Không còn băn khoăn "về nước sẽ làm gì, ở đâu?"
Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước vẫn luôn coi trọng vấn đề trọng dụng người tài. Chủ trương đó tiếp tục được nhấn mạnh trong Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết đã mang đến sự phấn khởi và niềm tin cho kiều bào, đặc biệt là trí thức trẻ ở nước ngoài. Với họ, bây giờ, trở về nước làm việc là một sự lựa chọn chứ không còn là nỗi băn khoăn như trước đây.
Về vấn đề này, phóng viên (PV) Báo Tuổi trẻ Thủ đô có dịp trò chuyện với gương mặt trẻ - PGS.TS Trần Lê Hưng, giảng viên Trường Kỹ sư Paris (EIVP), Đại học Gustave Eiffel (UGE), Pháp; thành viên Ban Chủ nhiệm Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu.
Phấn khởi, tự hào trước "lời hiệu triệu"
PV: Là giảng viên thuộc thế hệ 9X đang công tác tại một trường ĐH ở Pháp, lại là thành viên của Ban Chủ nhiệm Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu, hẳn anh quan tâm đến Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị vừa được ban hành ?
PGS.TS Trần Lê Hưng: Nghị quyết số 57-NQ/TW vừa ban hành có thể nói vào đúng thời điểm mà ý Đảng hòa quyện với lòng dân, thể hiện khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đây cũng chính là thời điểm hội tụ tổng hòa các lợi thế, sức mạnh để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Nghị quyết đã chỉ rõ con đường phát triển, đi lên của đất nước trong kỷ nguyên mới, đó là lấy khoa học công nghệ làm nền tảng, đổi mới sáng tạo làm động lực và chuyển đổi số là kết nối.
![]() |
PGS.TS Trần Lê Hưng, giảng viên Trường Kỹ sư Paris (EIVP), Đại học Gustave Eiffel (UGE) tại Pháp; thành viên Ban Chủ nhiệm Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu |
Có thể so sánh, đây là lần đổi mới thứ 2 của nước ta sau khi mở cửa từ năm 1986. Nghị quyết số 10-NQ/TW năm 1988 còn được biết tới tên gọi là "khoán 10", là Nghị quyết bản lề về đổi mới, quản lý kinh tế nông nghiệp và là cú hích mạnh mẽ cho nền sản xuất nông nghiệp, đưa nước ta phát triển với những thành tựu đáng ghi nhận.
Nghị quyết số 57 vừa ban hành có thể coi như một "khoán 10" trong phát triển khoa học công nghệ, là kim chỉ Nam cho Nhân dân ta hành động, đưa nước ta bước vào kỷ nguyên vươn mình dân tộc.
PV: Theo anh, đâu là điểm đột phá trong Nghị quyết này ?
PGS.TS Trần Lê Hưng: Nghị quyết 57-NQ/TW đặc biệt coi phát triển công nghệ cao, khoa học công nghệ là gốc, là giá trị cốt lõi. Đây là chìa khóa then chốt để quốc gia phát triển hưng thịnh, bền vững, giàu mạnh. Đây cũng là khát vọng, mong mỏi của Nhân dân ta, đặc biệt là của các nhà trí thức, khoa học trẻ.
Điều này thôi thúc cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục phải đổi mới tư duy, nắm bắt cơ hội, kiến tạo và đầu tư mọi nguồn lực tốt nhất để các nhà khoa học, trí thức trẻ làm chủ khoa học công nghệ, đặc biệt là các lĩnh vực công nghệ cao, then chốt trong phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc gia.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 57-NQ/TW cũng nhấn mạnh việc mạnh dạn đầu tư cho các nghiên cứu, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu. Điều này được cộng đồng trí thức Việt ở nước ngoài đánh giá rất cao, tạo ra sân chơi cho các trí thức, nhà khoa học trẻ hoàn toàn có thể tự do sáng tạo, nghiên cứu, tạo ra nhiều sản phẩm mang tính đột phá, nâng cao hiệu quả, năng suất, cải thiện sức lao động, tăng sức cạnh tranh quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế.
Hơn nữa, điều này cũng thúc đẩy một chiến lược đầu tư dài hơi, xứng tầm cho các nghiên cứu khoa học bản lề, mang tính mũi nhọn quốc gia song song với việc quy hoạch và đầu tư cho các nguồn lực nhân sự cho các nhà khoa học đầu ngành.
Nghị quyết nhấn mạnh đến vai trò then chốt của các nhà khoa học, để thu hút, trọng dụng, giữ chân các nhà khoa học đầu ngành, chuyên gia, "tổng công trình sư" trong và ngoài nước.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã có yêu cầu kế hoạch cụ thể trong việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân tài khoa học công nghệ; đặc biệt chú trọng đến các chuyên gia người Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; những người hiểu rõ văn hóa Việt Nam, trưởng thành ở các nước phát triển, am hiểu chuyên môn, quản lý và có sự kết nối quốc tế sâu rộng.
Đây có thể hiểu như "lời hiệu triệu" của Tổng Bí thư đối với đông đảo người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt với chuyên gia chất lượng cao về cùng hiến kế, dựng xây đất nước; phát huy tối đa vai trò làm chủ đất nước, cùng nhau thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Nghị quyết đã đề ra.
Tôi tin rằng, toàn thể người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước, đều vững tin vào con đường mà Đảng ta đã lựa chọn bởi vì đường lối đó đáp ứng đúng yêu cầu, nguyện vọng của đông đảo người dân Việt Nam.
Với cá nhân tôi, việc phục vụ Tổ quốc không chỉ là bổn phận, nghĩa vụ công dân mà còn là quyền lợi, sự tự hào, vinh dự của người thanh niên Việt Nam khi được góp sức mình vào công cuộc dựng xây, bảo vệ Tổ quốc, tô thắm thêm truyền thống lịch sử, viết tiếp con đường cách mạng của ông cha ta.
![]() |
PGS.TS Trần Lê Hưng tham gia đóng góp ý kiến vào buổi sinh hoạt chuyên đề "Vai trò của trí thức trẻ Việt Nam tại Pháp đóng góp cho sự phát triển KHCN Việt Nam trong thời kỳ mới" |
"5 nhà" + "5 tự"
PV: Quan sát thực tế, anh thấy ở thời điểm hiện tại, đâu là những khó khăn mà các nhà khoa học trẻ người Việt, ở nước ngoài muốn về nước làm việc?
PGS.TS Trần Lê Hưng: Đầu tiên, phải nói rằng người Việt Nam ở đâu cũng luôn có lòng yêu nước và hướng về quê hương. Tổ quốc và luôn có mong muốn được đóng góp sức mình vào công cuộc dựng xây và bảo vệ đất nước dưới nhiều hình thức khác nhau: Đóng góp chất xám, tài chính, hiến kế phát triển, kết nối đưa Việt Nam ra với thế giới và đưa thế giới đến với Việt Nam…
Đối với các nhà khoa học trẻ người Việt đang ở nước ngoài, mong muốn được đồng hành cùng công cuộc đổi mới đất nước càng mãnh liệt hơn bởi họ hiểu rằng, phát triển đất nước bằng khoa học, công nghệ, trí thức là hướng đi đúng đắn, nhanh, bền vững và chắc chắn nhất.
Thực tiễn cũng đã chứng minh, nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đã thành công với hướng đi này. Thời gian vừa qua, tôi theo dõi thấy có rất nhiều trí thức trẻ người Việt đã trở về Việt Nam và bước đầu thành công trên con đường nghiên cứu khoa học, có những thành tích nổi bật.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có một số trí thức vẫn gặp khó khăn, loay hoay, khó hòa nhập bởi nhiều yếu tố. Yếu tố chủ quan có thể là do tính cách cá nhân chưa quen với cách làm việc ở trong nước, chưa tìm được môi trường phù hợp để phát triển.
Khách quan là yếu tố tài chính cá nhân, đãi ngộ, những áp lực khác ngoài công tác chuyên môn. Có người băn khoăn câu hỏi về nước sẽ làm gì và làm ở đâu, liệu có phù hợp với chuyên môn, nguyện vọng và định hướng phát triển bản thân không…
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm và đại biểu chụp ảnh chung với các kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình Xuân quê hương năm 2025 |
Một bộ phận trí thức là giảng viên đại học, khi về nước làm việc phải đảm nhận hai nhiệm vụ song song: Giảng dạy và nghiên cứu. Đa số giảng viên đều phải dạy vượt giờ định mức, bởi số giờ vượt đó sẽ là phần thu nhập tăng thêm, giảm bớt gánh nặng tài chính nhưng cũng vì thế mà quỹ thời gian của họ dành cho nghiên cứu cũng giảm bớt.
Ngoài ra, họ cũng chịu áp lực về các công bố khoa học quốc tế trong một năm để duy trì nghiên cứu. Một số quỹ cũng tài trợ cho các nghiên cứu, tuy nhiên số lượng còn hạn chế. Một số quỹ lại chỉ tài trợ theo định hướng, chủ yếu liên quan đến BigData hay trí tuệ nhân tạo, trong khi đó, nghiên cứu khoa học thì trải rộng khắp các lĩnh vực. Một nhóm nghiên cứu mạnh cũng đã được thành lập, có nhiều công bố khoa học, nhưng tính ứng dụng, khả thi chưa cao…
Do đó, nhiều trí thức trẻ người Việt Nam ở nước ngoài đã thực sự gặp nhiều khó khăn khi về nước làm việc. Tuy nhiên, đối mặt những thách thức đó thì làn sóng trí thức trẻ người Việt quay trở về nước làm việc, phát triển bản thân thì ngày càng nhiều. Đặc biệt là bây giờ, trở về Việt Nam là một sự lựa chọn chứ không còn là một câu hỏi để họ đưa ra bàn luận hay phân tích như trước.
PV: Anh có "hiến kế" nào để chúng ta đạt được những mục tiêu thu hút các nhà khoa học, trí thức ở nước ngoài như trong Nghị quyết ?
PGS.TS Trần Lê Hưng: Để chính sách đi vào cuộc sống thì cần có một độ trễ về thời gian để triển khai, thực thi và đánh giá. Tuy nhiên, trên tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng" mà Tổng Bí thư, Chính phủ đã quán triệt, Nghị định số 179/2024/NĐ-CP về quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội vừa qua đã phần nào cụ thể hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW.
Các giải pháp cụ thể đưa ra phải giải quyết được các khó khăn, tháo gỡ điểm nghẽn cho các nhà khoa học, trí thức trẻ toàn cầu, làm sao để họ toàn tâm toàn ý vào chuyên môn, cơ chế làm việc, chế độ đãi ngộ có đủ hấp dẫn với họ.
Do đó, để đạt được mục tiêu của Nghị quyết thì cần sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cơ quan chức năng, tránh để cơ chế là "điểm nghẽn của điểm nghẽn" hay "trên rải thảm, dưới rải đinh".
Bên cạnh đó, mỗi người dân cũng cần phát huy tối đa tinh thần "5 tự" mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu: Tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc.
![]() |
PGS.TS Trần Lê Hưng và các thanh niên, trí thức Việt Nam tại Pháp tham dự sự kiện 95 năm thành lập Đảng |
PV: Là thành viên Ban Chủ nhiệm Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu, anh nhận thấy Mạng lưới cần phát huy vai trò như thế nào trước lời “hiệu triệu” của Nghị quyết 57-NQ/TW?
PGS.TS Trần Lê Hưng: Dưới sự hỗ trợ, ủng hộ của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu đã thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2018.
Từ đó tới nay, Mạng lưới sinh hoạt dưới hình thức diễn đàn, quy tụ được nhiều trí thức trẻ người Việt Nam đang học tập, sinh sống và làm việc ở trong và ngoài nước. Mạng lưới tổ chức nhiều diễn đàn, hội thảo, tọa đàm, tại đó, các trí thức trẻ toàn cầu được cất lên tiếng nói về những vấn đề an sinh, giáo dục, khoa học công nghệ của đất nước và được lắng nghe.
Tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ III, tôi cũng từng đề xuất mô hình 5 nhà, bao gồm: Nhà trường, nhà nghiên cứu, nhà đầu tư, nhà kinh doanh, Nhà nước. Trong đó, nhà đầu tư đưa ra các ý tưởng, sẵn sàng đầu tư vào các nghiên cứu để giải quyết bài toán mà mình gặp phải trong sản xuất, kinh doanh. Các vấn đề đó sẽ được nhà nghiên cứu kết hợp với nhà trường để giải quyết triệt để cũng như thực hiện việc đào tạo trẻ, thế hệ tiếp nối, phát triển.
Nhà kinh doanh sẽ đưa các sản phẩm đó lên thị trường và biến chúng thành tài sản quốc gia, nâng cao sức cạnh, chỉ số sáng tạo trên trường quốc tế. Trên hết là nhà nước đóng vai trò quan trọng nhất, tạo cơ chế pháp lý, thể chế thông thoáng, sân chơi lành mạnh, công bằng để không ý tưởng, sáng kiến nào có thể bị bỏ quên.
Tôi thấy Nghị quyết 57-NQ/TW đã tạo nền móng cho mô hình này.
Do đó có thể thấy rằng, Đảng, Nhà nước luôn luôn lắng nghe những đóng góp của những cá nhân, tổ chức có mong muốn thực tâm xây dựng đất nước phát triển và lực lượng trí thức trẻ người Việt Nam ở nước ngoài sẽ trực tiếp hưởng lợi từ "lời hiệu triệu" của Nghị quyết 57-NQ/TW.
Mạng lưới Trí thức trẻ toàn cầu sẽ phát huy tối đa vai trò đoàn kết, tập hợp thanh niên, là một kênh kết nối để trí thức trẻ người Việt Nam trên toàn thế giới chung tay đưa trí thức nước ngoài về với Việt Nam, cùng hiến kế, chung tay giải quyết những vấn để của đất nước.
PV: Xin trân trọng cảm ơn anh!
PGS.TS Trần Lê Hưng là cựu học sinh THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Anh là tác giả 22 công trình khoa học, trong đó 12 công bố khoa học quốc tế trên các tạp chí uy tín; từng được đề cử giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022, 2023. |
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Đưa Việt Nam tham gia đường đua khai phá nền kinh tế số nghìn tỷ đô của khu vực

Chuyển đổi số quốc gia, đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc hàng hóa

Giải pháp số chặn nguồn sống của tội phạm lừa đảo

Nâng cao kỹ năng số trên không gian mạng cho thanh niên

MobiFone eContract - số hóa quy trình ký kết, lưu trữ hợp đồng

Quận Gò Vấp ra mắt ứng dụng "Quản lý điều hành khu phố số"

Tỉ lệ ứng dụng AI của nhà bán hàng trực tuyến Việt Nam thuộc top đầu khu vực Đông Nam Á

Hiệp hội Di động Toàn cầu và Hội Truyền thông số Việt Nam công bố dự án hợp tác mới

Grab công bố các giải pháp công nghệ mới “Dành cho mỗi người”
