Nông thôn mới, diện mạo mới, sức sống mới
![]() |
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, diện mạo vùng quê khởi sắc rõ rệt, đời sống của người dân được nâng cao
Bài liên quan
Bài 1: Bước chuyển mình của vùng quê nông thôn mới Kim Lư
Bài 2: Uy tín tạo nên thương hiệu miến dong Tài Hoan
Bài 3: Nỗ lực thoát nghèo nhờ sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP
Hà Nội – cầu nối tiêu thụ nông sản đặc sản của cả nước
Nhiều kết quả nổi bật sau gần 10 năm xây dựng nông thôn mới
Có thể thấy rằng, trong 10 năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã trở thành một phong trào sôi nổi, rộng khắp trên cả nước và đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, tạo nên bước ngoặt lớn trong phát triển nông thôn nước ta. Bộ mặt nông thôn khởi sắc rõ rệt, từng bước gắn phát triển toàn diện nông thôn với cơ cấu lại và đổi mới mô hình tăng trưởng ngành nông nghiệp, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân, tạo nền tảng ổn định chính trị, xã hội.
Chương trình xây dựng NTM góp phần tăng sự hài lòng với cuộc sống của cư dân nông thôn, tạo nền tảng ổn định chính trị - xã hội thông qua tăng thu nhập và giảm nghèo nông thôn.
Khảo sát của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) phối hợp với các cơ quan nghiên cứu khác tại 12 tỉnh trên cả nước cho thấy tỷ lệ hộ hài lòng với cuộc sống ở nông thôn tăng lên từ 50,4% năm 2012 lên 79,3% năm 2018. Tại các xã đạt chuẩn NTM, tỷ lệ hộ hài lòng với cuộc sống nông thôn cao hơn và tăng mạnh hơn cùng với tăng trưởng mạnh về thu nhập. Đồng thời, nhóm xã đạt chuẩn NTM có tốc độ giảm nghèo nhanh hơn nhóm xã chưa đạt chuẩn.
Diện mạo nông thôn khởi sắc, hạ tầng cũng thay đổi rõ rệt, nhận thức về NTM được tăng cường. Sau giai đoạn đầu (2010-2015) còn chập chững khởi động, giai đoạn 2 của xây dựng NTM (2016-2019) đã tập trung xử lý nhiều hơn các vấn đề về hạ tầng và sinh kế của người dân nông thôn.
![]() |
Nhờ có chương trình nông thôn mới, nhà văn hóa xóm 4, Hải Bắc, Hải Hậu (Nam Định) được xây dựng khang trang để bà con nhân dân sinh hoạt văn hóa, văn nghệ |
Chương trình xây dựng NTM góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn và cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đã giảm mạnh từ 48,2% xuống còn 38,1% trong giai đoạn 2010-2018.
Khảo sát gần đây cho thấy Chương trình xây dựng NTM đã có đóng góp tích cực đối với thúc đẩy liên kết sản xuất ở nông thôn. Tại các xã đạt chuẩn NTM, tỷ lệ hộ đi thuê đất từ hộ khác là 37,7%. Trong khi tại các xã chưa đạt chuẩn tỷ lệ này chỉ là 25,3%.
Tỷ lệ hộ sẵn sàng góp đất canh tác cùng hộ khác tại các xã đạt chuẩn NTM là 47,6%; trong khi chưa đạt chuẩn NTM chỉ là 40,1%. Đã xuất hiện nhiều mô hình đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng phát triển kinh tế hợp tác, liên kết chuỗi giá trị.
Một trong những nét đặc sắc của Chương trình xây dựng NTM là việc triển khai đề án OCOP, tập trung phát triển kinh tế nông thôn thông qua việc phát triển các sản phẩm địa phương, chỉ dẫn địa lý giúp quảng bá thương hiệu các mặt hàng nông sản địa phương.
Đặc biệt, nhờ chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nên ngày càng xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu, cách làm sáng tạo ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường trong xây dựng NTM như mô hình chuyển đổi cơ cấu sản xuất mạnh mẽ hiệu quả ở Sơn La, Ninh Bình, Quảng Nam, An Giang, Đồng Tháp.
Hay như đổi mới tổ chức sản xuất, đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai ở Hà Nam, Bắc Giang; Chương trình OCOP của Quảng Ninh, Bắc Kạn, Bến Tre; Xây dựng NTM gắn với tôn tạo, giữ gìn cảnh quan, môi trường, xây dựng các mô hình NTM kiểu mẫu sáng - xanh - sạch - đẹp như Hà Nội, Nam Định, Hà Tĩnh, Lào Cai…và rất nhiều các mô hình tiêu biểu ở khắp các tỉnh trong cả nước.
Khắc phục tồn tại, hạn chế
Mặc dù có nhiều kết quả nổi bật nhưng chương trình NTM vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Cụ thể, hiện nay phát triển nông thôn chưa gắn kết với đô thị, chênh lệch thu nhập giữa nông thôn thành thị ngày càng cao, sinh kế cư dân nông thôn thiếu bền vững. Ngay kể cả các xã, huyện ven đô cũng rất lúng túng khi xây dựng NTM do chưa rõ định hướng kết nối với phát triển đô thị.
Quá trình xây dựng NTM chưa gắn chặt với cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, ưu tiên cho phát triển hạ tầng trong xây dựng NTM nhưng hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện nhiều nơi còn yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn.
Đầu tư xã hội cho nông nghiệp thấp, chỉ khoảng 3 tỷ USD/năm, trong đó 50% là ngân sách nhà nước, chỉ có 16,7% là của doanh nghiệp. Liên kết yếu giữa người sản xuất và doanh nghiệp yếu. Cụ thể trong mô hình cánh đồng lớn, tỷ lệ diện tích được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm trước khi sản xuất chỉ ở mức dưới 30% và tỷ lệ này thấp nhất ở những vùng sản xuất nông nghiệp chính như Đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long...
![]() |
Vai trò chủ thể của nông dân chưa được đề cao nên chưa phát huy đúng tiềm năng. Điều tra năm 2019 của IPSARD cho thấy chỉ có 68,1% số hộ cho biết mình có quyền tham gia ý kiến vào quy hoạch, kế hoạch, đề án NTM của địa phương; chỉ có 55% số hộ cho biết mình có quyền tham gia ý kiến lựa chọn công trình, dự án; 66,9% số hộ cho biết mình có quyền giám sát quá trình thực hiện các dự án NTM… Có những trường hợp người địa phương được phỏng vấn không biết rằng xã mình đã đạt chuẩn NTM.
Bên cạnh đó, một số giá trị văn hóa truyền thống bị phai nhạt, tính gắn kết cộng đồng bị xói mòn. Tệ nạn xã hội, trật tự an toàn xã hội một số nơi gia tăng, số vụ án gây bức xúc trong dư luận xã hội. Mặc dù cư dân nông thôn vẫn còn niềm tin cao vào cộng đồng, hàng xóm (trên 80% số người được hỏi) nhưng họ ngày càng lo ngại về sự gia tăng của các tệ nạn xã hội ở nông thôn ở mức 70% số người được hỏi).
Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn có xu hướng gia tăng; ứng phó rủi ro, biến đổi khí hậu còn hạn chế. Đô thị hóa, công nghiệp hóa gắn với việc quy hoạch phát triển kinh tế xã hội thiếu đồng bộ, thiếu tổng thể đã góp phần phá vỡ cảnh quan tự nhiên, cảnh quan bản địa/truyền thống; làm suy giảm chức năng sinh thái của vùng nông thôn; gia tăng ô nhiễm không khí, tiếng ồn và nước thải công nghiệp tại chỗ ở các vùng nông thôn…
Vì vậy, trong giai đoạn tiếp theo, các địa phương cần xây dựng NTM hướng đến chất lượng cuộc sống của người dân. Lấy thay đổi tư duy, nếp sống, năng lực của người dân làm mục tiêu; cư dân nông thôn làm chủ thể; cộng đồng thôn, bản là đơn vị để đánh giá.
Cùng với đó phải phát triển kinh tế nông thôn gắn với đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp và đổi mới mô hình tăng trưởng. Khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh. Lấy doanh nghiệp làm hạt nhân, liên kết chuỗi giá trị đồng bộ từ khâu đầu vào đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ.
Ngoài ra, cần phát triển nông thôn phải triển khai song song với đô thị hóa nông thôn bền vững và tăng cường liên kết nông thôn - đô thị. Đặc biệt, trong bố cảnh hiện nay, yêu cầu của giai đoạn 2021-2025, cần ưu tiên, tập trung nâng cao năng lực sáng tạo, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ và khởi nghiệp ở nông thôn.
Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Hà Nội tăng cường quản lý khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Trang bị kiến thức sản xuất nông nghiệp cho bà con nông dân Sóc Sơn

Vụ mới bắt đầu trên “cánh đồng đạm tự nhiên” ở Cư Jút

Nâng cao giá trị làng nghề làm sáo diều Bá Dương Nội

Cùng nông dân Đan Phượng chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp

Giúp người dân nâng cao kiến thức, làm chủ khoa học kỹ thuật

Lâm Đồng đề xuất hỗ trợ kiểm soát chất lượng sầu riêng phục vụ xuất khẩu

Cần đẩy mạnh công tác tiêm vắc xin phòng dại cho đàn vật nuôi

Hà Nội dẫn dầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP
