Doanh nghiệp ồ ạt tuồn chất thải vào vùng giáp ranh Quảng Nam
![]() |
Chất thải xây dựng được tập kết tại Cụm công nghiệp Cẩm Sơn (giáp hành lang Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi) tại xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (Ảnh: V.Q) |
Ghi nhận trực tiếp của phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô cho thấy, quanh khu vực Cụm công nghiệp Cẩm Sơn (thôn Thái Cẩm, xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) thời gian qua đang là "điểm nóng" về ô nhiễm môi trường khi hàng hàng mét khối (m3) chất thải xây dựng tại TP Đà Nẵng được tuồn về vùng giáp ranh để san lấp, thi công dự án.
Doanh nghiệp ngang nhiên san lấp chất thải làm mặt bằng
Tại khu đất rộng hàng ngàn mét vuông (m2) nằm đối diện Công ty CP TĐT, Công ty CP Tư vấn - Xây dựng đầu tư Quang Nguyễn (Công ty Quang Nguyễn có trụ sở tại TP Đà Nẵng) đã tự tổ chức cắm bảng có tên: "Khu vực đổ giá hạ miễn phí" và lắp đặt cạnh đường liên xã.
Theo chính quyền xã Điện Tiến, mục đích của việc cắm bảng như trên của Công ty Quang Nguyễn nhằm thu gom "giá hạ" xây dựng tại TP Đà Nẵng để san lấp mặt bằng, phục vụ triển khai dự án nhà máy vật liệu xây dựng do chính Công ty Quang Nguyễn triển khai tại Cụm công nghiệp Cẩm Sơn.
![]() |
Hàng ngàn m3 chất thải được tập kết về Cụm công nghiệp Cẩm Sơn do Công ty Quang Nguyễn thi công (Ảnh: V.Q) |
Ghi nhận của phóng viên tại hiện trường cho thấy, hàng ngàn mét khối chất thải xây dựng đã được tập kết hàng loạt về đây, chờ máy móc san lấp để tạo mặt bằng.
Điều đáng nói, khu vực san lấp hiện nay lại nằm tiếp giáp với hành lang Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Nhiều điểm, đơn vị thi công còn cho xe tải tập kết chất thải xây dựng bằng cao trình hệ thống lưới rào chắn để bảo vệ hành lang Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Tại khu vực có đường đất và đường liên xã, doanh nghiệp này gần như đã cho san lấp chất thải xây dựng hoàn thiện nhằm tạo mặt bằng để tập kết hàng chục tấn gạch không nung.
![]() |
Công ty Quang Nguyễn tự cắm bảng đổ giá hạ miễn phí tại Cụm công nghiệp Cẩm Sơn (Ảnh: V.Q) |
Lý giải về thực trạng chất thải dồn dập được tập kết về Cụm công nghiệp Cẩm Sơn để san lấp mặt bằng, gây ô nhiễm môi trường, lãnh đạo UBND xã Điện Tiến cho biết Công ty Quang Nguyễn là đơn vị thực hiện việc này sau khi đã hoàn thành các thủ tục pháp lý lẫn giấy phép thi công dự án tại cụm công nghiệp này.
Trả lời về việc tại sao doanh nghiệp không dùng đất san lấp đảm bảo theo định để thi công dự án, lãnh đạo UBND xã Điện Tiến cho biết, do doanh nghiệp này không có nguồn đất đắp nên mới dùng vật liệu là "giá hạ" để san lấp, tạo mặt bằng như những hình ảnh mà phóng viên cung cấp.
![]() |
Doanh nghiệp tuồn chất thải vào vùng giáp ranh Quảng Nam để san lấp mặt bằng (Ảnh: V.Q) |
Trước thực trạng chất thải dồn dập được tập kết trái phép về vùng giáp ranh thị xã Điện Bàn tại Cụm công nghiệp Cẩm Sơn để thi công dự án, phóng viên đã liên lạc qua điện thoại với lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Môi trường thị xã Điện Bàn để trao đổi thông tin nhưng không được.
Sau đó, phóng viên tiếp tục liên lạc qua điện thoại với ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Công ty Công ty CP Tư vấn - Xây dựng đầu tư Quang Nguyễn cũng không được.
Ô nhiễm môi trường kéo dài tại cụm công nghiệp "4 không"
Ngoài chất thải dồn dập bị tuồn vào địa bàn thị xã Điện Bàn trên danh nghĩa san lấp vì thiếu nguồn đất đắp, thời gian qua, thực trạng ô nhiễm môi trường tại Cụm công nghiệp Cẩm Sơn cũng khiến người dân và chính quyền lo ngại.
Sau hơn 13 năm đi vào hoạt động, Cụm công nghiệp Cẩm Sơn đóng tại xã Điện Tiến có quy mô 39,2ha đến nay chỉ có vài nhà máy đang hoạt như Nhà máy gạch Tuy-nen Ninh Hòa, nhà máy mạ kẽm nhúng nóng của Công ty TĐT, nhà máy của Công ty Đ.B.
![]() |
Những "núi" khoáng sản đất để sản xuất gạch tại Cụm công nghiệp Cẩm Sơn nằm cạnh đường ĐT605 (Ảnh: V.Q) |
Cạnh Cụm công nghiệp Cẩm Sơn hiện nay còn có nhà máy sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng, thạch cao của Công ty TNHH Công nghệ Vật liệu Thịnh miền Trung đang hoạt động.
![]() |
Cụm công nghiệp Cẩm Sơn nằm sát khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường suốt nhiều năm qua (Ảnh: V.Q) |
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo UBND xã Điện Tiến thừa nhận, hiện nay Cụm công nghiệp Cẩm Sơn vẫn chưa được thi công hoàn thiện hạ tầng - kỹ thuật; chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung và chưa được đầu tư hoàn thiện hệ thống thoát nước ra khu vực.
Hoạt động sản xuất, vận chuyển khoáng sản đất, gạch ra vào cụm công nghiệp hiện nay cũng đang gây ô nhiễm bụi bặm đến người dân sinh sống dọc đường ĐT605 và đường liên xã.
Do gặp ô nhiễm kéo dài nên việc sinh hoạt, bán buôn của người dân xung quanh cụm công nghiệp này cũng đang gặp khó khăn.
![]() |
![]() |
Bụi bặm từ hoạt động vận chuyển khoáng sản đất khiến môi trường tại Cụm công nghiệp Cẩm Sơn bị ô nhiễm nặng (Ảnh: V.Q) |
Năm 2017, trước tình trạng xả nước thải ra môi trường tại nhà máy mạ kẽm nhúng nóng của Công ty CP TĐT, UBND tỉnh Quảng Nam đã ra quyết định xử phạt 94 triệu đồng; đồng thời tăng mức phạt lên 50% đối với công ty này về hành vi xả chất thải rắn nguy hại ra môi trường vượt chuẩn gấp nhiều lần.
![]() |
![]() |
Ô nhiễm môi trường kéo dài tại Cụm công nghiệp Cẩm Sơn (Ảnh: V.Q) |
Hiện nay, Cụm công nghiệp Cẩm Sơn vẫn chưa có đường trục chính dẫn vào các nhà máy do vẫn còn vướng mặt bằng của 5 hộ dân tại địa bàn.
Các phương tiện, công nhân ra vào cụm công nghiệp di chuyển theo đường chính là ĐT605 và đường liên xã.
"Ban đầu, cụm công nghiệp không có hạ tầng nhưng các doanh nghiệp vẫn được kêu gọi đến đầu tư xây dựng cơ sở, hạ tầng và phát triển sản xuất cho đến nay. Sau nhiều năm hoạt động, nhiều hạng mục về hạ tầng, kỹ thuật, đường giao thông và các hạng mục về môi trường, xử lý nước thải đến nay vẫn là "khoảng trống" chưa được cấp trên đầu tư", lãnh đạo UBND xã Điện Tiến thông tin. |
Tin liên quan
Đọc thêm

Bà Rịa - Vũng Tàu quyết liệt trong phòng, chống vi phạm IUU

Điện máy Xanh kết hợp cùng địa phương mang đến giải pháp nước sạch

Hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm về tăng trưởng xanh, bền vững

Nhiệt độ tại Bắc Bộ cao nhất 33 độ C

Hà Nội không mưa, trưa chiều trời nắng

“Hoa và Rác” đến Hà Nội truyền thông điệp bảo vệ môi trường

Bắc Bộ sáng và đêm trời rét

Gen Green Platform chính thức ra mắt tại Ngày hội Xanh lớn nhất Việt Nam

Hưởng ứng chiến dịch “Trồng 1 tỷ cây xanh"
