Sữa giả gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe ra sao?
Phụ huynh tá hoả vì "bồi dưỡng" cho con toàn... sữa giả
Gần 600 nhãn hiệu sữa bột giả các loại, bao gồm cả các sản phẩm dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai vừa được cơ quan công an phát hiện khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng.
Mặc dù trên nhãn mác công bố các thành phần giá trị như chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó..., nhưng thực tế điều tra cho thấy hoàn toàn không có những chất này trong sản phẩm. Cơ quan công an xác định chất lượng của một số chỉ tiêu trong sữa bột chỉ đạt dưới 70% so với mức công bố, đủ căn cứ để kết luận đây là hàng giả.
![]() |
Hình ảnh sữa giả bị cơ quan công an phát hiện, thu giữ khiến nhiều phụ huynh lo lắng vì đã sử dụng cho con uống trong thời gian dài |
Chị Nguyễn Thu Hương (Quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: Trước thông tin về vụ sữa giả, tôi rất lo lắng vì nhiều nhãn hiệu sữa đó tôi đã cho con uống khá nhiều. Đặc biệt, giai đoạn trẻ từ 1 - 3 tuổi, không phải bà mẹ nào cũng duy trì cho con bú mẹ hoàn toàn được. Tôi đã lựa chọn những loại sữa kia vì nghĩ đó là nguồn dinh dưỡng thiết yếu cho trẻ em, đặc biệt nhiều loại còn quảng cáo tăng chiều cao, phát triển trí thông minh... Sau khi đọc các thông tin về sữa giả, tôi thực sự lo lắng, không hiểu việc uống những loại sữa giả trong thời gian dài có ảnh hưởng gì đến sức khoẻ con tôi sau này. Người tiêu dùng nên dựa vào đâu để chọn mua sản phẩm an toàn?”.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Trương Tuyết Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: "Nếu tiêu thụ sữa giả hoặc sữa không đảm bảo về chất lượng an toàn thực phẩm có thể gây ra tình trạng ngộ độc cấp, các rối loạn tiêu hóa (như tiêu chảy, nôn ói…).
Đặc biệt có thể dẫn đến tình trạng mất nước, tiêu chảy cấp, hoặc các vấn đề dị ứng - nếu sản phẩm sữa đó không đảm bảo an toàn các thành phần dị ứng cho trẻ khi sử dụng thì rất khó để lường trước hậu quả".
"Sữa giả không đảm bảo các vi chất dinh dưỡng, các chất protein, lipid, glucid… khi dùng lâu dài ở phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ sẽ dẫn đến thiếu hụt chất dinh dưỡng, không đảm bảo tăng trưởng của bào thai cũng như trẻ đang phát triển. Trong khi hiện nay chúng ta đang tập trung cho dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời ở trẻ giúp trẻ phát triển tối ưu, nâng cao thể lực và trí tuệ cho trẻ em Việt Nam", Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia nói.
Ngoài đối tượng trẻ em, phụ nữ mang thai thì những người mắc bệnh lý, người có sức khỏe không tốt nếu uống phải sữa giả không đúng với các thành phần như công bố thì triệu chứng bệnh có nguy cơ nặng lên.
Chuyên gia dinh dưỡng dẫn chứng, với sữa giả không kiểm soát được các loại đường dễ khiến đường huyết bệnh nhân đái tháo đường tăng lên; bệnh nhân suy thận sử dụng sữa giả có lượng protein cao dẫn đến gánh nặng cho thận, ảnh hưởng trầm trọng thêm bệnh tật, gây ra các biến chứng nguy hiểm khác.
Vấn đề quan trọng nữa là khi phát hiện sử dụng sữa giả, người bệnh suy giảm niềm tin, bệnh nhân thêm bất an, lo lắng cho sức khỏe, ảnh hưởng tâm lý, tinh thần rất nhiều trong quá trình điều trị.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng lưu ý, việc sử dụng sữa giả trong thời gian ngắn có thể chưa đến mức ảnh hưởng trực tiếp cho sức khỏe ngay, vì vậy cần theo dõi, kiểm tra thêm.
Siết chặt quản lý, nâng cao cảnh giác để bảo vệ người tiêu dùng
Ngoài vấn nạn sữa giả, người dân cũng cần cảnh giác với các loại sữa được người nổi tiếng, KOLs quảng cáo "thổi phồng" công dụng như sữa giúp giảm đau xương khớp, chữa bệnh tiểu đường, tăng chiều cao vượt trội chỉ sau vài tháng…
Cảnh báo vấn đề này, PGS.TS Trương Tuyết Mai nói: "Tất cả sản phẩm dinh dưỡng nếu muốn đưa ra bất kỳ công dụng nào cũng cần được chứng minh về mặt khoa học dinh dưỡng. Điều này rất quan trọng để tránh nhầm lẫn công dụng. Các sản phẩm nếu muốn quảng cáo có tính đặc thù riêng, công dụng vượt trội thì phải có bằng chứng khoa học thuyết phục mới có thể kết luận chính xác về tác dụng của sản phẩm đó được, người dân cần hết sức tỉnh táo".
![]() |
Gần 600 loại sữa giả bị cơ quan chức năng phát hiện trong hồ sơ đăng ký bản công bố, cần có phiếu kết quả kiểm nghiệm an toàn thực phẩm |
PGS.TS Trương Tuyết Mai cho rằng, để tránh uống phải sữa giả, người dân cần lựa chọn những nơi uy tín để mua, đảm bảo cơ sở đó có nguồn gốc rõ ràng, hóa đơn đầy đủ. Nên kiểm tra nhãn mác, xuất xứ, chất lượng sản phẩm.
"Bằng cảm nhận thông thường có thể kiểm tra màu sắc mùi vị sản phẩm. Sữa thật có mùi thơm đặc trưng rất rõ, màu vàng nhẹ, khi pha độ hòa tan tốt, không lắng cặn… thì có thể lựa chọn để sử dụng", chuyên gia khuyến cáo.
Trên thực tế, tiêu thụ nhiều sữa sẽ làm giảm tiêu thụ các thực phẩm đa dạng khác như thực phẩm nguồn gốc động vật như thịt, cá, trứng… và các loại rau quả. Hậu quả là thiếu vi chất dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu sắt và kẽm. Trong khi đó giá thành của các loại sữa tương đối cao so với các thực phẩm khác, làm tăng không cần thiết chi phí nuôi dưỡng trẻ.
Vì vậy, ngoài sữa, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo mạnh mẽ, đối với trẻ trên 6 tháng tuổi cha mẹ cần tăng cường cho con ăn đa dạng để phòng chống thiếu hụt các chất dinh dưỡng trong cơ thể.
Sữa chủ yếu cung cấp canxi và một phần protein, người dân có thể lựa chọn các sản phẩm thực phẩm khác giàu canxi và protein (như tôm, cua, cá...) cho bữa ăn hàng ngày để có chế độ ăn uống lành mạnh, cân đối, hợp lý, không nhất thiết phải là sữa.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Tuyên truyền về an toàn thực phẩm đến hơn 100 hội viên phụ nữ

Thủ tướng yêu cầu sớm đưa ra kết luận về vụ việc sản xuất, buôn bán sữa giả

Y bác sĩ không được tham gia quảng cáo thực phẩm chức năng

Kết quả rà soát việc công bố sản phẩm trong đường dây sữa giả

Quận Tây Hồ chung tay vì sức khoẻ cộng đồng

Tập trung hậu kiểm nhóm thực phẩm có nguy cơ ảnh hưởng sức khoẻ

Mối nguy "bủa vây" bếp ăn Công ty Chee Wah Việt Nam

Kiểm soát chất lượng thực phẩm, bánh kẹo tại các làng nghề

Phát hiện khu vực bếp ăn xuống cấp, nhiều lỗi vi phạm nghiêm trọng
