Kiến tạo bệ phóng công nghiệp mới cho quốc gia trước ngưỡng cửa kỷ nguyên vươn mình
Cú hích chiến lược kiến tạo ngành công nghiệp mới
Thời gian qua, đánh dấu bước ngoặt lịch sử của ngành đường sắt Việt Nam chính là hàng loạt dự án quan trọng được thông qua và sẵn sàng đi vào hoạt động. Những dự án đường sắt trọng điểm này đang mở ra một thị trường khổng lồ, tạo động lực thúc đẩy nền công nghiệp trong nước. Trong dòng chảy phát triển ấy, doanh nghiệp Việt đã không còn là những người đứng ngoài quan sát, mà từng bước khẳng định vị thế bằng bản lĩnh và tri thức.
Một tuần trở lại đây, dư luận xôn xao việc một doanh nghiệp tư nhân “dám” mạnh dạn xin được làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh đề xuất táo bạo này nhưng có ít ai chú ý đến cam kết xây dựng công nghiệp đường sắt cao tốc mà VinSpeed đưa ra. Thực tế, đây là ngành công nghiệp mang tính đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế và công nghiệp của một quốc gia nhưng tại Việt Nam vẫn còn là một khoảng trống.
Không giống các dự án hạ tầng truyền thống, đường sắt cao tốc là kết tinh của hàng loạt công nghệ hiện đại và đòi hỏi hệ sinh thái công nghiệp khép kín. Ngành công nghiệp đường sắt cao tốc là tổ hợp đa tầng, tích hợp hàng trăm công nghệ cao và có tính lan tỏa mạnh đến nhiều ngành kinh tế khác.
![]() |
Tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam ảnh vẽ Al. Nguồn ảnh: Chinhphu.vn |
Với vai trò quan trọng và vị trí chiến lược, đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ tạo ra sự tăng trưởng đột phá cho kinh tế của cả nước, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm mà tuyến đường đi qua. Trên lộ trình dự kiến, tuyến sẽ trực tiếp chạy qua 20 tỉnh, thành phố nhưng không chỉ như vậy, cả những tỉnh, thành phố lân cận 20 địa phương nêu trên cũng sẽ được hưởng lợi.
Theo đó, kết nối về hành khách, hàng hóa sẽ mạnh mẽ, liên tục hơn, tạo nên những luồng lưu thông lớn, ổn định, nhanh chóng, từ đó sản sinh ra lợi nhuận dịch vụ và điều kiện để phát triển đô thị cũng như công nghiệp; từ đó sẽ kích thích tăng trưởng GDP cho Hà Nội cũng như cả nước.
Chỉ riêng trong thời gian xây dựng, tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cho thấy tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ góp phần tăng GDP bình quân cả nước khoảng 0,97 điểm phần trăm/năm. Cùng với đó, khai thác thương mại dự kiến thu được khoảng 22 tỷ USD… Các yếu tố này sẽ góp phần cải thiện toàn bộ chỉ tiêu tài chính vĩ mô của cả nước.
Đặc biệt, sau khi đưa đường sắt tốc độ cao vào khai thác sẽ tạo động lực phát triển các ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển đột phá kinh tế - xã hội cả nước. Với Hà Nội, dự án sẽ là động lực để phát triển đô thị tại khu vực quanh nhà ga đường sắt cao tốc, là điều kiện để xây dựng mô hình đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD) giúp tối ưu hóa không gian và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tuyến đường sắt cao tốc nói trên còn tạo cơ hội cho ngành công nghiệp phụ trợ phát triển. Quá trình từ khi xây dựng, cho đến vận hành, bảo trì về sau này, không chỉ riêng đường sắt tốc độ cao mà đường sắt Quốc gia và đường sắt đô thị đều sẽ cần đến linh kiện, phụ kiện, máy móc, các sản phẩm phục vụ logistics…
Đường ray cho một trụ cột công nghiệp mới
Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, có tổng chiều dài hơn 1.500 km, tổng vốn đầu tư khoảng 67 tỷ USD, được xem là đại công trình thế kỷ. Theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải (nay là Bộ Xây dựng), dự án sẽ tạo ra thị trường xây dựng giá trị khoảng 33,5 tỷ USD. Nếu tính cả hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị sẽ tạo ra thị trường xây dựng 75,6 tỷ USD, trong đó sản xuất phương tiện, thiết bị 34,1 tỷ USD (đầu máy, toa xe 9,8 tỷ USD; hệ thống thông tin tín hiệu và thiết bị khác 24,3 tỷ USD).
Thực tế, ngành đường sắt Việt Nam sau hơn một thế kỷ hình thành, vẫn đang loay hoay tìm hướng đi mới trong bối cảnh tụt hậu so với thế giới. Cụ thể, Việt Nam chưa làm chủ được công nghệ sản xuất đầu máy, toa xe. Hiện tại, đầu máy tàu được đóng mới có tỷ lệ nội địa hóa hơn 10%. Đặc biệt, phần thông tin tín hiệu, điều khiển chạy tàu tốc độ cao là phức tạp nhất, Việt Nam vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà cung cấp công nghệ lõi nước ngoài, như Hitachi (Nhật Bản), Alstom (Pháp), Siemens (Đức)…
Việc triển khai dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội nhận chuyển giao, học hỏi tiến tới làm chủ các công nghệ lõi, từ sản xuất toa xe, chế tạo trục bánh xe, hệ thống hãm, giá chuyển hướng, đến công nghệ điều khiển, tạo bước chuyển mình mạnh mẽ cho ngành công nghiệp đường sắt. Khi làm chủ công nghệ, Việt Nam có thể xây dựng được ngành công nghiệp đường sắt có giá trị gia tăng rất cao, không thua kém ngành công nghiệp ô tô.
![]() |
Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, có tổng chiều dài hơn 1.500 km, tổng vốn đầu tư khoảng 67 tỷ USD, được xem là đại công trình thế kỷ. Ảnh vẽ AI |
Ví ngành công nghiệp đường sắt như “đường ray của một trụ cột công nghiệp mới”, động lực mới cho phát triển công nghiệp chế tạo và công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong bày tỏ sự lạc quan khi VinSpeed, doanh nghiệp do tỷ phú Phạm Nhật Vượng thành lập, chủ động đề xuất tham gia đầu tư dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Theo ông, đề xuất này không chỉ phù hợp với tinh thần Nghị quyết 68 mà còn là thước đo cho khả năng hiện thực hoá, tính hiệu lực và hiệu quả của Nghị quyết này.
Vị chuyên gia đánh giá, đề xuất của VinSpeed cũng cho thấy tinh thần tiên phong của một tập đoàn tư nhân lớn chủ động đưa vai gánh vác một trọng trách lớn mang tính sống còn của nền kinh tế quốc gia; mở ra cơ hội “trăm năm có một” để đưa ngành công nghiệp đường sắt nói riêng, cũng như ngành công nghiệp chế tạo và công nghiệp hỗ trợ của của Việt Nam nói chung, phát triển đột phá theo hướng hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
Nhắc lại “câu chuyện thần kỳ” của VinFast, một doanh nghiệp tư nhân cũng do tỷ phú Phạm Nhật Vượng sáng lập, lần đầu tiên trong lịch sử đưa Việt Nam từ con số 0 lên bản đồ công nghiệp ô tô thế giới, vị chuyên gia tin tưởng VinSpeed sẽ nỗ lực hoàn thành dự án đầy khát vọng cống hiến này và nối dài thêm kỳ tích cho Việt Nam thời kỷ nguyên mới.
“Nhìn vào bài học của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc có thể thấy, đây là cơ hội lớn, quan trọng để công nghiệp đường sắt Việt Nam cất cánh, nếu không muốn đứng ngoài cuộc chơi công nghiệp thế kỷ 21. Với đề xuất của VinSpeed, ngành công nghiệp đường sắt Việt Nam đang đứng trước thời khắc lịch sử để bứt phá, kiến tạo bệ phóng công nghiệp mới cho quốc gia trước ngưỡng cửa của kỷ nguyên vươn mình. Quan trọng hơn, điều này hoàn toàn phù hợp với Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân”, TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

“Săn - Tặng vé Superfest 2025”: Bùng nổ trải nghiệm số cùng Agribank

Sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả: Chiến lược phát triển kinh tế quan trọng

Báo chí và doanh nghiệp: Gắn kết để vươn xa

Cộng đồng doanh nghiệp Việt - Pháp đang có "cơ hội vàng" để cùng hợp tác phát triển

Doanh nghiệp Nhật Bản nên sớm đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam

Hàng nghìn SME thành công mở rộng kinh doanh nhờ gói vay tín chấp trên MISA Lending

Hợp tác tăng cường năng lực quốc gia về quan sát Trái Đất

SeABank bàn giao 856 ngôi nhà đại đoàn kết cho tỉnh Hòa Bình

Tiền về nhanh, báo "ting ting"giao dịch - Bí quyết của tiểu thương thời công nghệ
