Ký ức về chuyến tàu đặc biệt và hành trình vượt sóng
Bài 2: Sức triệu người hơn sóng biển Đông |
![]() |
Nhà báo Thu Phương cùng đoàn công tác trên xuồng di chuyển vào Nhà giàn DK1 |
Được chứng kiến cuộc sống gian khổ thiếu thốn tinh thần và những tâm sự về những giấc mơ giản dị của các chiến sĩ Nhà giàn, chúng tôi thấu hiểu những khó khăn, hi sinh mà họ đang phải đối mặt hằng ngày, chênh vênh giữa trùng khơi biển cả.
Vật lộn với sóng gió
Đoàn công tác số 1 do Đại tá Tô Văn Thư, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân làm trưởng đoàn xuất phát từ Hải đội 812, Vũng Tàu vào một buổi sáng cuối năm. Con tàu HQ 624 là ngôi nhà chung của 60 người, gồm cả đoàn công tác và các thủy thủ làm nhiệm vụ trong 11 ngày trên biển.
5 giờ đồng hồ bình yên trôi qua, gió bắt đầu thổi mạnh cấp 7 - 8, từng con sóng bạc đầu dồn dập khiến tàu rung lên, lắc lư. Sóng lừng lững đổ úp xuống 2 mạn tàu, boong tàu trắng xóa. Dù được các chiến sĩ Hải quân bố trí cho 4 nữ phóng viên trong đoàn một phòng ca bin tốt nhất ở tầng 1 nhưng với sức mạnh của sóng, gió khiến chúng tôi mệt lả, rã rời. Bị lăn sang trái, lăn sang phải, ruột gan phèo phổi như không còn chỗ bấu víu, thức ăn bị nôn ra hết. Chịu sự quăng quật của sóng gió mới thấy trên đời này, không có say gì đáng sợ bằng say sóng biển. Để tránh bị rơi xuống đất khi ngủ trên giường, một số người đã nghĩ ra sáng kiến buộc hai tay vào hai thành giường, chèn gối hai bên thật chặt. Ngoài các chiến sĩ Hải quân, trong đoàn công tác ai cũng bị say, sức khỏe bắt đầu giảm sút.
Sau hai ngày lênh đênh trên biển, say sóng nằm bẹp trên giường, đến bữa ăn, chúng tôi được các chiến sĩ trên tàu chăm sóc, đút cho từng thìa cháo để lấy sức. Vậy mà khi nghe còi tiếng tàu rúc lên 3 tiếng báo hiệu đã đến Nhà giàn DK1 thì thật kì diệu như có phép lạ, tất cả mệt mỏi bỗng tan biến, chúng tôi ai cũng háo hức chuẩn bị tư trang để đến Nhà giàn. Nhà giàn DK1/16 thuộc cụm kỹ thuật - khoa học - dịch vụ được xây dựng tại khu vực thềm lục địa phía Nam thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là điểm đến đầu tiên trong hành trình thăm và chúc Tết của tàu HQ 624 .
![]() |
Nhà báo Thu Phương phỏng vấn đồng chí Chỉ huy trên Nhà giàn |
Thuyền trưởng Trần Quang Đông cho tàu thả neo cách Nhà giàn chừng 70m. Đoàn trưởng Tô Văn Thư e dè nhìn sóng biển rồi quay lại nói: “Sóng lớn thế này các anh, chị không thể lên được đâu. Anh, em chiến sĩ được huấn luyện rồi nên mới chịu đựng được”.
Đến ngày thứ 2, đoàn bắt đầu chuyển hàng lên cho Nhà giàn DK1/17. Cũng do sóng quá lớn nên không thể lên được nhà giàn, đoàn phải chúc Tết đến cán bộ, chiến sĩ đang ở trên Nhà giàn “qua loa”. Chúc Tết qua loa là thông qua bộ đàm, đoàn sẽ gửi những lời chúc Tết đến cán bộ, chiến sĩ đang có mặt trên Nhà giàn.
Lính nhà giàn ngoài sự khó khăn thiếu thốn về rau xanh, nước ngọt thì một cái thiếu nữa là hơi ấm đồng bào. Biết được tâm tư, tình cảm của anh, em nên Thượng tá Việt đã mời các phóng viên nữ lên nói chuyện. Nhà báo Thanh Thủy, Báo Hànộimới, thay mặt các phóng viên gửi lời chúc Tết đến các cán bộ, chiến sĩ trên Nhà giàn DK1/17. Tay run run cầm máy bộ đàm, chị Thủy nói nhỏ nhẹ: “Thay mặt những người dân Thủ đô, em xin chúc các anh ăn Tết vui vẻ và vững chắc tay súng để giữ vững vùng thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc”. Rồi phóng viên Thu Thủy cất lên bài hát “Im lặng đêm Hà Nội”. Toàn bộ đoàn bỗng lặng thinh, những giọt nước mắt lăn dài trên khóe mắt của chị. Bài hát như sợi dây tình cảm nối dài giữa đoàn với nhà giàn. Dù không được nhìn thấy khuôn mặt của các anh nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy được niềm vui sướng, hạnh phúc của các anh. Bởi đó là tiếng nói của quê hương, hậu phương, nơi các anh luôn hướng về mỗi khi thấy cô đơn.
Qua bộ đàm, một chiến sĩ trẻ xúc động đề nghị: “Trong đoàn, em được biết có phóng viên của Báo Tuổi trẻ Thủ đô. Em quê Hà Nội, nhớ Thủ đô quá, phóng viên của báo có thể hát hoặc đọc bài thơ tặng chúng em được không”. Được chiến sĩ trẻ nhắc tới tên báo, trong lòng tôi rưng rưng, những câu thơ tự bộc phát trong đầu, tôi đọc cho các anh: “Em đi rồi mang thương nhớ ngọt lành / Với những khát vọng về một thời tuổi trẻ / Kỷ niệm bên anh sẽ là lửa thắp /Thổi bùng lên nung nấu trong em / Em đi rồi nhớ lắm những ngày qua / Nhớ biển, nhớ anh với ngàn nỗi nhớ / Câu thơ em viết vẫn còn dang dở / Gửi lại cho anh nỗi nhớ vơi đầy…”. Đây là những vần thơ viết vội nhưng chất chứa bao tình cảm sâu nặng của chúng tôi với những người lính biển, là tình cảm thiêng liêng, bền chặt của hậu phương gửi đến tiền tuyến.
Lên được Nhà giàn trong mùa biển động là một kì công không phải ai cũng có đủ bản lĩnh. Tàu phải dừng cách Nhà giàn mấy trăm mét, rồi dùng xuồng máy đi tiếp. Trước khi xuống xuồng, trưởng đoàn chỉ chọn một số thành viên có sức khỏe tốt, không sợ sóng biển và quan trọng là phải có lòng can đảm, sự nhanh trí xử lí khi xảy ra sự cố. Dù lúc đó sức khỏe của tôi rất yếu, đi không vững nhưng với khát khao một lần được lên Nhà giàn, được gặp các chiến sĩ ngày đêm canh biển trời của Tổ quốc và quan trọng hơn là có được hình ảnh, tư liệu để viết bài chuyển về tòa soạn, tôi đã xung phong được xuống xuồng. Phải năn nỉ, thuyết phục một hồi, tôi mới được Đại tá, Trưởng đoàn Tô Văn Thư đồng ý cho đi và không quên dặn dò phải mặc áo phao cẩn thận, đu dây khéo léo.
Đế tiếp cận được Nhà giàn DK1/15, con xuồng chở chúng tôi chồm lên hụp xuống giữa những con sóng cao 2 - 3m. Chiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, kinh nghiệm dày dạn lái xuồng nhiều năm trên biển, khéo léo như một nghệ sĩ xiếc lái con xuồng “ngự” trên từng con sóng. Lên đến được chân nhà giàn, chúng tôi phải đu dây từ ròng rọc phía trên nhà giàn thả xuống, cách mặt nước biển khoảng 20m. Với những người lần đầu tiên đi biển như chúng tôi thì đây là một chiến tích, là khoảnh khắc đáng nhớ nhất.
Hi sinh tình cảm riêng dành tình yêu lớn cho Tổ quốc
Có đến tận nơi, mới thấy được hết nỗi gian nan và sự hỹ sinh thầm lặng của những người chiến sĩ Nhà giàn DK1. Giữa bao la biển trời, nhà giàn chênh vênh lên như một chòi canh nhỏ với 4 chân cắm sâu trong lòng đại dương. Cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của những người chiến sĩ chỉ quanh quẩn trong vài chục mét vuông giữa cái nắng gắt cháy da, cháy thịt. Đáng sợ nhất là những trận cuồng phong giữa mùa bão, gió mạnh, biển động, sóng lớn dồn dập kéo đến nhà giàn, đập dưới chân rồi đánh tràn lên mái, khiến nhà giàn nghiêng ngả. Cứ mỗi trận bão về là anh em nhà giàn trắng đêm không ngủ. Chiến sĩ Trần Thế Xuân kể “Trong cơn bão số 1 đầu tháng 1/2013, sóng lớn, gió to đánh mạnh vào chân nhà giàn khiến nhà giàn rung rinh, lắc lư, anh em cả đêm không ngủ, chuẩn bị áo phao, đồ ăn nước uống phòng khi bất trắc, quyết bám nhà giàn đến cùng" .
Thượng úy Hồ Thế Công (sinh năm 1970, quê Lộc Hà, Hà Tĩnh) là một trong những người đầu tiên ra Nhà giàn khi những “ngôi nhà” ấy vừa mọc lên giữa vùng biển chủ quyền của Tổ quốc. Anh cũng là một nhân chứng sống trong trận bão dữ đánh đổ Nhà giàn Phúc Nguyên 2A vào ngày 5/12/1990 mà anh cùng 8 đồng đội vẫn bám trụ đến cùng. "Lúc đó khoảng 2 giờ 5 phút, sóng đánh trùm lên toàn bộ nhà giàn, ngôi nhà không chịu nổi trước cơn sóng dữ đã đổ ập xuống biển. Tất cả anh em đồng loạt lao ra biển. Trong đêm đen, giữa lúc chới với giữa sóng dữ, tôi và anh Phạm Xuân Quỳnh được anh Bùi Xuân Bổng quẳng cho miếng phao vỡ để bám vào. Nếu không có mảnh phao nghĩa tình ấy có lẽ tôi đã không còn đủ sức vượt qua 17 tiếng đồng hồ để rồi sau đó được tàu HQ 711 cứu sống", anh Công kể.
![]() |
Nhà báo Thu Phương cùng cán bộ Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân chụp ảnh trong chuyến đi Nhà giàn DK1 |
Tình đồng đội trong thời khắc giữa sự sống và cái chết ấy và sự hy sinh của họ đã khiến anh tiếp tục gắn bó với nhà giàn, tiếp tục cống hiến cho Tổ quốc. Tâm sự với chúng tôi, người lính có giọng nói trầm ấm này cho biết, đã gắn bó với nhà giàn thì mỗi chiến sĩ trên ngôi nhà này đều xác định phải hi sinh những tình cảm, khát vọng riêng tư của tuổi trẻ để dành tình yêu lớn cho Tổ quốc.
Trong những nhà giàn mà chúng tôi tới, trong các câu chuyện sôi nổi hàng giờ của các chiến sĩ đều là nỗi nhớ, là những giấc mơ giản dị được tay trong tay người thân trên những nẻo đường đầy hoa đào, hoa mai khi Tết đến, Xuân về. Đại úy Hồ Văn Sỹ (sinh năm 1968, ở TP Vũng Tàu) đã 10 năm liền ăn Tết ở biển, trong giấc mơ. Anh chỉ có một niềm mơ ước là được về nhà làm mâm cơm cúng đêm Giao thừa, sáng mùng 1 Tết được chở vợ con đi chơi để bù lại những tháng ngày xa cách. Mím chặt môi cố nén xúc động, anh bảo, trong cuộc đời của mình, nỗi day dứt nhất của anh là trong năm 2006, cơn bão với gió giật cấp 10 đã làm sập mái nhà. Vợ anh cuống cuồng, lạc giọng gọi điện cho anh nói là nhà bị gió cuốn bay mất mái, dột khắp nơi, con đang ốm. Lúc đó, anh thương vợ con đến thắt lòng, nuốt nước mắt vào trong, anh hướng dẫn vợ che tạm cho con khỏi ướt, ngớt mưa anh nhờ bạn bè gần đó sang sửa giúp.
Trên mỗi Nhà giàn, trong mỗi câu chuyện của các anh đều thấm đẫm nước mắt và một tinh thần thép. Chúng tôi thấu cảm những khó khăn, thiếu thốn tinh thần, sự hy sinh mà các anh đang phải đối mặt hằng ngày trên các Nhà giàn đầy gian khổ và khắc nghiệt này.
Rồi những ngày đầy bận rộn, vất vả nhưng tuyệt đẹp cũng nhanh chóng qua đi. Chiều tà, chúng tôi bịn rịn chia tay với những chiến sĩ Nhà giàn DK1. Tất cả cán bộ, chiến sĩ của Nhà giàn thả dây đưa chúng tôi xuống xuồng. Khi con tàu nhổ neo, những bàn tay vẫy những bàn tay, những tiếng gọi nhau; những lời nhắn nhủ, những giọt nước mắt, tiếng hát vang lên giữa trùng khơi: “Người chiến sĩ Nhà giàn vẫn kiên cường trong bão giông, dù gian khó không sờn lòng, hiến dâng tuổi Xuân…”.
Tin liên quan
Đọc thêm

Làng chài miền Tây giữa đại ngàn Tây Nguyên

Bài 5: Điểm tựa tâm linh trên đảo tiền tiêu

Bài 4: Sức sống xanh giữa mặn mòi biển cả

Bài 3: “ Mắt biển ” không bao giờ tắt

Bài 2: Lớp học đặc biệt giữa trùng khơi sóng gió

Những “cột mốc sống” ở Trường Sa

Những người lính quân hàm xanh vững vàng nơi biên cương

Hương Tết "làng" chổi đót

Bài 4: Gửi niềm tin, yêu thương ở lại
