Để ngày thống nhất non sông càng có ý nghĩa hơn…
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và TP Hà Nội vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 47 năm Ngày thống nhất đất nước |
Những ngày buồn đã qua
Còn nhớ, giờ này năm trước, nhiều người nghỉ lễ với tâm trạng thoải mái, vui vẻ, tận hưởng chuyến đi du lịch xa. Cũng có nhiều người e ngại, lo lắng, thận trọng hơn khi chỉ về quê, thăm người thân. Còn một số thì chắc chắn nhất, ở nhà để đảm bảo an toàn, tránh mọi nguy cơ tai nạn giao thông, quá tải cho những nơi chật hẹp mà ai cũng muốn đến du lịch.
Thế rồi, như một cú vung chiếc đũa thần của bà tiên Hắc Ám, kì nghỉ đã trở thành một cuộc nháo nhào. Bao người từ quê vội vã trở về ngôi nhà mình sinh sống. Bao chuyến du lịch trở thành nỗi lo nơm nớp của những người trót đi qua, đi vào vùng dịch. Rồi sau đó, những ngày tháng căng thẳng như thế nào, hẳn không cần phải nhắc lại vì tất cả chúng ta vẫn còn nhớ như in trong đầu.
Lo lắng nhưng không sợ hãi, Hà Nội cũng đã trải qua những ngày tháng biến động. Chúng ta cũng giãn cách, chúng ta cũng có những ngày tháng phố phường vắng lặng, nhà nhà ngõ ngõ rào dậu như lô cốt, “cố thủ” trong nhà với bao “pháo đài” dựng lên bằng cánh cửa, thanh sắt, bàn ghế và của cả lòng người.
![]() |
Cột cờ Hà Nội (Ảnh: Phạm Mạnh) |
Dù vậy, Hà Nội vẫn chưa ngơi nghỉ trách nhiệm trái tim của cả nước, vẫn đầy nhiệt huyết chảy đi dòng máu nóng của tình yêu thường, sẻ chia đến khắp cơ thể Việt Nam. Lớp lớp đoàn quân nhân, bác sĩ, sinh viên tình nguyện, tình nguyện viên… lên đường, cung cấp nhân lực vật lực, sức người sức của chi viện cho các tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt là tâm dịch TP Hồ Chí Minh.
Chúng ta thấy sống dậy khí thế hào hùng của thuở “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” năm nào. Chúng ta đã thấy truyền thống “nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng” tiếp tục được phát huy hiệu quả như thế nào. Nghĩa đồng bào, tình cảm của người dân Việt Nam với nhau khiến chúng ta dù ở bất cứ nơi nào dịch bệnh cũng thấy như chân, như tay của mình bị đau, bị thương.
Có một thời gian dài các tỉnh thành buộc phải giãn cách, không được đi sang nhau để phòng, chống dịch bệnh. Có một thời gian ai ở đâu ở yên đấy để tránh lây lan. Người Việt Nam ai chả có quê quán, có cha mẹ, người thân ở những vùng khác nhau trên khắp đất nước, ở nước ngoài. Một mặt, chúng ta phải giãn cách để an toàn cho mình và người thân, một mặt chúng ta vẫn tiếp tục đóng kiều bào xa đất nước trở về với vòng tay yêu thương của Tổ quốc.
Nỗi nhớ thương, lo lắng cho gia đình, anh em, bạn bè người thân được chúng ta nén lại bằng những việc làm cụ thể để mong dịch bệnh sớm qua. Một năm trời trôi qua trong rất nhiều diễn biến mà chắc hẳn nhiều người không muốn nhớ lại. Có một thời gian, đi ra ngõ cũng khó, gặp hàng xóm cũng hạn chế tuyệt đối chứ nói gì đến đi du lịch nước ngoài.
Thế mà chúng ta đã làm được. Để một năm trôi qua, dịch bệnh đã được chúng ta kiểm soát tương đối tốt. Với chiến dịch tiêm vắc xin thần tốc của Hà Nội, với những nỗ lực không ngừng của Nhân dân cả nước cùng tình hình tốt lên của dịch bệnh, đến tháng 3 năm nay Việt Nam đã mở cửa trở lại đường bay quốc tế, mọi việc dần trở lại bình thường như trước khi những làn sóng khủng khiếp của đại dịch quét qua.
Tháng 4 này, đã có những chuyến du lịch của người Việt đi đến với một số nơi trên thế giới; Chúng ta đã có thể đi đến những nơi mình muốn trên đất nước mình; Chúng ta đối mặt với dịch bệnh bằng một tâm thế khác hẳn một năm về trước. Không còn lo lắng, không còn sợ hãi, chẳng còn nghi ngại, “biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”, loài virus “không mời mà đến” đã trở nên “biết điều” hơn, dần trả lại cho chúng ta cuộc sống yên bình như trước khi nó xuất hiện.
Những ngày khó khăn nhất đã qua bởi người Việt ta, bằng khối đại đoàn kết thống nhất toàn dân, bằng nghĩa đồng bào cao cả đã nâng đỡ, dìu dắt nhau cùng vượt qua gian khó nhất. “Trận chiến” này, mỗi người Việt Nam đều góp một phần sức lực để ngày “ca khúc khải hoàn” ai cũng có niềm vui chung. Ngày thống nhất năm nay, bài ca ấy trong lòng mỗi người đều tự ngân lên để cùng tự hào về truyền thống cao đẹp của dân tộc ta, cùng nhìn lại và chiêm nghiệm quãng đường gian khó ấy chúng ta đã vượt qua như thế nào.
Hướng về tương lai với bao niềm hy vọng
Còn đó những nỗi đau, những mất mát, hy sinh trong đại dịch. Dù vậy, cũng như vết thương chiến tranh đã lành, chúng ta cần nhìn về phía trước, hướng tới tương lai để sống tốt hơn, cống hiến nhiều hơn cho đất nước, xây dựng cuộc sống hạnh phúc hơn. Điều đó cũng là để chúng ta sống tiếp phần của những nạn nhân không may qua đời do đại dịch COVID-19.
Đồng thời, mỗi chúng ta, trong ngày thống nhất đất nước này càng nên thấy mình may mắn và hạnh phúc. Bởi lẽ, trước hết, chúng ta được sống trong hòa bình và điều đó được đổi bằng máu xương của bao thế hệ đi trước. Nền hòa bình ấy đã cho chúng ta một xã hội phát triển vượt bậc, văn minh, hiện đại, sánh ngang với được các quốc gia tiên tiến, phát triển trên thế giới.
Chúng ta được hòa nhập vào một “thế giới phẳng” mà ở đó, chúng ta được cập nhật thông tin nhanh nhất, cùng với thế giới, nâng tầm hiểu biết và kiến thức. Chúng ta có một nền kinh tế đủ mạnh, có tài sản cá nhân đủ để muốn là có thể mang được cả thế giới về bên mình.
Có thể nói, mới chỉ gần nửa thế kỷ trôi qua mà Việt Nam đã vươn lên thần kì từ sau bao năm chiến tranh bom đạn đổ nát. Vì thế, được hưởng thành quả như ngày hôm nay, nên chăng, mỗi bạn trẻ càng thấy mình cần phải nâng cao trách nhiệm, ý thức đóng góp cho quê hương, đất nước nhiều hơn nữa để xứng đáng với công lao của các thế hệ đi trước.
Thêm một điều nữa, mới chỉ gần một năm trôi qua thôi mà thế giới và cả đất nước chúng ta đã trải qua biết bao thăng trầm. Chúng ta, những người ngày hôm nay được cùng nhau hưởng thêm một ngày Thống nhất, đó là những người đã kiên cường chống chọi với đại dịch, đã cùng cộng đồng viết nên một bài ca của tình đoàn kết, nghĩa sẻ chia, của tình đồng bào thắm thiết keo sơn.
![]() |
Phố phường rực rỡ cờ và hoa mừng ngày Thống nhất |
Có lẽ rằng, chúng ta là người hơn ai hết hiểu giá trị của sự sống, của ngày bình thường, của sự yên bình. Bởi thế, chúng ta càng trân quý hơn những ngày nghỉ lễ bên gia đình, bên người thân yêu, nhất là những gia đình còn đủ người sau đại dịch.
Chẳng ai muốn lặp lại một lần nữa những bãi biển đông nghịt người, những chợ đêm chen vai thích cánh, những điểm du lịch không còn một chỗ chen chân như dịp nghỉ lễ ngày này năm ngoái. Đó là khởi đầu của làn sóng thứ 4 dịch bệnh COVID-19 mà sau đó chúng ta đã phải chịu biết bao đau thương, mất mát, bao thiệt hại, bao bất tiện.
Đó là một kì nghỉ dài thật dài, khi mà sau mấy ngày nghỉ lễ chúng ta có cả gần một năm biến động dồn dập với những “kỳ nghỉ” dài dằng dặc khiến mọi người phát ngán với việc ở trong nhà, muốn được giao lưu, muốn được trở lại nhịp sống bình thường.
Hơn ai hết, chúng ta hiểu đó là tình thế bắt buộc để phòng, chống dịch hiệu quả, mang lại sự an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Vì vậy, giờ đây, khi dịch bệnh chưa thực sự “sạch bóng” trong cộng đồng, cuộc chiến với COVID-19 chưa đi đến hồi kết thúc, chúng ta càng nên ý thức cao hơn nữa.
Sống chung với dịch, thích ứng linh hoạt không có nghĩa là đã an toàn tuyệt đối. “Cuộc chiến” vẫn còn chưa yên trên “mặt trận không tiếng súng” này. Mọi nỗ lực của cả cộng đồng, sự bình yên mới trở lại chưa lâu rất có thể vẫn sẽ là tạm thời, vì thế, kì nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay nên chăng mỗi người cũng nên “vui thôi đừng vui quá”.
Vẫn biết rằng, sau gần một năm “tù cẳng”, nhiều người muốn đi chơi, muốn đi xa cho thoải mái tinh thần, nạp thêm năng lượng để tiếp tục làm việc, tiếp tục học tập, vượt qua nhiều trở ngại khác trong cuộc sống. Vẫn biết rằng, nhu cầu đi du lịch cũng là để phát triển “công nghiệp không khói”, giúp ngành này khôi phục sau một năm quá ảm đạm, tê liệt, đóng góp cho sự phát triển của kinh tế nước nhà.
Vẫn biết rằng… còn đó rất nhiều lý do mà điều nào cũng rất thuyết phục. Chỉ có một chữ “nhưng” là vẫn còn đó nhắc nhở chúng ta. Đừng để ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay sẽ kết thúc bằng một làn sóng mới của dịch bệnh ập đến với những biến chủng mà chúng ta đã chán ngán không muốn gọi tên. Đừng để nỗ lực tiêm vắc xin, phòng chống dịch bệnh của cả một năm qua với bao thiệt hại về người và của trở nên bớt ý nghĩa.
Nhiều người chọn ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5 để về bên gia đình, trân quý hơn những người thân yêu sau đại dịch. Đó cũng là một cách để giảm tải ùn tắc giao thông, quá tải tại các điểm du lịch. Lựa chọn thế nào là ở mỗi người. Tin rằng chúng ta đã thấu hiểu thế nào là “dịch bùng” để đón những ngày nghỉ lễ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước một cách có ý nghĩa và an toàn nhất.
![]() |
![]() |
![]() |
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Liên kết vùng để phát triển sản phẩm công nghiệp văn hóa hiệu quả

Danh mục di tích, di sản để bảo vệ và phát huy giá trị

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung trở thành Đại sứ Truyền cảm hứng Giải thưởng Dế Mèn

Rạng rỡ lý tưởng Hồ Chí Minh trong bản hòa ca tháng Năm

Khi văn hóa - lịch sử “kết duyên” cùng hội họa...

Lãnh đạo tỉnh Thái Bình dâng hương tưởng niệm danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn

Những lời ca thiết tha dâng Bác

Hà Nội sẽ gặp mặt, biểu dương người làm báo tiêu biểu

Đại nhạc hội “Rực Rỡ Hà Nam” chiêu đãi du khách màn pháo hoa tầm cao hoành tráng
