Siết chặt kỷ cương trong quản lý đất đai
Vi phạm đất đai tại phường Mễ Trì đã được xử lý quyết liệt Hà Nội quyết liệt xử lý vi phạm đất đai, xây dựng Chấn chỉnh kỷ cương, xử lý nghiêm vi phạm đất đai trong giai đoạn sáp nhập |
"Chiến dịch" mang tính thời điểm
Cuối tháng 4/2025, ngay trước kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Lê Văn Bính đã ký quyết định 2071/QĐ-UBND và quyết định 2072/QĐ-UBND về việc tạm đình chỉ công tác đối với Chủ tịch UBND xã Hồng Thái Lê Văn Ấm và Chủ tịch UBND thị trấn Phú Xuyên Lê Văn Thuấn để tập trung chỉ đạo và thực hiện công tác quản lý, xử lý vi phạm lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng xảy ra trước đó chưa được xử lý triệt để.
Theo đó, Chủ tịch UBND thị trấn Phú Xuyên Lê Văn Thuấn và Chủ tịch UBND xã Hồng Thái Lê Văn Ấm bị tạm đình chỉ điều hành hoạt động UBND cấp xã, thị trấn để tập trung chỉ đạo, tổ chức khắc phục, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng tại địa phương theo yêu cầu của Ban Thường vụ Huyện ủy và kết luận kiểm tra của Tổ công tác liên ngành.
Theo tài liệu liên quan đến sự việc thì sau khi được nhận 75m2 đất ao tại khu ao cá phía Tây đường sắt, Tiểu khu Phú Mỹ để làm nhà ở, một số hộ gia đình đã tự ý san lấp, lấn chiếm hàng trăm mét vuông đất quanh khu đất được giao. Điều đáng nói là mặc dù thời điểm năm 2014, một số gia đình khi mới xảy ra vi phạm đã được UBND thị trấn phát hiện, lập biên bản nhưng không xử lý nên đến năm 2020 đã có 11 hộ vi phạm. Để khai thác diện tích lấn chiếm, hầu hết các gia đình sau khi san gạt đã dựng nhà xưởng, xây tường bao, trồng cây.
Trước sự việc trên, năm 2021, UBND thị trấn Phú Xuyên xây dựng kế hoạch tổ chức giải tỏa vi phạm nhưng không đạt được kết quả. Tiếp đó, năm 2023, UBND thị trấn Phú Xuyên có kế hoạch xử lý 11 hộ vi phạm nhưng vẫn không hoàn thành.
Cuối năm 2024, UBND thị trấn Phú Xuyên cùng các cơ quan chuyên môn của huyện đã tổ chức tuyên truyền, vận động các gia đình tự giác chấp hành tháo dỡ công trình vi phạm. Tuy nhiên, một số gia đình vẫn không chấp hành.
![]() |
Lực lượng chức năng huyện Phú Xuyên tham gia tháo dỡ, xử lý công trình vi phạm trên khu đất ao cá phía Tây đường sắt, Tiểu khu Phú Mỹ |
Việc tạm đình chỉ công tác đối với Chủ tịch UBND thị trấn Phú Xuyên và xã Hồng Thái - hai địa bàn phát sinh nhiều vi phạm và thiếu quyết liệt trong xử lý đất đai là bước đi mạnh mẽ chưa từng có tiền lệ trong công tác quản lý đất đai ở cấp huyện trên địa bàn TP.
Mới đây (ngày 6/5), UBND huyện Quốc Oai cũng đã ra thông báo về việc tạm dừng công tác điều hành đối với Chủ tịch UBND 3 xã gồm Hưng Đạo, Hòa Thạch và Ngọc Mỹ để tập trung xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn. Cùng với đó, UBND huyện Quốc Oai yêu cầu 3 xã trên cho tạm dừng công việc hàng ngày đối với các cán bộ địa chính - xây dựng của xã.
Nguyên nhân cũng bởi các cán bộ này đã buông lỏng quản lý, để người dân lợi dụng việc thực hiện sắp xếp tinh gọn bộ máy hành chính, bỏ chính quyền cấp huyện, đặc biệt trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, trên địa bàn huyện đã xuất hiện một số trường hợp tự ý xây dựng nhà xưởng, nhà ở trên đất nông nghiệp, lấn chiếm đất công gây bức xúc trong dư luận Nhân dân.
Rõ trách nhiệm trong quản lý đô thị
Việc các địa phương trên địa bàn TP Hà Nội quyết liệt xử lý vi phạm đất đai, xây dựng và môi trường trong giai đoạn sắp xếp đơn vị hành chính không chỉ là một "chiến dịch" mang tính thời điểm mà còn là bước đi quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả quản lý đô thị.
![]() |
Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý của các vụ xử lý trách nhiệm trong quản lý vi phạm đất đai trên địa bàn các huyện Phú Xuyên, Quốc Oai là việc tạm dừng này không mang tính kỷ luật mà nhằm tạo điều kiện cho lãnh đạo xã tập trung xử lý dứt điểm các vi phạm đất đai, trật tự xây dựng tồn đọng. Thời gian tạm dừng công tác điều hành đối với lãnh đạo các địa phương tùy thuộc vào hiệu quả, tiến độ xử lý các trường hợp vi phạm trên địa bàn.
Sau quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Chủ tịch UBND thị trấn Phú Xuyên, cán bộ, lãnh đạo UBND thị trấn Phú Xuyên và xã Hồng Thái, đặc biệt là Chủ tịch UBND hai đơn vị này đã tập trung vào cuộc thành lập các tổ xử lý vi phạm tháo dỡ, cưỡng chế dứt điểm từng công trình vi phạm, thu dọn toàn bộ đất, cát đã được các hộ gia đình, cá nhân tự ý chuyển đổi mục đích hoặc san lấp mặt bằng ao, ruộng vùng trũng trái quy định.
Tinh thần chung, khi nào các địa phương hoàn thành xử lý xong dứt điểm các trường hợp vi phạm tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp và xây dựng nhà xưởng trái phép, hoàn trả lại mặt bằng thì Chủ tịch UBND mới được phục hồi lại chức vụ của mình để điều hành hoạt động địa phương… Điều này càng nhấn mạnh tính trách nhiệm của người đứng đầu, không chỉ trong công tác quản lý mà còn cả ở việc xử lý hậu quả; là một hướng xử lý mới làm bài học cho cho cán bộ quản lý.
Để không còn khoảng trống trong công tác quản lý đất đai, theo các chuyên gia điều tiên quyết vẫn là các cấp, các ngành phải siết chặt việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính. Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt từ chính quyền, sự giám sát của người dân và sự đồng thuận của toàn xã hội chính là nền tảng để Hà Nội phát triển bền vững, văn minh và kỷ cương.
Tin liên quan
Đọc thêm

Quảng Nam: Xe chở đất "đại náo" làng quê

Phường Dương Nội (quận Hà Đông): Mở nhà hàng trên vỉa hè!

Dư luận đánh giá tích cực các quyết định xử lý vi phạm

Tự ý xây dựng trên đất nông nghiệp đối diện hậu quả pháp lý gì?

Nâng mức xử phạt, xử lý nhanh, tránh để hợp thức hoá sai phạm về đất đai

Tổ công tác liên ngành: “Tai, mắt” sát dân, sát thực tiễn

Không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong xử lý vi phạm

Buông lỏng quản lý đất đai, truy trách nhiệm lãnh đạo

Quyết liệt nghiêm trị vi phạm về quản lý đất đai, trật tự xây dựng
