Tăng cường kiểm tra, quản lý các trang thông tin điện tử, xử lý tình trạng “báo hóa”
Trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội trong nước là một trong những phương thức truyền thông phổ biến hiện nay. Bên cạnh mặt tích cực là cánh tay nối dài của các cơ quan báo chí, lan tỏa thông tin chính thống trên môi trường mạng thì thời gian gần đây, tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội cũng có chiều hướng gia tăng. Nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp bị các đối tượng viết tin bài dưới dạng điều tra, phản ánh thông tin không có căn cứ để đe dọa, nhũng nhiễu… Điều này đã gây bức xúc trong dư luận xã hội.
![]() |
Bộ TT&TT tăng cường công tác hậu kiểm, thường xuyên rà quét thông tin trên mạng, đặc biệt là mạng xã hội, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm trong việc cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng Internet |
Dòng chảy thông tin khổng lồ
Theo thống kê, hiện nay ở nước ta có 1.952 trang thông tin điện tử tổng hợp và 935 mạng xã hội trong nước đã được cấp phép hoạt động; Trong đó, 10 mạng xã hội có trên 1 triệu tài khoản đăng ký hoạt động và 27 mạng xã hội có lượng người truy cập (page view) mỗi tháng từ 1 triệu lượt trở lên. Zalo là mạng xã hội lớn nhất với khoảng 73,6 triệu tài khoản, Mocha khoảng 20,1 triệu tài khoản… Các trang này phần lớn đều tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành của Việt Nam.
Bên cạnh đó, trên môi trường Internet còn tồn tại nhiều trang tin không rõ nguồn gốc, có tên miền quốc tế, đặt máy chủ tại nước ngoài cung cấp thông tin bằng tiếng Việt, từ các mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam.
![]() |
Ảnh minh họa |
Những trang mạng nước ngoài, các nền tảng xuyên biên giới hoạt động như một kênh sản xuất, phân phối nội dung, chủ sở hữu các nền tảng lớn như Facebook (70 triệu tài khoản), YouTube (60 triệu tài khoản), Tiktok (45 triệu tài khoản)… thường đưa ra các quy định riêng để quản lý nội dung (gọi là tiêu chuẩn cộng đồng) và áp dụng chung trên toàn cầu, rất hạn chế tuân theo luật pháp quốc gia sở tại. Những trang mạng xã hội này có nhiều người Việt Nam sử dụng nhất.
Chính vì vậy, tin giả, thông tin xấu độc chủ yếu xuất hiện và lan truyền mạnh mẽ trên các nền tảng xuyên biên giới. Việc xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn do các quy định, chế tài xử lý còn bất cập, chưa đầy đủ, đồng bộ.
Những giải pháp quản lý quyết liệt
Trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã quán triệt, chỉ đạo thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 134/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội, các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên Internet.
Theo đó, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật nhằm bổ sung hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật điều chỉnh hiệu quả hoạt động cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng; Tạo hành lang pháp lý cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động; Góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đối với lĩnh vực Internet.
Đồng thời, Bộ TT&TT xây dựng kế hoạch hành động cụ thể để tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động của những trang thông tin điện tử, mạng xã hội, các nền tảng trực tuyến trong và ngoài nước; Ban hành nhiều văn bản chỉ rõ những vấn đề tồn tại, bất cập trong hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội và đưa ra các biện pháp chấn chỉnh đối với các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ này.
![]() |
Thời gian gần đây, tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội có chiều hướng gia tăng |
Bộ TT&TT cũng quyết liệt xử lý tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, từng bước hạn chế tình trạng này. Công tác phòng ngừa, ngăn chặn và kiểm tra, làm rõ dấu hiệu “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội được thực hiện quyết liệt, bài bản, đi vào trọng tâm, trọng điểm, thể hiện rõ sự quyết tâm của Bộ TT&TT phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan chức năng liên quan để từng bước chấm dứt tình trạng nêu trên.
Từ năm 2019, Bộ TT&TT đã phối hợp với các Sở TT&TT triển khai một loạt các biện pháp cấp bách nhằm hạn chế tình trạng này. Cụ thể, Bộ đã ban hành các văn bản chỉ đạo gửi các đơn vị chức năng thuộc Bộ, Sở TT&TT yêu cầu siết chặt việc cấp phép, rà soát, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội.
Theo đó, cơ quan chức năng không cấp phép trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội có tên miền sử dụng những từ ngữ có thể gây nhầm lẫn là cơ quan báo chí; Đề nghị doanh nghiệp cam kết không sản xuất tin bài, hoạt động báo chí trên trang tin tổng hợp hoặc mạng xã hội của mình; Lập danh sách, tăng cường rà soát, theo dõi thường xuyên các trang tin tổng hợp và mạng xã hội có biểu hiện “báo hóa”, xử lý vi phạm, xem xét đình bản hoặc thu hồi giấy phép nếu tiếp tục vi phạm; Tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra hoạt động của một số trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội có dấu hiệu “báo hóa” nghiêm trọng.
Theo thống kê của Bộ TT&TT từ ngày 23 - 30/10/2022: Số tin, bài trên không gian mạng là 220.613 (866 nguồn tin); Số tin, bài trên cơ quan báo chí là 88.253 (305 nguồn tin); Số tin, bài về thị trường tài chính, trái phiếu, lạm phát là 6.250 tin, bài (234 nguồn tin). Số liệu rà soát trên hệ thống lưu chiểu, lượng tin bài về thị trường tài chính, chứng khoán, trái phiếu, lạm phát chiếm 7,08%. |
Từ năm 2021, Bộ TT&TT và Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức giao ban riêng với các cơ quan tạp chí (1 tháng/lần); Tổ chức định kỳ 6 tháng/lần giao ban với các trang thông tin tổng hợp, mạng xã hội (tập trung mời các trang tin điện tử và mạng xã hội có dấu hiệu “báo hóa” tham gia), thiết lập hệ thống kết nối trực tuyến qua ứng dụng với các trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội.
Qua đó, cơ quan chức năng đã nhắc nhở, cảnh báo, chấn chỉnh, nêu rõ xu hướng, biểu hiện “báo hóa”; Công bố kết quả xử lý những trường hợp “báo hóa” trang tin và mạng xã hội để nâng cao hiệu quả răn đe, cảnh báo; Tăng cường công tác hậu kiểm, thường xuyên rà quét thông tin trên mạng, đặc biệt là mạng xã hội, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm trong việc cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng Internet.
Bên cạnh đó, Bộ cũng triển khai các hệ thống thu thập, đánh giá thông tin vi phạm trên môi trường mạng để thực hiện công tác giám sát như: Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia; Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam; Hệ thống các đường dây nóng (hotline) và các phương tiện công nghệ thông tin (email, ứng dụng nhắn tin…) nhằm xử lý, chấn chỉnh, yêu cầu chấm dứt các hành vi đăng tải, chia sẻ nội dung vi phạm pháp luật.
Quyết liệt đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới
Trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã chủ động chỉ đạo các đơn vị chức năng kiên quyết, kiên trì triển khai đấu tranh quyết liệt, buộc các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google, TikTok, Apple, Netflix phải thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ những nội dung xấu độc, tin giả, tin sai sự thật, quảng cáo sai, phản cảm... buộc phải tuân thủ luật pháp Việt Nam.
Bộ cũng đã chủ động rà quét, theo dõi, đo lường, đánh giá xu hướng thông tin trên mạng nhằm xác định, phát hiện các nguồn thông tin xấu độc, các vấn đề nóng dư luận quan tâm để kịp thời đấu tranh, ngăn chặn.
![]() |
Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia có khả năng rà quét 300 triệu thông tin/ngày |
Nổi bật là việc thành lập và vận hành hiệu quả Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia có chức năng là đầu mối kỹ thuật về giám sát, hỗ trợ bảo đảm an toàn thông tin cho người dân, doanh nghiệp và các hệ thống thông tin của Đảng, Nhà nước. Trung tâm có khả năng rà quét 300 triệu thông tin/ngày; Đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ phát triển công cụ rà quét, nắm bắt dư luận xã hội trên mạng để cung cấp cho các Bộ, ngành, địa phương sử dụng.
Với những nỗ lực không ngừng, trong 9 tháng năm 2022, các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT đã phối hợp với các Sở TT&TT xử lý 134 tên miền gây nhầm lẫn với cơ quan báo chí, 14 tên miền có dấu hiệu cung cấp thông tin quảng cáo cho các dịch vụ trò chơi điện tử có tính chất cờ bạc; Ban hành 114 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động cung cấp trang thông tin điện tử, mạng xã hội với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng; Đồng thời ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục nghìn nội dung vi phạm trên các nền tảng xuyên biên giới.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Quyết liệt GPMB, tăng tốc thi công dự án cầu Tứ Liên

Bình Dương xây dựng Khu lưu niệm tri ân cụ Nguyễn Sinh Sắc

Nghệ An: Đại kỳ 2.025m2 tung bay kỷ niệm 135 năm ngày sinh nhật Bác

Đà Nẵng: Trao 200 suất quà cho thanh niên công nhân khó khăn

Kiều bào tích cực trồng cây, học tập theo lời dạy của Bác Hồ

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công cầu Tứ Liên

Đoàn lãnh đạo TP Hồ Chí Minh dâng hoa tưởng nhớ Bác

Trao giải cuộc thi viết "Cảm tưởng về cà phê, trà Việt"

Nhiều khu vực mưa dông, đề phòng lũ quét, sạt lở
