Vân Tảo hòa nhịp đô thị hiện đại, xứng đáng “Cửa ngõ Thủ đô”
Khởi công xây dựng sân chơi thiếu nhi tại xã Vân Tảo Thành lập CLB Thanh niên Công giáo phát triển kinh tế xã Vân Tảo Lan tỏa giá trị nhân văn, tạo ấn tượng trong lòng người dân Thủ đô |
Đất trăm nghề, người dân chăm chỉ
Anh Nguyễn Văn Thái ở thôn Nội Thôn (xã Vân Tảo, huyện Thường Tín) cho biết, gia đình có 6 sào trồng rau, và còn thuê thêm 4 mẫu đất chủ yếu trồng các loại như: Cải ngồng, cải mơ, hành... Tùy thời tiết, nếu gieo vào vụ Đông khoảng hơn 2 tháng sau thì thu hoạch. Giá 1kg rau tại ruộng 24.000 - 25.000 đồng/kg. Vào dịp Tết Nguyên đán, theo từng năm gia đình có thể trồng thêm hoa màu để phục vụ thị trường.
Hoạt động thu mua nông sản tại đây luôn tấp nập, thương lái đến lấy hàng tại ruộng nên vào các buổi chiều, cứ 4 - 5h thì bà con nông dân thu hái hoa màu. Gia đình anh bán ngày nhiều nhất 2 - 5 tạ, trung bình 1 tạ với giá rau bán tại ruộng 8.000 đồng/kg. Nếu thời tiết thuận lợi thì một năm anh thu 4 - 5 lứa. Bình quân 1 sào, doanh thu 4 - 5 triệu đồng; trừ chi phí, năm cao nhất, cả rau và hành đạt khoảng 20 - 25 triệu đồng.
Người dân Vân Tảo chăm sóc vườn đào chuẩn bị cho vụ Xuân 2025 |
Cũng như các hộ trồng rau, bà con trồng hoa, cây cảnh tại đây cũng đang tất bật cho vụ hoa Tết Ất Tị đang đến gần. Anh Nguyễn Văn Toàn (ở thôn Nội Thôn, xã Vân Tảo, huyện Thường Tín), chia sẻ: “Gia đình có 2 mẫu đào từ 1 - 5 tuổi, hàng năm cứ đầu tháng Giêng thì cho cây ra vườn và bắt đầu chăm sóc từ tháng 1 - 8. Công việc trồng và chăm sóc đào rất vất vả, vì phải cắt, tỉa, ngắt ngọn, phun thuốc trừ sâu, bón phân…”.
Để chuẩn bị phục vụ Nhân dân chơi Tết, từ tháng 9 - 10 người trồng đào phải chăm sóc, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, bón phân lân sữa để có hoa to và đẹp. Tiếp theo, họ phải tập trung chăm sóc để hoa nở đúng Tết Nguyên đán theo những bí quyết riêng.
Vì có nhiều công đoạn tỷ mỷ như vậy nên người trồng đào ngày nào cũng phải có mặt ở vườn để theo dõi và xem cây có bị bệnh tật gì không. Nếu có, họ phải chữa trị dứt điểm ngay. Theo kinh nghiệm của người trồng hoa lâu năm, những cây đào ở Vân Tảo thường có bệnh rệp sáp, loại rệp này chuyên đậu ở thân cây hút nhựa, làm cho cây chết dần, chết mòn hoặc những bông hoa nở ra cũng không đẹp. Bởi thế, người trồng đào “như chăm con mọn”, cẩn thận, chăm chút từng chút để hoa được mùa.
“Tuy nhiên, vất vả nhất của quy trình trồng đào là vanh, hãm đào làm cho cây dừng phát triển cành lá, tập trung cho hoa”, anh Toàn cho biết thêm. Thời điểm này cũng là lúc người dân Vân Tảo chuẩn bị “ăn cùng đào, ngủ cùng đào” chuẩn bị cho vụ Tết.
Nỗ lực để trở thành phường
Giữ sức sống của các làng nghề ở Thường Tín bền bỉ phát triển với thời gian, người dân nơi đây luôn hợp tác chặt chẽ với chính quyền, chung tay cùng địa phương, không những làm giàu, mà còn làm đẹp cho quê hương. Đơn cử như trong xây dựng Nông thôn mới và Nông thôn mới nâng cao, bà con luôn tự giác, đóng góp công sức, tiền của để sớm hòa nhịp với người dân nội đô, kéo gần khoảng cách nội - ngoại thành.
Bà Trương Thị Oanh, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Tảo, cho biết: “UBND xã đã thực hiện dịch vụ công trực tuyến của thành phố Hà Nội, trong đó, 92 thủ tục hành chính được thực hiện ở mức độ 3 như: Giáo dục đào tạo; Thanh tra; Lao động - Thương binh và Xã hội; Tôn giáo; Nông nghiệp; Tư pháp; Địa chính; Tài nguyên và Môi trường…
Từ đầu năm đến nay, UBND xã không nhận được phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân nào về thủ tục hành chính và giải quyết các thủ tục hành chính; 100% phiếu đánh giá của người dân đều hài lòng khi thực hiện thủ tục hành chính trên địa bàn”.
Người dân chăm sóc vườn rau |
Ngoài ra, bà Oanh còn cho biết thêm, UBND xã thường tổ chức các mô hình theo vụ việc hoặc hưởng ứng các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật của xã, huỵện. Đáng ghi nhận, Vân Tảo đã thành lập 7 tổ hòa giải cơ sở tại 7 thôn, xóm. Năm 2022, xã được UBND huyện Thường Tín khen thưởng trong phong trào xây dựng mô hình “5 tốt” tại cơ sở.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Minh, Bí thư Huyện ủy Thường Tín thông tin: “Để phục vụ người dân tốt hơn nữa trong công tác chăm sóc sức khỏe, huyện đã xây dựng trạm y tế xã với tổng mức đầu tư 5,85 tỷ đồng. Công tác khám chữa bệnh tại xã thường xuyên được quan tâm, tuyên truyền sâu rộng; đặc biệt là việc cài đặt và sử dụng sổ khám, chữa bệnh điện tử từ đầu năm 2024.
Ngoài ra, Vân Tảo đã thực hiện công khai sổ tiếp nhận, phản ánh, kiến nghị về thủ tục hành chính như: Hòm thư góp ý; điện thoại đường dây nóng; thông tin trên trang chính quyền điện tử của UBND xã… để các tổ chức, cá nhân có thể phản ánh kịp thời. Hiện, xã nhận được 100% phiếu đánh giá của người dân về sự hài lòng khi thực hiện thủ tục hành chính ở địa phương.
Được biết, từ đầu năm 2024 đến nay, xã Vân Tảo chưa nhận được phản ánh, kiến nghị của tổ chức hay cá nhân nào về thủ tục hành chính; đã có 169/169 các thủ tục hành chính thực hiện tại xã, đảm bảo quy trình theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015. Đồng thời, xã đã thực hiện trên phần mềm dịch vụ hành chính công dùng chung cho 3 cấp của thành phố Hà Nội và quốc gia trên hệ thống”.
Hy vọng, với cách làm bài bản như trên, xã Vân Tảo sẽ sớm hoàn thành Chương trình xây dựng Nông thôn mới nâng cao như dự định và tự tin tiến lên trở thành phường, hòa vào dòng chảy sôi động của người dân Thủ đô ngàn năm văn hiến.