Tag

Tai nạn giao thông - những giọt nước mắt chảy ngược

Phóng sự 10/05/2018 15:00
aa
TTTĐ - Lạng lách, đánh võng khi tham gia giao thông, uống rượu bia rồi phóng xe điên cuồng để thể hiện bản thân… là việc không ít thanh niên vẫn làm mỗi ngày. Sự cẩu thả, coi thường mạng sống đó đã gây ra nhiều nỗi đau cho chính bản thân họ, người thân và ám ảnh cho gia đình, xã hội.
Tai nạn giao thông - Những giọt nước mắt chảy ngược


Từ số báo này, báo Tuổi trẻ Thủ đô giới thiệu loạt bài viết “Tai nạn giao thông: Những giọt nước mắt chảy ngược” nói về sự mất mát, ám ảnh, đau khổ của những người trẻ và gia đình họ khi bị tai nạn giao thông. Chúng tôi hy vọng, loạt bài viết này phần nào giúp người trẻ thức tỉnh và có ý thức hơn mỗi khi tham gia giao thông…


Bài 1: Bàng hoàng tại hành lang phòng cấp cứu

Đầu tháng 5/2018, cái nắng đầu hè khiến ai cũng ngột ngạt. Tuy nhiên, cái nắng, nóng ấy có lẽ đã tăng gấp nhiều lần khi đặt chân đến cổng Bệnh viện hữu nghị Việt - Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Phải mất tới hơn 30 phút, chúng tôi mới tìm được một chỗ gửi xe bởi áp lực giao thông và lượng xe ra vào bệnh viện quá lớn. Những chiếc xe cấp cứu liên tục hú còi chở bệnh nhân bê bết máu nhập viện.

Ở hành lang, những ông bố, bà mẹ gương mặt khắc khoải âu lo, ôm chặt chiếc túi mà trong đó có lẽ là cả gia tài của mình với hy vọng cứu được đứa con bị tai nạn giao thông thoát khỏi khỏi lưỡi hái tử thần.

Bao giờ gương mặt con lành lại?

Vừa tỉnh lại sau hai lần mổ cấp cứu liên tiếp, Nguyễn Văn Thành (28 tuổi, quê Văn Giang, Hưng Yên) vẫn tái nhợt vì mất máu. Ánh mắt Thành chậm rãi lướt nhìn một lượt bố mẹ, bạn bè đang đứng cạnh rồi lại khép lại. Đôi môi khô chỉ khẽ nhếch lên đầy mệt mỏi. Đứng cạnh con, bà Lan (mẹ Thành) thi thoảng lại nắn bóp chân con, chấm chiếc khăn ướt lên cho miệng Thành đỡ khô. Gương mặt người mẹ khắc khổ trĩu xuống vì âu lo, mệt mỏi, mất ngủ. Suốt từ đêm qua, 5 người thân trong gia đình đều không được một phút nghỉ ngơi.

Tai nạn giao thông - những giọt nước mắt chảy ngược
Gia đình, người thân túc trực bên một nam thanh niên trẻ vừa trải qua phẫu thuật sau tai nạn giao thông

Túc trực bên cạnh Thành từ khi bạn vừa nhập viện cấp cứu, Bá Ninh (Tây Hồ, Hà Nội) kể: “Thành bị tai nạn giao thông ở trên Sơn La chứ không phải ở Hà Nội. Tuy nhiên, vì chấn thương quá nặng nên sau khi được sơ cứu tại bệnh viện huyện, Thành được chuyển gấp về Bệnh viện hữu nghị Việt - Đức trong đêm”. Theo lời kể của Ninh, Thành mới rời quê lên Sơn La làm từ dịp Tết Nguyên đán. Anh làm công nhân xây dựng cho một công trình ở huyện Phù Yên. Tối cuối tuần 6/5, nhóm công nhân của Thành tổ chức liên hoan ở thị trấn. Rượu say, trên đường về, Thành tự đâm xe vào cột mốc bên đường và bất tỉnh. May có người bạn đi sau phát hiện, đưa Thành đi cấp cứu và liên hệ với người thân của anh ở quê.

Không đội mũ bảo hiểm, Thành bị chấn thương khá nặng ở vùng đầu với chẩn đoán rạn hộp sọ, tụ máu não, đa chấn thương vùng mặt, gãy xương chậu. May mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần nhưng không biết đến khi nào, cơ thể anh mới hồi phục. Từ một chàng trai to cao, khỏe mạnh, Thành nằm bất động trên giường với những ống truyền cắm đầy người. Tay chân anh đầy những vết xước chằng chéo do bị mài xuống đường lúc ngã. Những đoạn bông trắng xóa mới được các y tá thay, băng bó lại cẩn thận. Người thân trong gia đình anh phải túc trực hết ở đây để thay rửa vệ sinh cho con, đi mua cơm, lo các thủ tục giấy tờ theo chỉ định của bác sỹ.

Cứ nhắc đến con, bà Lan lại giàn giụa nước mắt: “Khổ không để đâu cho hết. Mới năm ngoái nó bị ngã ở công trường, chân còn chưa kịp hồi phục hoàn toàn thì bây giờ lại nằm bất động ở đây. Xót tiền một thì xót con mười. Mặt mũi như thế này, bao giờ lành trở lại. Tôi chẳng mong gì, chỉ mong có phép màu đến với con tôi…”.

Mẹ ơi con xin chừa!

Nằm cách Thành hai giường bệnh trong phòng Hồi sức cấp cứu, Đức Long (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) đang rên xiết do từng cơn đau vết mổ hành hạ. May mắn không bị chấn thương sọ não như Thành nhưng tai nạn giao thông bất ngờ xảy đến khiến chân trái của Long bị gãy. Anh vừa phải trải qua một cuộc phẫu thuật đêm qua, đang được tiếp tục theo dõi và đợi mổ lần 2.

Nhớ lại vụ tai nạn kinh hoàng xảy đến với mình từ đêm ngày 5/5, Long vẫn chưa hết bàng hoàng. Tai nạn xảy ra vào khoảng 9h tối, khi anh cùng với một người bạn đi dự sinh nhật về. Theo Long chia sẻ, tiệc sinh nhật được tổ chức ở một nhà hàng lớn, khá đông vui. Lâu không gặp lại những người bạn cũ nên hết chén nọ đến chén kia “chào” nhau, chàng thanh niên chuếnh choáng trong hơi men từ lúc nào. Nghĩ đi sinh nhật mà để bạn phải chở về thì “xấu hổ”, “mất hết thể diện” nên Long gắng gượng điều khiển xe lúc mắt đã hoa và đầu óc không còn tỉnh táo. Tai nạn xảy ra chỉ cách nơi tổ chức tiệc chưa đầy 3km. “Em chỉ nhớ rầm một cái, người đổ ụp xuống. Sau đó tỉnh lại đã thấy mình trong bệnh viện. Nghe bạn bè em kể lại một người bạn đi ngay sau phát hiện em bị ngã xe và gọi cấp cứu. Em tự ngã chứ không phải bị ai đâm vào”, Long kể.

Có mình Long là con trai duy nhất nên từ khi anh bị tai nạn, bố mẹ Long đứng ngồi không yên, bỏ hết công việc, vườn tược ở quê (Ứng Hòa, Hà Nội) túc trực ở bệnh viện chăm sóc con. Mấy chục triệu tiền bán gà, bán vịt ông bà tích cóp chuẩn bị cho kế hoạch sửa nhà cho con lấy vợ đều đã hết nhẵn nhụi vào tiền thuốc men, chi phí phẫu thuật, mà ngày Long được xuất viện vẫn còn xa vời vợi. “Hôm qua, tôi đã phải gọi điện cho dì nó ở quê gửi tài khoản ra cho vay thêm chục triệu đồng nữa để phòng. Đi bệnh viện tốn kém không kể sao cho hết. Nào tiền ăn uống, tiền thuốc men… Đấy là vợ chồng tôi còn không dám thuê phòng để nghỉ ngơi. Lúc bố nó vào chăm thì tôi tranh thủ ra hành lang, ghế đá rải chiếu nằm nghỉ và ngược lại”, mẹ Long nước mắt ngắn dài tâm sự.

Nhìn bố mẹ hốc hác sau hai ngày đêm thức trắng lo lắng cho mình, Long càng thêm xót xa, ân hận dẫu đã quá muộn màng. “Bây giờ có hối hận cũng đã quá muộn rồi. Chỉ vì một phút ham vui, bốc đồng, em đã khiến cả gia đình vì mình mà điêu đứng, tốn kém tiền bạc. Ra trường còn chưa đỡ đần được gì cho bố mẹ lại để bố mẹ vì mình mà nặng lòng…”, những giọt nước mắt chảy tràn nơi khóe mắt, cắt ngang tiếng thổn thức của chàng trai 26 tuổi. Có lẽ nỗi đau thể xác còn theo cậu một thời gian dài sau hai lần phẫu thuật nhưng nỗi ám ảnh khi nhìn gương mặt mệt mỏi của bố, sự tất tả, âu lo của mẹ sẽ còn theo Long suốt đời… Nắm chặt bàn tay con không rời, mẹ Long vừa lau những giọt mồ hôi rịn ra trên trán con vừa động viên cậu bé: “Cố lên con, tiền bạc sau này mình lại kiếm ra được. Còn người là còn của, con cứ yên tâm nghỉ ngơi cho nhanh khỏi. Đừng suy nghĩ, lo lắng mà lại đau thêm. Mẹ chỉ cần con khỏe lại, khó khăn đến đâu, bố mẹ cũng chịu được”. Nghe mẹ nói, nước mắt lại giàn giụa gương mặt Long: “Con xin lỗi mẹ! Mẹ ơi, lần sau con xin chừa!”.

(Còn nữa)

Tin liên quan

Đọc thêm

Bài 2: Lớp học đặc biệt giữa trùng khơi sóng gió Phóng sự

Bài 2: Lớp học đặc biệt giữa trùng khơi sóng gió

TTTĐ - Đặt chân lên xã Song Tử Tây, Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những điều đặc biệt nơi đây. Giữa biển khơi mênh mông là quần đảo có những lớp học và người thầy đang ngày đêm ươm mầm xanh tương lai cho đất nước.
Những “cột mốc sống” ở Trường Sa Phóng sự

Những “cột mốc sống” ở Trường Sa

TTTĐ - Đến với huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà, chúng tôi cảm nhận thấy không chỉ có con người ở đây mà mỗi tấc đất, sải biển, công trình trên đảo cũng chính là những “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền của Tổ quốc nơi tiền tiêu. Tất cả sự hiện diện nơi đầu sóng ngọn gió này đều giữ trọng trách lớn lao, giữ cho đảo vững, bờ yên.
Những người lính quân hàm xanh vững vàng nơi biên cương Phóng sự

Những người lính quân hàm xanh vững vàng nơi biên cương

TTTĐ - Nơi “cổng trời” biên giới, tiếng chim kêu ríu rít, những chồi non bắt đầu nảy lộc, báo hiệu một mùa Xuân nữa lại về, nhưng với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đăk Blô, xã Đăk Blô, huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum) đây là thời điểm phải căng mình, vững vàng tay súng để bảo vệ từng tấc đất biên cương.
Hương Tết "làng" chổi đót Phóng sự

Hương Tết "làng" chổi đót

TTTĐ - Nằm sâu trong con hẻm nhỏ quanh chợ Bình Tiên (Quận 6, TP Hồ Chí Minh), có những người dù đã vào độ tuổi xế chiều nhưng vẫn luôn miệt mài dệt lên từng bó chổi, mặc cho bụi bặm và sự mai một của thời gian. Mỗi dịp Tết đến, "làng" chổi đót nơi đây ngoài sự tất bật để kịp những đơn hàng, công việc này còn là cả những ký ức, nó mang theo giá trị truyền thống vượt thời gian.
Bài 4: Gửi niềm tin, yêu thương ở lại Phóng sự

Bài 4: Gửi niềm tin, yêu thương ở lại

TTTĐ - Trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã không ngừng quan tâm, hỗ trợ, dành trọn niềm tin, tình yêu đối với Trường Sa. Một trong các hoạt động ý nghĩa đó là việc xây dựng và trao tặng các công trình nhà khách, nhà văn hóa, những món quà thiết thực, góp phần làm phong phú đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên các đảo.
Bài 3: Vững vàng cánh sóng Ra đa Phóng sự

Bài 3: Vững vàng cánh sóng Ra đa

TTTĐ - Nhiệm vụ “vạch nhiễu tìm thù” luôn gắn liền với thử thách, hiểm nguy, bởi yêu cầu nhiệm vụ đặt ra ngày càng cao, trong khi khí hậu, thời tiết khắc nghiệt thế nhưng những “mắt thần” ngày đêm vẫn tỏ, vươn xa cánh sóng, khép kín trường Ra đa bảo vệ vững chắc biển trời nơi tiền tiêu Trường Sa.
Tô thắm lý tưởng cao đẹp của người chiến sĩ Thủ đô Phóng sự

Tô thắm lý tưởng cao đẹp của người chiến sĩ Thủ đô

TTTĐ - Trò chuyện với anh Nghĩa, anh Vang - những người con của mảnh đất Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, tôi cảm nhận được lý tưởng cao đẹp, sẵn sàng phụng sự Tổ quốc trong tâm hồn những người lính này. Từ Trường Sa, các anh nhắn nhủ tới mọi người rằng, tuổi trẻ hãy sẵn sàng nhận những nhiệm vụ gian nan, vất vả nhất. Đó là hành trang, giá trị giúp chúng ta trưởng thành hơn và vững vàng trong cuộc sống.
Hà Nội nghĩa tình ở Trường Sa Phóng sự

Hà Nội nghĩa tình ở Trường Sa

TTTĐ - Hà Nội và Trường Sa - hai địa danh tưởng chừng như cách xa nhau hàng ngàn cây số nhưng lại gắn kết bởi tình yêu, trách nhiệm thiêng liêng và trọn vẹn nghĩa tình. Ở Trường Sa (tỉnh Khánh Hoà) có rất nhiều người con của Hà Nội đang làm nhiệm vụ; cùng với đó là những công trình ý nghĩa, món quà thiết thực mà chính quyền, Nhân dân Thủ đô gửi tặng nơi này. Câu chuyện cảm động của những người Hà thành trên quần đảo là minh chứng cho một Hà Nội nghĩa tình đối với Trường Sa yêu thương. Họ đã và đang góp phần quan trọng vào việc bảo vệ, xây dựng vùng biển đảo Việt Nam.
Tết sớm ở Trường Sa: Ấm áp tình quân dân giữa biển khơi Phóng sự

Tết sớm ở Trường Sa: Ấm áp tình quân dân giữa biển khơi

TTTĐ - Khi những chuyến tàu của Vùng 4 Hải quân chở các mặt hàng Tết cập bến, mùa xuân cũng như đến với quân và dân trên đảo Trường Sa. Giữa biển khơi nghìn trùng sóng vỗ, những chiến sĩ Trường Sa đón Tết cổ truyền của dân tộc trong không khí vui vẻ, ấm áp tình đồng đội, tình quân dân.
Bài 4: Bến bờ và nỗi nhớ ở trong nhau... Xã hội

Bài 4: Bến bờ và nỗi nhớ ở trong nhau...

TTTĐ - Ở bến tàu nơi Trường Sa, tôi hỏi về cảm xúc gặp gỡ chuyến tàu vừa tới, nước mắt chị Trần Thị Châu Úc, người dân trên đảo Song Tử Tây lăn dài không ngớt. Đôi mắt đẫm lệ, chị nói: “Mỗi lần có chuyến tàu từ đất liền ra đảo, tôi mong ngóng và nước mắt cứ trào ra”.
Xem thêm