“Điểm tựa” quan trọng khi người lao động không may gặp rủi ro
Chính sách nhân văn, giàu tính chia sẻ
Chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là một trong 5 chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc được quy định trong Luật BHXH. Chế độ này nhằm chia sẻ gánh nặng, bù đắp một phần hoặc thay thế thu nhập của người lao động khi họ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Với ý nghĩa thiết thực đó, chính sách này đã tạo “điểm tựa” vững chắc, giúp rất nhiều người lao động vượt qua khó khăn.
Là người hưởng chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chị Nguyễn Thị Tin (phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội) càng hiểu sâu sắc ý nghĩa, lợi ích của việc tham gia chính sách này.
Trước đây, chị Nguyễn Thị Tin là nhân viên Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội. Vào đêm 15/12/2021, trong khi đang đẩy xe gom rác về điểm tập kết, chị Tin bị một xe ô tô bán tải đâm phải. Vụ tai nạn khiến chị Tin bị chấn thương sọ não, phải điều trị dài ngày.
Chị Tin cho hay: “Công ty tạo điều kiện cho tôi nghỉ 2 tháng để điều trị và phục hồi. Tuy nhiên, khi đi làm lại được 5 ngày, tôi bị ngất phải đi cấp cứu tại bệnh viện Thanh Nhàn. Sau 10 ngày điều trị, tôi làm đơn xin nghỉ việc vì sức khỏe không đảm bảo”.
![]() |
Chị Nguyễn Thị Tin được hưởng trợ cấp bảo hiểm TNLĐ, BNN theo từng tháng với mức bằng 30% lương cơ sở |
Với tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tật là 31%, chị Tin được hưởng trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo từng tháng với mức bằng 30% lương cơ sở. Từ năm 2021 đến nay, đều đặn hằng tháng, chị đều được nhận được số tiền trợ cấp 447.000 đồng và tăng lên 540.000 đồng/tháng từ tháng 7/2023.
“Số tiền tuy không lớn nhưng ổn định đã tạo động lực, giúp tôi yên tâm hơn để vượt qua giai đoạn khó khăn”, chị Tin vui vẻ cho biết.
Theo số liệu của BHXH Việt Nam, trong năm 2024, cả nước có hơn 7.600 người lao động đã giải quyết hưởng mới trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng và một lần. Riêng trong bốn tháng đầu năm 2025 con số này là 2.600 người lao động.
Bên cạnh việc chi trả trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp còn dành kinh phí với số hàng tỉ đồng hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa rủi ro, chuyển đổi nghề nghiệp và phục hồi chức năng lao động. Chính sách này được thực hiện kịp thời, đúng quy định, góp phần bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động khi không may gặp tai nạn trong quá trình làm việc.
Đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động
Chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được quy định cụ thể ở điều 41, điều 42 và điều 44 của Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015. Theo đó, quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là một quỹ thành phần thuộc Quỹ BHXH dùng để chi trả, hỗ trợ cho người lao động khi không may bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhằm chia sẻ gánh nặng, bù đắp một phần hoặc thay thế thu nhập của người lao động khi không may bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Với ý nghĩa thiết thực đó, chính sách này đã tạo điểm tựa vững chắc, góp phần giúp rất nhiều người lao động vượt qua lúc gặp rủi ro, khó khăn khi bị bệnh nghề nghiệp hay tai nạn.
Cụ thể, người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện theo quy định và mất ít nhất 5% khả năng lao động do bị tai nạn lúc đang làm việc thì được hưởng trợ cấp tai nạn lao động. Đối với trường hợp bị suy giảm khả năng lao động từ 5-30% thì được hưởng trợ cấp một lần và trường hợp bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng.
![]() |
Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là một quỹ thành phần thuộc Quỹ BHXH dùng để chi trả, hỗ trợ cho người lao động khi không may bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp |
Trợ cấp phục vụ đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần thì ngoài mức hưởng quy định, hằng tháng còn được hưởng trợ cấp phục vụ bằng mức lương cơ sở. Người lao động cũng được hưởng BHYT khi nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng.
Bên cạnh đó, tại Luật An toàn vệ sinh lao động cũng quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đơn cử như kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động.
Người sử dụng lao động cũng phải thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động, hoặc bệnh nghề nghiệp: Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do BHYT chi trả đối với người lao động tham gia BHYT. Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia BHYT; trả đủ tiền lương cho người lao động phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động.
Bên cạnh đó, phải bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người bị bệnh nghề nghiệp với mức: Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%; Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Ngoài ra, người lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ được hỗ trợ khám bệnh nhằm phát hiện và giám định mức suy giảm khả năng lao động do mắc bệnh nghề nghiệp, kể cả khi đã nghỉ hưu. Vì vậy, trong khoảng thời gian kể từ ngày nghỉ hưu, chuyển việc khác hoặc thôi việc, người bị bệnh nghề nghiệp sẽ vẫn được hưởng các khoản hỗ trợ theo quy định…
Với những quy định trên, quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thực sự là “cứu cánh” cho những người lao động trước những rủi ro không lường trước được trong quá trình lao động.
Có thể khẳng định, khi tham gia BHXH bắt buộc, người lao động không chỉ được bảo vệ khi về già, ốm đau, thai sản mà còn là “chỗ dựa an toàn” khi chẳng may bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đây là chính sách nhân văn, giàu tính chia sẻ, không chỉ bảo vệ người lao động mà còn góp phần ổn định xã hội và phát triển kinh tế bền vững.
Thực tế cho thấy, không ai mong muốn phải nhận trợ cấp từ các chế độ BHXH, đặc biệt là do tai nạn lao động hay bệnh nghề nghiệp, bởi sức khỏe vẫn luôn là điều quý giá nhất đối với mỗi người. Tuy nhiên, trong bối cảnh lao động ngày càng đa dạng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, khi rủi ro không may xảy ra, chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước thông qua chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã trở thành chỗ dựa vững chắc, giúp người lao động vượt qua khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống.
Tin liên quan
Đọc thêm

Dai-ichi Life Việt Nam vượt cột mốc phục vụ 5 triệu khách hàng

BHXH, BHYT: Trụ cột an sinh, đồng hành cùng người dân

Ra mắt bảo hiểm liên kết chung mới: PRU - Bảo vệ tối đa

BHXH tự nguyện: “Kênh” đầu tư hiệu quả cho tương lai

Hà Nội: Đăng ký khai sinh, cấp thẻ BHYT cho 175.696 trẻ em dưới 6 tuổi

Mức chi trả lương hưu, chế độ bảo hiểm xã hội từ ngày 1/7/2025

Hướng dẫn mới nhất về thủ tục chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp

Đến hết tháng 3/2025, Hà Nội có 94.143 đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT

Ra mắt sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp An Lộc Tích Lũy Thịnh Vượng
