Tuồng và Gen Z: Khi truyền thống bắt nhịp thời đại
Nhà hát Tuồng Việt Nam kỉ niệm 55 năm thành lập và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất Khi Gen Z say điệu ca trù... Sting® chinh phục Gen Z với chiến dịch âm thanh độc đáo |
Chủ động kết nối với nghệ thuật Tuồng
Tại một buổi biểu diễn ở rạp Hồng Hà (Hà Nội), khán phòng chật kín khán giả trẻ. Lần đầu được xem biểu diễn Tuồng trực tiếp, nhiều bạn không giấu nổi sự ngạc nhiên: “Tuồng đẹp quá!”, “Sao giờ em mới biết Tuồng lại cuốn hút đến vậy!”.
Những lời thốt lên đầy phấn khích ấy cho thấy: Khi có cơ hội tiếp cận, giới trẻ hoàn toàn có thể yêu thích nghệ thuật truyền thống.
Lâu nay, Tuồng vẫn bị xem là loại hình nghệ thuật khó tiếp cận. Nhiều bạn trẻ chỉ biết đến Tuồng qua lời kể hoặc sách vở, dẫn đến hiểu lầm rằng Tuồng khô khan, khó hiểu. Diễn viên Trần Tuấn Hiệp của Nhà hát Tuồng Việt Nam chia sẻ: “Khi các bạn trẻ trực tiếp xem biểu diễn, họ đều bất ngờ vì Tuồng không hề khó hiểu như tưởng tượng. Các bạn còn nhận ra Tuồng rất đẹp, rất hay”.
![]() |
Trích đoạn Tuồng được các nghệ sĩ trẻ thể hiện trên sân khấu, mang đến trải nghiệm sống động, giúp công chúng trẻ tiếp cận với vẻ đẹp của nghệ thuật truyền thống. |
Nghệ sĩ Danh Thái cũng thừa nhận, Tuồng diễn không nhiều, ít xuất hiện trong đời sống hằng ngày, nên càng trở nên xa lạ. Còn theo nghệ sĩ ưu tú Tống Xuân Tùng: “Không phải giới trẻ quay lưng với Tuồng, mà đơn giản là họ chưa có nhiều cơ hội để tiếp cận”.
Tuy nhiên, những năm gần đây, một số nhóm học sinh, sinh viên đã chủ động hành động để đưa Tuồng đến gần hơn với bạn bè cùng trang lứa. Có thể kể đến nhóm Tuồng Sắc gồm các bạn học sinh THPT hay nhóm Tuồng Đi của sinh viên Đại học Đại Nam.
Thay vì chỉ ngồi xem, họ trực tiếp tổ chức các buổi workshop vẽ mặt nạ Tuồng, triển lãm phục trang, trò chuyện với nghệ sĩ, hoặc tái hiện các trích đoạn Tuồng trong môi trường học đường. Mục tiêu chung của họ là tạo ra những không gian sáng tạo, dễ tiếp cận và gần gũi với giới trẻ.
![]() |
Không gian trưng bày phục trang, đạo cụ truyền thống của nghệ thuật Tuồng tại Nhà hát Tuồng Việt Nam là nơi lưu giữ bản sắc và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. |
Bạn Hà Chí Mạnh – thành viên nhóm Tuồng Sắc chia sẻ: “Nếu chỉ biểu diễn theo lối cũ, trong không gian hàn lâm, khán giả trẻ sẽ rất khó quan tâm. Nhưng nếu đưa Tuồng vào các hoạt động ngoại khóa, hoặc kết hợp với công nghệ, mạng xã hội, thì Tuồng sẽ dễ dàng chạm đến thế hệ Gen Z”.
Những nỗ lực này cho thấy một điều quan trọng: Giới trẻ không thờ ơ với văn hóa dân tộc. Vấn đề là cách tiếp cận. Khi các bạn được trao cơ hội để trải nghiệm, khám phá và thể hiện tình yêu với nghệ thuật truyền thống, họ sẽ tự tin tiếp nối, thậm chí làm mới và lan tỏa những giá trị ấy.
Tuồng tưởng chừng là một nghệ thuật cổ truyền xa vời, đang từng bước quay lại đời sống hiện đại bằng chính bàn tay và tâm huyết của người trẻ. Họ không chỉ là khán giả, mà đang trở thành “sứ giả văn hóa”, kết nối quá khứ với hiện tại và truyền cảm hứng cho tương lai.
Lan tỏa bằng truyền thông và sáng tạo trẻ
Trong dòng chảy hiện đại, nghệ thuật Tuồng – một loại hình kịch hát cổ truyền của dân tộc tưởng chừng chỉ còn là ký ức, lại đang dần hồi sinh nhờ sức trẻ và công cụ truyền thông hiện đại. Không còn bị bó hẹp trên sân khấu truyền thống, Tuồng nay đã xuất hiện trên YouTube, TikTok, các nền tảng số, và cả trong sách giáo khoa phổ thông. Từ đó, tạo ra cơ hội kết nối mới giữa nghệ thuật xưa với thế hệ Gen Z năng động.
Một trong những ví dụ tiêu biểu là dự án số hóa Tuồng mang tên “Trường ca Kịch viện”, nơi người xem không chỉ xem biểu diễn mà còn được nghe bình giảng, hiểu rõ ngôn ngữ ước lệ của Tuồng. Ngoài ra, nhiều thể nghiệm như kết hợp Tuồng với nhạc điện tử, múa đương đại trong các vở như “Đối diện với vô cùng” hay “Cõi thinh không” cũng đang thu hút sự quan tâm từ khán giả trẻ.
![]() |
Khán phòng rạp Hồng Hà chật kín khán giả trẻ đến thưởng thức nghệ thuật Tuồng. |
Không chỉ là các dự án nghệ thuật chuyên nghiệp, nhiều bạn trẻ còn đang chủ động lan tỏa Tuồng theo cách riêng của mình. Nhóm Tuồng Đi do sinh viên Trường Đại học Đại Nam sáng lập chính là minh chứng. Bạn Thu Uyên – Trưởng nhóm Tuồng Đi khẳng định: “Truyền thống và truyền thông không đối lập, mà là hai yếu tố cần song hành. Tuồng có thể cũ về hình thức, nhưng nội dung và giá trị văn hóa luôn sống động nếu được thổi vào làn gió mới”.
Sự lan tỏa của Tuồng qua truyền thông không chỉ mang tính quảng bá, mà còn góp phần thay đổi định kiến rằng Tuồng khó hiểu, già nua, khô khan. Chính bạn Thanh Tâm – sinh viên ngành Sư phạm Ngữ văn sau khi xem vở Tuồng lần đầu đã thừa nhận: “Trước đây em nghĩ Tuồng chỉ dành cho người lớn tuổi, nhưng khi xem rồi mới thấy Tuồng có sức hút rất riêng. Các nghệ sĩ diễn xuất đầy nội lực, trang phục và âm nhạc cũng rất cuốn hút”.
Đặc biệt, truyền thông số còn cho phép người trẻ không chỉ là khán giả mà còn là người tham gia sáng tạo. Nhiều bạn trẻ đã vẽ tranh lấy cảm hứng từ Tuồng, thiết kế mặt nạ Tuồng theo phong cách hiện đại, hoặc làm các video giải thích ý nghĩa của từng trích đoạn cổ. Điều này tạo ra một hình thức truyền thông đa chiều, không chỉ từ nghệ sĩ đến công chúng, mà còn từ người trẻ đến người trẻ.
Sự kết hợp giữa truyền thông hiện đại và tinh thần sáng tạo trẻ không chỉ giúp Tuồng tồn tại, mà còn mang đến một diện mạo mới, năng động hơn, hấp dẫn hơn. Đó là minh chứng cho thấy: Nghệ thuật truyền thống không lỗi thời, chỉ là chưa được “kể lại” bằng ngôn ngữ của thời đại.
Và nhờ những người trẻ, những sáng tạo không mỏi, Tuồng đang dần trở lại. Không phải như một hoài niệm, mà như một phần sống động của đời sống văn hóa hôm nay.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Góp sự tận tâm cùng chính quyền phục vụ Nhân dân

Tuổi trẻ xã Minh Châu "tiếp sức" chính quyền 2 cấp vận hành hiệu quả

Sứ mệnh trẻ vì chính quyền hiện đại, gần dân

Hết mình hỗ trợ người dân, góp phần xây dựng chính quyền thông minh

Packaging Speak Out 2025 nâng tầm tư duy bao bì trong giới trẻ

Tuổi trẻ Gia Định lan tỏa tinh thần phục vụ Nhân dân

"Áo xanh" chung sức xây nền hành chính công thân thiện

Thanh niên phường Ba Đình "trực chiến" đồng hành cùng chính quyền và người dân

Tình nguyện đồng hành vì sự hài lòng của người dân
