Sinh viên tìm cách “thắt lưng buộc bụng” trong thời thực phẩm leo thang
![]() |
Giá thực phẩm tăng cao, sinh viên nghĩ đủ cách để chắt bóp chi tiêu
Bài liên quan
Trường học hay trường đời: Định hướng nghề nghiệp cho sinh viên
Sinh viên Kiến trúc nô nức tham gia hiến máu tình nguyện
Ngắm người đẹp tranh tài tại cuộc thi “Nữ sinh viên thanh lịch Thủ đô”
Thực phẩm tăng giá
Dạo một vòng quanh các chợ gần những trường đại học ở khu vực quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa (Hà Nội) điều dễ nhận thấy nhất là nỗi lo lắng hiện rõ trên từng khuôn mặt những bạn sinh viên.
Mặc dù đây là vùng đông sinh viên nhưng so với giá cả chợ ở quê vẫn đắt hơn gấp mấy lần. Nhiều bạn than thở rằng không biết mua gì vì giá thực phẩm đang cao chót vót. Đến một mớ rau muống thấp nhất còn có giá 5.000 đồng, các loại rau khác cũng từ mức đó “trèo” lên đến 10.000 đồng. Điều đáng nói nhất là giá thịt lợn vừa tuần trước còn ở mức 80.000 đồng/1 kg, vài ngày gần đây nhích dần lên và đến nay đang ở mức giá 120.000 đồng/1kg. Đó là chưa kể tiền gạo, gas, mắm, muối cũng tăng theo.
Tiền thực phẩm đã cao, giá cơm sinh viên ngoài hàng còn đắt hơn. Theo khảo sát của phóng viên tại nhiều quán cơm bình dân khu vực gần các trường đại học, giá rẻ nhất cũng phải 20.000 đồng/suất. Thậm chí có những quán cơm sinh viên “niêm yết” giá thấp nhất 25.000 đồng khiến nhiều bạn trẻ cũng phải... "cắn răng".
![]() |
Bữa ăn của Nguyễn Văn Chương, sinh viên năm thứ nhất trường Đại học (ĐH) Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) được tinh tươm hơn khi bố mẹ ở quê gửi thức ăn lên |
Đối với những sinh viên chọn cách tự nấu ăn thì còn đỡ chi phí nhưng với bạn đi ăn hàng, khi giá thực phẩm tăng, số tiền ăn cũng theo đó đội lên nhiều. Để duy trì, nhiều bạn trẻ xa nhà đã phải tính các phương án chắt bóp chi tiêu.
Nguyễn Văn Chương, sinh viên năm thứ nhất trường Đại học (ĐH) Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, 1 tháng nay giá thịt lợn tăng không ngừng, cũng kể từ đó, em thường xuyên ăn thịt gà công nghiệp và đậu phụ. Bữa nào tươm tất hơn là do bố mẹ ở quê gửi lên.
Trần Văn Thành, sinh viên trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng cho biết, thời gian gần đây giá thực phẩm tăng cao, số tiền mà bố mẹ gửi xuống, sau khi trừ các khoản: học phí, thuê nhà, nước, điện… thì tiền ăn chẳng còn là bao. Nếu ăn uống theo thời giá này chắc chỉ duy trì được khoảng hơn nửa tháng là hết tiền.
Thành cho biết thêm, cậu cũng đang nghĩ cách chắt bóp chi tiêu, nhưng "phương án" trước mắt, chuyển từ thịt lợn sang thịt gà công nghiệp. "Em chọn mua loại thịt gà trắng (phần lườn) cho rẻ. Giá loại thịt này chỉ khoảng 60 ngàn đồng/ kg, bằng nửa giá thịt lợn. Tuy nhiên, thịt gà trắng lại hay bị tiểu thương bơm nước nên có khi mua cả cân nhưng về chế biến chẳng còn được bao nhiêu"
Áp dụng công nghệ để "sống chung với lũ”
Có thể thấy, để sống chung với giá thực phẩm leo thang trong khi số tiền ăn không thay đổi, nhiều bạn sinh viên đã nghĩ ra không ít cách để xoay sở, thắt chặt hầu bao.
Nguyễn Thị Tuyến, sinh viên trường Đại học Công nghệ chia sẻ: “Chúng em không nấu mà ăn ngoài hàng. Kể từ khi thịt lợn và một số thực phẩm tăng giá, mỗi ngày em ăn hết 50 nghìn đồng chưa kể ăn sáng và tiêu vặt. Em đã thắt lưng buộc bụng từ hai hôm nay, bữa tối giảm xuống 20 nghìn đồng và chỉ dám ăn bánh mỳ buổi sáng. Ngoài ra, em còn giảm triệt để đồ ăn vặt để đủ tiền duy trì đến hết tháng".
Trần Thị Thu Hồng, sinh viên năm thứ 3 trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn chia sẻ , bạn đã thực hiện chính sách thắt chặt chi tiêu. Cụ thể Hồng lên kế hoạch cho bản thân, hàng tuần chỉ được phép tiêu một khoản nhất định như: xăng xe bao nhiêu, ăn uống bao nhiêu... và giảm bớt những khoản không cần thiết. "Lúc trước mình tiêu một tuần hết 400.000 đồng, giờ thì nhờ có kế hoạch nên cũng ở mức đó mà vẫn có thể xử lý những thứ thiết yếu khác" - Hồng tâm sự.
Còn bạn Trần Thanh Tùng, sinh viên Học viên Nông nghiệp lên kế hoạch vừa giảm khẩu phần ăn, vừa tích cực đi làm thêm. "Bữa nào ăn nhiều thì bắt buộc phải có những bữa khác giảm đi. Hàng ngày, mình đều ghi chép cẩn thận số tiền đã tiêu để cân đối ngay trong tuần đó. Hôm nào chi nhiều quá qui định, hôm sau mình sẽ bớt những khoản đó vào tiền thực phẩm, tiêu vặt".
Không ít bạn sinh viên chọn cách áp dụng công nghệ để tìm những hàng quán bán đồ ăn giảm giá trên mạng Internet. Nhiều sinh viên cho biết mức chi cho tiền ăn khoảng 1.500 đồng/tháng vẫn có thể tiết kiệm hơn khi nấu ăn chung. "Nhiều khi bọn mình phải rủ thêm bạn bè đến ở cùng, mua gì cũng phải gom vào rồi cùng mua đỡ tiền ship, việc ăn cũng vậy, mua đồ ăn từ những quán giảm giá cũng phải "gom người" vào mua chung để san sẻ chi phí.
Cuộc sống xa nhà buộc các bạn sinh viên phải thích nghi với nhiều thứ, điều quan trọng nhất, các bạn đã biết tự quản lý tài chính để đảm bảo cuộc sống và việc học hành.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Học tủ, học vẹt, luyện đề: Những "lối mòn" ôn thi cần thay đổi

Thi tài tiếng Anh, cán bộ trẻ “rinh” nhiều phần thưởng hấp dẫn

Góp sức trẻ hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng

Cơ hội và tương lai phát triển bền vững cho người trẻ

Một tay lái, một tay điện thoại: Cái giá có thể là sinh mạng

Xu hướng làm việc linh hoạt trong Gen Z

500 thiếu nhi xuất sắc tham dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ

Lan tỏa nghị lực sống, truyền cảm hứng từ những con người phi thường

Bác sĩ trẻ và những sáng kiến vì cộng đồng
