Hai nghị quyết mở đường cho hành trình sáng tạo của Thủ đô
Là Thủ đô nghìn năm văn hiến, Hà Nội luôn mang trong mình sứ mệnh tiên phong - không chỉ là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia mà còn là nơi hội tụ tinh hoa, khởi phát đổi mới trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là văn hóa.
Sự dẫn dắt của Hà Nội không đơn thuần đến từ quá khứ lẫy lừng mà bắt nguồn từ khát vọng kiến tạo tương lai - một tương lai lấy văn hóa làm trụ cột để phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sống và tạo dựng bản sắc riêng trong kỷ nguyên hội nhập.
![]() |
PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cùng các đại biểu tham quan triển lãm “Văn Miếu trong sự hồi sinh di sản của Hà Nội giai đoạn 1898-1954” |
Hai nghị quyết đang được thành phố chuẩn bị thông qua - Trung tâm công nghiệp văn hóa và Khu phát triển thương mại - văn hóa - là những bước đi táo bạo, thể hiện tư duy thể chế hiện đại và năng lực “biến luật thành cuộc sống”. Đây không chỉ là sự cụ thể hóa Luật Thủ đô (sửa đổi) mà còn là minh chứng cho khả năng kiến tạo mô hình mới, cách làm mới, phù hợp với đòi hỏi phát triển năng động và toàn diện.
Lần đầu tiên, một địa phương chủ động thiết kế mô hình quản lý văn hóa theo hướng liên kết hệ sinh thái: Từ quản trị Nhà nước đến sáng tạo cộng đồng; từ không gian khởi nghiệp đến tuyến phố di sản, từ chính sách đầu tư công đến cơ chế trao quyền cho người dân.
Danh hiệu "Thành phố sáng tạo" do UNESCO trao tặng không chỉ là sự ghi nhận quá khứ mà là cam kết cho hiện tại và tương lai. Hà Nội đang từng bước biến văn hóa thành một nguồn lực thực tiễn, sống động - từ quy hoạch đô thị đến kinh tế đêm; từ phục dựng di sản đến khuyến khích nghệ thuật đương đại; từ tôn vinh giá trị truyền thống đến mở đường cho sáng tạo trẻ.
Mỗi nghị quyết, mỗi cơ chế đặc thù đang được kiến tạo đều mang trong mình tư tưởng rất rõ: Văn hóa không phải là thứ để giữ trong lồng kính mà là dòng chảy sống; là tiềm lực để đổi mới và phát triển bền vững.
![]() |
PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cùng các đại biểu tham quan triển lãm “Văn Miếu trong sự hồi sinh di sản của Hà Nội giai đoạn 1898-1954” |
Chọn đi đầu nghĩa là chấp nhận thử thách. Hà Nội không chờ thể chế Trung ương mà tiên phong tạo ra thể chế từ thực tiễn. Những quy định như phân bổ tối thiểu 70% quỹ đất cho sáng tạo trong Trung tâm công nghiệp văn hóa hay thí điểm các mô hình tự quản văn hóa trong cộng đồng dân cư là những quyết định chưa từng có tiền lệ - cho thấy quyết tâm “mở đường” của thành phố. Đó là cách Hà Nội khẳng định vai trò của mình trong một mô hình phát triển đất nước dựa trên phân cấp - phân quyền - gắn với trách nhiệm và hiệu quả.
Điều quan trọng hơn cả là Hà Nội không độc hành. Thành phố đã và đang chọn cách xây dựng thể chế bằng sự đồng hành, bằng những cuộc đối thoại thẳng thắn và xây dựng giữa chính quyền, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, nghệ sĩ và cộng đồng dân cư. Chính điều này khiến mỗi nghị quyết được ban hành không chỉ sát thực tiễn, mà còn giàu tính nhân văn - là tiếng nói của cả cộng đồng.
PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: "Thành phố đang chủ động trao quyền sáng tạo cho thế hệ trẻ, cho nghệ sĩ, cho cộng đồng khởi nghiệp và những người dân bình thường". |
Cũng từ đây, Hà Nội sẽ trở thành một “ngân hàng thể chế” quý báu để các địa phương trong cả nước học hỏi khi triển khai Luật Thủ đô, cũng như khi xây dựng các mô hình phát triển văn hóa - du lịch - kinh tế địa phương trong giai đoạn sáp nhập, tái cấu trúc hiện nay.
Không dừng lại ở phạm vi nội địa, tầm nhìn của Hà Nội còn hướng ra thế giới. Trung tâm công nghiệp văn hóa hay Khu phát triển thương mại - văn hóa được hình dung như những “nút kết nối” của Hà Nội với mạng lưới toàn cầu: Nơi hội tụ của nghệ sĩ quốc tế, doanh nghiệp sáng tạo, nhà đầu tư, du khách và các nền tảng văn hóa số xuyên biên giới.
Hà Nội đang từng bước xây dựng một mạng lưới văn hóa mềm phủ khắp đô thị và nông thôn, để mỗi người dân đều được tham gia, hưởng lợi và góp phần tạo dựng bản sắc hiện đại cho thành phố.
Trong bối cảnh cả nước đang tổ chức lại đơn vị hành chính, tinh gọn bộ máy và hướng đến các mô hình phát triển mới, vai trò dẫn dắt và lan tỏa của Hà Nội lại càng có ý nghĩa. Khi nhiều địa phương phải xây dựng lại thương hiệu từ đầu thì văn hóa chính là điểm tựa để nhận diện bản sắc, khơi dậy tinh thần tự hào và gắn kết cộng đồng.
Hà Nội đang chứng minh rằng: Nếu biết cách tổ chức, biết cách khai thác văn hóa, thì đó sẽ là nguồn lực không bao giờ cạn - một thứ “vốn mềm” có khả năng thúc đẩy “sức mạnh cứng” của toàn bộ hệ thống phát triển.
![]() |
PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cùng Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng tham quan tìm hiểu về nghệ thuật thư pháp Việt Nam ở Hội chữ Xuân Ất Tỵ 2025 tại Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám |
Cuối cùng, điều khiến Hà Nội trở nên đặc biệt không chỉ là thể chế mà là con người. Thành phố đang chủ động trao quyền sáng tạo cho thế hệ trẻ, cho nghệ sĩ, cho cộng đồng khởi nghiệp và những người dân bình thường.
Chính họ là chủ thể của các mô hình văn hóa mới - là người sẽ tạo ra những giá trị văn minh, tiến bộ và mang đậm hồn cốt Thăng Long - Hà Nội. Từ họ, những dòng chảy đổi mới sẽ lan tỏa không ngừng, làm nên một Hà Nội không chỉ đẹp trong ký ức, mà còn đầy hấp dẫn trong tương lai.
Tin liên quan
Đọc thêm

Tu bổ một số di tích trong khu phố cổ Hà Nội

Phát huy giá trị văn hóa dân gian trong biểu diễn nhạc nhẹ

Mẫu biểu trưng chính thức phục vụ tuyên truyền dịp Quốc khánh 2/9

"Thoải mộng" của Cao Minh Tiến đến với người yêu thời trang Hà Nội

Gần 100 vũ công biểu diễn tại vũ kịch "Sắc màu tuổi thơ Vol.6"

VCCA tổ chức triển lãm “Tái chất hoàn sinh - Vật chất tái sinh - Materia Retana”

Cầu nối để nhiều du khách quốc tế biết đến di sản của Hà Nội

Vùng 5 Hải quân trưng bày ảnh “Tự hào người chiến sĩ Hải quân”

Rộn ràng đêm nhạc chào mừng thành lập phường Sơn Tây
