Những vấn đề bất cập của Luật Bảo vệ môi trường
Nhiều khó khăn trong việc khắc phục sự cố về môi trường Chính sách thuế, phí: Giải pháp hữu hiệu bảo vệ môi trường |
![]() |
Phiên họp thứ 49 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn về Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) |
Chồng chéo với một số hệ thống pháp luật khác
Luật Bảo vệ môi trường qua gần 5 năm triển khai thực hiện đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập, chồng chéo với một số hệ thống pháp luật khác; một số điều, khoản của Luật thiếu tính khả thi.
Cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường chưa phù hợp và đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường. Các loại thuế, phí về môi trường theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” để xử lý, khắc phục, cải tạo và phục hồi môi trường, “người hưởng lợi từ giá trị môi trường phải trả tiền” chưa phát huy được vai trò là công cụ kinh tế điều tiết vĩ mô, hạn chế các hoạt động gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội theo hướng tăng trưởng xanh.
Các quy định của Luật chưa tạo ra hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi để khuyến khích sản xuất, tiêu thụ bền vững, phát triển dịch vụ môi trường, sản phẩm, hàng hoá thân thiện với môi trường, khuyến khích xã hội hóa trong một số hoạt động bảo vệ môi trường.
Các thủ tục hành chính về môi trường còn chồng chéo dẫn đến việc cùng một dự án, chủ đầu tư phải thực hiện các thủ tục hành chính mang tính cho phép về môi trường của nhiều bên, nhiều cơ quan nhà nước (Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, Giấy phép xả thải vào nguồn nước, công trình thủy lợi, Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu, Giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại, đăng ký chủ nguồn thải,…).
Do vậy, cần thiết phải có sự đẩy mạnh cải cách hành chính và hợp nhất, liên thông các thủ tục hành chính về môi trường trong Luật Bảo vệ môi trường nhằm thực hiện chủ trương cải cách hành chính của Chính phủ, đặc biệt là Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30 tháng 10 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tại các Bộ, ngành, địa phương.
Một số vấn đề mới phát sinh về bảo vệ môi trường chưa có hành lang pháp lý để điều chỉnh: Thực tế trong thời gian qua cho thấy phát sinh nhiều sự cố ô nhiễm, suy thoái môi trường lớn, diễn ra trên diện rộng, bùng phát các điểm nóng về môi trường do xả thải.
Tuy vậy, hiện nay chưa có cơ sở pháp lý về cơ chế, các tiêu chí sàng lọc, phân loại, phân luồng các dự án đầu tư theo mức độ rủi ro về môi trường; cơ chế kiểm soát đặc thù đối với các đối tượng có nguy cơ cao gây ô nhiễm, sự cố môi trường.
Do đó, cần bổ sung các quy định về sàng lọc, phân loại, phân luồng dự án đầu tư, cơ chế đặc thù tăng cường kiểm soát đối với các đối tượng này để giải quyết thực tiễn quản lý môi trường đang đặt ra bức thiết hiện nay.
Dự thảo Luật bảo vệ môi trường sửa đổi 2020 sẽ bắt kịp xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Bên cạnh đó, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang và sẽ tác động mọi mặt đến đời sống kinh tế - xã hội, tạo ra xu thế mới trong quản lý môi trường và phát triển bền vững, trong đó việc xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh đang trở thành xu thế chủ đạo trên phạm vi toàn cầu; nhiều quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường được ban hành, cần được thể chế hóa kịp thời.
Dự thảo Luật bảo vệ môi trường sửa đổi 2020 được Bộ Tài nguyên và môi trường lấy ý kiến góp ý trực tuyến trong khoảng 3 tháng, từ giữa tháng 12/2019. Trong khoảng thời gian này, có rất nhiều ý kiến của người dân, doanh nghiệp tham gia góp ý sửa đổi Dự thảo.
TS Bùi Đức Hiển - Viện Nhà nước và Pháp luật, Luật Bảo vệ môi trường 2014 chỉ có quy định chung chung về bảo vệ, quản lý chất lượng môi trường không khí xung quanh và kiểm soát nguồn điểm phát thải khí thải, thiếu các quy chuẩn kỹ thuật môi trường không khí đối với mùi và quy chuẩn môi trường không khí trong nhà.
“Trong khi các quy định về bảo vệ môi trường trong nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại… đều được chú trọng thì quy định về quản lý chất lượng không khí hầu như chưa có (nghị định, quyết định, thông tư...). Đặc biệt, đang rất thiếu sự kết hợp quản lý chất lượng không khí giữa T.Ư và địa phương”- TS Hiển nói.
Luật Bảo vệ môi trường được áp dụng từ năm 2014, đến nay mới được hơn 5 năm, nhưng bối cảnh kinh tế - xã hội, hiện trạng môi trường của đất nước và xu thế môi trường thế giới đã có nhiều thay đổi so với giai đoạn trước.
Việc đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường cần tiếp tục được tổ chức lắng nghe ý kiến của cộng đồng, xem xét từng điều, tránh được những hạn chế trước đây. Sau khi Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được thực thi, thông qua các chính sách về kinh tế - môi trường sẽ khuyến khích thu hút được nhiều cá nhân, tổ chức tự nguyện tham gia trong công tác bảo vệ môi trường, nâng cao trách nhiệm đối với tài nguyên thiên nhiên.
Tại phiên họp thứ 49, chiều 14/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 2) về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết về đánh giá sơ bộ tác động môi trường (Điều 30), dự thảo Luật đưa ra 2 phương án.
Theo phương án 1, phân loại dự án theo Luật Đầu tư công để xác định đối tượng dự án phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường (bao gồm các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C).
Các dự án đầu tư công dù quy mô nhỏ và không có cấu phần xây dựng cũng phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường.
Theo phương án 2, dựa trên cơ sở phân loại dự án đầu tư theo mức độ tác động đến môi trường, quy định chỉ các dự án thuộc nhóm I (Nhóm có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao) mới là đối tượng phải thực hiện. Như vậy, đối tượng dự án phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường thu hẹp hơn so với Luật Đầu tư công. Nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường là một phần trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc đề xuất dự án đầu tư.
Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cho biết đa số ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị thực hiện theo phương án 2 và Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Bộ Tài nguyên và Môi trường nhất trí với phương án này.
Trước đó, sáng 4/9, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cũng đã diễn ra.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích nhiều nội dung liên quan đến giấy phép môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường...
Sự thận trọng của Quốc hội trước khi đưa Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) ra thông qua vào kỳ họp thứ 10 cho thấy Luật Bảo vệ môi trưởng cũ đã có những bất cập và việc sửa đổi là tất yếu. Hy vọng, khi Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) sẽ giúp vấn đề quản lý các lĩnh vực liên quan đến môi trường ở Việt Nam có những chuyển biến tích cực, theo kịp xu thế phát triển bền vững.
* “Đây là bài viết tuyên truyền bảo vệ môi trường của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020” |
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Nước thải màu vàng xuất hiện cạnh nhà máy mạ kẽm

Nhiều khu vực ngày nắng nóng gay gắt, chiều tối và đêm có mưa rào

Đảm bảo cung ứng đủ nước sạch phục vụ Nhân dân trong dịp hè

Hà Nội siết chặt các phương án ứng phó thiên tai từ cơ sở

Bắc Bộ có nơi nắng nóng gay gắt

Khởi tố điều tra vụ đổ chất thải nguy hại ở Gia Lâm

Phế thải tuồn vào dự án, cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc

Hà Nội nắng nóng, nhiệt độ cao nhất 35 độ C

Thời tiết ngày 2/5: Nhiều khu vực mưa rào và dông
