Thúc đẩy các hợp tác xã đưa nông sản lên "sàn ảo"
Nông sản thông qua liên kết sản xuất tiêu thụ tăng từ 10% lên 30%
Với khu vực kinh tế tập thể, HTX hiện nay, vai trò liên kết vùng lại càng trở nên quan trọng khi mà khu vực này đang thu hút khoảng 7 triệu thành viên. Các HTX hiện nay đã thu hút được 3,28 triệu hộ nông dân (chiếm khoảng 38% tổng số hộ nông dân cả nước). Trên địa bàn cả nước đã tổ chức được trên 1.600 chuỗi cung ứng nông sản an toàn, trong số các chuỗi nêu trên có sự tham gia của trên 300 công ty, 150 HTX.
Tỷ lệ nông sản chủ lực tiêu thụ thông qua liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản từ 10% năm 2017 (trước khi triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp) lên hơn 30% hiện nay, trong đó tỷ lệ HTX nông nghiệp thực hiện liên kết, tiêu thụ nông sản cho nông dân đạt 37% (tăng 25%).
![]() |
Nông sản thông qua liên kết sản xuất tiêu thụ tăng từ 10% lên 30% |
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh chia sẻ, hiện vai trò của các bên tham gia hợp tác, liên kết trong chuỗi giá trị nông sản còn nhiều hạn chế.
Trong liên kết vùng và kết nối tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với HTX thì vai trò của các bên tham gia hợp tác, liên kết trong chuỗi giá trị nông sản còn nhiều hạn chế (còn gần 70% hợp tác xã nông nghiệp chưa tham gia tiêu thụ nông sản, chưa làm được vai trò cầu nối nông dân với doanh nghiệp, một số HTX có tham gia nhưng cũng ở mức độ, quy mô hạn chế).
Không những vậy, hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân chưa bền vững, chủ yếu vẫn là thỏa thuận mua bán, tổ chức các vùng nguyên liệu đạt chuẩn về chất lượng, sản xuất theo hợp đồng gắn với thị trường tiêu thụ diễn ra chậm. Việc tiêu thụ sản phẩm còn qua nhiều trung gian, hiệu quả kinh tế không cao.
Trong khi đó, thương mại điện tử ngày càng chiếm ưu thế trong lĩnh vực bán lẻ, đây cũng là xu thế và cơ hội để người dân, HTX giải quyết bài toán tiếp cận khách hàng, mở rộng đầu ra.
Cùng với sự phối hợp của ngành Nông nghiệp các tỉnh, thành phố, Liên minh HTX Việt Nam đã tập trung hỗ trợ các HTX đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử. Cách làm này giúp khách hàng truy xuất được nguồn gốc nông sản, dễ tiêu thụ sản phẩm.
Gỡ "khó" cho các HTX
Theo thống kê, đến cuối năm 2021, có hơn 2,7 triệu hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số, gần 50.000 sản phẩm nông sản được đưa đưa lên các sàn thương mại điện tử; hàng nghìn giao dịch điện tử được thực hiện. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây vẫn là con số nhỏ so với một đất nước nông nghiệp như Việt Nam.
Theo chia sẻ của các thành viên HTX, khó khăn thường gặp khi kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử chính là phải mất rất nhiều thời gian vào việc đăng tải sản phẩm và update thông tin sản phẩm, nhất là với các HTX bán lẻ sở hữu nhiều mặt hàng khác nhau, mỗi sản phẩm lại có thông tin chi tiết cũng như số lượng hàng hóa khác nhau.
![]() |
Đưa nông sản lên "sàn ảo" |
Trong khi hiện nay, phần lớn thành viên của các HTX, đặc biệt là HTX nông nghiệp ở độ tuổi 40-50, thậm chí là người khuyết tật nên khả năng ứng dụng công nghệ thông tin còn chưa phổ biến. Ở những bước đầu triển khai, các HTX cũng gặp phải một số vướng mắc như thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn am hiểu về thương mại điện tử nên xảy ra tình trạng đưa nông sản lên sàn nhưng việc duy trì các gian hàng ảo và tiếp cận khách hàng vẫn còn chưa hiệu quả.
Ông Vũ Quang Phong, Tổng Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (Liên minh HTX Việt Nam) cho biết, các HTX hiện đang tập trung sản xuất, cố gắng tạo ra những sản phẩm đạt chất lượng mà chưa thực sự đầu tư nhân lực cho việc phát triển mảng thương mại điện tử.
Trong khi thương mại điện tử lại là xu thế tất yếu trong quá trình chuyển đổi số. Xu thế này được thúc đẩy mạnh mẽ bởi một bộ phận người tiêu dùng trẻ, nhưng vẫn còn một khoảng cách tương đối lớn đối với người cao tuổi, những người vốn chưa bắt kịp tốc độ phát triển của công nghệ.
Chính vì vậy, để đưa mỗi nông dân trở thành một thương nhân, mỗi HTX phát triển thành một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số thì các doanh nghiệp, các sàn thương mại điện tử cần tăng cường hỗ trợ các HTX về việc đào tạo, tập huấn, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
“Sự cạnh tranh trên các sàn thương mại điện tử là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, do còn nhiều khó khăn về quy mô, vốn… nên các HTX chưa biết cách đầu tư nhân lực, xây dựng các chiến dịch marketing, quảng cáo từ đó rất cần hỗ trợ một cách bài bản”, ông Phong nói.
Còn về phía các HTX và bà con nông dân cần có một tư duy đổi mới để có thể tận dụng được hết mức các lợi ích của thương mại điện tử. Kinh doanh qua sàn thương mại điện tử không chỉ dừng lại ở thu hoạch và bán mà cần có sự đầu tư vào khâu đóng gói, hậu cần, vận chuyển hay làm hình ảnh quảng bá để cải tiến cách làm và phát triển sản xuất kinh doanh một cách tối ưu.
Ông Vũ Quang Phong cho biết, trong thời gian tới, Liên minh HTX Việt Nam sẽ tích cực hỗ trợ các hợp tác xã trên toàn quốc liên kết với các sàn giao dịch điện tử, đơn vị bán lẻ để tiêu thụ nông sản khi vào mùa mà gặp khó khăn trong việc tiêu thụ.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Hà Nội tăng cường quản lý khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Trang bị kiến thức sản xuất nông nghiệp cho bà con nông dân Sóc Sơn

Vụ mới bắt đầu trên “cánh đồng đạm tự nhiên” ở Cư Jút

Nâng cao giá trị làng nghề làm sáo diều Bá Dương Nội

Cùng nông dân Đan Phượng chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp

Giúp người dân nâng cao kiến thức, làm chủ khoa học kỹ thuật

Lâm Đồng đề xuất hỗ trợ kiểm soát chất lượng sầu riêng phục vụ xuất khẩu

Cần đẩy mạnh công tác tiêm vắc xin phòng dại cho đàn vật nuôi

Hà Nội dẫn dầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP
