Hưng Yên tập trung xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu, thôn thông minh
Lan tỏa mô hình thôn thông minh
Sau khi về đích Nông thôn mới nâng cao, năm 2022, xã Phạm Ngũ Lão (Kim Động, Hưng Yên) lựa chọn thôn Tiên Quán để triển khai xây dựng mô hình thôn thông minh. Để việc triển khai mô hình được thuận lợi, thôn đã thành lập Tổ công nghệ số gồm 20 người, chia thành 4 nhóm.
Theo đó, các nhóm bố trí thời gian linh hoạt, đến từng hộ gia đình hướng dẫn người dân cài đặt và kích hoạt nhóm zalo của thôn và cài đặt một số ứng dụng công nghệ phổ biến hiện nay như thanh toán trực tuyến, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... Để góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, xã thực hiện lắp đặt 10 camera giám sát an ninh tại các tuyến đường trục thôn.
Ông Nguyễn Khánh Toàn, người dân trong thôn chia sẻ: Từ khi có nhóm zalo của thôn, mỗi khi triển khai công việc trong thôn, lãnh đạo thôn không phải tới tận nhà người dân để tìm gặp, thông báo, mà chỉ cần trao đổi trực tuyến trên nhóm zalo, vừa không mất thời gian đi lại, người dân cũng nắm bắt được thông tin nhanh nhạy và kịp thời hơn.
![]() |
Diện mạo khang trang, sạch đẹp ở khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu thôn Tiên Quán, xã Phạm Ngũ Lão (Kim Động) |
Cũng giống như xã Phạm Ngũ Lão, xã Tân Dân (Khoái Châu, Hưng Yên), sau khi đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu, xã lấy chuyển đổi số làm khâu đột phá.
Đồng chí Đỗ Xuân Huấn, Chủ tịch UBND xã Tân Dân cho biết: Năm 2021, xã xây dựng mô hình thôn thông minh tại thôn An Dân, sau một thời gian, nhận thấy mô hình mang lại hiệu quả tích cực, phù hợp xu thế, góp phần nâng cao hiệu quả điều hành, bảo đảm an ninh, trật tự, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xã đã triển khai nhân rộng mô hình trong toàn xã. Theo đó, tại các nơi sinh hoạt cộng đồng, các điểm công cộng, xã quan tâm lắp đặt hoặc xã hội hoá mạng wifi miễn phí phục nhu cầu của người dân.
Vừa qua, xã trích kinh phí gần 1 tỷ đồng đầu tư hệ thống truyền thanh thông minh tới các thôn, giúp truyền tải thông tin, văn bản, chỉ đạo của các cấp đến người dân nhanh hơn và tiện lợi hơn. Chính quyền xã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào công tác quản lý nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền, tăng tính minh bạch trong các hoạt động của xã và để phục vụ người dân trong xã tốt hơn. Đến nay, 100% các văn bản, công việc của xã được xử lý trên môi trường mạng, ứng dụng internet; 7/7 khu dân cư lắp đặt 133 camera giám sát an ninh…
Tăng cường chuyển đổi số trong xây dựng Nông thôn mới
Năm 2022 tỉnh Hưng Yên có 16 xã đề nghị xét, công nhận đạt chuẩn tiêu chí Nông thôn mới kiểu mẫu trong đó tiêu chí bắt buộc là xã phải có mô hình thôn thông minh. Các xã đã xây dựng mô hình thôn thông minh với một số nội dung như: Lắp đặt mạng wifi miễn phí phục vụ nhu cầu của người dân ở các điểm công cộng tại nhà văn hoá thôn, nơi sinh hoạt cộng đồng, điểm du lịch cộng đồng…
Thôn có hệ thống loa truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông; Hệ thống Camera giám sát an ninh trật tự trên địa bàn xã do công an xã quản lý để giám sát; Đảm bảo khả năng tích hợp, truy cập xuyên suốt từ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã để phục vụ theo dõi giám sát theo yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi, vi phạm pháp luật khác...
Hướng đến xây dựng Nông thôn mới thông minh, các địa phương trên địa bàn tỉnh Hưng Yên chú trọng chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng phát triển toàn diện, sinh thái, hiệu quả. Theo đó, trong quá trình xây dựng Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu, các địa phương chú trọng thực hiện tiêu chí về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn.
![]() |
Hạ tầng được xây dựng hiện đại và đồng bộ |
Nhờ việc thực hiện tốt tiêu chí này, bước đầu giúp địa phương thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Nhiều mô hình nông nghiệp thông minh trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt đã ứng dụng công nghệ tự động hóa để theo dõi, giám sát, truy xuất, xử lý dữ liệu giúp giảm chi phí sản xuất, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Các hợp tác xã, cơ sở sản xuất tích cực đưa sản phẩm tham gia các sàn thương mại điện tử, trang thông tin điện tử và các trang mạng xã hội như: Postmart.vn, Voso.vn, Shopee.vn, ketnoiocop.vn; ocophungyen.vn, facebook, zalo…
Nhằm bảo đảm hạ tầng thực hiện chuyển đổi số hướng đến xây dựng Nông thôn mới thông minh, các đơn vị viễn thông trên địa bàn tỉnh tích cực đầu tư hạ tầng. Đến nay, toàn tỉnh có trên 1,1 nghìn trạm thu, phát sóng di động; Mạng lưới cáp quang lắp đặt đến 100% thôn, tổ dân phố, mạng 3G, 4G phủ sóng toàn tỉnh…
Từ hiệu quả mang lại, đến nay, việc xây dựng mô hình thôn thông minh, chuyển đổi số trong xây dựng Nông thôn mới đang được các địa phương đẩy mạnh thực hiện. Các cấp, ngành, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về chuyển đổi số trong xây dựng Nông thôn mới. Đa dạng hóa các hình thức truyền thông trên nền tảng công nghệ số.
Đồng thời, toàn tỉnh cũng đẩy mạnh xây dựng chính quyền số trong xây dựng Nông thôn mới với việc tăng cường xây dựng và áp dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến liên thông, đồng bộ cấp tỉnh, huyện, xã; Nâng cao dịch vụ phục vụ Nhân dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ viễn thông, hỗ trợ người dân sử dụng thiết bị công nghệ thông tin.
Cùng với đó, tỉnh Hưng Yên cũng tăng cường kiểm tra, giám sát, hỗ trợ việc xây dựng Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu năm 2023, toàn tỉnh có 25-30 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, 10-15 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu, 100% các xã Nông thôn mới kiểu mẫu xây dựng mô hình thôn thông minh.
Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương |
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Trang bị kiến thức sản xuất nông nghiệp cho bà con nông dân Sóc Sơn

Vụ mới bắt đầu trên “cánh đồng đạm tự nhiên” ở Cư Jút

Nâng cao giá trị làng nghề làm sáo diều Bá Dương Nội

Cùng nông dân Đan Phượng chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp

Giúp người dân nâng cao kiến thức, làm chủ khoa học kỹ thuật

Lâm Đồng đề xuất hỗ trợ kiểm soát chất lượng sầu riêng phục vụ xuất khẩu

Cần đẩy mạnh công tác tiêm vắc xin phòng dại cho đàn vật nuôi

Hà Nội dẫn dầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP

Bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa gắn với xây dựng Nông thôn mới
