Ý thức được nâng lên, tai nạn giảm rõ rệt
Xử lý vi phạm giao thông giảm mạnh
Thông tin về kết quả 2 tháng thực hiện Nghị định 168/2024/NĐ-CP (từ ngày 1/1/2025 đến ngày 28/2/2025), đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết: Từ ngày 1/1 đến ngày 28/2/2025, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã phát hiện, xử lý 504.514 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, chứng chỉ chuyên môn 38.757 trường hợp; 48.693 giấy phép lái xe bị trừ điểm; tạm giữ 146.493 phương tiện (2.507 ô tô, 138.933 mô tô, 5.053 phương tiện khác).
So với cùng kỳ, xử phạt giảm 27,6%, trong đó: Xử lý vi phạm nồng độ cồn giảm 45,9%; vi phạm tốc độ giảm 27%; người điều khiển xe trên đường trong cơ thể có chất ma túy đã giảm 24,7%; vi phạm quá tải trọng, quá khổ, cơi nới thành thùng giảm 50,2%...
Một số các vi phạm khác như chở quá số người quy định; đi sai làn đường; không chấp hành hiệu lệnh tín hiệu đèn giao thông; không đội mũ bảo hiểm đều giảm đáng kể.
![]() |
Sau hơn 2 tháng triển khai Nghị định 168/2024/NĐ-CP, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của người dân đã được nâng cao, tai nạn giảm rõ rệt |
Về tình hình tai nạn giao thông, có chuyển biến rõ rệt, giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm trước và thời gian trước liền kề. Cụ thể, toàn quốc xảy ra 2.895 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 1.582 người, bị thương 2.003 người; so với cùng kỳ năm 2024 giảm 1.443 vụ (-33,26%), giảm 244 người chết (-13,36%), giảm 1.457 người bị thương (-42,10%).
Kết quả này cho thấy hiệu quả rõ rệt, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người dân đã được nâng lên rõ rệt, hình ảnh vượt đèn đỏ đã không còn như trước mà thay vào đó là hình ảnh “thẳng như kẻ chỉ” trước đèn đỏ đã thành hình ảnh quen thuộc trên các tuyến giao thông.
Chia sẻ về sự thay đổi tích cực trong văn hóa tham gia giao thông tại Hà Nội, chị Trần Thị Ngọc Hoa (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: "Tôi rất đồng tình khi cơ quan chức năng ban hành Nghị định 168. Rõ ràng mức phạt nhiều hành vi tăng nặng khiến nhiều người e ngại, lo lắng là một tâm lý chung hết sức bình thường. Tuy nhiên, nhìn thẳng vào vấn đề nếu không có sự kiên quyết này thì rất khó để những con người thiếu ý thức luôn chăm chăm tìm cách vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ, sử dụng rượu, bia khi lái xe... thay đổi.
Xử phạt nghiêm vi phạm giao thông để thiết lập kỷ cương, kỷ luật
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Phòng Hướng dẫn, tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông của Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an nhìn nhận: Sau hơn 2 tháng triển khai Nghị định 168/2024, tình hình giao thông ở các đô thị bước đầu đã có rất nhiều chuyển biến.
Cụ thể, tại những nút giao nơi có đèn tín hiệu giao thông, các phương tiện đã chấp hành dừng chờ đèn tín hiệu ngay ngắn, không còn cảnh nhiều phương tiện đi trên vỉa hè, đi sai làn hay vượt đèn đỏ…
![]() |
Nghị định 168 được triển khai tại Hà Nội dưới nhiều hình thức, trong đó có áp dụng hệ thống camera giám sát hiện đại |
Theo cơ quan chức năng, trước đây, nguyên nhân các vụ tai nạn chủ yếu do ý thức của người tham gia giao thông, nhất là thói quen tùy tiện khi đi đường. Từ khi triển khai Nghị định 168, thời gian đầu lực lượng chức năng thực hiện tuyên truyền với mục đích hướng dẫn các quy định mới, đồng thời kết hợp xử phạt để răn đe, để cho người dân ý thức hơn trong việc tuân thủ.
"Nghị định 168/2024 đã mang lại những hiệu quả rất tích cực trong việc lập lại trật tự, an toàn giao thông", đại diện Cục Cảnh sát giao thông nhìn nhận.
Tình trạng vượt đèn đỏ dù vẫn tồn tại nhưng đã ít xảy ra hơn. Người điều khiển phương tiện đã chú ý quan sát, đi lại cũng nề nếp hơn, thể hiện việc chấp hành quy định cao hơn trước.
Đặc biệt, kể từ khi cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh hành vi lái xe khi đã sử dụng rượu, bia cho đến lúc áp dụng Nghị định 168, giúp hình thành thói quen đã uống rượu, bia thì không lái xe. Hiện nay, vi phạm lỗi này chỉ tập trung chủ yếu ở người điều khiển mô tô, xe gắn máy.
Thời gian tới, lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm 6 nhóm hành vi là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông; việc xử lý vi phạm theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” từ đó tạo lập và hình thành văn hóa tham gia giao thông “văn minh”, “hiện đại” và “an toàn”; vận hành, khai thác, điều khiển đèn tín hiệu giao thông nhằm phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng ngừa giải quyết ùn tắc giao thông.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

TP Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh phát triển giao thông xanh

Hải Dương: Ai trúng gói thầu xây dựng đường hơn 613 tỷ đồng?

Thái Nguyên: Một phụ nữ tử vong trong chiếc ô tô bị lật dưới ao

Quảng Nam tìm kiếm thiết kế cho cầu Tam Thanh 400 tỷ đồng

Hoằng Hoá (Thanh Hoá): Tai nạn giao thông làm 2 người thương vong

TP Hồ Chí Minh hợp tác Hàn Quốc về định hướng phát triển metro

"Đôi cánh" để hàng không Việt Nam xanh hơn, cạnh tranh hơn

Quyết tâm khởi công tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng vào ngày 19/12/2025

Giải pháp thanh toán thông minh phục vụ giao thông hiện đại
