Những kí ức không quên…
Kí ức của các chiến sĩ đội lái xe “tóc dài” Trường Sơn Chàng trai “tô màu kí ức” |
Cứu sống thương binh là nhiệm vụ tối cao...
Trong bối cảnh đất nước bị thu hẹp, chia cắt, kháng chiến chống Mỹ diễn ra gay go ác liệt, nhiều bác sĩ, sinh viên ngành y đã xung phong đi phục vụ chiến trường. Bác sĩ - Anh hùng Lực lưỡng vũ trang Nhân dân Lê Đính, nguyên Bí thư Đảng ủy Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 kể lại về những hồi ức về một thời đạn bom, máu lửa ác liệt nhất trong chiến tranh phá hoại của địch trên tuyến đường Trường Sơn.
![]() |
Nhóm bác sĩ Đội điều trị 14 trong những năm tháng chiến tranh ác liệt |
Lúc đó Đội điều trị 14 - Đoàn 559, do bác sĩ Lê Đính làm đội trưởng đang chốt tại xã Hóa Tiến, Quảng Bình, gần khu vực trọng điểm. Quân số toàn đội ngày ấy khoảng 100 cán bộ, chiến sĩ, với tinh thần “một người làm việc bằng hai”, phục vụ thường xuyên từ 200 - 300 thương binh, bệnh binh, có thời kì đông lên tới 600 người.
“Có những đợt máy bay B52 rải thảm, đường tắc, thương binh, bệnh binh dồn lại tới 600 người, trong đó có 120 bệnh nhân nguy kịch. Toàn thể cán bộ, y, bác sĩ đã đứng cầm dao mổ suốt ba ngày, ba đêm cho tới khi hết thương binh chuyển về mới thôi.
Ngày đó, chúng tôi cũng có chế độ cấp phát thuốc theo tiêu chuẩn nhưng khi tiếp nhận nhiều thương binh, bệnh binh, tất cả đều nhường cơ số thuốc của mình cho họ. Chỉ có tình người mới giúp chúng tôi có nghị lực phi thường vượt qua gian khó”, ông Đính xúc động kể lại.
Trong giai đoạn địch đánh phá dữ dội suốt ngày đêm, tuyến đường bị tắc nghiêm trọng, không thể đưa thương, bệnh binh về trung tâm điều trị. Chưa kể trên đường đi, xe cứu thương bị trúng bom sẽ lại có thêm người bị thương, tổn thất người, xe, thuốc men.
Người bác sĩ đội trưởng can trường ấy đã họp bàn với chỉ huy đội, đề xuất cấp trên chia lực lượng của đội thành chín đội phẫu thuật chốt ngay tại các trọng điểm, áp sát bộ đội, tiếp cận nhanh chóng thương binh, xử lý các vết thương ngay tại trận trước khi chuyển về khu trung tâm.
![]() |
Bệnh viện dã chiến trong những năm kháng chiến chống Mỹ |
Có lần bác sĩ Lê Ðính được lệnh hộ tống một số thương, bệnh binh đặc biệt ra tuyến sau. Khi phà vừa rời bến sông Gianh chưa xa thì đàn máy bay Mỹ lao đến, điên cuồng bắn phá, pháo sáng thả đầy trời. Ông cùng y tá Quyết tiêm thuốc giảm đau và an thần cho thương binh, cùng lái xe khiêng thương binh xuống gầm xe. Rồi cả ba người nằm đè lên chiến sĩ bị thương, tránh cho họ không bị thương thêm lần nữa.
Ngay cả đối với các thương binh Mỹ, các bác sĩ quân y cũng luôn cố gắng cứu sống tính mạng của họ. Trong những câu chuyện cứu sống lính Mỹ sau cánh rừng già của những bác sĩ quân y ấy ranh giới giữa ta và địch không còn là khoảng cách nữa mà chỉ còn là tình cảm của con người đối với nhau, của một người là bác sĩ cứu một người bệnh.
Khi người lính quân y về với đời thường
Sau chiến thắng lịch sử 1975, nước nhà hoàn toàn độc lập, thống nhất. Trong bối cảnh vừa phải khắc phục hậu quả nhiều mặt của chiến tranh để lại, vừa đương đầu với cuộc chiến tranh ở hai đầu biên giới phía Nam, phía Bắc, lực lượng quân y lại tiếp tục sát cánh cùng quân và dân trên mọi mặt trận.
![]() |
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, bác sĩ Lê Đính |
Những hình ảnh về một thời kì gian khó nhưng ý nghĩa, cảm động vẫn in đậm trong kí ức của những người sinh viên y khoa năm xưa. Nhiều sinh viên trường quân y lúc đó vừa học vừa phục vụ. Từ sáng sớm tinh mơ, sinh viên lại đẩy cáng xe chở hàng chục chậu nước đi đánh răng, rửa mặt cho từng thương binh.
Những ngày nghỉ cuối tuần, sinh viên kết nghĩa với chi đoàn bệnh viện cùng giúp thương bệnh binh tắm gội. Hàng ngày, hàng giờ họ chứng kiến thương tật của thương binh, ngoài tình thương, sự đồng cảm giữa những người lính vào sinh ra tử.
PGS.TS Thiếu tướng Hoàng Mạnh An, nguyên Giám đốc Bệnh viện Quân đội 103 cho hay: "Sau chiến tranh số lượng thương binh được đưa đến bệnh viện rất đông, lúc đó chúng tôi đang là sinh viên, sang bệnh viện phục vụ anh em thương binh. Hầu như thuốc men khó khăn, chủ yếu là sự động viên, chăm sóc là chính.
Chúng tôi thấy thời ấy tuy khó khăn như thế nhưng có thể nói là tình người, sự động viên chăm sóc của cán bộ nhân viên y tế, của chính người bệnh cũng động viên trở lại những người thầy thuốc. Cho nên có thể nói, việc chữa bệnh thời đó, tinh thần còn quan trọng không kém gì thuốc men".
![]() |
PGS.TS Thiếu tướng Hoàng Mạnh An khi còn là Giám đốc Bệnh viện Quân đội 103 trong công tác cứu chữa bệnh nhân |
Bước vào thời kì đổi mới, những người chiến sĩ quân y rời mặt trận trở về, tiếp tục tìm tòi nghiên cứu chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao công tác khám, chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân. Những chiến công thầm lặng của các chiến sĩ quân y cả trong thời chiến và thời bình thật đáng quý và đáng tự hào.
Bản thân là người lính từng ra chiến trường, việc đối diện ranh giới sự sống và cái chết không làm họ sợ hãi. Trong chiến tranh, người lính quân y chấp nhận mọi hi sinh để cứu đồng đội, đối mặt với đạn bom. Góp phần làm nên những trang sử vẻ vang và thành tích đáng tự hào của ngành Y tế Việt Nam, không ít thầy thuốc đã ngã xuống trong khi làm nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên chiến trường miền Nam.
Tin liên quan
Đọc thêm

Hiện thực hóa giấc mơ an cư cho người nghèo

Quy hoạch tu bổ Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị

Lâm Đồng sắp xếp trụ sở, nhà ở cho cán bộ sau sáp nhập

Nhiều hoạt động trong Lễ Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng TP Hải Phòng

139 phạm nhân tại Hà Nội được đặc xá

Thượng tá Nguyễn Đại Đồng phụ trách Công an TP Đà Nẵng

Rực rỡ sắc màu kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước

TP Hồ Chí Minh rực rỡ bầu trời đêm mừng ngày giải phóng

Người dân phấn khích với màn biểu diễn kỵ binh, pháo hoa, mapping
