Khơi dậy lý tưởng sống cao đẹp cho thế hệ trẻ Thủ đô
Tô thắm Thủ đô bằng "Màu cờ tôi yêu" Phụ nữ Thủ đô đồng thuận chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã Thanh niên Thủ đô vươn mình trong kỷ nguyên số |
Tham dự chương trình có các đồng chí: Đào Đức Việt - Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội thành phố Hà Nội; Phạm Ngọc Trâm - Ủy viên Ban Chấp hành, Trưởng ban Tuyên giáo Thành đoàn Hà Nội; Nguyễn Mai Anh - Ủy viên Ban Chấp hành, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành đoàn Hà Nội; ngoài ra còn có góp mặt của các vị khách mời đặc biệt, đại diện quận đoàn Hoàn Kiếm và Trường THPT Trần Phú – Hoàn Kiếm.
![]() |
Thông qua chương trình giao lưu nhân chứng lịch sử “Kể chuyện lịch sử - Tiếp lửa truyền thống”, thế hệ trẻ Thủ đô có cơ hội được lắng nghe, đúc kết kinh nghiệm cùng những bài học quý báu của lịch sử dân tộc Việt Nam. |
Chương trình diễn ra trong không khí trang trọng và đầy tự hào của những ngày tháng Tư lịch sử, hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025). Tại đây, các em học sinh đã được gặp gỡ, lắng nghe những câu chuyện chân thực, xúc động từ các nhân chứng lịch sử – những người đã trực tiếp chiến đấu vì nền độc lập dân tộc.
![]() |
Đồng chí Đào Đức Việt - Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội thành phố Hà Nội phát biểu tại chương trình |
Phát biểu tại chương trình, đồng chí Đào Đức Việt - Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội thành phố Hà Nội chia sẻ: “Trong suốt chiều dài lịch sử xây dựng và bảo vệ tổ quốc, ông cha ta đã để lại rất nhiều chiến tích vẻ vang cùng với đó là rất nhiều bằng chứng lịch sử quý báu để truyền lại cho thế hệ trẻ chúng ta ngày hôm nay. Qua những giai đoạn lịch sử, thế hệ trẻ chúng ta sẽ có ngày càng có thêm những kinh nghiệm kèm với những bài học xương máu vô cùng quý báu để truyền lại cho thế hệ về sau”.
Đồng chí nhấn mạnh, thông qua chương trình giao lưu nhân chứng lịch sử “Kể chuyện lịch sử - Tiếp lửa truyền thống” do Thành đoàn Hà Nội tổ chức, các bạn trẻ có thể đúc kết được kinh nghiệm lịch sử quý báu, vun đắp tình yêu quê hương đất nước, có thêm nhiều kiến thức lịch sử trong học tập cũng như viết thêm nhiều trang sử đẹp góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng thanh lịch, văn minh.
Với niềm hân hoan chuẩn bị chào đón kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chương trình rất vinh dự được đón tiếp những chứng nhân lịch sử, để các em học sinh được hồi tưởng lại những trận đánh và những kỷ niệm đã đi vào máu thịt của người dân Việt Nam.
![]() |
Thượng sĩ An Mạnh Hùng kể lại những câu chuyện lịch sử tại chương trình |
Thượng sĩ An Mạnh Hùng, người từng trực tiếp chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị giai đoạn 1971 – 1972 chia sẻ: “Tôi nhập ngũ khi còn là sinh viên năm hai. Những ngày ấy, khắp các con phố đều vang vọng khẩu hiệu: ‘Nước còn giặc, còn đi đánh giặc – Chiến trường giục giã, bước hành quân’, ‘Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến, đánh quân thù’. Không riêng gì tôi, hàng vạn thanh niên khi ấy đều háo hức xếp bút nghiên lên đường vì một lý tưởng thiêng liêng – giành lại độc lập, thống nhất cho đất nước”.
Ông kể lại, cuộc chiến 81 ngày đêm giữ thành cổ Quảng Trị là một trong những trận chiến khốc liệt nhất lúc bấy giờ. “Vũ khí của ta thô sơ, nhưng lòng yêu nước và tinh thần chiến đấu là điểm tựa giúp chúng tôi trụ vững. Ước tính, lượng bom đạn Mỹ trút xuống Quảng Trị khi ấy tương đương 6 quả bom nguyên tử từng ném xuống Hiroshima (Nhật Bản). Nhưng chính từ nơi gian khổ ấy, kỳ tích đã được viết nên, góp phần quan trọng dẫn đến việc ký kết Hiệp định Paris, lập lại hòa bình ở Việt Nam”.
![]() |
Trinh sát, nhà báo Phùng Huy Thịnh kể lại cuộc chiến tại chiến trường Quảng Trị giai đoạn 1970 - 1972 |
Cũng tại chương trình, Trinh sát, nhà báo Phùng Huy Thịnh, người từng là sinh viên Khoa Tổng hợp Toán, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội lúc bấy giờ chia sẻ câu chuyện đặc biệt về “đại quân tri thức” thời chiến. “Chưa bao giờ trong lịch sử có một lực lượng trí thức lớn đến vậy cầm súng ra trận. Giai đoạn 1970 – 1972, có tới 1 vạn thầy trò từ 33 trường đại học, cao đẳng toàn miền Bắc tham gia kháng chiến. Họ là những người có ‘cái đầu lạnh và trái tim nóng’, mang theo kiến thức, lòng yêu nước để chiến đấu và phục vụ kháng chiến”.
Ông xúc động kể: “Có một số đồng chí trong đó thời cùng đi học với tôi là một người kiệt xuất, có những đồng chí thuộc một nửa cuốn logarit thập phân, tra phần tử "nhanh như chớp". Mỗi lần quan sát điểm nổ chỉ độ lệch để báo cáo thông tin cho trận địa thì chỉ 20 giây sau đó, có những đồng chí đã nhanh chóng tính ra phần tử của viên đạn mới”.
Đối với ông, tình đồng đội là một dấu ấn thiêng liêng nhất được lưu giữ trong trái tim ông đế ngày nay. “Có những đồng chí hy sinh để cứu lấy đồng đội, dù trước đó chưa từng quen biết. Đó là thứ tình cảm vượt lên mọi khoảng cách, là biểu tượng của tình người giữa khói lửa chiến tranh”, Trinh sát, nhà báo Phùng Huy Thịnh chia sẻ.
Với những câu chuyện lịch sử quý báu và những lời thơ hào hùng được sáng tác ngay trên chiến trường, Trinh sát, nhà báo Phùng Huy Thịnh cùng Thượng sĩ An Mạnh Hùng đã mang lại cho các bạn trẻ Trường THPT Trần Phú – Hoàn Kiếm nhiều bài học quý giá, những câu chuyện không chỉ là ký ức thời chiến, mà còn ngọn lửa truyền cảm hứng, tinh thần yêu nước và lý tưởng sống cao đẹp cho thế hệ trẻ ngày hôm nay.
![]() |
Đồng chí Đào Đức Việt - Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội thành phố Hà Nội tặng hoa cho các diễn giả tại chương trình |
Thông qua những câu chuyện chân thực, xúc động từ các nhân chứng lịch sử, các bạn học sinh không chỉ hiểu sâu sắc hơn về những hy sinh, mất mát trong quá khứ mà còn được truyền cảm hứng để sống có lý tưởng, biết trân trọng hòa bình và nỗ lực học tập, cống hiến cho tương lai của Tổ quốc.
![]() |
Đảng viên trẻ Nguyễn Diệu Linh (lớp 12D10 - Trường THPT Trần Phú |
Nguyễn Diệu Linh – học sinh lớp 12D10, một trong 4 Đảng viên trẻ tiêu biểu của Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm, xúc động chia sẻ: “Lắng nghe những câu chuyện lịch sử hôm nay, em càng cảm thấy rõ hơn vai trò và trách nhiệm của mình. Được kết nạp vào Đảng là vinh dự lớn, và cũng là động lực để em tiếp tục rèn luyện trí tuệ, đạo đức, đóng góp vào công cuộc phát triển đất nước trong kỷ nguyên hội nhập”.
![]() |
Các vị đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại chương trình |
Chương trình kết thúc nhưng dư âm về tinh thần yêu nước, khát vọng cống hiến và niềm tin vào tương lai vẫn đọng lại trong từng ánh mắt học sinh. Lịch sử không khép lại trong quá khứ, mà đang sống động trong chính trái tim của những người trẻ hôm nay, những người tiếp tục viết tiếp bản anh hùng ca của dân tộc bằng tri thức, trách nhiệm và khát vọng vươn xa.
Trong không khí trang trọng và đầy tự hào của những ngày tháng 4 lịch sử, hướng đến kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Thành đoàn Hà Nội tổ chức chuỗi chương trình giao lưu nhân chứng lịch sử “Kể chuyện lịch sử - Tiếp lửa truyền thống”, nhằm ôn lại chặng đường hào hùng của dân tộc và tri ân những người đã cống hiến, hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc; đồng thời nói lên lý tưởng, khát vọng của thế hệ trẻ Thủ đô hôm nay, tiếp lửa truyền thống - cống hiến sức trẻ trong công cuộc xây dựng Thủ đô, đất nước. |
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Hành trình “Theo bước chân người anh hùng” của tuổi trẻ Bình Thuận

Lan tỏa tri thức, thắp sáng khát vọng từ những trang sách

Nhiều người tham gia giao thông cố tình "quên" Nghị định 168

Gen Z Việt chinh phục bài toán định vị thương hiệu F&B Châu Á

“Hòa bình đẹp lắm” phủ đỏ mạng xã hội

Gen Z Hà thành lên kế hoạch “chill” cho kỳ nghỉ lễ

Tuyển 60 đại biểu tham gia Hội trại Thanh niên Việt Nam

Bình Thuận: Gần 1.000 đoàn viên đồng loạt ra quân xóa nhà tạm

1.000 bạn trẻ "hợp xướng" trống hội mừng 50 năm thống nhất đất nước
