Tin tức trong ngày 17/7: 128 phương tiện chưa đủ điều kiện phòng dịch không được vào Hà Nội
128 phương tiện chưa đủ điều kiện phòng dịch không được vào Thủ đô
![]() |
Các tổ công tác làm việc tại chốt trực |
Thông tin từ Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội về việc kiểm soát chặt các nguồn lây Covid-19 nhưng không “ngăn sông cấm chợ”, Phòng Cảnh sát giao thông đã quán triệt tới tổ trưởng 22 chốt trực: Để tránh mất thời gian, khi dừng phương tiện, bên cạnh việc xuống khai báo y tế bằng giấy, lái xe có thể khai báo qua ứng dụng Bluezone, đồng thời để cán bộ y tế đo thân nhiệt. Cùng với đó, tổ công tác ghi nhận thông tin và tạo điều kiện để phương tiện tiếp tục di chuyển khi đủ điều kiện.
Tính từ 6h ngày 14/7 đến 12h ngày 16/7, 22 chốt trực đã kiểm tra 9.812 phương tiện, trong đó yêu cầu 128 phương tiện không đủ điều kiện phòng dịch vào Hà Nội quay đầu. Trong đó, chốt cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ cho dừng 361 phương tiện, yêu cầu 81 phương tiện quay đầu; Chốt trực trên quốc lộ 32 ở huyện Ba Vì giáp với tỉnh Phú Thọ đã cho dừng, kiểm tra 732 phương tiện, yêu cầu quay đầu 26 phương tiện. Các loại xe phải quay đầu chủ yếu là xe khách và xe tải.
Xử phạt hơn 177 triệu đồng đối với các cá nhân vi phạm về cung cấp, chia sẻ thông tin
Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, đến hết tháng 6/2021, Cục đã kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính 7 trường hợp với số tiền là 217,5 triệu đồng.
Trong đó, ở lĩnh vực phát thanh, truyền hình, Cục đã xử phạt 2 tổ chức với số tiền là 40 triệu đồng, do đã vi phạm về báo cáo, giải trình với đoàn thanh tra trong quá trình thanh tra về hoạt động lắp đặt, cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền không trung thực; Quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phù hợp với giấy xác nhận nội dung quảng cáo.
Ở lĩnh vực thông tin điện tử, Cục đã xử phạt 5 cá nhân với số tiền là 177,5 triệu đồng về các vi phạm cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín của cá nhân; Tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; không trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin; Thực hiện không đúng quy định giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp; Đăng phát tác phẩm báo chí mà không được sự đồng ý cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật...
![]() |
Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội làm việc với các chủ tài khoản Facebook thông tin sai sự thật về dịch Covid-19 |
Cũng theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, trong 6 tháng đầu năm 2021, các sở thông tin và truyền thông đã chủ động thực hiện rà soát, kiểm tra, xử phạt các đối tượng lan truyền tin giả (fake news) trên mạng xã hội, đặc biệt là thông tin liên quan đến dịch Covid-19. Bên cạnh đó, các sở tích cực thông tin về các sai phạm, tin giả phát tán trên các mạng xã hội xuyên biên giới để các đơn vị chức năng có cơ sở làm việc với các mạng xã hội, yêu cầu bóc gỡ thông tin kịp thời, không phát tán các tin giả gây hoang mang dư luận...
Mỗi quận, thị xã có không quá 2 Văn phòng Thừa phát lại
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 3545/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Theo đó, UBND thành phố chỉ đạo tập trung phát triển Văn phòng Thừa phát lại gắn với địa bàn dân cư; bảo đảm tổng số Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn thành phố không quá 43 tổ chức; mỗi địa bàn quận, thị xã có 2 Văn phòng Thừa phát lại, địa bàn huyện có 1 Văn phòng Thừa phát lại.
Trong trường hợp có sự điều chỉnh về loại hình đơn vị hành chính cấp huyện (nâng cấp từ huyện thành quận) thì số lượng Văn phòng Thừa phát lại được điều chỉnh tăng để bảo đảm phù hợp so với quy định.
Văn phòng Thừa phát lại thực hiện các hoạt động: Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu, lập vi bằng theo quy định; xác minh điều kiện thi hành án, tổ chức thi hành các bản án, quyết định của tòa án theo quy định.
Thừa phát lại có nhu cầu thành lập Văn phòng Thừa phát lại, thì nộp hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại tại Sở Tư pháp Hà Nội. Trên cơ sở hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại đã tiếp nhận, căn cứ quy định, Sở Tư pháp xét duyệt hồ sơ, trình UBND thành phố cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại.
Để triển khai thực hiện hiệu quả đề án trên, UBND thành phố yêu cầu, việc phát triển Văn phòng Thừa phát lại phải bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến hoạt động của Thừa phát lại trên địa bàn thành phố. Đồng thời, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng dịch vụ do Thừa phát lại cung cấp của tổ chức, cá nhân, cũng như các điều kiện cần thiết để Văn phòng Thừa phát lại phát triển ổn định và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật…
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

HĐND TP Hồ Chí Minh tán thành việc sáp nhập Vũng Tàu, Bình Dương

Hải Phòng: Khởi công dự án khu công nghiệp mức vốn 4.597 tỷ đồng

TP Hồ Chí Minh giảm 171 xã, có 102 xã mới sau sắp xếp

Cảnh báo hiểm họa thả diều gần đường dây điện

Chủ động triển khai Dự án cầu Tứ Liên đảm bảo tiến độ

Tạo chuyển biến và nhận thức trong vận hành đường sắt đô thị

TP Hồ Chí Minh: Khởi công, khánh thành 6 dự án chào mừng đại lễ 30/4

Quận Tây Hồ: Tập trung toàn lực triển khai Dự án cầu Tứ Liên

Bà Rịa - Vũng Tàu: Dự kiến có hai phường Vũng Tàu và Bà Rịa
