Hải Phòng - thành phố cảng anh hùng
![]() |
Phối cảnh Dự án đầu tư xây dựng công trình Trung tâm Chính trị - Hành chính thành phố Hải Phòng, hệ thống giao thông và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tại Khu đô thị Bắc sông Cấm |
Tăng trưởng GRDP luôn ở mức 2 con số
Với chiến lược quy hoạch hiệu quả, thu hút đầu tư mạnh mẽ và quản lý tài chính bền vững, Hải Phòng hiện nằm trong nhóm 5 địa phương có quy mô kinh tế dẫn đầu cả nước, cùng với Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai.
Các phương hướng phát triển thành phố đề ra tại các lần Đại hội Đảng bộ thành phố đã được Thành ủy, các cấp ủy bám sát, xây dựng các chương trình, kế hoạch, nghị quyết chuyên đề để triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của từng đơn vị, địa phương và đạt nhiều kết quả nổi bật trên tất cả các mặt, các lĩnh vực.
Kinh tế thành phố Hải Phòng duy trì tốc độ tăng trưởng cao, quy mô nền kinh tế thường xuyên duy trì vị trí thứ hai Vùng đồng bằng sông Hồng, sau Thủ đô Hà Nội, đặc biệt trong 10 năm trở lại đây
Quy mô GRDP của thành phố năm 2024 gấp 6,32 lần năm 2010, gấp 3,4 lần năm 2015 và 1,62 lần năm 2020. Hải Phòng là địa phương duy nhất duy trì tăng trưởng ở mức 2 con số trong 10 năm liên tiếp, với tốc độ tăng trưởng năm 2024 đạt 11,01%, cao hơn khoảng 1,55 lần so với bình quân chung cả nước.
Giai đoạn 2021 - 2024 đạt 11,53%/năm, gấp 1,63 lần giai đoạn 2011 - 2015 (7,08%/năm). Đây là sự khẳng định về tiềm năng, vị thế, vị trí địa chính trị duy nhất ở miền Bắc cũng như sự quyết tâm của thành phố Hải Phòng trong quá trình xây dựng và phát triển trở thành đô thị năng động, hiện đại; là cửa ngõ giao thương của Việt Nam với thế giới.
Cơ cấu kinh tế của thành phố tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng hiện đại hóa, đô thị hóa, giảm tỷ trọng của nhóm ngành nông, lâm, thủy sản, tăng tỷ trọng của các nhóm ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Trong nội bộ các ngành kinh tế, tăng dần tỷ trọng của các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, hiện đại theo đúng định hướng, tinh thần chỉ đạo của Trung ương.
Công nghiệp phát triển mạnh mẽ, chuyển dịch theo hướng hiện đại. Giai đoạn 2020 - 2025, thành phố đã tập trung cao hoàn thiện các thành phần kinh tế, gắn với chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao.
Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt 43,86% năm 2024, đây là tỷ lệ khá cao, thể hiện kết quả của thành phố Hải Phòng để hoàn thành mục tiêu là địa phương đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
![]() |
Một góc đô thị quận Hồng Bàng, Hải Phòng |
Cơ cấu kinh tế theo thành phần chuyển dịch tích cực, giảm tỷ trọng kinh tế nhà nước, tăng kinh tế tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trong GRDP. Chỉ tiêu năng suất các nhân tố tổng hợp đóng góp ngày càng tăng vào GRDP của Hải Phòng và cao hơn bình quân chung của cả nước.
Thu nhập bình quân đầu người được cải thiện, năm 2024 đạt 9.486 USD/người, gấp hơn 20 lần so với năm 2003 - năm mà Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 32-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thu ngân sách luôn duy trì trên 100.000 tỷ đồng
Tổng thu ngân sách Nhà nước tăng trưởng liên tục qua các năm, nhiều năm vượt dự toán Trung ương giao. Dưới sự ủng hộ của Trung ương, sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, HĐND, UBND TP cùng những giải pháp căn cơ, chiến lược, năm 2022 thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố vượt mốc 100.000 tỷ đồng và tiếp tục duy trì kết qua đó đến nay. Ước bình quân thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025 tăng 7,06%/năm, trong đó thu nội địa tăng 9,27%/năm.
Thành phố phân bổ chi ngân sách hợp lý, ưu tiên đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các dự án hạ tầng trọng điểm, có tác động lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm các khoản chi lương, thường xuyên và an sinh xã hội; kịp thời xử lý những vướng mắc phát sinh, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ được giao.
Cơ cấu chi được đổi mới, theo hướng tiết kiệm chi thường xuyên để dành cho đầu tư phát triển. Tỷ trọng chi đầu tư trên tổng chi đầu tư và chi thường xuyên tăng dự kiến đạt 56,66% vào năm 2025.
![]() |
Bằng nguồn lực đầu tư dồi dào, hầu hết các công trình, dự án trong giai đoạn 2016 - 2020, 2021 - 2025 đều bảo đảm đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Nhiều công trình đóng góp lớn cho kết nối và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như: Cầu Tân Vũ - Lạch Huyện, các bến cảng của cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, cảng hàng không quốc tế Cát Bi… Một số công trình đạt thi công vượt tiến độ đề ra như cầu Hàn, cầu Đăng, cầu sông Hóa, nút giao Nam cầu Bính, tuyến đường vào và Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ, đường Hồ Sen - Cầu Rào 2…
Công tác quản lý đầu tư được tăng cường, có nhiều đổi mới, bảo đảm tập trung, dứt điểm, tiết kiệm, hiệu quả. Thành phố Hải Phòng đã thực hiện việc phân cấp cho các địa phương nguồn lực và thẩm quyền quyết định để chủ động trong việc triển khai các dự án đầu tư công cấp bách trên địa bàn, đổi mới trong quyết định chủ trương đầu tư, phân bổ nguồn lực đầu tư, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, kéo dài dự án.
Đột phá về thu hút đầu tư FDI
Thành phố luôn khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư. Đặc biệt giai đoạn từ 2015 đến nay, môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, việc huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư đạt mức cao. Công tác quản lý đầu tư được tăng cường, có nhiều đổi mới, bảo đảm tập trung, dứt điểm, tiết kiệm, hiệu quả.
Khi được khảo sát vào năm 2024, phần lớn các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đều đồng ý cho rằng môi trường được cải thiện hơn và chất lượng quản lý điều hành của các cơ quan cũng được nâng cao.
Cụ thể, 96,45% hộ kinh doanh và 96,7% doanh nghiệp, hợp tác xã cho rằng chất lượng quản lý về kinh tế của chính quyền địa phương hoặc Sở, ban, ngành có cải thiện. Bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế - xã hội, các Ban, Sở, ngành và quận, huyện cũng đã dành sự quan tâm nhất định đến các vấn đề phát triển bền vững, bao trùm và bảo tồn các giá trị lịch sử, truyền thống.
Theo đó, 85,98% hộ kinh doanh và 60,82% doanh nghiệp, hợp tác xã đồng tình với nhận định chính quyền quận, huyện hoặc Ban, Sở, ngành có quan tâm và đặc biệt quan tâm đến các lĩnh vực phát triển bền vững, bao trùm trong các hoạt động quản lý và điều hành kinh tế.
![]() |
Nhà hát Lớn Hải Phòng |
Cơ cấu kinh tế theo thành phần chuyển dịch tích cực, giảm tỷ trọng kinh tế nhà nước, tăng kinh tế tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trong GRDP. Vốn đầu tư khu vực ngoài Nhà nước và đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2025 ước đạt 845,54 nghìn tỷ đồng, chiếm 86,3% tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn, thực sự là động lực quan trọng của kinh tế thành phố.
Nền kinh tế của thành phố giảm phụ thuộc vào vốn đầu tư khi chỉ tiêu vốn đầu tư/GRDP giảm qua từng năm. Hiệu quả đầu tư của Hải Phòng từ năm 2011 trở lại đây cao hơn nhiều so với giai đoạn trước và cao hơn so với bình quân chung của cả nước.
Hải Phòng đã khẳng định vị thế là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn bậc nhất Việt Nam. Thành phố thu hút được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước (Vingroup, Sungroup, Geleximco…) đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế trọng yếu với nhiều dự án lớn có tổng mức đầu tư hơn 200 nghìn tỷ đồng.
Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhiều năm liền, thành phố liên tục nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút FDI. Dòng vốn đầu tư tập trung mạnh mẽ vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, chế biến, chế tạo (nhất là trong lĩnh vực điện tử, ô tô, máy móc thiết bị), dịch vụ cảng biển và logistics, tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Trong 4 năm liên tiếp (2021 - 2024), Hải Phòng đứng top 5 toàn quốc về thu hút vốn FDI. Năm 2024, thành phố Hải Phòng đã đạt được kết quả ấn tượng trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký đạt 4,94 tỷ USD, vượt 145% so với kế hoạch đề ra và tăng hơn 34% so với cùng kỳ năm trước.
Các tập đoàn lớn như LG (Hàn Quốc), Pegatron (Đài Loan), Fujifilm (Nhật Bản)… đã chọn Hải Phòng làm cứ điểm sản xuất, tạo ra chuỗi giá trị công nghiệp quy mô toàn cầu, đóng góp lớn vào xuất khẩu và ngân sách thành phố.
Hải Phòng tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng “thu hút đầu tư có chọn lọc, chất lượng, công nghệ cao, thân thiện môi trường”, từng bước hình thành hệ sinh thái công nghiệp - đô thị - dịch vụ hiện đại.
Lũy kế đến hết 20/4/2025, Hải Phòng có 1.063 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đạt 34,62 tỷ USD của các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến từ 39 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới và tăng thêm giai đoạn 2021 - 2025 ước đạt 20,2 tỷ USD, gấp 1,89 lần giai đoạn 2016 - 2020 (đạt 10,67 tỷ USD), đưa Hải Phòng trở thành một địa phương trong nhóm dẫn đầu cả nước về thu hút FDI.
Giai đoạn 2021 - 2025, ước mỗi năm có khoảng 3.384 doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký bình quân 11,8 tỷ đồng/doanh nghiệp, gấp 1,17 lần về số doanh nghiệp và 1,56 lần về số vốn đăng ký bình quân so với giai đoạn 2016 - 2020.
Kết quả thu hút đầu tư, thu hút doanh nghiệp đạt được là do thành phố đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp, chính sách huy động vốn cho đầu tư phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển dịch vụ cảng biển - logistics.
Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông phát triển mạnh mẽ
Hệ thống giao thông của thành phố được tập trung phát triển với các tiêu chuẩn kỹ thuật cao, hiện đại, góp phần làm thay đổi căn bản hạ tầng giao thông nội đô thành phố cũng như liên vùng.
Cảng biển nước sâu Lạch Huyện đưa vào sử dụng từ năm 2018 là cảng nước sâu lớn nhất miền Bắc Việt Nam. Ban đầu, cảng Lạch Huyện chỉ tiếp nhận tàu khoảng 132.000 DWT nhưng với lợi thế luồng lạch, cảng đã được cho phép thử nghiệm tiếp nhận tàu container trọng tải lớn và đến nay khu vực cảng biển này đã tiếp nhận được tàu với trọng tải trên 300.000 DWT.
Với 6 bến cảng đang cùng hoạt động, các bến cảng tiếp theo từ bến số 7 đến 12 của cảng Lạch Huyện đang được thành phố tích cực triển khai hoàn thành thủ tục, thu hút nhà đầu tư, cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện sẽ tiếp tục là bến cảng quan trọng hàng đầu của miền Bắc cũng như của cả nước.
![]() |
Nút giao tại đường Võ Nguyên Giáp, Hải Phòng |
Nhiều công trình hạ tầng quan trọng khác của thành phố cũng đã được tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước như Dự án đầu tư xây dựng cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện, đầu tư, nâng cấp Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi, các tuyến đường liên tỉnh, liên huyện, các cây cầu.
Các công trình hạ tầng kết nối liên vùng được đầu tư và đi vào sử dụng, phát huy hiệu quả rõ rệt trong phát triển kinh tế xã hội cũng như nâng cao đời sống của Nhân dân như: Cầu Dinh, cầu Quang Thanh, cầu Bến Rừng, cầu sông Hóa, cầu Lại Xuân…
Với mục tiêu phát triển đô thị hiện đại, mang tầm vóc thành phố biển năng động nhất miền Bắc, thành phố đã đầu tư xây dựng Trung tâm Chính trị - Hành chính thành phố Hải Phòng tại Khu đô thị mới Bắc sông Cấm với kỳ vọng về một biểu tượng mới của thành phố; đồng thời thúc đẩy mở rộng không gian đô thị về phía Bắc của thành phố, góp phần quan trọng vào việc mở rộng địa giới hành chính, tái cơ cấu đô thị, thu hút đầu tư và nâng tầm vị thế của Hải Phòng trong khu vực và cả nước… Công trình dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trong tháng 5/2025 là công trình trọng điểm tạo bước đột phá về không gian đô thị hiện đại.
Hiện nay, tỉnh Hải Dương đang tiến hành sáp nhập với Thành phố Hải Phòng với quy mô và dư địa mới. Đây sẽ là đòn bẩy để Tải Phòng tạo đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng, và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, giúp Hải Phòng giữ vững vị thế là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng và cải cách hành chính.
Với những thành tựu nổi bật đã đạt được trong suốt chặng đường lịch sử và trong sự nghiệp đổi mới, ngày 28/4/2025, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 766/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu “Thành phố Anh hùng” đối với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Hải Phòng do có thành tích đặc biệt xuất sắc và toàn diện, đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Doanh nghiệp tiếp sức tinh thần cho lực lượng diễu binh

Đổi thay bên dòng Vàm Cỏ

“Mũi giáp công thép” trong chiến dịch giải phóng miền Nam

“Đoàn tàu không số” lập công xuất sắc chi viện chiến trường miền Nam

Dũng sĩ Điện Ngọc vang danh vùng đất Quảng anh hùng

TP Hồ Chí Minh lung linh với màn trình diễn 10.500 drone

Nửa thế kỷ tri ân, mạch nguồn tự hào chảy mãi

Thủ Dầu Một - Vang mãi bản hùng ca thống nhất

Bình Dương hồi sinh từ những trang sử oai hùng
