Khúc tráng ca đầy cảm xúc về Thủ đô anh hùng, trọn nghĩa tình
Tham dự chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt “50 năm đất nước trọn niềm vui” có các đồng chí: Nguyễn Doãn Toản - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội; Hà Minh Hải - Thành ủy viên, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội.
![]() |
Đồng chí Nguyễn Doãn Toản - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội |
Chương trình còn có sự tham dự của các đồng chí đại diện lãnh đạo các Ban, Sở, ngành, quận, huyện; lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương, TP Hà Nội cùng đông đảo Nhân dân Thủ đô.
![]() |
Đồng chí Hà Minh Hải - Thành ủy viên, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội |
Khắc họa hình ảnh Thủ đô trong cuộc kháng chiến vĩ đại
Chương trình chính luận nghệ thuật “50 năm đất nước trọn niềm vui” diễn ra tối 30/4 tại sân Đoan Môn - Hoàng thành Thăng Long (19C Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội), được truyền hình trực tiếp trên tổ hợp truyền thông đa phương tiện của Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội và 11 Đài Truyền hình các tỉnh, thành phố tiếp sóng.
![]() |
Không gian cổ kính và đậm dấu ấn Hà Nội |
Chương trình do thành phố Hà Nội tổ chức, theo định hướng của Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, chỉ đạo của Thành ủy và UBND TP Hà Nội, Đài PT - TH Hà Nội phối hợp thực hiện.
Đây là hoạt động trọng điểm trong chuỗi chương trình tuyên truyền sâu rộng về tầm vóc, giá trị và ý nghĩa to lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
![]() |
Chương trình góp phần khẳng định vai trò của Hà Nội trong cuộc kháng chiến trường chinh của dân tộc |
Diễn ra trong không gian cổ kính và linh thiêng của Hoàng thành Thăng Long, chương trình được thực hiện kĩ lưỡng, đậm tính nghệ thuật và đặc biệt là sự hòa quyện của các yếu tố làm nên một chương trình đậm chất Hà Nội, một dấu ấn riêng trong các sự kiện được tổ chức dịp này.
Hàng nghìn khán giả Thủ đô đã xúc động lặng người, sống lại những thời khắc không thể nào quên của lịch sử. Đêm diễn không chỉ khiến người xem rơi nước mắt, mà còn thắp bừng niềm tự hào về những đóng góp thầm lặng nhưng vĩ đại của Hà Nội - trái tim của cuộc kháng chiến vì độc lập, thống nhất non sông.
![]() |
“50 năm đất nước trọn niềm vui” được dàn dựng công phu, kết hợp hài hòa giữa chính luận và nghệ thuật. Âm nhạc hàn lâm với dàn nhạc giao hưởng gồm 66 loại nhạc cụ trình diễn trên sân khấu, hòa quyện cùng hát múa, vũ đạo, công nghệ 3D mapping, phóng sự, giao lưu nhân chứng lịch sử… tái hiện những cột mốc quan trọng, khắc họa hình ảnh Thủ đô trong cuộc kháng chiến vĩ đại.
![]() |
Năm mươi năm đã trôi qua kể từ giây phút chiếc xe tăng 390 húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập, lá cờ giải phóng tung bay trên bầu trời Sài Gòn ngày 30/4/1975. Khoảnh khắc ấy trở thành mốc son vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Hà Nội - trái tim của cả nước - mang trọng trách lớn lao trong sự nghiệp thống nhất: Vừa là đầu não chiến lược, vừa là hậu phương vững chắc, là tiền tuyến kiên cường trong cuộc trường chinh cứu nước.
Hơn hai thập kỷ, Hà Nội luôn hướng về miền Nam với tinh thần "Tất cả vì miền Nam ruột thịt", dốc toàn lực cổ vũ, chi viện cho tiền tuyến. Tinh thần ấy vang vọng trong lời thơ Tố Hữu:
“Trời ta chỉ một trên đầu
Bắc Nam liền một biển
Lòng ta không giới tuyến
Lòng ta chung một cụ Hồ
Lòng ta chung một Thủ đô
Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam”.
![]() |
Không chỉ là hậu phương lớn, Hà Nội còn là chiến trường khốc liệt - nơi diễn ra trận đánh mang tính bước ngoặt: “Điện Biên Phủ trên không”.
Trong 12 ngày đêm chiến đấu anh dũng, Hà Nội đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng B-52 của đế quốc Mỹ - pháo đài bay mà chưa nơi nào trên thế giới từng bắn hạ. Chính chiến thắng này đã buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris - tiền đề cho đại thắng mùa Xuân 1975.
Khúc tráng ca từ Hà Nội đến Sài Gòn
Chương trình là minh chứng sinh động cho vai trò tiên phong của Hà Nội trong cuộc kháng chiến - không chỉ là thủ đô chính trị mà còn là hậu phương lớn, trung tâm đầu não kháng chiến, nơi kết tinh ý chí, trí tuệ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân.
Từ những quyết sách lịch sử, phong trào thi đua yêu nước, đến từng đoàn xe, từng người con Hà Nội lặng lẽ “xếp bút nghiên lên đường ra trận” - tất cả được khắc họa chân thực, lay động, như một cuốn biên niên sử sống động bằng âm nhạc và hình ảnh.
Trong chương trình, khán giả được sống lại những ngày tháng oai hùng qua các bản hùng ca bất tử: Miền Nam tuyến đầu Tổ quốc (Chu Minh), Câu hò trên bến Hiền Lương (Hoàng Hiệp), Xa khơi (Nguyễn Tài Tuệ), Bài ca hy vọng (Văn Ký), Chiếc gậy Trường Sơn (Phạm Tuyên), Tình ca (Hoàng Việt)...
![]() |
Chương trình có sự tham gia của nhiều anh hùng, cựu chiến binh, những người lính trở về từ chiến trường |
Những sáng tác như Hà Nội - Huế - Sài Gòn (Hoàng Vân), Huế - Sài Gòn - Hà Nội (Trịnh Công Sơn) đã vượt ra khỏi ranh giới địa lý, thể hiện nhịp đập thống nhất của một dân tộc. Hà Nội, Huế, Sài Gòn - ba nhịp tim của một Tổ quốc - đưa Việt Nam vươn tới tự do, hạnh phúc.
Những ca khúc viết về Hà Nội trong thời khắc cam go như: Hà Nội những đêm không ngủ (Phạm Tuyên), Bài ca Hà Nội (Vũ Thanh), Sông Đắc Krông mùa Xuân về (Tố Hải)… khiến khán giả xúc động.
![]() |
Cùng với đó là những sáng tác chan chứa tâm tình của thế hệ sinh viên Thủ đô lên đường nhập ngũ: Lá thư viết vội (Dương Cầm), Kỷ niệm của tôi (Phú Quang)… và khép lại bằng giai điệu hùng tráng: Bài ca thống nhất, Đất nước trọn niềm vui (Hoàng Hà).
NSND Tấn Minh, NSƯT Lan Anh, ca sĩ Mỹ Linh, Quách Mai Thy, Trần Tùng Anh, Kyo York, nhóm Thăng Long, Dàn nhạc Giao hưởng Đài Hà Nội, Vũ đoàn Tre… đã cùng nhau thổi hồn vào từng nhịp điệu, viết nên bản hùng ca về một dân tộc bất khuất.
![]() |
Chương trình còn mang đến những phóng sự và giao lưu đặc biệt: phong trào “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Cờ Ba Nhất”, “Gió Đại Phong”, hình ảnh chiếc gậy Trường Sơn của tuổi trẻ Hà Nội được tái hiện sống động.
Phóng sự về Trung đoàn “Mũ sắt” - đơn vị đặc biệt gồm toàn người Hà Nội gốc, được tuyển chọn kỹ lưỡng, trang bị hiện đại - khiến khán giả nghẹn ngào.
Từ ngày nhập ngũ (27/3/1967) đến trận đánh đầu tiên (26/3/1968), họ đã để lại dấu ấn lịch sử rồi nằm lại trên đỉnh Chư Tan Đra, trở thành biểu tượng bất tử của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
![]() |
Nhà báo Phùng Huy Thịnh nghẹn ngào xúc động kể về những đồng đội đã anh dũng hi sinh và khẳng định họ sẽ sống mãi trong lòng người dân Hà Nội, người dân Việt Nam |
Tiếp nối thế hệ ấy, hơn một vạn sinh viên các trường đại học Hà Nội đã lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” ngày 6/9/1971. Nhà báo Phùng Huy Thịnh - một trong những người rời giảng đường Văn khoa năm ấy - đã chia sẻ xúc động về tâm thế của sinh viên Hà Nội ra trận, bước vào Thành cổ Quảng Trị - nơi sinh tử, nơi thử thách ý chí và lý tưởng.
Phóng sự đặc biệt về phát thanh viên Trịnh Thị Ngọ - “Hà Nội Hannah” - cũng được giới thiệu. Bằng giọng nói tiếng Anh lôi cuốn, bà đã gieo vào lòng lính Mỹ sự hoài nghi, chán nản, làm lung lay tinh thần quân đội đối phương từ trong chiến tuyến.
Với ý chí kiên cường và lòng dân vững như thành đồng, Hà Nội đã đi qua mưa bom bão đạn, góp phần buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, mở đường cho đại thắng mùa Xuân 1975.
Chương trình “50 năm đất nước trọn niềm vui” là bản tráng ca của một thời chiến; là lời hiệu triệu thế hệ hôm nay tiếp nối truyền thống, xây dựng Thủ đô và đất nước phát triển vững mạnh, hưng thịnh.
Bản hòa ca của lòng người
Mặc dù diễn ra dưới trời mưa như trút nước nhưng chương trình thành công rực rỡ bởi hòa quyện được ý nghĩa, tầm vóc và sự xúc động của tất cả những người thực hiện chương trình gửi tới khán giả.
![]() |
Trần Tùng Anh thể hiện ca khúc "Xa khơi" với cả giọng nam và nữ |
Trên sân khấu, nghệ sĩ biểu diễn như không hề gặp trở ngại gì về thời tiết. Những tiết mục như gửi gắm trọn vẹn tình cảm của các ca sĩ với Hà Nội, với đất nước trong ngày vui trọng đại này.
Giọng hát phi giới tính Trần Tùng Anh khiến khán giả vỗ tay không ngớt với bài "Xa khơi" lúc được thể hiện bằng giọng nam ấm áp, khi lại "đổi chiều" bằng giọng nữ cao vút ngọt ngào và mượt mà.
![]() |
Ca sĩ Mỹ Linh với "Bài ca hy vọng" |
Ca sĩ Mỹ Linh mang đến một "Bài ca hy vọng" đầy sâu lắng, trong khi NSƯT Lan Anh mang đến ca khúc "Lời ca dâng Bác" với giọng ca tha thiết, NSND Tấn Minh lịch lãm và trầm ấm với "Kỷ niệm của tôi"...
Tất cả dệt nên một câu chuyện, một tinh thần, một ý chí của người Hà Nội bằng âm nhạc với sự kiên cường và xứng đáng là vị trí đầu não của đất nước trong cuộc trường chinh gian khổ ấy, góp sức to lớn vào thắng lợi cuối cùng.
![]() |
NSND Tấn Minh trong sáng tác của nhạc sĩ Phú Quang |
Khán giả không giấu nổi những giọt nước mắt xúc động trước những phần giao lưu và phóng sự với những nhân chứng lịch sử. Khán giả cùng hòa ca và vỗ tay nhịp theo tiếng đàn, tiếng hát như ngân vang niềm tự hào bởi những đóng góp của Thủ đô trong ngày vui toàn thắng. Tất cả tạo thành bản hòa ca của lòng người, của niềm tin và lòng biết ơn vô bờ.
![]() |
Nhìn lại chặng đường đấu tranh đầy gian khổ nhưng cũng vô cùng vinh quang, mỗi người Hà Nội càng thêm tự hào vì đã đóng góp phần không nhỏ vào sự nghiệp chung của đất nước, sự nghiệp thống nhất Tổ quốc.
Đó là hành trình trở về ký ức, là lời tri ân, là hồi chuông đánh thức niềm tự hào dân tộc và khơi dậy khát vọng dựng xây. Giữa lòng Hà Nội hôm nay - Thăng Long nghìn năm văn hiến vẫn vang vọng hào khí cha ông, tiếp nối bản lĩnh tiên phong, sẵn sàng bước vào những mùa xuân mới của đất nước.
![]() |
Đó là động lực để chúng ta tiếp tục cống hiến và thể hiện trọn vẹn tình yêu của mình với Thủ đô, với đất nước.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Nhà Trưng bày Hoàng Sa: “Bảo tàng sống” trên không gian mạng

Tìm lại ký ức Sài Gòn xưa và nay tại ga Metro Bến Thành

Các hoạt động nghệ thuật đa dạng, phong phú và hấp dẫn

Ninh Thuận: Phê duyệt đề án bảo tồn Lễ hội Katê

Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Dấu ấn Thủ đô tiên phong trong cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc

Vỡ òa từng cung bậc cảm xúc với chương trình nghệ thuật đặc biệt “Đảng trong mùa xuân đại thắng”

"Con đường tương lai" gợi mở các mô hình phát triển bền vững

Những công trình tiêu biểu của Thành phố Hồ Chí Minh vào trang sách
