Bài 1: Biến sân chung thành của riêng
![]() |
Hàng quán bủa vây khoảng sân chung tại khu tập thể Thành Công, Hà Nội.
Bài liên quan
"Quán thanh xuân" trở về kí ức với chủ đề "Nhà chật"
Ngắm nhà tập thể Hà Nội đầy thân thương trong tranh màu nước
Mở lối thoát hiểm từ “chuồng cọp”: Giảm thiểu thiệt hại về tính mạng
Mô hình “Gia đình tình nguyện - cộng đồng tình nguyện”: Lan tỏa những hành động đẹp…
“Chuồng cọp” ở chung cư cũ: Bịt đường sống khi xảy ra hỏa hoạn
Hà Nội chủ trương nghiên cứu phát triển căn hộ cho thuê và tăng diện tích cây xanh khu phố cổ
Được xây dựng từ những năm 1970 - 1980 của thế kỷ trước, khoảng sân chung của những khu tập thể như Trung Tự, Thành Công, Kim Liên, Nghĩa Tân… từng là ký ức đẹp với biết bao thế hệ người dân Thủ đô. Cùng với thời gian, sự xuống cấp của các khu tập thể và những bất cập trong công tác quản lý trật tự đô thị của chính quyền cơ sở đã khiến sân chơi trở thành nỗi ám ảnh của người dân. Đặc biệt, hầu hết các sân chơi chũng đã bị lấn chiếm, gây ô nhiễm môi trường…
Muôn vàn kiểu lấn chiếm
Hà Nội hiện có trên 1.000 khu tập thể cũ và tương ứng từng đó khoảng sân chơi, sinh hoạt chung. Tuy nhiên, những sân chơi này đều bị chiếm dụng, thu hẹp, sử dụng sai mục đích làm bãi để xe, chợ cóc, hàng quán...
Khu tập thể Thành Công (quận Ba Đình) là nơi có sân chơi bị lấn chiếm nhiều nhất. Điển hình là khoảng sân chung giữa tòa nhà K7 và K8. Nơi đây không khác gì một khu chợ nhếch nhác với đủ dịch vụ, quán nước, cơm bình dân, cửa hàng bánh ngọt... Cùng với ô bạt căng kín khoảng sân là bàn ghế lổn nhổn, rác và nước loang lổ, không khí nồng nặc hơi than lẫn mùi thức ăn khiến người dân nơi đây ngán ngẩm. Ông Phạm Văn Bình (tổ dân phố 38, phường Thành Công) cho biết: “Thực trạng chiếm dụng sân chung khu K8, K7 làm nơi buôn bán tồn tại nhiều năm nay. Ban đầu chỉ có dịch vụ trông xe, sau nảy sinh nhiều loại hàng quán. Việc kinh doanh chủ yếu của các hộ tầng 1. Một số hộ cho thuê mặt bằng để mở quán, ảnh hưởng môi trường nghiêm trọng, trẻ em không còn chỗ chơi.
Tại nhiều khu tập thể cũ như Trung Tự, Kim Liên (quận Đống Đa) Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng), Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân)… cũng diễn ra tình trạng tương tự. Khó ai có thể nhận ra đó là những sân chơi chung nếu không có tấm biển quy định quản lý và sử dụng sân chơi ở đó. Không những kinh doanh buôn bán hàng ăn, một số hộ gia đình còn tận dụng khoảng sân chơi này làm bãi trông xe, căng biển quảng cáo, bạt… để tiện cho việc bán hàng.
Là phường có nhiều khu tập thể cũ, nên các “chợ” họp trên sân chung của phường Kim Liên (quận Đống Đa) cũng nhiều không kém. Tình trạng biến sân chung thành của riêng đã diễn ra trong một thời gian dài, người dân đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền phường nhưng đến nay các vi phạm vẫn chưa được xử lý.
Chung thực trạng ấy, tại khu tập thể B4 Trung Tự (quận Đống Đa), khu tập thể Phương Mai (khu vực ngõ 4, ngõ 6 phố Phương Mai), sân chơi tại ngõ 2, phố Hoa Lư (phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng)… tình trạng các hộ kinh doanh lấn chiếm sân chung để kinh doanh cũng diễn ra phổ biến khiến người dân vô cùng lo lắng.
Đáng nói, với diện tích chỉ 40 - 45m2, đa phần đã xuống cấp, những căn hộ tại khu tập thể cũ hiện nay không đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho mỗi gia đình. Việc các sân chơi bị lấn chiếm khiến trẻ em nơi đây không có điều kiện vui chơi, phát triển thể chất. Nhiều hộ dân có con nhỏ muốn bán nhà, chuyển đi nơi khác ở cũng không được vì nhếch nhác không ai mua...
Cố tình chây ỳ
Để xử lý tình trạng lấn chiếm sân chơi chung giữa nhà K7, K8 phường Thành Công, từ nhiều năm trước, tổ dân phố 38 đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp theo đúng chức trách được chính quyền phân công, từ vận động, kêu gọi, yêu cầu cam kết, chấm dứt các sai phạm nhưng đâu lại vào đó. Năm 2011, tổ dân phố phối hợp với các ban, ngành của phường mở đợt ra quân dẹp bỏ hàng quán ở sân K8. Khi đó, các hàng, quán ăn đã được dẹp bỏ hoàn toàn nhưng do không duy trì được việc kiểm tra, các hộ dân đã tái lấn chiếm sau một thời gian ngắn.
![]() |
Sân chung bị chiếm dụng làm bãi gửi xe. Ảnh: Minh Việt |
Tập thể XNK TH 1 tại ngõ 230 Lạc Trung, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng lại rơi vào tình trạng khó giải quyết. Năm 2009, các hộ dân sống tại nhà B4 và B5 cùng ký nội quy sử dụng trong đó xác định sân B4 và B5 là nơi vui chơi của trẻ nhỏ, người già, nơi sinh hoạt chung của cộng đồng. Tuy nhiên, đến nay nhiều hộ tầng 1 vẫn lấn chiếm trông giữ xe máy, ô tô tràn lan.
Người dân nơi đây cho biết, sân B5 đang rơi vào tình trạng không xác định được quyền sử dụng thuộc Công ty cổ phần XNK TH 1 hay của tập thể. Năm 2005, Công ty XNK TH 1 có biên bản bàn giao cho Xí nghiệp quản lý nhà quận Hai Bà Trưng phần diện tích của hai nhà B4 và B5, không bàn giao khoảng sân trước mặt nhà B5.
Đến tháng 5/2006, Công ty XNK TH 1 cổ phần hoá và đổi tên thành Công ty Cổ phần XNK TH 1 nhưng không rõ có kê khai phần tài sản gồm một số gara ô tô và sân B5 theo quy định của Luật Cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước và Luật Đất đai năm 2003 hay không. Hơn 20 năm nay, Công ty Cổ phần XNK TH 1 không có cán bộ nào làm việc tại khu B5 nhưng công ty thông báo với UBND phường Thanh Lương vẫn sử dụng quỹ đất trên làm trụ sở cơ quan. Thực tế, công ty chỉ còn lại 9 gara cũ nát cho một số hộ thuê trông giữ xe máy. Sự mập mờ này gây nên tình trạng lấn chiếm vô tội vạ.
Các hộ dân bị ảnh hưởng đã kiến nghị nhiều lần nhưng không khác gì “ném đá ao bèo”. Anh Tuấn sống tại khu B5, tập thể XNK TH 1 cho biết: “Tôi đã kiến nghị với tổ dân phố từ 10 năm trước về tình trạng trông giữ xe lấn hết khoảng sân chơi của trẻ nhỏ. Khi ấy con tôi mới tập đi, bây giờ cháu đã là học sinh cuối cấp tiểu học, mà hiện trạng vẫn y nguyên”.
Quy định về quản lý và sử dụng nêu rõ, mục đích của sân chơi là để phục vụ các hoạt động vui chơi, giải trí, sinh hoạt của nhân dân; trong đó có quy định nghiêm cấm việc sử dụng sân chơi sai mục đích như làm nơi ở, nơi kinh doanh buôn bán, trông giữ ô tô xe máy, xe đạp… Nếu hộ dân nào cố tình vi phạm phải chịu xử lý theo quy định của pháp luật.
Dù vậy, việc giải quyết tình trạng này giống như “cuộc chiến” dai dẳng, khó khăn, mệt mỏi. Nhiều hộ dân cố tình chây ỳ giải tỏa trong khi tổ dân phố chỉ có thể vận động, do đó nếu chính quyền, cơ quan chức năng không vào cuộc thì tình trạng này còn tiếp diễn không có hồi kết…
(Còn nữa)
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

HĐND TP Hồ Chí Minh tán thành việc sáp nhập Vũng Tàu, Bình Dương

Người dân TP Hồ Chí Minh háo hức xem hợp luyện diễu binh

TP Hồ Chí Minh tri ân sâu sắc người có công

Cảng HKQT Tân Sơn Nhất: Nhà ga hành khách T3 hoàn thành xây dựng vượt tiến độ 2 tháng

Quận Ba Đình chuyển giao, tiếp nhận các tổ chức Đảng và đảng viên

Miễn phí tuyến xe điện mới cho du khách tại Cát Bà từ ngày 18/4

Khẩn trương làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn lao động nghiêm trọng tại KCN Đất Cuốc

Công an Hà Nội "truyền lửa" cho thế hệ trẻ

Thanh niên nhặt được 150 triệu đồng, trả người đánh mất
