Tháng 5 – mùa ký ức gọi tên
Ký ức hào hùng |
Những chuyến đi về nguồn
Trong dịp kỷ niệm 71 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, đông đảo người trẻ từ khắp mọi miền Tổ quốc đã đến với mảnh đất lịch sử này để tưởng niệm, tri ân và sống lại những ngày tháng hào hùng của dân tộc. Họ tìm về thăm đồi A1, hầm Đờ Cát, Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ…
Bạn Nguyễn Hoàng Linh (22 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) kể: “Khi đứng trên đồi A1 nhìn xuống cánh đồng Mường Thanh, em xúc động không nói nên lời. Thật khó tin rằng 71 năm trước, nơi đây là chiến trường khốc liệt nhất lịch sử kháng chiến chống Pháp của Việt Nam”.
Không chỉ tham quan, các bạn trẻ còn tham gia dâng hương tri ân, làm vệ sinh di tích, góp phần xây dựng mô hình tuyên truyền lịch sử tại địa phương. Từ mảnh đất nhuốm màu chiến tích, họ mang về những câu chuyện, hình ảnh và cảm xúc để lan tỏa tới bạn bè cùng trang lứa.
![]() |
Điện Biên Phủ là điểm đến của nhiều người khi tìm về lịch sử hào hùng |
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người gọi tháng 5 là “tháng của lịch sử”. Ngoài chiến thắng Điện Biên Phủ, Ngày truyền thống Hải quân Nhân dân Việt Nam, tháng 5 còn là dịp kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5), vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Khắp các trường học, cơ sở Đoàn - Hội - Đội đang đẩy mạnh tổ chức những Hành trình về nguồn, đến các địa chỉ đỏ như: Pác Bó (tỉnh Cao Bằng), Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang), K9 Đá Chông (huyện Ba Vì, TP Hà Nội); Nam Đàn (tỉnh Nghệ An); Bến Nhà Rồng (TP Hồ Chí Minh)…
Tại TP Hồ Chí Minh, bạn Nguyễn Thị Thu Mai, 24 tuổi, chia sẻ: “Lần đầu vào thăm Bến Nhà Rồng, em thấy nghẹn ngào khi đứng trước không gian nơi Bác ra đi tìm đường cứu nước. Em nhận ra rằng tình yêu đất nước có thể bắt đầu từ những cảm xúc chân thành như thế”.
Còn tại Hà Nội, nhiều người đến thăm Phủ Chủ tịch - Nhà sàn Bác Hồ - Lăng Chủ tịch - Bảo tàng Hồ Chí Minh. Những câu chuyện nhỏ, tấm ảnh cũ, lời kể của hướng dẫn viên như đưa các bạn trẻ trở về với hình ảnh một người cha già của dân tộc giản dị, vĩ đại.
Khơi dậy tinh thần dân tộc
Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, khi thông tin có thể dễ dàng tra cứu qua mạng, việc tổ chức những chuyến về nguồn mang giá trị trải nghiệm thực tế là cực kỳ quan trọng. Họ khẳng định, chính những chuyến đi ấy khiến thế hệ ngày nay thấy mình đang nối tiếp một dòng chảy lịch sử. Khi được “chạm” vào lịch sử bằng trái tim, các bạn sẽ hiểu giá trị độc lập, tự do và càng trân trọng hòa bình, chủ quyền hôm nay.
![]() |
Đông đảo người dân đến với tỉnh Điện Biên trong dịp kỷ niệm 71 năm chiến thắng Điện Biên Phủ |
Tháng 5 - tháng của lý tưởng, của lòng biết ơn, của sự tiếp nối. Mỗi hành trình về nguồn trong tháng lịch sử này không chỉ là lời tri ân quá khứ, mà còn là cách giới trẻ chuẩn bị hành trang tinh thần vững chắc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời đại mới.
Bạn Nguyễn Minh Đức (30 tuổi, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) vừa có chuyến về nguồn tại Khu di tích lịch sử ATK Định Hóa (Thái Nguyên) chia sẻ: “Lần đầu đặt chân tới nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống và làm việc, mình thực sự xúc động. Những kiến thức lịch sử trên sách vở bỗng trở nên sống động, gần gũi và dễ tiếp thu hơn nhiều”.
Theo Đức, chuyến đi không chỉ đơn thuần là tham quan, mà còn kết hợp nhiều hoạt động như trò chuyện với nhân chứng lịch sử, tham gia các trò chơi trí tuệ về lịch sử Việt Nam, thực hiện video ngắn về cảm nhận của bản thân… “Mình nghĩ nếu được nhân rộng những hoạt động như thế này, người trẻ sẽ yêu lịch sử một cách tự nhiên và sâu sắc hơn”, Đức nói.
Tại Nghệ An, quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 5 này, đoàn viên, học sinh các trường học lại nô nức tham gia hành trình về quê Bác. Lê Thị Thu Hằng (học sinh lớp 12, tại Nghệ An) cho biết: “Mỗi lần về Kim Liên, em lại thấy xúc động trước sự giản dị, vĩ đại của Bác. Nhìn căn nhà tranh, chiếc giường tre, những kỷ vật đơn sơ, em hiểu vì sao cả thế giới khâm phục Bác đến thế”.
![]() |
Người trẻ và hành trình về với những vùng đất thiêng liêng |
Theo Hằng, sau mỗi chuyến đi, em và các bạn lại về viết bài thu hoạch, làm báo tường hoặc tổ chức một buổi sinh hoạt với chủ đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. “Chúng em muốn lan tỏa giá trị tốt đẹp từ những hành trình ấy”, Hằng chia sẻ.
Một xu hướng thú vị là giới trẻ ngày nay đang dùng mạng xã hội như một kênh để lan tỏa tình yêu lịch sử. Thay vì chỉ đăng ảnh du lịch tại các địa điểm vui chơi hiện đại, nhiều bạn trẻ lựa chọn “check-in” tại các di tích như: Thành cổ Quảng Trị, Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), Nhà tù Côn Đảo, Địa đạo Củ Chi… kèm theo những caption đầy cảm xúc.
Nguyễn Hải Anh (23 tuổi, freelancer tại TP Hồ Chí Minh) kể: “Em từng đi du lịch Côn Đảo. Khi thắp hương mộ chị Võ Thị Sáu, em rưng rưng. Về lại Sài Gòn, em đã làm một clip ngắn và chia sẻ với các bạn. Người trẻ chúng em vẫn rất quan tâm đến lịch sử, nếu cách tiếp cận đủ gần gũi, hiện đại”.
Các chuyên gia giáo dục nhận định: Hành trình về nguồn là một phần quan trọng trong việc giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ. Khi được đặt chân đến những “địa chỉ đỏ”, nhìn tận mắt, nghe tận tai những gì ông cha ta đã trải qua, người trẻ sẽ có thêm động lực học tập, phấn đấu, sống trách nhiệm hơn.
Những chuyến đi ấy không chỉ giúp thế hệ ngày nay hiểu thêm về lịch sử mà còn vun đắp tình yêu quê hương, hình thành nhân cách, lý tưởng sống cao đẹp. Khi biết quý trọng quá khứ, họ sẽ trân trọng hiện tại và nỗ lực cho tương lai. Đó chính là cách mà thế hệ hôm nay tiếp nối ngọn lửa truyền thống, dựng xây một Việt Nam vững mạnh từ trong ý thức mỗi công dân trẻ.
Tin liên quan
Đọc thêm

Giỏi ngoại ngữ, Gen Z tự tin bước ra thế giới từ tuổi teen

Thi tài tiếng Anh, cán bộ trẻ “rinh” nhiều phần thưởng hấp dẫn

Góp sức trẻ hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng

Xu hướng làm việc linh hoạt trong Gen Z

Lan tỏa nghị lực sống, truyền cảm hứng từ những con người phi thường

“Tiếp sức mùa thi” ứng dụng AI để thí sinh "thi cử nhẹ nhàng"

Bí quyết vượt vũ môn và chọn đúng nghề cho tương lai

“Hội tiền bối” giúp 2K10 gỡ rối trước kỳ thi vào lớp 10

Tạm biệt tháng Tư, giới trẻ hướng về Hà Nội mùa thu lịch sử
