Hà Nội có nhiều không gian tiềm năng chuyển đổi thành khu thương mại văn hoá
Cơ hội để Hà Nội phát triển thương mại văn hóa
Mới đây, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành dự thảo Nghị quyết về khu phát triển thương mại và văn hóa (Thực hiện khoản 8 Điều 21 Luật Thủ đô). Nghị quyết này quy định về việc thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý khu phát triển thương mại và văn hóa trên địa bàn thành phố.
Theo dự thảo Nghị quyết, đối tượng áp dụng gồm các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cộng đồng dân cư, cá nhân tham gia thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý khu phát triển thương mại và văn hoá.
Khu phát triển thương mại và văn hóa được thành lập để huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển các hoạt động thương mại, văn hóa, du lịch, tại khu vực có lợi thế về vị trí thương mại, không gian văn hóa, các khu du lịch được Nhà nước và quốc tế công nhận để thu hút, phát triển du lịch, phát huy giá trị văn hóa, thúc đẩy các hoạt động thương mại bảo tồn các ngành, nghề truyền thống, góp phần cải thiện đời sống của người dân.
![]() |
Hà Nội có nhiều không gian có tiềm năng chuyển đổi thành khu thương mại văn hóa |
Khu thương mại văn hóa là một khái niệm còn mới mẻ ở Việt Nam nhưng nó đang là mô hình phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Các khu thương mại, văn hóa tạo động lực cho phát triển công nghiệp văn hóa và được chính quyền dành cho nhiều cơ chế đặc thù, như thời gian hoạt động, thủ tục cấp phép hoạt động, cơ chế về thuế… nhằm thu hút các nhà đầu tư, cũng như khuyến khích các lĩnh vực khác nhau của công nghiệp văn hóa.
Hà Nội hiện nay chưa có khu thương mại, văn hóa theo đúng nghĩa. Song, do sự vận động của cuộc sống, “tiền thân” của những khu thương mại, văn hóa đã ra đời và đang góp phần tích cực vào thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế, xã hội.
Ðiển hình trong đó phải kể đến hoạt động của nhiều tuyến phố cổ, nơi chuyên sản xuất, kinh doanh một số mặt hàng nhất định, khu vực phố ẩm thực Tống Duy Tân - ngõ Cấm Chỉ (quận Hoàn Kiếm), phố đi bộ đảo Ngọc - Ngũ Xã (quận Ba Ðình) - nơi tổ chức không gian đi bộ chuyên về ẩm thực với hàng chục nhà hàng, quán ăn, đồng thời có nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật vào những dịp cuối tuần…
Phó Chủ tịch Hội Luật quốc tế Việt Nam Nguyễn Hưng Quang cho biết: “Hà Nội có rất nhiều tiềm năng áp dụng mô hình khu thương mại văn hoá để thúc đẩy hoạt động thương mại, đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường… như chuyển đổi mô hình vận hành các khu phố đi bộ hiện có và thiết lập những khu thương mại văn hoá mới dựa trên những đặc điểm di sản văn hóa và cộng đồng cần bảo vệ hoặc thúc đẩy phát triển như một số tuyến phố “Hàng” ở khu phố cổ Hà Nội; khu ẩm thực Tống Duy Tân - ngõ Cấm Chỉ hay làng cổ Ðường Lâm, làng lụa Vạn Phúc...
![]() |
Nếu hình thành khu phát triển thương mại và văn hoá sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của Thủ đô ngày càng tăng trưởng |
Khi hình thành các khu thương mại văn hoá Hà Nội sẽ phát huy được các lợi thế so sánh, tiềm năng thế mạnh về văn hóa. Việc áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát tại các khu thúc đẩy thương mại và văn hóa ở một số địa điểm trên địa bàn Thủ đô là thật sự cần thiết.
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, mô hình khu thương mại, văn hóa được hình thành trên cơ sở các chủ thể kinh doanh (bao gồm doanh nghiệp, người dân hoặc hộ kinh doanh cá thể) hợp tác với nhau hoặc hợp tác thông qua chính quyền sở tại để tạo ra một khu vực đặc biệt về an ninh, vệ sinh và cảnh quan đường phố, thuận tiện cho khách bộ hành và cùng quảng bá, tổ chức các sự kiện để thu hút du khách.
Cần khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách và sớm triển khai thí điểm
Việc ban hành dự thảo Nghị quyết về khu phát triển thương mại và văn hóa, đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân Thủ đô. Chị Lê Trần Ngọc Hân (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: Tôi đã nghiên cứu qua về dự thảo Nghị quyết về khu phát triển thương mại và văn hóa và thấy khá phù hợp với Hà Nội. Nguyên tắc thành lập, tổ chức, hoạt động, quản lý khu phát triển thương mại và văn hóa là ưu tiên thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa tại các khu phố, tuyến phố, làng nghề, điểm dân cư nông thôn, các tuyến phố đi bộ hiện hữu, khu vực có lợi thế về vị trí thương mại, không gian văn hóa. Như vậy, thành phố Hà Nội sẽ có thêm nhiều thuận lợi để phát triển các sản phẩm OCOP, sản phẩm của làng nghề, qua đó góp phần quảng bá, phát triển các sản phẩm du lịch, kinh tế…
![]() |
Phố đi bộ đảo Ngọc - Ngũ Xã (quận Ba Ðình) - nơi tổ chức không gian đi bộ chuyên về ẩm thực với hàng chục nhà hàng, quán ăn, đồng thời có nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật vào những dịp cuối tuần… |
Ngoài ưu tiên thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa tại các khu phố, tuyến phố, làng nghề, dự thảo Nghị quyết về khu phát triển thương mại và văn hóa cũng bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện về văn hóa kinh doanh, an ninh, trật tư, bảo vệ môi trường tại khu phát triển thương mại và văn hóa cao hơn so với các quy định chung để thúc đẩy các hoạt động thương mại, sáng tạo gắn với phát triển văn hoá, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa và ngành, nghề truyền thống, thu hút, phát triển du lịch trên địa bàn.
Đặc biệt, các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất cũng tự nguyện, tự quản; bảo đảm sự đồng thuận của đa số đại diện cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, hộ gia đình trên địa bàn. Bảo đảm công khai, minh bạch, tăng cường trách nhiệm giải trình trong quá trình thành lập, tổ chức, hoạt động, quản lý khu phát triển thương mại và văn hóa.
Thực tế cho thấy, khách du lịch và người dân Thủ đô nói chung có nhu cầu tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí ngày một lớn. Các cơ quan, đơn vị của thành phố đã có nhiều nỗ lực, song các hoạt động, các điểm vui chơi, giải trí vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún. Thành phố vẫn còn thiếu những trung tâm vui chơi, giải trí, nơi có nhiều lĩnh vực công nghiệp văn hóa “hội tụ” để đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc triển khai trên thực tế mô hình khu thương mại, văn hóa sẽ phát triển du lịch, phát huy giá trị văn hóa, thúc đẩy các hoạt động thương mại bảo tồn các ngành, nghề truyền thống, góp phần cải thiện đời sống của người dân. Do đó, thành phố cần khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách và sớm triển khai thí điểm những khu thương mại, văn hóa trên thực tế để lấy kinh nghiệm trước khi nhân rộng.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Cơ hội cho giới trẻ và nền kinh tế sáng tạo

Phát động Giải báo chí "Vì một Hải Phòng phát triển" lần thứ VII

Người dân đồng tình ủng hộ việc phát triển thương mại và văn hóa

Các đơn vị nghệ thuật Hà Nội biểu diễn phục vụ Nhân dân

Giá trị văn hóa, lịch sử thiêng liêng về cội nguồn dân tộc

Cơ hội cho công nghiệp văn hóa Thủ đô “cất cánh”

Hội Tiên La tôn vinh công lao nữ tướng thời Hai Bà Trưng

"Xuân quê hương" tôn vinh giá trị văn hoá truyền thống của Việt Nam

Hai mẫu nhí cùng "Đánh thức sắc xanh" bảo vệ môi trường
