35 năm cùng nhau vượt lên phía trước
![]() |
Phó Tổng biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô Ngô Vương Tuấn cùng họa sĩ chỉnh sửa bản thiết kế báo trước khi đưa sang nhà in
Bài liên quan
Trường Lê Duẩn: Tự hào truyền thống 35 năm
Những ngày tháng đầu tiên gây dựng tờ báo Tuổi trẻ Thủ đô đã được ông Nguyễn Trọng Tân - nguyên Phó Tổng biên tập đầu tiên âu yếm gọi là “cái thủa ban đầu thương nhớ ấy”.
![]() |
Ông Nguyễn Trọng Tân, Nguyên Phó Tổng Biên tập đầu tiên báo Tuổi trẻ Thủ đô |
Ông cho biết: “Ngày xưa làm ở báo Tuổi trẻ Thủ đô sướng lắm. Tại sao lại sướng? Lương thì Thành đoàn trả, in đến đâu bán hết đến đấy. Các thế hệ bây giờ có khi mơ ước cũng không được. Lúc đó dân “đói” thông tin, xã hội thiếu những tư liệu để đọc. Có cái khổ là vật chất nhưng cái sướng là làm hàng đến đâu, tiêu thụ đến đấy. Tôi vẫn nhớ số đầu tiên in 30.000 bản, bán hết lãi 30.000 đồng.
Ngày ấy, tuy mới ra nhưng báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có một đội ngũ cộng tác viên hùng hậu, toàn những người danh tiếng như nhạc sĩ Trần Hoàn, nhà thơ Xuân Diệu, giáo sư Trần Quốc Vượng, nhiếp ảnh gia Võ An Ninh, nhà văn Nguyễn Bùi Vợi, Võ Văn Trực, Bế Kiến Quốc, Vũ Huy Thông, Trần Ninh Hồ, Mai Ngữ, Thanh Hào, Trần Quốc Toàn, Đỗ Quảng... Họ rất quý một tờ báo mới, nhất là lại viết cho tuổi trẻ. Báo Tuổi trẻ Thủ đô thời ấy phát triển được là nhờ đội cộng tác viên này rất nhiều”.
Suốt 9 năm đằng đẵng, trong văn phòng tầm 20m2 vốn là cái kho của Thành đoàn, các nhà báo trẻ đã miệt mài cống hiến phụng sự bạn đọc.
Năm 1993 là một dấu mốc mới của báo Tuổi trẻ Thủ đô khi đón Tổng Biên tập mới và khởi động việc xây dựng trụ sở.
![]() |
Bà Khúc Thị Nga, nguyên Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô |
Bà Khúc Nga, nguyên Tổng biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô chia sẻ: “Không có trụ sở thật khổ. Tôi đề nghị anh Nguyễn Mạnh Cường, Bí thư Thành đoàn tạo điều kiện cho báo xây dựng trụ sở riêng. Anh Cường hồ hởi: Sân Thành đoàn đó, phía đường Lý Thường Kiệt còn rộng lắm. Vừa xây trụ sở, vừa lo trả nợ, vừa lo nội dung tờ báo, lo phát hành... tôi dặn anh chị em: "Chúng ta cần khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, tìm cách vượt qua khó khăn". Tập thể báo Tuổi trẻ Thủ đô đã đoàn kết, thương yêu nhau, đẩy lui mọi nghi ngờ”.
Ở thời chưa có internet, giữa hơn 400 tờ báo in trên cả nước, báo Tuổi trẻ Thủ đô vẫn tạo được những dấu ấn nổi bật.
![]() |
Nhà báo Ngô Quang Anh, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội báo Tuổi trẻ Thủ đô |
Nhà báo Quang Anh, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, Báo Tuổi trẻ Thủ đô chia sẻ: “Thập niên 90 của thế kỷ trước có vụ án đình đám buôn ma túy xuyên quốc gia “Vũ Xuân Trường và những đồng bọn”. Thời điểm đấy, báo Tuổi trẻ Thủ đô có kênh thông tin riêng và độc quyền nên lượng phát hành tăng đột biến gấp 10 lần. Ngoài sạp sạch bong, không còn một tờ nào luôn. Bài đó có 5 kỳ và gây tiếng vang rất lớn”.
Cùng với việc tạo dấu ấn về mặt nội dung, báo Tuổi trẻ thủ đô ngày ấy còn tổ chức được cuộc thi Hoa hậu Hà Nội mang tên "Thiếu nữ Thủ đô - đẹp và thanh lịch" rất được hoan nghênh. Đồng thời, báo cũng tổ chức giải bóng đá thiếu nhi Thủ đô, thu hút các trường THPT ở Hà Nội tham gia hàng năm. Về sau, giải này chuyển cho báo An ninh Thủ đô tổ chức.
35 năm qua đi với đủ cung bậc thăng trầm, những người cũ đã xây nền đắp móng còn thế hệ hôm nay là những người vun đắp hiện tại và xây tương lai.
![]()
Nhà báo Ngô Vương Tuấn (Phó Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô): Sức trẻ là bản sắc của Tuổi trẻ Thủ đô
35 năm qua, báo Tuổi trẻ Thủ đô là cơ quan ngôn luận của Thành đoàn Hà Nội, là diễn đàn của hàng triệu thanh niên Việt Nam. Chính vì vậy, sức trẻ phải là bản sắc, là nét độc đáo của tờ báo.
Ban Biên tập báo đã luôn hướng dẫn phóng viên tiếp cận vấn đề, đưa tin sao cho độc giả cảm nhận được sinh khí, háo hức của tuổi trẻ. Cùng với đó là việc gắn sức trẻ là tinh thần trách nhiệm đối với xã hội, tinh thần cống hiến đối với đất nước.
Chúng tôi cũng hướng tới xây dựng đội ngũ phóng viên trẻ vừa vững vàng về bản lĩnh chính trị, tinh thông về mặt nghề nghiệp đồng thời và đặc biệt quan trọng là nêu cao đạo đức nghề nghiệp.
Trong khoảng chục năm trở lại đây, tờ báo đã phát triển thêm nhiều ấn phẩm mới và đặc biệt là ấn phẩm báo điện tử. Số lượng phóng viên khá nhiều, đặc biệt là các bạn phóng viên trẻ. Các bạn phóng viên trẻ có trình độ chuyên môn tốt, kiến thức về công nghệ thông tin và được đào tạo bài bản, có sức khỏe và nhiệt huyết. Tuy nhiên, kinh nghiệm của các bạn còn hạn chế.
Chính vì vậy, Ban biên tập thường xuyên quan tâm đến các bạn trẻ và đặc biệt chú trọng đến việc đào tạo về bản lĩnh chính trị và nhạy cảm nghề nghiệp và nâng cao nghiệp vụ cho các bạn.
Tôi mong rằng với đội ngũ phóng viên trẻ, nhiệt huyết, năng động và tinh thần đổi mới, sáng tạo, vượt lên chính mình, báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ đứng vững trên đôi chân chất lượng. Làm sao để bạn đọc ở đâu, tin tức ở đó, đưa được bạn đọc đến đúng bản chất của sự việc.
Chia sẻ về chặng đường sắp tới, nhà báo Lê Doãn Hưng, Phụ trách Ban Điện tử báo Tuổi trẻ Thủ đô cho biết: “Tôi được biết, Thành đoàn Hà Nội đang triển khai mạng xã hội dành cho các bạn trẻ trên địa bàn Thủ đô, nơi các bạn thích viết báo có thể đăng tải những tin bài. Đây là một nguồn thông tin rất lớn, nguồn lực và nguồn tài nguyên. Chúng tôi sẽ cố gắng phối hợp để góp phần đưa tờ báo ngày càng phát triển”.
![]()
Nhà báo Trần Thị Hậu (Phó Trưởng ban Kinh tế, báo Tuổi trẻ Thủ đô): Tạo niềm tin cho độc giả bằng sản phẩm chất lượng
Để tự chủ tài chính rất cần sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Biên tập, đặc biệt là của Tổng Biên tập.
Tổng Biên tập đã có những hướng đi rất đúng như là xác định tờ báo như một doanh nghiệp. Đã là một doanh nghiệp thì sản phẩm báo chí là một sản phẩm hàng hóa đặc biệt. Muốn bán được sản phẩm hàng hóa của mình ra thị trường thì một trong những yếu tố quan trọng phải quan tâm đến là chất lượng.
Trong những năm qua báo đã quan tâm rất nhiều đến chất lượng và giá trị thông tin cung cấp cho người đọc và đây cũng là yếu tố tạo nên niềm tin cho độc giả. Niềm tin cũng là yếu tố căn bản trong quá trình làm nên thương hiệu tờ báo và là cơ sở cho phát triển kinh tế báo chí.
Chúng tôi luôn xác định là lực lượng tiên phong, xung kích không ngại khó, không ngại khổ, luôn học hỏi trau dồi kiến thức liên quan đến chuyên môn mình làm, luôn sáng tạo cách tuyên truyền tốt nhất, để kêu gọi tài trợ các sự kiện, ký các hợp đồng tuyên truyền, quảng cáo…
![]()
Nhà báo Nguyễn Thị Hạnh (Phóng viên Ban Thời sự - Bạn đọc): Phải nâng cao hơn nữa quy trình tác nghiệp
Trước đây, một bài báo hay chỉ cần đúng, trúng và hay. Còn bây giờ, chúng tôi phải nâng cao hơn nữa quy trình tác nghiệp của mình, làm thế nào để hiểu được là bạn đọc cần những thông tin gì và bắt đúng tâm lý bạn đọc để nâng cao chất lượng bài viết hơn nữa. Chính vì vậy, tôi luôn phải trau dồi, học tập không chỉ về chuyên môn mà còn cả công nghệ làm báo hiện đại.
Bên cạnh đó, tôi thường xuyên tự ý thức trang bị kiến thức nên để có nhiều cách tiếp cận và xử lý thông tin linh hoạt, hiệu quả hơn.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Hơn 99% người dân đồng thuận phương án sắp xếp đơn vị hành chính

75 năm lan tỏa sứ mệnh người làm báo cách mạng

Diễn biến thời tiết các điểm du lịch dịp nghỉ lễ 30/4-1/5

Đà Nẵng: Ứng dụng công nghệ hiện đại bảo vệ và phát triển rừng

Giữ vững "mắt sáng, lòng trong, bút sắc" trong kỷ nguyên số

Tỉnh Cà Mau mới có 64 phường, xã là “vựa tôm” cả nước

TP Hồ Chí Minh: Thống nhất vinh danh 60 cá nhân tiêu biểu

Xử phạt cá nhân đăng tải thông tin xúc phạm Công an Quảng Ninh

Đà Nẵng: “Tây nhặt rác” nhân lên những việc tử tế, tốt đẹp
