Xí nghiệp Công ty Bóng đèn Điện Quang xả chất thải nguy hại: Có thể khởi tố vụ án?
Công ty Cổ phần Phát triển Hạ tầng Vĩnh Phúc bị phạt nặng vì xả thải vượt phép Hưng Yên: Bắt quả tang cơ sở xả thải chưa qua xử lý ra môi trường |
Theo Cổng thông tin Công an tỉnh Đồng Nai, ngày 21/4, Phòng Cảnh sát môi trường phối hợp với Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an TP Biên Hòa và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai tiến hành khám nghiệm hiện trường; Đồng thời khai quật hệ thống thoát nước và hầm chứa nước (công ty sử dụng chôn lấp chất thải nguy hại) trong khuôn viên của Xí nghiệp Đèn ống thuộc Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang tại khu công nghiệp Biên Hòa 1 để điều tra, làm rõ hành vi xả thải chất thải công nghiệp chưa qua xử lý ra môi trường.
Trước đó, sau quá trình trinh sát, vào lúc 15h20 ngày 20/4, lực lượng Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Đồng Nai chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng bắt quả tang công nhân Xí nghiệp Đèn ống thuộc Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang, đường số 3, khu công nghiệp Biên Hòa 1, phường An Bình, TP Biên Hòa đang thực hiện hành vi tiêu hủy chất thải nguy hại không đúng quy định.
Tại thời điểm kiểm tra, 3 nhân viên đang tiến hành tiêu hủy các vỏ bóng đèn thải. Bước đầu, các nhân viên này khai nhận thực hiện xay nghiền từ ngày 8/3/2022, đến nay.
Tại hiện trường, lực lượng công an phát hiện có khoảng gần 5 tấn thủy tinh có hóa chất chứa trong 195 bao và gần 370 nghìn bóng đèn chưa kịp xay nghiền đựng trong các sọt nhựa. Nước thải trong quá trình xay nghiền bóng đèn được đưa trực tiếp ra hệ thống mương thoát nước.
![]() |
Lực lượng chức năng lấy mẫu chất thải và nước thải để kiểm nghiệm (Ảnh: Công an tỉnh Đồng Nai) |
Tiếp tục kiểm tra, lực lượng công an còn phát hiện hai hầm bê tông được xây dựng âm dưới đất bên trong xí nghiệp có chứa chất thải công nghiệp, nghi vấn đây là số chất thải phát sinh trong quá trình xay nghiền vỏ bóng đèn được đổ trái quy định.
Trong ngày 21/4, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với Phòng Kỹ thuật Hình sự và Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Biên Hòa tiến hành khai quật hệ thống thoát nước mưa từ vị trí xay nghiền bóng đèn đến khu vực hầm bê tông chứa nước thải.
Đồng thời, cơ quan công an cũng thực hiện cắt nền bê tông bên trong xí nghiệp ở vị trí nghi hầm chứa chất thải. Qua đó, phát hiện tại đây hầm chứa chất thải từ quá trình nghiền bóng đèn.
Qua điều tra ban đầu, cơ quan chức năng xác định, Xí nghiệp Đèn ống thuộc Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang đã vi phạm các lỗi như: Không thu gom chất thải để xử lý theo quy định, tự xử lý các loại chất thải không được đăng ký trong các thủ tục được cơ quan chức năng cho phép, chôn lấp các loại chất thải nguy hại trái quy định tại khuôn viên của công ty.
![]() |
Thương hiệu bóng đèn Điện Quang |
Hiện, Phòng Cảnh sát môi trường đã lập biên bản kiểm tra và phối hợp cơ quan chức điều tra xác minh làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến vấn đề pháp lý về sự việc này, trao đổi với phóng viên, Luật sư Phan Thị Lam Hồng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội đánh giá, đây là vụ việc nghiêm trọng, gây ảnh hưởng nặng nề đến môi trường. Tùy mức độ vi phạm và thiệt hại, cơ quan chức năng xử phạt hành chính hoặc có thể khởi tố vụ án để điều tra.
Theo Luật sư Hồng, hành vi chôn rác thải gây nguy hại cho môi trường là hành vi chôn lấp, xả thải… những rác thải, chất thải công nghiệp gây nguy hại ra ngoài môi trường mà không qua xử lý, gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống xung quanh và sức khỏe người dân.
Trong đó, các hành vi chôn lấp chất thải trái phép gây ô nhiễm môi trường có thể bị xử phạt hành chính về vi phạm trong lĩnh vực môi trường và trong trường hợp có đủ căn cứ thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, theo Điều 4 Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và được bổ sung bởi khoản 4 Điều 1 Nghị định 55/2020/NĐ-CP ngày 24/5/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 155/2016/NĐ-CP thì cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền là 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức; Áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng có thời hạn đối với giấy phép xử lý chất thải nguy, giấy phép xả thải khí thải công nghiệp…
Trường hợp xác định chất thải được chôn lấp là chất thải rắn công nghiệp thông thường thì theo điểm e khoản 18 Điều 1 Nghị định 55/2020/NĐ-CP có thể bị phạt tiền lên đến 250 triệu đồng tùy vào khối lượng chất thải và có thể áp dụng thêm các hình thức xử phạt bổ sung cũng như biện pháp khắc phục hậu quả.
Trường hợp xác định chất thải được chôn lấp là chất thải nguy hại thì theo khoản 7 điều 23 Nghị định 155/2016/NĐ-CP thì có thể bị phạt tiền lên đến 1 tỷ đồng tùy vào khối lượng chất thải và có thể áp dụng thêm các hình thức xử phạt bổ sung cũng như biện pháp khắc phục hậu quả.
Ngoài ra, tùy vào khối lượng và loại chất thải, hành vi chôn rác thải gây nguy hại cho môi trường có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội gây ô nhiễm môi trường”.
Theo Điều 235 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, cá nhân phạm tội này có thể bị phạt tiền đến 3 tỷ đồng hoặc phạt tù với mức cao nhất 7 năm; Ngoài ra còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.
Pháp nhân thương mại phạm tội này thì có thể bị phạt tiền lên đến 7 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; Ngoài ra còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 1 đến 3 năm.
Bên cạnh đó, luật pháp Việt Nam cũng quy định phạt tiền từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng đối với hành vi chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A, Công ước Stockholm (ký năm 2001, có hiệu lực từ tháng 5/2004) về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trái quy định của pháp luật dưới 3.000kg, trừ các trường hợp hành vi tội phạm về môi trường.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Vương quốc Anh – Việt Nam hợp tác về bảo vệ người tiêu dùng

Xử phạt Công ty Cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt 125 triệu đồng

Tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Bài 4: Không khoan nhượng với hàng giả, hàng nhái, thuốc lá điện tử

Bài 3: Kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh trên sàn thương mại điện tử

Bài 2: Cẩn trọng với mỹ phẩm giá rẻ tại các chợ truyền thống

Bài 1: Hàng giả, hàng nhái, cơn sốt giá rẻ “đốt cháy” thương hiệu

Nhiều dấu hiệu sai phạm tại Công ty Giám định Vinacontrol

Người dân cần cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo dịp cuối năm
