Xử lý nghiêm người nổi tiếng quảng cáo "nổ" sữa, thực phẩm chức năng
Lợi dụng niềm tin của người tiêu dùng, người nổi tiếng tiếp tay cho sản phẩm kém chất lượng
Các quảng cáo đua nhau "chiếm sóng" từ Youtube đến các mạng xã hội Facebook, Tiktok lợi dụng tầm ảnh hưởng của những người nổi tiếng, diễn viên, ca sĩ, hoa hậu đang được công chúng ưa thích.
Nội dung quảng cáo thường đánh vào tâm lý muốn nhanh chóng khỏi bệnh mạn tính hay đơn giản là bổ sung chất tốt cho sức khỏe từ các loại thực phẩm chức năng có công dụng "ảo" đến “loại sữa có thể chữa bệnh đái đường, bệnh xương khớp”… là những lời quảng cáo “có cánh” khiến người tiêu dùng có thêm niềm tin lựa chọn sản phẩm.
![]() |
Nhiều người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm sữa của công ty sản xuất sữa giả vừa bị phát hiện |
Điển hình như một loại sữa hạt được chạy quảng cáo trên các nền tảng TikTok do nhiều nghệ sĩ quảng cáo: “Đau nhức xương khớp, thử nhiều phương pháp và tốn nhiều tiền nhưng không hết, mọi người nên sử dụng sữa hạt này sẽ đỡ hẳn tê bì chân tay, nhức mỏi xương khớp”…
Trong bối cảnh này, Bộ Y tế đã nhiều lần cảnh báo “nóng” và đưa ra khuyến cáo. Song, mạng xã hội vẫn xuất hiện nhiều quảng cáo quá mức, gây nhiễu loạn thông tin. Theo quy định của Bộ Y tế, thực phẩm chức năng hay thực phẩm bảo vệ sức khỏe chỉ có tác dụng hỗ trợ, bổ sung dinh dưỡng, không có khả năng chữa bệnh.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng tâm lý mong muốn khỏi bệnh nhanh của người tiêu dùng để quảng cáo sai sự thật, thậm chí sử dụng người nổi tiếng nhằm tạo dựng lòng tin.
Đáng lo ngại là không phải tất cả những quảng cáo này đều dựa trên cơ sở khoa học hoặc được kiểm chứng bởi cơ quan chức năng. Trong nhiều trường hợp, những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội đã vô tình hoặc cố ý “tô vẽ” công dụng của sản phẩm, khiến người tiêu dùng kỳ vọng quá mức. Trong khi thực tế, một sản phẩm đơn lẻ khó có thể mang lại kết quả thần kỳ như vậy.
Hệ lụy của việc quảng cáo quá đà không chỉ dừng lại ở sự thất vọng khi sản phẩm không đáp ứng mong đợi, mà còn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Việc tự ý sử dụng thực phẩm chức năng mà không tham khảo ý kiến chuyên gia có thể dẫn đến tác dụng phụ hoặc gây nguy hiểm trong một số trường hợp.
Người nổi tiếng phải chịu trách nhiệm đạo đức và pháp lý
Ngày 15/4, theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử; Cục Văn hóa cơ sở về việc phối hợp quản lý quảng cáo thực phẩm.
Cục An toàn thực phẩm nhận được phản ánh của báo chí (https://baomoi.com/btv-quang-minh-van-hugo-nsnd-hong-van-bi-reo-ten-vi-quang-cao-sua-r51968533.epi) và hậu kiểm tại đường link:https://www.facebook.com/xuongkhopbonmaxjoint/videos/-l%C3%A0nh-t%C3%ADnh-hi%E1%BB%87u-qu%E1%BA%A3-ti%E1%BA%BFt-ki%E1%BB%87m/897046429044396/phát hiện một số người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đang quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng có dấu hiệu vi phạm quy định về quảng cáo thực phẩm, đặc biệt quảng cáo gây hiểu nhầm sản phẩm có công dụng như thuốc chữa bệnh, quảng cáo gây nhầm lẫn về chất lượng, công dụng sản phẩm.
![]() |
Người nổi tiếng sẽ phải chịu trách nhiệm khi quảng cáo các sản phẩm vi phạm |
Để quy định pháp luật được thực thi nghiêm minh, ngăn ngừa kịp thời việc quảng cáo quá tác dụng của sản phẩm thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm đề nghị phối hợp kiểm tra thông tin, xử lý hành vi quảng cáo vi phạm pháp luật của các trang mạng xã hội và xử lý người nổi tiếng quảng cáo vi phạm đã được phản ánh tại đường link nêu trên và thông báo kết quả để Cục An toàn thực phẩm tổng hợp.
Ngoài ra, liên quan đến việc phòng chống thực phẩm không đảm bảo an toàn, thực phẩm giả, kém chất lượng, Bộ Y tế luôn nhất quán trong công tác chỉ đạo điều hành thông qua việc xây dựng, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm; trong công tác phối hợp liên ngành nhất là phối hợp với Bộ Công an và Ban chỉ đạo 389 của Bộ Công thương trong việc xử lý thực phẩm giả, thực phẩm có chứa chất cấm…
TS Trần Việt Nga, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: Việc quản lý an toàn thực phẩm được quy định tại Luật An toàn thực phẩm, trong đó quản lý an toàn thực phẩm của các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Công thương và UBND các cấp được quy định tại các Điều 62,63,64 và 65; Trách nhiệm "Chủ trì việc phòng chống thực phẩm giả, gian lận thương mại trong lưu thông, kinh doanh thực phẩm" được quy định tại khoản 5 Điều 64 Luật An toàn thực phẩm.
Việc công bố và đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm được quy định tại Nghị định 15/2018/ NĐ-CP ngày 2/2/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm.
Theo đó, đa số các thực phẩm được tự công bố và có 4 nhóm cần kiểm soát chặt hơn thì phải được đăng ký bản công bố sản phẩm với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.
Việc trao quyền công bố sản phẩm cho các doanh nghiệp để tạo thông thoáng trong thủ tục hành chính nhưng khi công bố doanh nghiệp phải "cam kết thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm và hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ công bố và chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm đã công bố" (quy định tại Bản tự công bố và Bản công bố sản phẩm của Nghị định 15/2018).
Hàng năm, Cục An toàn thực phẩm có các văn bản chỉ đạo Sở Y tế các địa phương, Sở An toàn thực phẩm TP HCM triển khai công tác hậu kiểm an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Cụ thể từ đầu năm 2025 đến nay, Cục An toàn thực phẩm đã có 3 văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác hậu kiểm năm 2025, công tác triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm gắn với việc tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đề nghị các địa phương rà soát, cung cấp thông tin về tình hình tiếp nhận hồ sơ tự công bố và đăng ký bản công bố sản phẩm; cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; tình hình thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các cơ sở và sản phẩm có liên quan.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Ăn củ ấu tàu thay bữa cơm, một phụ nữ bị ngộ độc

Kiểm tra đột xuất, tăng mức xử phạt các hành vi vi phạm ATTP

Vụ 6 người ngộ độc rượu: Hàm lượng methanol vượt ngưỡng hơn 1.000 lần

Đô Lương (Nghệ An): 12 học sinh ngộ độc sau khi ăn cơm nắm cạnh cổng trường

Ủng hộ đề xuất phạt nặng vi phạm về an toàn thực phẩm

Hà Nội triển khai Tháng hành động vì ATTP năm 2025

Kẹo rau củ Kera là hàng giả, cơ quan chức năng tìm người bị hại

Siết chặt hậu kiểm an toàn thực phẩm tại cộng đồng

5 đoàn liên ngành Trung ương ra quân Tháng hành động vì ATTP
