xã hội, tại nhiều cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Tiểu Ban Kinh tế - xã hội Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng cũng nhiều lần nhấn mạnh đến vai trò của phát triển kinh tế tư nhân.

Sau 40 năm đổi mới, đất nước ta đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Trong thành quả chung đó, có đóng góp quan trọng của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, người đứng đầu Chính phủ khẳng định.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh phải phát triển mạnh mẽ các thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế tư nhân, lấy kinh tế tư nhân làm động lực quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, từ đó tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và có cơ chế, mạnh dạn đặt hàng, giao một số việc lớn cho các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân; đồng thời phân tích rõ vai trò, vị trí chủ đạo của kinh tế Nhà nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu phải có cơ chế, chính sách đủ mạnh để thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thành lập doanh nghiệp mới; ươm tạo, phát triển nhân tài trong các lĩnh vực và doanh nghiệp tiềm năng; phát triển doanh nghiệp cả về số lượng và nâng cao chất lượng, nâng tầm doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ thành doanh nghiệp lớn, tạo điều kiện thuận lợi phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp dẫn dắt, doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng trong khu vực, thế giới.

Bài 4: Cái gì lợi cho dân, cho nước thì quyết tâm, quyết liệt, quyết làm
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đất nước đang có khí thế phát triển mới rất rõ, các doanh nghiệp tư nhân có tầm nhìn và sứ mệnh đóng góp cho phát triển đất nước, tiếp tục tiên phong đổi mới sáng tạo, triển khai các đột phá chiến lược.

Trong bối cảnh chuẩn bị tổng kết 40 năm đổi mới, đất nước đang trong giai đoạn chuyển mình, người đứng đầu Chính phủ mong muốn các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đã có thành công, tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, thương dân, tình dân tộc, nghĩa đồng bào, tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, truyền thống lịch sử, di sản văn hóa – một điểm tựa của đất nước, để cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển, phát huy vai trò, vượt qua khó khăn, thách thức, đóng góp cho đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm “nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, tầm nhìn, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ Nhân dân và doanh nghiệp”. Chúng ta phải có những đột phá, bứt phá trong giai đoạn tới để đưa đất nước bước sang kỷ nguyên mới, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước.

Thủ tướng cũng nêu rõ, đất nước đang có khí thế phát triển mới rất rõ, các doanh nghiệp tư nhân có tầm nhìn và sứ mệnh đóng góp cho phát triển đất nước, tiếp tục tiên phong đổi mới sáng tạo, triển khai các đột phá chiến lược, trong đó có xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cùng đất nước, cùng dân tộc tiếp tục đi lên, phát triển nhanh và bền vững.

“Chính phủ cam kết luôn đồng hành, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế; nghiên cứu, bãi bỏ các giấy phép con, xóa bỏ môi trường tạo sách nhiễu, phiền hà, làm tăng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp; luôn lắng nghe, chia sẻ với các khó khăn, vướng mắc và chung tay cùng tháo gỡ để cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức, đặc biệt là trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế để doanh nghiệp hoạt động thuận lợi theo pháp luật, yên tâm sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, tháo gỡ cho doanh nghiệp là góp phần tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế đất nước, doanh nghiệp phát triển là đất nước phát triển, tinh thần là vướng ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ, mắc ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ, không đùn đẩy, không né tránh, không gây phiền hà, sách nhiễu. Đồng thời nêu rõ quan điểm xác định người dân và doanh nghiệp nghiệp là trung tâm, chủ thể trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; thể chế không chỉ quản lý hiệu quả mà còn kiến tạo phát triển.

“Chính ta phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để cùng các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tổ chức thực hiện rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ kết quả, với tinh thần chỉ bàn làm, không bàn lùi; đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải có sản phẩm, kết quả cụ thể, cân đong đo đếm được”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ lấy ví dụ minh chứng cho việc ủng hộ phát triển kinh tế tư nhân trong xây dựng đường sắt tốc độ cao, Bộ Giao thông vận tải (nay hợp nhất với Bộ Xây dựng) có cam kết với Tập đoàn Hòa Phát về đường ray, với Tập đoàn THACO về toa tàu, với Tập đoàn Đèo Cả, Xuân Trường về đào hầm, làm đường… Thủ tướng nhấn mạnh điều này phải trên cơ sở “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” giữa Nhà nước, doanh nghiệp, người dân và không có tiêu cực, tham nhũng.

“Chúng tôi cam kết xây dựng thể chế thông thoáng, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, xóa bỏ cơ chế xin - cho, giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian, chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp.

Đồng thời, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, thực hiện chính sách tiền tệ, tài khóa linh hoạt, phù hợp, hiệu quả; phát triển hạ tầng chiến lược để giảm chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp, nền kinh tế và đẩy mạnh đào tạo nhân lực chất lượng cao cho cả nước, cho xã hội, trong đó có phục vụ các doanh nghiệp”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới, ngày 10/2/2025.

TỪ KHÓA “10 CHỮ” ĐỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TƯ NHÂN

Ở góc độ cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, để phát triển đầu tư tư nhân, điều quan trọng nhất là phải cải cách thể chế, các thủ tục đầu tư của doanh nghiệp cần thông thoáng, cởi mở, tạo được niềm tin với các nhà đầu tư.

Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, quan trọng nhất là phải cải cách thể chế để nhà đầu tư yên tâm thấy rằng Chính phủ thực sự mở cửa, thực sự mong chờ cho nhà đầu tư, bỏ tiền đầu tư thực sự có hiệu quả.

“Muốn phát triển kinh tế sâu rộng, bền vững, Chính phủ không nên đặt mục tiêu thu ngân sách ngắn hạn mà phải nhìn mục tiêu dài hạn hơn, quan tâm bồi dưỡng nguồn thu, thu đúng, thu đủ để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Nếu đặt mục tiêu ngắn hạn thì sẽ không khuyến khích được đầu tư mà phải là dài hạn”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Bài 4: Cái gì lợi cho dân, cho nước thì quyết tâm, quyết liệt, quyết làm
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Theo Chủ tịch Quốc hội, trong bối cảnh chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong thời gian tới thì điều then chốt là phải có cơ chế thúc đẩy kinh tế tư nhân; bởi lẽ trong tổng mức đầu tư toàn xã hội, thì đầu tư tư nhân chiếm 55%, đó là yếu tố quyết định mục tiêu tăng trưởng trên 8%, chứ không phải là đầu tư công.

Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, vừa qua, hầu hết các địa phương dựa vào nguồn ngân sách Trung ương, nguồn ngân sách địa phương để đầu tư nên chưa có sự tăng trưởng mạnh. Khi đầu tư tư nhân phát triển thì sẽ thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Nhắc lại quan điểm nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu tăng trưởng thì việc tạo cơ chế cho kinh tế tư nhân phát triển là rất quan trọng, theo Chủ tịch Quốc hội phải gắn liền với khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, như nhiều lần Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định “Phát triển khoa học công nghệ là con đường duy nhất để đưa đất nước phát triển”, mà hầu như các doanh nghiệp tư nhân là những người đi đầu trong lĩnh vực này.

Chủ tịch Quốc hội lấy ví dụ về Giải thưởng VinFuture quy tụ các nhà khoa học trên cả thế giới để khuyến khích, động viên các nhà khoa học trong nước, nước ngoài để có những sáng kiến, sáng tạo, sáng chế, trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số phát triển đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng nêu rõ, vừa qua chủ trương của Đảng đã rất rõ, Quốc hội ban hành luật, nghị quyết; Chính phủ ban hành nghị định, thông tư. Bây giờ điều quan trọng là chúng ta phải quyết tâm triển khai; làm khó đến đâu thì tháo gỡ đến đó, tắc đến đâu thì thông đến đó. Chúng ta phải quyết tâm đồng bộ, từ Đảng, Nhà nước, Trung ương, địa phương đến toàn dân, phát huy sức mạnh thì mới thực hiện được.

Bài 4: Cái gì lợi cho dân, cho nước thì quyết tâm, quyết liệt, quyết làm
Theo ông Nguyễn Quang Huy, để kích hoạt kinh tế tư nhân thì cần tiếp tục tạo điều kiện, kiến tạo không gian, nguồn lực, cơ hội cho khu vực tư nhân phát triển thuận lợi hơn với từ khóa “10 chữ” là: “An tâm - bình đẳng - bảo vệ - khích lệ - cơ hội”.

Trước hiệu lệnh của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ông Nguyễn Quang Huy, CEO Công ty Cổ phần Học viện Asala, CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường Đại học Nguyễn Trãi) cho rằng, để kích hoạt kinh tế tư nhân thì cần tiếp tục tạo điều kiện, kiến tạo không gian, nguồn lực, cơ hội cho khu vực tư nhân phát triển thuận lợi hơn với từ khóa “10 chữ” là: “An tâm - bình đẳng - bảo vệ - khích lệ - cơ hội”.

Theo đó, "an tâm" là cơ sở để người dân, doanh nghiệp có lòng tin, dốc hết của cải và năng lực sáng tạo ra đầu tư, phát triển. Kinh tế vĩ mô ổn định thì nền kinh tế mới phát triển. Chỉ khi đó, doanh nghiệp mới dự đoán được thị trường, tính toán để đưa ra các quyết định đầu tư dài hạn.

Nhưng để làm được, hệ thống pháp luật phải bảo đảm quyền tự do kinh doanh, sở hữu tài sản của doanh nghiệp. Quan điểm "mọi người có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề pháp luật không cấm" cần được thống nhất ở mọi cấp, ngành.

Về “bình đẳng”, trước hết là kinh tế tư nhân bình đẳng trước pháp luật, bình đẳng trong cạnh tranh, trong phân bổ nguồn lực với các thành phần kinh tế khác, nhất là tiếp cận nguồn lực.

Về từ khóa được “bảo vệ”, doanh nghiệp cũng được bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp theo Hiến pháp, pháp luật; giảm sự chồng chéo, tầng lớp trong thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, tạo môi trường thông thoáng cho kinh tế tư nhân.

Được “khích lệ” là được Nhà nước và xã hội tôn vinh hơn nữa, nhất là các doanh nghiệp làm ăn chân chính, có trách nhiệm xã hội. Ngược lại, cần lên án, đấu tranh đối với các doanh nghiệp làm ăn chụp giật, vi phạm đạo đức kinh doanh, vi phạm pháp luật.

Trao “cơ hội” là tạo cơ hội tiếp cận nguồn lực, công nghệ, thị trường, cắt giảm chi phí kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm. Trong đó đẩy mạnh cổ phần hóa, chống độc quyền và “trọng công hơn tư” cũng là mở ra cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân phát triển bình đẳng.

DOANH NHÂN PHẢI DÁM DẤN THÂN, DÁM ĐƯƠNG ĐẦU VÌ ĐẤT NƯỚC

Phân tích một số góc độ cụ thể về những hạn chế của kinh tế tư nhân, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, ngoài những điểm yếu do nội tại chủ quan của mỗi doanh nghiệp thì kinh tế tư nhân đang phải đối mặt với nhiều rào cản trong chính sách và thực thi chính sách.

Mặc dù đã có những đột phá về cải cách thể chế, hoàn thiện môi trường pháp lý về đầu tư kinh doanh với nhiều kết quả đáng khích lệ, tuy vậy hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật vẫn chưa minh bạch, thiếu cụ thể và không ổn định, khả năng tiên liệu thấp dẫn đến rủi ro gia tăng cho khu vực kinh tế tư nhân.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, một bộ phận doanh nhân với đạo đức, văn hóa kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc chưa cao, vi phạm pháp luật, cấu kết với cán bộ suy thoái, chạy theo lợi ích cá nhân, gây thiệt hại cho nền kinh tế, làm giảm sút niềm tin của Nhân dân.

Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tư nhân, Đảng và Nhà nước đã khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng để phát triển kinh tế; xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, lành mạnh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm.

Bài 4: Cái gì lợi cho dân, cho nước thì quyết tâm, quyết liệt, quyết làm
Khu vực kinh tế tư nhân cần phát huy tinh thần chủ động, linh hoạt chuẩn bị các điều kiện để duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng tham gia và năng lực cạnh tranh bình đẳng trong nền kinh tế thị trường.

Để hiện thực hóa chủ trương, đường lối, quan điểm, mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân, thiết nghĩ Đảng và Nhà nước cần phân định rõ vai trò của Nhà nước là pháp luật hóa chủ trương chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo nền tảng khơi dậy và thúc đẩy kinh tế tư nhân có bước chuyển đột phá, phát triển nhanh, bền vững.

Theo đó, Chính phủ cần khẩn trương, đi trước trong cải cách thể chế, rà soát sửa đổi, minh bạch môi trường pháp lý; hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật tạo niềm tin, động lực và sự năng động của kinh tế tư nhân.

“Nếu không đột phá về cơ chế, chính sách, kinh tế tư nhân khó có thể vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển. Để đột phá về thể chế phải bắt đầu từ đột phá trong tư duy điều hành kinh tế, chấp nhận sự thay đổi, khác biệt, táo bạo. Đồng thời, cần xây dựng một xã hội cởi mở, chào đón sự thay đổi, đồng thời chuẩn bị kỹ cho những gì sẽ diễn ra trong thời gian tới”, ông Nguyễn Bích Lâm phân tích.

Để đáp ứng và theo kịp tiến trình phát triển rất nhanh của công nghệ 4.0, X.0 tránh tụt hậu so với khu vực và thế giới, Chính phủ cần nắm bắt thời cơ, kiến tạo động lực mới cho phát triển. Đặc biệt, Chính phủ cần nâng cao năng lực lãnh đạo quốc gia, có tư duy dài hạn và tầm nhìn lớn, đào tạo và trọng dụng các nhà kỹ trị có năng lực, tâm huyết, sẵn sàng hành động; nuôi dưỡng, động viên tư duy đổi mới, xoá bỏ bệnh quan liêu, kiên quyết nói không với tham nhũng.

Trong khi đó, cộng đồng doanh nhân cũng cần phải dấn thân, dám đương đầu với khó khăn, dám chịu và đứng lên từ thất bại, chủ động, linh hoạt trong mọi tình huống. Khu vực kinh tế tư nhân cần phát huy tinh thần chủ động, linh hoạt chuẩn bị các điều kiện để duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng tham gia và năng lực cạnh tranh bình đẳng trong nền kinh tế thị trường.

Cùng đó là đẩy mạnh liên kết kinh tế vừa là giải pháp ứng phó, vừa là phương thức cạnh tranh chiến lược, nâng cao khả năng thích ứng trước các biến động, bất ổn khó lường của kinh tế thế giới; chủ động thực hiện đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ, thực hiện chuyển đổi số, áp dụng mô hình và phương thức sản xuất tiên tiến, chú trọng tới yếu tố môi trường, phát triển xanh, bền vững trong hoạt động sản xuất.

Góp ý về việc phát triển kinh tế tư nhân, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, chúng ta cần một chiến lược phát triển kinh tế tư nhân bài bản hơn, có tính đột phá hơn, trong đó bao gồm các nhóm khác nhau hướng tới những đối tượng khác nhau.

Theo ông Tuấn, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân trong thời gian tới có thể chia thành nhiều nhóm khác nhau.

Một là nhóm về thể chế. Đây là nhóm chính sách rất quan trọng. Cụ thể, phải tiếp tục cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ như Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo, cắt giảm về điều kiện kinh doanh, chi phí tuân thủ.

Bài 4: Cái gì lợi cho dân, cho nước thì quyết tâm, quyết liệt, quyết làm
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Việt Nam phải là một trong 3 nước của ASEAN đứng đầu về sự thuận lợi trong môi trường kinh doanh. Chúng ta cần rà soát các quy định pháp luật theo hướng tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp tư nhân các tham gia lĩnh vực và Nhà nước có thể thoái lui trong một số lĩnh vực.

Nhóm giải pháp này có thể tập trung tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tư nhân về đất đai, vốn, tài chính. Đây là một trong những chính sách quan trọng trong thời gian tới.

Thứ hai là nhóm chính sách liên quan đến trao quyền, tức là trao quyền, tăng nhiệm vụ cho doanh nghiệp tư nhân. Nhóm chính sách này có thể hướng đến các doanh nghiệp lớn, có thể đặt hàng, giao việc cho những doanh nghiệp tư nhân lớn để thực hiện những công trình quan trọng; khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia nhiều lĩnh vực hơn nữa.

Thứ ba là nhóm hỗ trợ, đào tạo. Chúng ta có những chương trình hỗ trợ, đào tạo, nhưng cách thức phải khác so với hiện tại, theo hướng thị trường hơn, thay vì cách truyền thống là tổ chức bộ máy tuyển dụng.

Với nhóm doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, chúng ta có thể có những luật sư công do Nhà nước trả tiền, những kế toán do Nhà nước trả tiền. Những người này có thể cung cấp cho hàng chục, hàng trăm doanh nghiệp nhỏ khác cung cấp dịch vụ miễn phí. Những cách thức ấy là giải pháp đào tạo, hỗ trợ.

Trong một số lĩnh vực quan trọng, ví dụ như xuất khẩu, Nhà nước cần có những chương trình để hỗ trợ tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại, xây dựng thuơng hiệu hàng hoá nông sản Việt Nam. Nếu từng doanh nghiệp làm thì rất khó, nhưng Nhà nước có chương trình, hoạt động mang tính chuyên nghiệp và đầu tư nguồn lực nhiều hơn, thì sẽ hữu ích cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Đậu Anh Tuấn đánh giá cao việc so với trước, hiện nay tư duy, thái độ ủng hộ hoạt động tư nhân thay đổi rất nhiều và tích cực. Tuy nhiên, vẫn có những nghi ngại trong hệ thống điều hành về vai trò, năng lực của doanh nghiệp tư nhân.

“Tôi có cảm nhận rằng vẫn còn khoảng cách về niềm tin trong vận hành của bộ máy chính quyền. Khá nhiều lãnh đạo, bộ máy Nhà nước cho rằng doanh nghiệp tư nhân làm ăn ngắn hạn, không có trình độ, chộp giật. Điều này có thể chỉ đúng với vài doanh nghiệp, nhưng định kiến khá phổ biến lại khiến giải pháp quản lý đôi lúc theo hướng “một người đau bụng bắt cả làng mua thuốc”. Nhiều giải pháp tạo ra chi phí rất lớn”, ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, khi doanh nghiệp tư nhân thiếu niềm tin thì họ làm ăn mang tính cầm chừng; vẫn có khoảng cách về niềm tin giữa hệ thống chính quyền và doanh nghiệp tư nhânm, do đó thời gian tới, phải xoá bỏ khoảng cách này.

Tiếp theo là khoảng cách về tư duy. Khá nhiều cơ quan Nhà nước vẫn cung cấp giải pháp cho doanh nghiệp tư nhân theo điều mình có, chứ chưa lắng nghe xem doanh nghiệp cần gì, những giải pháp gì phù hợp thực tiễn. Cần phải có mức độ am hiểu về kinh doanh, về nhà đầu tư để đưa ra những giải pháp doanh nghiệp cần nhất, bộ máy chính quyền phải hiểu doanh nghiệp hơn, hiểu tư duy nhà kinh doanh hơn.

Đối với khoảng cách về tốc độ. Hiện tại tốc độ kinh doanh diễn ra nhanh, quyết định kinh doanh phải đưa ra nhanh. Trong khi đó quyết định và quy trình về hành chính lâu.

“Chúng ta sẽ thấy sự lệch pha về quyết định hành chính so với quyết định kinh doanh. Trong bối cảnh công nghệ, quyết định kinh doanh nhanh vì thị trường thay đổi nhanh. Nếu quyết định hành chính không theo kịp thì sẽ kéo lùi hoạt động kinh doanh”, ông Tuấn nói và nhấn mạnh phải rút ngắn khoảng cách về tư duy, niềm tin, tốc độ giữa khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân. Đây cũng là giải pháp quan trọng để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi trong thời gian tới khi mà đất nước đang thực hiện cuộc cách mạng sắp xếp đơn vị hành chính, bộ máy và khoa học công nghệ.

(Còn tiếp)...

Đọc thêm

Tìm giải pháp dữ liệu tối ưu cho khu thương mại tự do Thị trường - Tài chính

Tìm giải pháp dữ liệu tối ưu cho khu thương mại tự do

TTTĐ - Trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế về Phương pháp khảo sát giao thông (ISCTSC) 2025, trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng vừa tổ chức phiên thảo luận chuyên đề "Thách thức trong thu thập dữ liệu và định hình chính sách phát triển khu thương mại tự do Đà Nẵng (FTZ)".
Thủ tướng đề nghị Standard Chartered hỗ trợ Việt Nam xây dựng các trung tâm tài chính quốc tế Kinh tế

Thủ tướng đề nghị Standard Chartered hỗ trợ Việt Nam xây dựng các trung tâm tài chính quốc tế

Tối 2/4, tiếp ông Bill Winters, Tổng Giám đốc Tập đoàn Standard Chartered, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Tập đoàn hỗ trợ Việt Nam xây dựng các trung tâm tài chính quốc tế; cung cấp tài chính xanh, hỗ trợ lĩnh vực kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển.
Quý đầu năm, kinh tế TP Hồ Chí Minh tăng trưởng vượt bậc Thị trường - Tài chính

Quý đầu năm, kinh tế TP Hồ Chí Minh tăng trưởng vượt bậc

TTTĐ - Chiều 2/4, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức phiên họp thường kỳ về tình hình kết quả kinh tế - xã hội quý I và đề ra nhiệm vụ, giải pháp trong quý II/2025.
Bài 3: Thời điểm vàng để hành động, kiến tạo giúp kinh tế tư nhân bứt phá Thị trường - Tài chính

Bài 3: Thời điểm vàng để hành động, kiến tạo giúp kinh tế tư nhân bứt phá

TTTĐ - Cùng với cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy, sắp xếp các đơn vị hành chính; cách mạng khoa học công nghệ thì đây cũng là thời điểm tiến hành cuộc cách mạng về phát triển kinh tế tư nhân khi chúng ta đã hội tụ đủ thế, đủ lực, đủ thuận lợi, có thể nói là thiên thời, địa lợi, nhân hòa, như Tổng Bí thư đã nói “đây chính là thời điểm để hành động, để kiến tạo một Việt Nam thịnh vượng, năng động”.
Bài 2: Tháo nghẽn thể chế, “căn bệnh” kìm hãm kinh tế tư nhân Thị trường - Tài chính

Bài 2: Tháo nghẽn thể chế, “căn bệnh” kìm hãm kinh tế tư nhân

TTTĐ - Kinh tế tư nhân hiện vẫn đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển, không thể bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh. Nhiều hộ kinh tế cá thể vẫn theo nếp kinh doanh cũ, thiếu động lực phát triển thành doanh nghiệp, thậm chí "không muốn lớn"...
Bài 1: Tương lai tươi sáng đang mở ra cho kinh tế tư nhân Thị trường - Tài chính

Bài 1: Tương lai tươi sáng đang mở ra cho kinh tế tư nhân

TTTĐ - Với sự định hướng mạnh mẽ từ Đảng và sự quyết liệt của Chính phủ, Quốc hội, kinh tế tư nhân Việt Nam đang đứng trước một tương lai sáng đầy hứa hẹn để đóng góp chung vào sự nghiệp cách mạng hướng tới một Việt Nam thịnh vượng, năng động và ngày một vươn xa trên trường quốc tế.
TP Hồ Chí Minh trong chiến lược xây dựng trung tâm tài chính Thị trường - Tài chính

TP Hồ Chí Minh trong chiến lược xây dựng trung tâm tài chính

TTTĐ - Việt Nam định hướng xây dựng trung tâm tài chính toàn diện, nơi quy tụ các dòng vốn chất lượng, tri thức sáng tạo, có bản sắc riêng. Trong đó, TP Hồ Chí Minh hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để đảm nhận vai trò đầu tàu trong chiến lược này.
Standard Chartered được vinh danh Ngân hàng Bán lẻ tốt nhất Việt Nam 2025 - RBI Asia Trailblazer 2025 Thị trường - Tài chính

Standard Chartered được vinh danh Ngân hàng Bán lẻ tốt nhất Việt Nam 2025 - RBI Asia Trailblazer 2025

TTTĐ - Ngân hàng Standard Chartered vừa được vinh danh “Ngân hàng Bán lẻ tốt nhất Việt Nam” năm thứ tư liên tiếp trong khuôn khổ Giải thưởng Trailblazer 2025 khu vực châu Á từ Retail Banker International (Retail Banker International Asia Trailblazer Awards 2025) lần thứ 16.
Xử lý thông tin báo chí phản ánh về giá thịt lợn Thị trường - Tài chính

Xử lý thông tin báo chí phản ánh về giá thịt lợn

TTTĐ - Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 2546/VPCP-NN ngày 27/3/2025 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà liên quan đến vấn đề thịt lợn và giá thịt lợn hơi.
Đa dạng hóa nguồn vốn, tối ưu hóa tổ chức bộ máy và quy trình quản trị để phục vụ tốt nhất cho người nghèo Thị trường - Tài chính

Đa dạng hóa nguồn vốn, tối ưu hóa tổ chức bộ máy và quy trình quản trị để phục vụ tốt nhất cho người nghèo

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tập trung triển khai các biện pháp đa dạng hóa nguồn vốn, nghiên cứu mở rộng hình thức nhận vốn ủy thác; tối ưu hóa tổ chức bộ máy và quy trình quản trị, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số... để phục vụ tốt nhất cho người nghèo và các đối tượng chính sách.
Xem thêm