Nghệ sĩ Tia - Thủy Nguyễn: Mong có những tác phẩm thiết thực cho Hà Nội
Khúc tráng ca đầy cảm xúc về Thủ đô anh hùng, trọn nghĩa tình "Làn gió mới" từ Luật Thủ đô trong cải tạo chung cư cũ “Hồi sinh” mang đến không gian sáng tạo cho Hà Nội |
Động lực để tiếp tục dấn thân, sáng tạo
- Bây giờ, tác phẩm “Hồi sinh” đã được ra mắt và trở thành một phần của vườn hoa Cổ Tân, cảm xúc của chị như thế nào? Những phản hồi của dư luận ra sao và có ảnh hưởng tới chị như thế nào?
Nghệ sĩ Tia - Thủy Nguyễn: Khi tác phẩm “Hồi sinh” chính thức ra mắt và trở thành một phần của vườn hoa Cổ Tân, tôi thực sự xúc động và tự hào. Trong suốt quá trình “nhào nặn” tác phẩm, tôi luôn mang trong mình niềm hạnh phúc đặc biệt được góp phần nhỏ bé vào diện mạo nghệ thuật của Hà Nội, nơi tôi sinh ra và lớn lên.
![]() |
Nghệ sĩ Tia - Thủy Nguyễn ôm cây xà cừ đổ do bão Yagi |
Tôi cảm thấy mình đang đóng góp vào một dấu mốc của nghệ thuật đương đại Việt Nam trong không gian công cộng. Điều ý nghĩa hơn cả là tôi đã gìn giữ vật chất của một cây xà cừ 70 năm tuổi, mang lại cho nó một đời sống khác trong hình hài mới, với rất nhiều tình yêu của người con Hà Nội.
Những lời chúc mừng và chia sẻ từ gia đình, bạn bè, cùng những đánh giá tích cực từ thầy cô và giới chuyên môn, đã khiến tôi vô cùng xúc động. Sự quan tâm nồng nhiệt từ khán giả như tiếp thêm nguồn năng lượng cho tác phẩm được tỏa sáng dưới ánh sáng của mẹ thiên nhiên.
Tất cả những điều ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi, giúp tôi có động lực để tiếp tục dấn thân, sáng tạo và thực hiện thêm nhiều dự án nghệ thuật khác dành cho Thủ đô Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.
![]() |
Nghệ sĩ Tia - Thủy Nguyễn khảo sát cây xà cừ đổ |
- Điều gì thôi thúc chị có một tác phẩm sáng tạo như vậy cho Hà Nội?
Nghệ sĩ Tia - Thủy Nguyễn: Hà Nội trong tôi là cả một bầu trời ký ức, là những buổi đến trường, những chiều đi dạo dưới tán cây rợp bóng mát, nghe tiếng ve gọi vào ngày hè. Tôi đã lớn lên cùng thành phố này, nên mỗi thay đổi của Hà Nội đều chạm đến trái tim tôi rất sâu sắc.
Khi hay tin cơn bão lớn quét qua, để lại nhiều mất mát và trong đó có cả cây xà cừ cổ thụ - những “chứng nhân” lặng lẽ của thời gian - tôi cảm thấy vô cùng thương xót. Là một người con của Hà Nội, tôi không khỏi đau lòng khi thấy những hàng cây từng gắn bó với bao thế hệ dần ngã xuống.
![]() |
Dù tôi từng thực hiện nhiều tác phẩm tại các thành phố lớn trên thế giới, được đón nhận bởi các nhà sưu tập và giới chuyên môn quốc tế nhưng sâu thẳm trong tôi, Hà Nội vẫn là nơi tôi luôn hướng về.
Chính nỗi tiếc nuối và tình cảm da diết ấy đã thôi thúc tôi phải làm điều gì đó, một cách cụ thể và có ý nghĩa để góp phần vào vẻ đẹp thẩm mỹ và không gian văn minh đô thị của Thủ đô. Tác phẩm "Hồi sinh" ra đời từ tình yêu ấy.
![]() |
Những người bạn nước ngoài giúp đỡ nhóm nghệ sĩ dọn dẹp không gian cây đổ sau bão |
Cần xây dựng một hệ sinh thái phụ trợ phong phú
- Từng có nhiều triển lãm sắp đặt tại nước ngoài, tại sao bây giờ chị mới có một tác phẩm ý nghĩa như vậy với Hà Nội?
Nghệ sĩ Tia - Thủy Nguyễn: Tôi may mắn khi được một gallery quốc tế quản lý, nên con đường đưa tác phẩm của mình đến với công chúng thế giới trở nên thuận lợi và suôn sẻ hơn. Ở những nơi mà nghệ thuật đương đại đã có nền tảng phát triển lâu dài, khán giả và giới chuyên môn thường có sự thấu hiểu, cởi mở và sẵn sàng đón nhận những cách biểu đạt mới mẻ.
![]() |
Nghệ sĩ Tia - Thủy Nguyễn bàn phương án thi công cây |
Còn tại Việt Nam, để một tác phẩm nghệ thuật công cộng được ra đời, tôi nghĩ cần có thời gian, không chỉ để khán giả làm quen và cảm nhận, mà còn để các bên liên quan như cơ quan quản lý, nhà tài trợ hay nhà đầu tư cùng tìm được tiếng nói chung.
Đó là một quá trình kiên nhẫn, đòi hỏi sự kết nối, thấu hiểu và chung tay vì một mục tiêu lớn hơn. Khi điều đó thành hiện thực, như với "Hồi sinh", tôi cảm thấy đó là một khoảnh khắc rất đáng trân trọng.
![]() |
Quá trình ghép gốc cây |
- Chuyên gia kinh tế phát triển Vũ Hoàng Quyên cho rằng “hoạt động nghệ thuật và sáng tạo không chỉ mang lại giá trị văn hóa mà còn tạo ra tác động kinh tế đáng kể”. Vậy theo chị, những tác phẩm nghệ thuật như “Hồi sinh” cần có những hoạt động gì phụ trợ xung quanh để có thể mang đến nhiều hơn nữa tiềm năng kinh tế, đóng góp vào công nghiệp văn hóa của Hà Nội?
Nghệ sĩ Tia - Thủy Nguyễn: Theo tôi, để những tác phẩm như “Hồi sinh” có thể phát huy tiềm năng kinh tế và đóng góp vào công nghiệp văn hóa của Hà Nội, cần xây dựng một hệ sinh thái phụ trợ phong phú. Đó có thể là các sự kiện nghệ thuật, triển lãm, workshop - nơi công chúng không chỉ đến xem mà còn được học hỏi, tương tác.
![]() |
Cây xà cừ 70 năm tuổi được "hồi sinh" |
Đồng thời, thành phố cần phát triển du lịch nghệ thuật theo hướng kể chuyện - đưa du khách đi qua các tác phẩm gắn với lịch sử, văn hóa bản địa cũng là một cách để tăng giá trị bền vững.
Bên cạnh đó, tôi đặc biệt nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp - họ có thể là đối tác tài trợ, đồng kiến tạo, từ đó giúp nghệ thuật bước ra khỏi không gian trưng bày truyền thống và hiện diện nhiều hơn trong đời sống đô thị.
Những hoạt động truyền thông, giáo dục, quảng bá trực tuyến cũng là yếu tố quan trọng để lan tỏa giá trị nghệ thuật, không chỉ trong nước mà ra cả quốc tế.
![]() |
Góp phần thúc đẩy kinh tế sáng tạo
- Thành phố Hà Nội vừa ban hành 2 dự thảo Nghị quyết về Trung tâm công nghiệp văn hóa và Khu phát triển thương mại và văn hóa, là một nghệ sĩ thuộc cộng đồng sáng tạo, chị có quan tâm đến vấn đề này không? Theo chị, lợi ích của việc thành lập Trung tâm công nghiệp văn hóa và Khu phát triển thương mại và văn hóa có tác dụng gì với cộng đồng sáng tạo nói riêng và công nghiệp văn hóa của Thủ đô nói chung?
Nghệ sĩ Tia - Thủy Nguyễn: Là một nghệ sĩ trong cộng đồng sáng tạo, tôi rất quan tâm đến hai dự thảo của thành phố Hà Nội về việc thành lập Trung tâm công nghiệp văn hóa và Khu phát triển thương mại - văn hóa. Đây là bước đi cần thiết, đúng xu hướng của thế giới và phù hợp với tiềm năng sáng tạo đang lớn mạnh tại Việt Nam.
![]() |
Tác phẩm múa do NSND Trần Ly Ly biên đạo mừng cây xà cừ được hồi sinh trong vườn hoa Cổ Tân |
Lợi ích lớn nhất là xây dựng được một hệ sinh thái nơi nghệ sĩ, nhà sáng tạo, doanh nghiệp và công chúng có thể cùng nhau kết nối, thử nghiệm, chia sẻ và phát triển. Không gian như vậy không chỉ tạo điều kiện cho các ý tưởng nghệ thuật được hình thành và hiện thực hóa, mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế sáng tạo - một trụ cột bền vững của đô thị hiện đại.
Về đề xuất, tôi hy vọng Trung tâm sẽ không chỉ dừng lại ở việc tổ chức sự kiện mà có thể trở thành nơi nghiên cứu, trưng bày, đào tạo và hỗ trợ thực hành nghệ thuật đa ngành. Cần đảm bảo tính bền vững, minh bạch và mở rộng cơ hội cho nghệ sĩ địa phương, đặc biệt là những người trẻ và đến từ các tỉnh thành khác.
Ngoài ra, việc kết nối trung tâm này với các nền tảng truyền thông kỹ thuật số và các mạng lưới quốc tế cũng là điều rất quan trọng, giúp Hà Nội thực sự vươn mình trở thành một điểm đến văn hóa - sáng tạo tầm khu vực.
![]() |
- Theo chị, Hà Nội cần làm gì để phát triển công nghiệp văn hóa nói chung và tạo điều kiện cho các nghệ sĩ sáng tạo như chị nói riêng góp phần vào phát triển công nghiệp văn hóa?
Nghệ sĩ Tia Thủy Nguyễn: Việc Hà Nội phát triển công nghiệp văn hóa sẽ mở ra nhiều cơ hội cho nghệ sĩ được sáng tạo và kết nối sâu hơn với cộng đồng. Tôi nghĩ thành phố cần: Có chính sách hỗ trợ rõ ràng về không gian, tài chính, thuế… để nghệ sĩ yên tâm theo đuổi nghề.
Thành phố cũng nên tạo ra các trung tâm sáng tạo, nơi nghệ sĩ có thể trưng bày, làm việc, gặp gỡ khán giả đồng thời đẩy mạnh giáo dục nghệ thuật giúp công chúng hiểu và yêu nghệ thuật hơn.
Cùng với đó, Hà Nội cần kết nối quốc tế và liên vùng để nghệ sĩ được học hỏi, lan tỏa bản sắc Việt và ứng dụng công nghệ số giúp nghệ thuật đến gần giới trẻ và vươn ra thế giới.
Bên cạnh đó, thành phố cũng quảng bá hình ảnh Hà Nội như một thành phố sáng tạo, nơi nghệ thuật là một phần của cuộc sống.
Chỉ cần có một hệ sinh thái cởi mở và đồng hành, tôi tin nghệ sĩ sẽ đóng góp được rất nhiều cho diện mạo văn hóa của Thủ đô.
![]() |
Gắn kết cùng nhau tạo ra những tác phẩm có chiều sâu, thiết thực
- Sắp tới chị có dự định thực hiện công trình sáng tạo nào nữa cho Hà Nội không? Xin chị bật mí những hoạt động nghệ thuật tiếp theo cho độc giả được biết?
Nghệ sĩ Tia Thủy Nguyễn: Sau thành công của tác phẩm "Hồi sinh", tôi rất vui khi nhận được sự quan tâm và liên hệ từ các cơ quan, sở ngành tại Hà Nội. Họ đã gợi ý một vài địa điểm tiềm năng để tiếp tục triển khai các công trình nghệ thuật công cộng.
![]() |
Nghệ sĩ Tia - Thủy Nguyễn |
Tuy nhiên, với tôi, mỗi tác phẩm cần có thời gian “ấp ủ” đủ lâu - từ câu chuyện, ý tưởng đến chất liệu để thật sự chín muồi và mang tính gắn kết với không gian và con người nơi đó. Tôi cũng không muốn mình đơn độc trên hành trình nâng tầm mỹ quan đô thị.
Điều tôi mong mỏi là được hợp tác, đồng hành cùng các nghệ sĩ, kiến trúc sư, nhà nghiên cứu văn hóa… để cùng nhau tạo ra những tác phẩm có chiều sâu, thiết thực và mang tính cộng hưởng cho Hà Nội.
![]() |
Hy vọng trong thời gian tới, sẽ có nhiều hơn nữa những công trình sáng tạo được khơi nguồn từ sự đồng lòng ấy.
Trân trọng cảm ơn chị!
Tin liên quan
Đọc thêm

Tạp chí Người Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì

Tri ân sâu sắc công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cơ hội cho hoạ sĩ trẻ phát huy tài năng, sáng tạo

Hành trình giao hưởng qua ba miền ký ức và văn hóa

Xây dựng bản sắc văn hóa sáng tạo mang đặc trưng của Thủ đô

Các nhà hát nổi tiếng thế giới đã thay đổi vị thế quốc gia như thế nào?

Nhiều hoạt động hấp dẫn trong "Ngày Văn hóa Lâm Đồng tại Hà Nội"

Renzo Piano - Huyền thoại của ngành kiến trúc toàn cầu kiến tạo Nhà hát Opera Hà Nội

Khi nhà hát opera trở thành biểu tượng văn hóa nâng tầm vóc quốc gia
