Chủ tịch UBND TP Hà Nội gỡ bài toán nhà ở xã hội cho công nhân
Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại Hội nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội gặp gỡ, đối thoại với công nhân, lao động (CNLĐ) Thủ đô năm 2025 diễn ra chiều 28/5.
Lắng nghe nguyện vọng người lao động
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, hội nghị không chỉ là một sự kiện thường niên mà còn mang ý nghĩa vô cùng quan trọng và sâu sắc. Đây là minh chứng rõ nét cho sự quan tâm đặc biệt, sự lắng nghe chân thành của lãnh đạo thành phố đối với đời sống, tâm tư, nguyện vọng của giai cấp công nhân.
![]() |
Chủ tịch UBND TP Hà Nội gặp gỡ, đối thoại với công nhân, lao động Thủ đô năm 2025 |
Hội nghị cũng là dịp để lãnh đạo thành phố, đại diện các Sở, ngành trao đổi, đối thoại và cùng nhau bàn bạc, giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến đời sống, việc làm của CNLĐ, đặc biệt là CNLĐ tại các khu công nghệ cao và khu công nghiệp của thành phố.
Mục đích chính của hội nghị là tạo cầu nối trực tiếp để CNLĐ có cơ hội bày tỏ những kiến nghị, đề xuất, những khó khăn, vướng mắc trong công việc và cuộc sống.
“Mỗi bước tiến, mỗi thành công chung của thành phố không thể thiếu vai trò quan trọng của lực lượng CNLĐ Thủ đô. Tại hội nghị hôm nay, tôi đề nghị CNLĐ hãy thẳng thắn trao đổi, có ý kiến, đề xuất nguyện vọng của mình. Chính quyền thành phố luôn lắng nghe với tinh thần cầu thị nhất, sẽ đáp ứng tối đa những nguyện vọng chính đáng của các bạn vì điều đó cũng sẽ là động lực để thành phố phát triển”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định.
Đề xuất điều chỉnh điều kiện mua nhà ở xã hội
Tại hội nghị, nhiều công nhân, lao động đã chia sẻ những kiến nghị, đề xuất thiết thực, gắn với đời sống, việc làm.
Chị Chu Thị Báu (Công ty TNHH Kanepackage) nêu ý kiến, hiện nay quy định về thu nhập dưới 15 triệu đồng/tháng mới thuộc đối tượng mua nhà ở xã hội với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là rất khó khăn. Lương tối thiểu của công nhân ở Hà Nội thấp nhất cũng là trên 4 triệu đồng và đa số các doanh nghiệp đều trả lương cao hơn lương tối thiểu vùng. Ngoài lương còn có chính sách thưởng, đặc biệt thưởng Tết, nhiều doanh nghiệp thưởng 3 tháng lương, do vậy mức thu nhập của nhiều công nhân đạt trên 15 triệu đồng. Thu nhập này so với giá cả chi tiêu ở thành phố thì vẫn còn khiến đời sống người lao động eo hẹp xong lại không đạt điều kiện mua nhà ở xã hội.
![]() |
Người lao động nêu kiến nghị tại hội nghị |
“Đề nghị thành phố xem xét, kiến nghị với cơ quan thẩm quyền điều chỉnh điều kiện về mua nhà ở xã hội thành: Thu nhập 20 hoặc 25 triệu đồng trở xuống thuộc diện được mua nhà ở xã hội cho hợp với thực tiễn sinh động tại Hà Nội”, chị Báu kiến nghị.
Cũng liên quan đến vấn đề nhà ở, chị Nguyễn Thị Huyền Trang (Công ty TNHH Thời trang Star, Khu Công nghiệp Phú Nghĩa) nêu ý kiến, trong bối cảnh hiện nay, việc tuyển dụng lao động từ các tỉnh xa vào làm việc tại khu công nghiệp đang gặp phải nhiều khó khăn, đặc biệt là về vấn đề chỗ ở. Nhu cầu nhà ở gần khu công nghiệp còn thiếu hụt nghiêm trọng, khiến nhiều lao động tiềm năng không thể chuyển đến làm việc và sinh sống lâu dài.
“Vì vậy, tôi xin đề xuất UBND thành phố xem xét việc xây dựng các khu nhà trọ giá rẻ và nhà trẻ cho con công nhân lao động. Điều này không chỉ giải quyết vấn đề về nơi ở cho người lao động mà còn đảm bảo sự ổn định gia đình và công việc cho họ. Việc xây dựng nhà gửi trẻ cũng sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho phụ huynh, tạo điều kiện để họ tập trung làm việc với năng suất cao”, chị Trang đề xuất.
Giải đáp kiến nghị của CNLĐ về nhu cầu nhà ở xã hội, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Luyện Văn Phương cho biết, thành phố đã ban hành chương trình về phát triển nhà ở đến năm 2030, trong đó có nêu rõ chủ trương về phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn này. Trong đó, thành phố đã giao nhiệm vụ cho Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội (nay là Ban Quản lý khu công nghệ cao và khu công nghiệp Hà Nội) cũng như LĐLĐ thành phố Hà Nội tổ chức nghiên cứu, đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho CNLĐ thuê gắn với các thiết chế Công đoàn.
Về điều kiện mức lương mua nhà ở xã hội, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội nhấn mạnh đó đều là quy định rất rõ ở Luật. Trong thẩm quyền của mình, Sở Xây dựng Hà Nội ghi nhận ý kiến và sẽ tiếp tục có kiến nghị lên các cấp cao hơn để có thể sửa đổi cho phù hợp trong thời gian tới.
![]() |
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao đổi, giải đáp kiến nghị của người lao động |
Bổ sung thêm nội dung này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng, về mức lương tối thiểu trong điều kiện mua nhà ở xã hội đã có trong quy định của Luật. Đồng chí gợi ý LĐLĐ thành phố cùng với các cơ quan, lãnh đạo thành phố có kiến nghị đối chiếu với Luật Thủ đô để xác định cơ chế đặc thù cho Hà Nội, để cho đông đảo CNLĐ có cơ hội tiếp cận với nhà ở xã hội.
“Thực tế có những doanh nghiệp đang trả lương cao hơn một chút, có thể thu nhập lên đến 20 triệu thì xem có hệ số K nào không? Đây là kiến nghị rất chính đáng, trong điều kiện Thủ đô, các đơn vị và LĐLĐ thành phố Hà Nội cần nghiên cứu và lưu ý”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nêu rõ.
Về vấn đề nhà trọ cho CNLĐ, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thông tin, năm nay, Hà Nội ban hành kế hoạch vượt mức nhà ở xã hội do Thủ tướng giao. Cơ chế vận hành nhà ở xã hội chủ yếu vẫn là bán, hình thức thuê - cho thuê sơ cấp, thứ cấp… quy định, cơ chế còn cứng nhắc. Do lịch sử hình thành các khu công nghiệp, nhà nước và Nhân dân cung ứng dịch vụ cho thuê, tuy nhiên để nâng cấp vấn đề về an toàn phòng cháy chữa cháy, an ninh nhà nước phải có cái nhìn bài bản hơn. Lãnh đạo thành phố tiếp thu và sẽ có cách xử lý “mở” hơn về quy hoạch, phát triển nhà ở xã hội cũng như nhà ở cho thuê tại các khu công nghiệp, để có chính sách sát với thực tiễn hơn.
Đầu tư thêm thiết chế văn hóa cho công nhân
Về kiến nghị đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các nhà trường, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho rằng, năm học 2023 - 2024, thành phố quan tâm xây dựng 39 trường học từ mầm non cho đến trung học phổ thông. Trong học kỳ I năm 2024 - 2025, toàn thành phố đã xây dựng được 16 trường học. Trong 3 năm trở lại đây, toàn thành phố xây được 55 trường, bớt đi được căng thẳng trong phát triển chỗ học cho học sinh Thủ đô, vốn dĩ là địa phương đông dân cư, đặc biệt là tại các khu công nghiệp.
![]() |
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương giải đáp tại hội nghị |
“Liên quan đến quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, đây là giai đoạn thực hiện rất tốt và nhận được sự quan tâm lớn, có trang bị hiện đại. Những trường ở Hà Nội khi được đầu tư xây mới thì đều đạt chuẩn Quốc gia cấp độ 2 trở lên. Ngoài ra, Hà Nội còn đầu tư triển khai xây dựng các trường liên cấp quốc tế”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết thêm.
Trả lời kiến nghị của người lao động về đầu tư thêm các thiết chế văn hóa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương cho biết, với 100% xã, phường, thị trấn có sân vận động; 99,2% thôn, làng có nhà văn hóa, khu thể thao; 75% tổ dân phố bố trí được nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng, cùng với 1.566 cơ sở, câu lạc bộ luyện tập thể dục, thể thao trải đều trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã là điều kiện cơ bản đáp ứng nhu cầu của CNLĐ sau thời gian làm việc.
Các địa phương có khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn hầu hết đều là những địa phương có hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ bản hoàn thiện như: Long Biên, Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn, Mê Linh đều là các địa phương có 100% thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa, 100% xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa hoặc hội trường đa năng…
![]() |
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương trả lời kiến nghị của người lao động về đầu tư thêm các thiết chế văn hóa |
Việc bố trí các điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, cụm văn hóa thể thao công nhân tại 75 công ty, nhà máy, xí nghiệp đã và đang phát huy hiệu quả trong việc nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động, tạo môi trường làm việc lành mạnh, gắn kết cộng đồng công nhân, đồng thời góp phần xây dựng văn hóa doanh nghiệp và thúc đẩy phong trào thi đua lao động sản xuất.
Như vậy, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao hiện có trên địa bàn thành phố cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ, rèn luyện và tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao của các tầng lớp Nhân dân nói chung, trong đó có đội ngũ công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nói riêng.
![]() |
Đông đảo CNLĐ tham dự hội nghị |
Thời gian tới, để tạo ra nhiều hơn nữa không gian cho đội ngũ công nhân có thể luyện tập, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát, phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu, đề xuất UBND thành phố các giải pháp phù hợp, hiệu quả nhằm đáp ứng nhu cầu của đội ngũ CNLĐ, từ đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, công việc.
Trong hơn 2 giờ, hội nghị đã nghe 20 ý kiến trao đổi trực tiếp và 16 câu hỏi gửi Ban tổ chức. Các câu hỏi rất thẳng thắn, với nhiều nội dung thiết thực, chính đáng của công nhân, người lao động Thủ đô. Các đồng chí lãnh đạo các Sở, ngành, lãnh đạo các địa phương đã trao đổi, giải đáp nhiều câu hỏi của công nhân, người lao động.
![]() |
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu kết luận hội nghị |
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, hội nghị đối thoại là sự kiện thường niên có ý nghĩa quan trọng và qua các năm đã phản ánh được hiệu quả thiết thực. Tại hội nghị, các đồng chí lãnh đạo các Sở, ngành, lãnh đạo các địa phương đã trao đổi, giải đáp được nhiều câu hỏi của CNLĐ.
Chủ tịch UBND thành phố khẳng định, qua hội nghị đã nắm được nhiều thông tin, tâm tư của CNLĐ và sẽ có chỉ đạo cụ thể các Sở, ngành, đơn vị phối hợp cùng lãnh đạo LĐLĐ thành phố thực hiện tốt các nhiệm vụ, chức năng của mình, đảm bảo đời sống, việc làm, giải quyết kiến nghị của CNLĐ.
![]() |
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh và Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu trao quà cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn |
Chủ tịch UBND thành phố đề nghị, để đáp ứng được yêu cầu đổi mới, bước vào kỷ nguyên vươn mình, xây dựng đội ngũ CNLĐ hiện đại, tiên tiến, ngay từ bây giờ, trước hết, các cơ quan đơn vị củng cố lại bộ máy hành chính, tạo đà cho kỷ nguyên mới.
Xác định hệ thống văn bản, thể chế từ hiến pháp đến quy định của pháp luật; tăng cường hội nhập và phát triển khoa học công nghệ đổi mới, sáng tạo; xác định rõ hơn vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân. Đây là vấn đề cốt cán, cốt yếu để chúng ta chuyển mình vươn lên.
![]() |
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Vũ Hà và Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh trao quà cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn |
Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các Sở, ngành giao cho các đầu mối, phối hợp với LĐLĐ thành phố trả lời ý kiến rất “trúng và đúng” của CNLĐ. Những nội dung gì thuộc thẩm quyền của thành phố phải tập hợp và xử lý ngay; những nội dung gì không thuộc thẩm quyền thì tổng hợp và kiến nghị cấp trên. Với từng phần việc phải có phản hồi lại từng nhóm vấn đề cho CNLĐ.
Tại hội nghị, BTC trao quà cho 50 CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp “Tháng Công nhân” năm 2025.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Hà Nội mưa to cục bộ, một số tỉnh có nguy cơ lũ quét

Nếu dừng Luật Đấu thầu, Luật Quy hoạch sẽ hỗn loạn

Thủ tướng yêu cầu tập trung ứng phó nguy cơ mưa lớn, sạt lở đất, lũ quét

Thành lập Tổ công tác đấu tranh đẩy lùi buôn lậu, hàng giả

Ra mắt 3 mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại

Thăm, khảo sát làng nghề thủ công truyền thống tại Ai Cập

Quảng Nam sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện

Hà Nội: Triển khai cao điểm tấn công hàng giả, gian lận thương mại

Tăng cường kiểm tra, gia cố tuyến đê trọng yếu trước mùa mưa bão
